Kinh nghiệm làm lúa nước của người Thái ở Điện Biên
Thứ năm, 14:03, 10/02/2022 HH BTCT HH BTCT
VOV4.VN - Tại Điện Biên, người Thái sống tập trung chủ yếu ở các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Nhé, thị xã Mường Lay. Họ có nhiều kinh nghiệm trong kỹ thuật tưới nước, đắp phai, đào mương, làm ruộng nước.

Sáng tạo một hệ thống tưới tiêu cho ruộng
Người Thái ở nhà sàn. Mỗi bản thường có 30 – 80 nóc nhà kề nhau, sinh sống dọc theo các con suối, nguồn nước. Một trong những tiêu chí quan trọng đầu tiên trong việc chọn đất làm nhà của người Thái là phải gần nguồn nước. Cho nên, những bản làng của người Thái thường nằm ở những thung lũng, các vùng lòng chảo, ven suối. Trước hiên nhà, phóng tầm mắt ra xa là đồng ruộng xanh mướt. Thấp thoáng là những guồng nước, cọn nước quay đều, quay đều mải miết ngày đêm.

Anh Tòng Văn Hân, hội viên hội văn nghệ dân gian Việt Nam - người Thái đen ở bản Liếng, xã Nong Luống, huyện Điện Biên cho hay, kinh nghiệm làm lúa nước của người Thái có từ lâu đời. Bà con có những tri thức bản địa phong phú, phù hợp với địa vực cư trú.

"Chỗ nào có những cái lũng, hoặc khe nhỏ nhỏ mà không khơi rãnh được, hoặc do địa hình đá thì người ta bắc máng bằng cây tre. Người ta làm rỗng đi, xong người ta dẫn nước qua đấy để cho nó chảy vào ruộng" - Anh Hân nói.

Vẻ đẹp của cánh đồng Mường Thanh. Ảnh: sanvemaybay.vn

Hệ thống mương, phai, lái, lin và cọn nước chính là những thành tựu của người Thái trong quá trình canh tác lúa nước bằng phương pháp dẫn thủy nhập điền. Người ta đắp một con đập bằng gỗ, nứa, rơm, rạ, đất… ở một dòng sông hoặc dòng suối nhỏ chắn cho nước dâng lên, dẫn vào ruộng, vào mương. Kèm theo đó là những phai phụ, những đường dẫn nước bằng tre, bằng luồng… tạo ra những đường dẫn thành một hệ thống mương, phai, lái, lin độc đáo.
"Tri thức về dẫn nước, người Thái nói là “mương, phai, lái, lin” có nghĩa là đắp đập dẫn nước, khơi dòng mương để dẫn nước qua các khoảng đất trống hoặc chân đồi. Từ hệ thống mương, phai, lái, lin lấy nước tưới tiêu ấy, người Thái có một hình thức nuôi thả cá tự nhiên ngay trong chính những thửa ruộng của mình. Hết mùa, nước ruộng tháo cạn cũng là mùa thu hoạch cá. Đây là hệ thống đã được cha ông làm từ rất lâu đời" - Anh Hân chia sẻ.

Trước kia, người Thái chủ yếu trồng lúa nếp. Thân lúa cao nên mực nước đưa vào ruộng thường dâng khoảng 30cm. Đó là điều kiện tốt để bà con kết hợp thả cá. Với những kinh nghiệm quý trong tạo dựng hệ thống thủy lợi nên người Thái có cho mình những con mương dài hàng cây số dẫn nước về ruộng. Đó là cách thích ứng tuyệt vời với môi trường tự nhiên đồng bào Thái vẫn truyền đời.

Giỏi làm ruộng nước
Khi làm ruộng, ngoài chọn nơi có nguồn nước, khoảng ruộng ấy đất phải mềm, ít đá. Tùy theo khoảng đất họ sẽ nắn bờ theo độ cong của dốc, tạo thành những bờ cong mềm mại đặc trưng. 
Xưa, rừng còn nhiều cây to, những nơi có cây lá màu xanh sẫm, có độ bùn sâu, đồng bào Thái sẽ chọn nơi ấy làm ruộng. Chọn được đất, người ta sẽ phát đốt. Họ đào những cây ấy bỏ ra ngoài ủ cho thối, tạo nên một lớp phân dạng than non. Lớp phân này sau sẽ được bón cho lúa. 

Cùng với đó bà con sẽ tạo mặt bằng cho từng mảnh ruộng. Làm ruộng nơi này vất vả, nên bà con thường huy động, nhờ anh em, họ hàng cùng làm. 

Trên những khoảnh ruộng ấy, người Thái gieo những bông lúa giống được chọn lựa kỹ càng từ vụ mùa trước. Thứ lúa giống này được bà con cất cẩn thận trong chiếc bung tre đan kín, đậy bằng lá chuối khô và cất lên trên gác bếp cao. Hơi khói bếp bay lên len lỏi trong chiếc bung khiến mọt, mối không dám bén mảng. Nhờ đó giữ cho những hạt giống chắc, mẩy cho vụ mùa mới.

Các loại hạt giống như hạt vừng, hạt bông, rau cải bà con sẽ gói trong túi vải thô do người Thái tự dệt hoặc bỏ vào trong ống nứa, ống tre khô đậy kín cất trong gác bếp. Đến mùa làm ruộng, người ta đem thóc giống ra quạt thêm một lần nữa cho thật sạch, mang đãi trong nước suối. Những hạt thóc không mẩy sẽ trôi đi, đọng lại những hạt giống khỏe. Họ mang về ngâm trong nước ấm khoảng 2 ngày, 2 đêm, hạt lên mầm, bà con sẽ mang mạ đi gieo ở ruộng lúa. Đầu mùa mưa tầm khoảng tháng 5 là mùa gieo mạ. 

Theo anh Tòng Văn Hân, người Thái có cách làm mạ đặc biệt, tiếng địa phương gọi là xăm cả. "Gieo mạ xuống đất được khoảng hơn 1 tháng người ta sẽ nhổ mạ đấy đi cấy vào khoảng ruộng khác. Cấy dầy hơn. Ta gọi là xăm cả. Trong thời gian xăm cả cây mạ sẽ to lên. Khi cây cao tầm khoảng 40cm người ta sẽ nhổ cây mạ đấy đi cấy ở các ruộng lúa. Các ruộng lúa người ta đã be bờ lên cao và người ta thả cá sẵn ở đấy, trong đấy có rất nhiều cua. Những cây mạ cao như thế con cua sẽ không cắn được cây mạ. Nếu nhổ mạ trực tiếp cắm vào sẽ không được ăn. Đấy là một kinh nghiệm trồng lúa của người Thái".

Làm ruộng mạ, cả bản người Thái sẽ cùng chung sức làm một khu ruộng mạ riêng. Các gia đình sẽ cử người đại diện cùng nhau đi chặt cây về rào lại. Mỗi người một chân, một tay cùng bảo vệ khu ruộng mạ của bản mình để tránh trâu quấy phá. Và khi ấy bản của người Thái cũng có nhiều điều kiêng kị như chọn ngày tốt, không được cắn chắt hạt giống, không ăn lúa nương. Họ quan niệm không làm vậy kiến, chim sẽ ăn hạt giống ấy.
Người Thái ngoài làm ruộng trồng lúa, người ta còn trồng ngô ở các ven bờ suối hoặc trong những khe có độ dốc thấp. Nơi ấy đất có độ ẩm cao, trồng ngô nhanh lớn, cho bắp sai cây. Họ trồng xen lẫn những cây đỗ nho nhe, thân dây đỗ mọc lan cả vườn ngô, chỉ 3 tháng là thu hoạch được đỗ. Trồng xen canh cũng là hình thức tạo màu cho đất rất hiệu quả của đồng bào Thái nhưng chẳng mất nhiều công.

Thu Cúc/VOV4


HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC