Nét đẹp trong văn hóa người Pu Péo
Thứ năm, 10:16, 05/08/2021 HH bt CT HH bt CT
VOV4.VN - Người Pu Péo ở Hà Giang chỉ có hơn 600 người. Họ sinh sống chủ yếu tại các xã: Phố Là thuộc huyện Đồng Văn; xã Sủng Tráng, Phú Lũng của huyện Yên Minh; và xã Yên Cường của huyện Bắc Mê. Nhiều nét đẹp của người Pu Péo cho đến nay vẫn được trao truyền qua nhiều thế hệ.

Dâng bầu cúng tổ tiên
Người Pu Péo được biết đến là một trong những cư dân sinh sống lâu đời ở vùng cao cực bắc Hà Giang. Họ được xem là những cư dân đầu tiên khai phá mảnh đất hiểm trở này.

Bằng chứng là hiện nay, trong các bài cúng của người Mông, người Cờ Lao, khi khai nương, phá ruộng để làm những nương mới, bao giờ họ cũng cúng những cư dân thuở trước, trong đó có tên của người Pu Péo. 

Trang phục người Pu péo. Ảnh: Vnexpress.net

Theo truyền thuyết của người Pu Péo, ngày xưa chưa có nhiều con người như bây giờ. Trong một xóm nọ có hai chị em sinh sống. Một hôm, có hai vợ chồng khách lạ qua đường, xin trú chân qua đêm. Nhà không có gì, hai chị em bèn lấy mẹt tre làm chỗ cho hai vợ chồng khách ngủ. Nửa đêm, người em trai thức giấc, nhìn thấy trên mẹt tre là hai con rắn đang nằm. Sợ hãi, người em bèn lặng lẽ đi nằm. Nhưng sáng ra, chẳng thấy rắn đâu, mà chỉ có hai vợ chồng người khách nọ.
Trước khi từ biệt, người vợ bèn lấy từ trong túi một hạt bầu bảo hai chị em đem đi gieo và dặn: 3 ngày tới cây lên thì đi chăm sóc. 6 ngày cây ra hoa, 9 ngày cây có quả và đến ngày thứ 12, trời mưa to thì đi hái bầu về. Nếu nước lớn hai chị em hãy đục một lỗ trên quả bầu và ngồi vào đó. Lời dặn dò của người khách lạ ứng nghiệm, một trận đại hồng thủy xảy ra nhấn chìm bản làng, nhà cửa. Chỉ có hai chị em sống sót.
Ba ngày nước rút, hai chị em đi khắp nơi tìm người thân, xóm làng. Đến đâu, sông suối, cây cối đều trả lời: “không còn ai cả, hai chị em phải làm vợ chồng thôi”. Không đồng ý, hai chị em bèn đứng ở hai bên núi, 3 lần thả 3 vật để đoán ý trời.

Lần thứ nhất hai bên tung mẹt, mẹt vừa khít với nhau. Lần thứ hai, mỗi bên thả cối đá. Hai cối đá từ hai bên núi lăn lại xếp vừa vặn bên nhau. Lần thứ ba, người chị cầm kim, người em cầm chỉ. Mỗi người một đầu núi rồi tung kim, chỉ về phía đối phương. Lạ thay, sợi chỉ luồn qua ngay lỗ kim. Từ đó, hai người trở thành vợ chồng, sinh ra người Pu Péo.


Người Pu péo có lễ cúng thần rừng. Ảnh: Vnexpress.net

"Hai chị em thành vợ, thành chồng. Người chị mang bầu, sinh ra một miếng thịt vuông. Hai người bèn băm nhỏ, rồi đem đi vứt. Sáng hôm sau, miếng thịt rơi chỗ nào, chỗ ấy thành người, thành nhà. Hai người xấu hổ, bèn kéo nhau đi lên trời. Người chị xấu hổ, bèn đi ban ngày. Người em đi ban đêm. Đi ban ngày sợ xấu hổ thì chị cứ cầm một bó kim. Ai mà nhìn lên thì chị có thể lấy kim chọc mắt. Bây giờ, mặt trời mình nhìn lên mặt trời chói mắt không thể nhìn được. Cái ông trăng đi ban đêm ai cũng nhìn thấy". 
Cho đến giờ, ông Tráng Mìn Hồ ở thôn Chúng Chải, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang vẫn nhớ như in câu chuyện về người Pu Péo ông vẫn thường được nghe các cụ kể lại từ ngày còn bé. Câu chuyện ấy lý giải sự ra đời của mặt trời, mặt trăng của người Pu Péo, cũng là lời nhắc nhở cho con cháu không bao giờ được quên vì sao người Pu Péo lại có tục thờ quả bầu. 
"Cúng ngày tết, ngày lễ phải dùng. Tối 30 cuối năm, mùng một đầu năm với lại ăn rằm 15 tháng 1. Ăn rằm tháng 7, ăn rằm tháng 9 dùng quả bầu mà". - Ông Hồ nói.
Cũng từ câu chuyện ấy mà người Pu Péo khi cúng lễ luôn đục một lỗ trên quả bầu để tưởng nhớ đến tổ tiên thoát nạn đại hồng thủy. Và họ bao giờ cũng bày thức ăn trên chiếc mẹt tre khi hành lễ.

Thiêng liêng nếp nhà người Pu Péo
Người Pu Péo luôn tin trên thế giới này vạn vật đều có linh hồn. Từ cây cối, sông suối, đất đai, con người, loài vật… đều có hồn trú ngụ, có thần bảo trợ. Điều này thể hiện rõ nét ở ngôi nhà của người Pu Péo.
Trong mỗi ngôi nhà đất truyền thống, người Pu Péo thường làm 3 – 5 gian. Từ cửa chính bước vào, ở gian giữa gia chủ thờ thiên địa, cạnh gian bên phải có thờ tổ tiên và cạnh gian bên trái nơi có bếp lò, gia chủ có thờ thần bếp. Bếp này, người Pu Péo dùng chiếc kiềng để nấu cơm, đun nước. Vì quan niệm có thần ngự trị, nên dù không có bàn thờ riêng nhưng những dịp lễ lớn trong năm, người Pu Péo luôn làm lễ cúng thần bếp và giữ kiêng kỵ.

Trò chơi trong lễ hội. Ảnh: Vnexpress.net

"Ngày tết, ngày lễ, 30, mùng một với ngày 15 ăn tết thì quét cái bếp lò cho sạch. Ngày mùng một đầu năm không để nước lên trên mặt lò. Các cụ bảo là nếu mà để nước dính trên mặt bếp lò đi đâu thường hay bị mưa, trồng ngô các thứ thì hay bị mưa". 
Ở vị trí giữa nhà người Pu Péo luôn có hai cột chính. Hai chiếc cột nhà này tượng trưng cho người vợ và người chồng trong gia đình. Hôm 30 Tết và ngày mùng Một đầu năm mới, gia chủ đều phải có chén trà, thẻ hương cúng hai cột này để cầu bình an. 
Tại các cột đá kê dưới chân cửa thường được bà con khắc hình các loại gia cầm, gia súc. Ông Tráng Mìn Hồ bảo, khắc lên đó để thần cửa bảo hộ, nuôi con gì cũng được sinh sôi, phát tài.
"Cái đá ở cửa này nó có hình con rồng, hình con gà, hình con ngan nó tượng trưng cho thần cửa này bảo vệ gia súc, gia cầm của gia đình mình".
Cũng bắt nguồn từ quan niệm: cuộc sống con người có bình an hay không là nhờ các vị thần và tổ tiên che chở nên ngoài thờ thần bếp người Pu Péo có thờ thiên - địa và thờ tổ tiên.
"Bởi vì, con người ở đâu cũng phải có trời, có đất thì mới làm được ăn thì mình phải thờ thiên và thờ địa. Con người dù mình giỏi đến mấy nhưng trời không mưa thì mình cũng không thể làm được. Có bố, có mẹ, có nhà mới làm được ăn".
Cướp giọng gà ngày Tết
Từ xa xưa, trong điều kiện lao động sản xuất còn phụ thuộc phần lớn vào tự nhiên, cuộc sống tự cung, tự cấp nên ngoài chăm chỉ làm lụng, có những phương cách chống đỡ thiên tai, bệnh dịch, họ còn tìm đến sự cộng cảm của thần linh. Từ đó, nhiều hoạt động cầu may được đồng bào coi trọng. 
Ngày Tết, người Pu Péo có tục cướp giọng gà. Đêm 30, cả gia đình sẽ chẳng hai đi ngủ bởi họ cho rằng, làm vậy ngô, lúa sẽ không được mùa. Trong thời khắc giao thừa, các gia đình sẽ canh chừng mấy chú gà trống của nhà mình. Khi gà vỗ cánh, chuẩn bị gáy, họ phải đốt ngay một quả pháo, ném vào chuồng gà để tiếng pháo nổ trước khi gà cất tiếng gáy. Mục đích là để lấy may trong năm mới.
"Tất cả phải kiêng lấy cái giọng gà. Ví dụ con gà đang vỗ cánh, đốt phát quả pháo trước con gà kia thì năm đấy ông bà kia tài lắm đấy. Mình chỉ tranh lấy giọng của nó trước thôi. Xong là lúc lấy mình mở cửa chào năm mới. Bước qua cửa đi chào năm mới xong bê củi, đi lấy nước nói là đón lấy may mắn về nhà".
Lấy được giọng gà, mở cửa đón năm mới, mọi người trong gia đình sẽ cùng nhau đi lấy nước bạc. Mỗi người một đôi thùng đi gánh nước ở đầu nguồn mang về rửa mặt, nấu cơm cúng tổ tiên.
Trong nhà có bao nhiêu người thì bấy nhiêu người cùng đi. Tất cả "tranh" lấy nước bạc, lấy nước may mắn. Họ sẽ mang hương, giấy bạc rồi thắp hương, xin lộc may mắn. Cùng với nước bạc, người Pu Péo sẽ mang về một khúc củi hàm ý mang tiền tài, súc vật về nhà.
Bên cạnh đó, trong ngày đầu tiên của năm này người Pu Péo cũng sẽ đi lấy trộm một loại cây lương thực, thực phẩm nào đấy để lấy may. Gọi là lấy trộm, thực ra là lấy cây của nhà mình trồng nhưng không để ai biết. Họ sẽ nhổ 12 cây tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Đặc biệt, cây nhổ phải không bị đứt gốc để cả năm gieo trồng được bội thu. 
Đặc biệt, ngày đầu năm mới, người Pu Péo kiêng đốt lửa ở ngoài nhà, cũng như không mang lửa từ trong nhà ra ngoài. Họ quan niệm: làm như thế may mắn sẽ tự khắc đi.

Lâm Thanh/VOV4

 

 


HH bt CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC