Nét văn hóa người Cor- Quảng Ngãi
Thứ năm, 14:02, 02/12/2021 HH BTCT HH BTCT
VOV4.VN - Người Cor còn có tên gọi Cùa, Trầu, cư trú chủ yếu ở các huyện Trà Bồng, Sơn Hà của tỉnh Quảng Ngãi, một số sống ở tỉnh Kon Tum. Riêng ở Quảng Nam, người Cor tập trung nhiều nhất ở huyện Bắc Trà My. Cho đến nay, nhiều nét văn hóa đặc sắc vẫn được người Cor gìn giữ.

Ta bon 
Là dân tộc yêu múa hát, thích chơi chiêng, trống… người Cor có vô vàn những làn điệu dân ca ngọt ngào như điệu Xru, Klu, Agiới. Các truyện cổ của người Co truyền miệng từ đời này sang đời khác luôn làm say lòng cả người kể và người nghe. Trong đó, phải kể đến hát ta bon.
Ta bon là những câu chuyện cổ tích. Đó là những câu chuyện phản ánh về nhận thức của người Cor về thế giới, về đất nước, núi non, sự hình thành của con người và xã hội… Để rồi khi nghe, người ta thêm hiểu, thêm yêu quê hương xứ sở, cội nguồn dân tộc. Từng đêm, trong không gian gươl của ngôi nhà dài, bên bếp lửa, người già vẫn thường kể cho con cháu nghe những câu chuyện ta bon.

Trình diễn cồng chiêng của người Cor. Ảnh: baochinhphu.vn/baoquangngai.vn

Nhà nghiên cứu Cao Chư, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi cho hay: "Giữa đại ngàn, làng này tách biệt với các làng khác, đường sá xa xôi cho nên thường ban đêm một làng người Cor quây quần bên một gian chung của làng đấy. Tức là gian gươl. Họ vui chơi, sinh hoạt chung với nhau và người ta kể ta bon. Đây là một hình thức một truyện cổ tích. Ví dụ câu chuyện địa hạt của người Cor ở có núi răng cưa. Trước cái hình thù kỳ dị đó người ta giải thích trong ta bon: thời xa xưa có cô công chúa rất thích chèo thuyền, tuy nhiên, chèo đến đó thì gọi mãi không thấy thần núi không có chịu mở cửa để qua. Cô gái tức mình cho các con thuyền băng thẳng qua bên kia núi. Người ta là Răng Cưa. Đó là đơn thuần nhận thức".
Không chỉ phản ánh nhận thức của người Cor, trong những câu chuyện ta bon là cả tinh thần nhân văn, nhân ái, tính giáo dục đều được gửi gắm trong đó. Cả những câu chuyện hình thành về trời, về đất, về núi sông, cây quế... cách hành xử của con người với tự nhiên, với xã hội, hướng con người đến những điều tốt đẹp.
Hệ thống tín ngưỡng độc đáo
Sinh sống trong vùng Trường Sơn Tây Nguyên, người Cor có nền kinh tế nương rẫy là chủ đạo, hệ thống tín ngưỡng độc đáo. Và điều để lại ấn tượng cho các nhà nghiên cứu đó là người Cor có hình thức cúng bái rất riêng.
Khi thực hành nghi thức cúng, họ thường ngồi xổm dưới đất, một tay bưng cơi tro và thắp nến sáp ong rồi khấn vái. Hoặc khi thực hành cúng tại cây nêu người ta sẽ đứng.

Lễ ăn trâu. Ảnh: baoquangngai.vn

Trong mỗi lễ cúng, người Cor cũng vô cùng coi trọng nghi thức dâng cúng lễ vật. Điều đó, không chỉ thể hiện lòng thành của người Cor mà là một biểu trưng cho tầm quan trọng của lễ cúng.
"Nó có nhiều cái giá trị nó khác lạ lắm. Ví dụ, khi người ta cúng thần người ta dùng lá cây kết lại làm vật đựng rượu mục đích thể hiện sự tinh khiết dâng lên thần. Hay là khi lấy nước thiêng cúng trong lễ ăn trâu, người ta lại lấy những ống lồ ô để lên đầu nguồn con suối lấy nước để bảo đảm nước nó hoàn toàn tinh khiết".
Trong quan niệm của người Cor, vạn vật đều có linh hồn. Từ sông, suối, cỏ cây, đá, núi, rừng… Cuộc sống của con người đều được bảo trợ bởi các thế lực siêu nhiên ấy.
“Trong các bài cúng người ta đều có khấn vái đối với các thần sông, thần suối ở chung quanh mình. Thần nước rồi thậm chí hòn đá người ta đều thờ cúng. Và người ta đều có những kiêng kỵ đối với nó. Sau khi gặt lúa xong thì rạ nó ngả xuống thì người ta ăn tết ngả rạ, cúng một nữ thần mà người ta quan niệm sản sinh ra muôn loài. Đấy là một tín ngưỡng rất nguyên sơ”. 
Trong hệ thống các thần của người Cor, thần lúa là vị thần có ý nghĩa quan trọng, là người bảo trợ mùa màng, hoạt động sản xuất của người Cor. Họ quan niệm, bản thân cây lúa có thần. Người Cor có cơm ăn là nhờ thần ban tặng nên họ có rất nhiều lễ thức liên quan đến cây lúa. Ví như lễ xuống giống, lễ trừ sâu bệnh. Khi lúa chín, người Cor có lễ ăn cơm mới. Họ cúng báo với thần linh, xin phép được suốt lúa về nhà. Rồi sau khi gặt lúa xong họ có Tết ngả rạ - tổng kết một mùa làm rẫy. Người ta tạ ơn thần linh và lại cầu cho vụ sau được mùa. 
Biểu tượng sức mạnh Cor
Nếu một lần đặt chân đến bản làng người Cor, hoặc chiêm ngưỡng cây nêu trong lễ hội ăn trâu của người Cor, bạn sẽ ấn tượng với những hình tượng điêu khắc chim chèo bẻo trên tấm phướn. Chim chèo bẻo là một biểu tượng của người Cor.
Trong tự nhiên, chèo bẻo là loài chim lanh lợi, có bộ lông màu đen và những đường bay chao lượn gấp khúc dũng mãnh. Chèo bẻo là loài chim thiên địch với cào cào, châu chấu, giúp người Cor bảo vệ mùa màng. Với họ, chim chèo bẻo không chỉ là người bạn, mà người Cor còn tin rằng, khi bình minh lên, bắt đầu một ngày mới nếu nhìn thấy chim chèo bẻo, nghe thấy tiếng nó hót sẽ là một điều may mắn. 
Chèo bẻo cũng là loài chim anh dũng, dám đương đầu với các loài chim dữ như diều hâu, quạ bảo vệ vật nuôi cho con người. Không phải một con chim, mà cả đàn chim chèo bẻo đoàn kết chống lại loài chim lớn. Người Cor yêu mến, tôn thờ cũng vì sự gan dạ, đoàn kết ấy.
Yêu quý và tôn thờ chim chèo bẻo, người Cor không bao giở bắt, nuôi hoặc giết thịt, mà để chúng tự do chao liệng trên bầu trời, trên nương rẫy, trên núi rừng Trường Sơn – Tây Nguyên. Và đặc biệt, hình tượng của loài chim ấy được người Cor khắc trên chiếc phướn của cây nêu thần trong lễ hội ăn trâu – cây nêu linh thiêng của người Cor.
Trên cây nêu ăn trâu ấy nơi bộ gu người ta cũng khắc những chú chim chèo bẻo tinh anh. Để rồi, sau khi nghi lễ ăn trâu kết thúc, người ta sẽ lại tháo bộ gu đó treo trong ngôi nhà dài. Và ở không gian treo bộ gu ấy chính là không gian thiêng không được phạm đến.
Mỗi làng là một ngôi nhà dài, và trong mỗi nếp nhà dài lại có một bộ gu riêng biệt. Trên bộ gu ấy từng chú chim chèo bẻo sải cánh tượng trưng cho sức mạnh, sự đoàn kết của người Cor.

Thu Cúc/VOV4



HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC