Nghi lễ linh thiêng của người Dao
Thứ năm, 14:42, 22/12/2022 Đỗ Quyên Đỗ Quyên
VOV4.VOV.VN - Trong đời của người đàn ông dân tộc Dao đều phải trải qua nghi lễ cấp sắc. Tuy nhiên, ở mỗi ngành Dao, nghi lễ này lại có cách thực hiện riêng. Và người Dao ở bất cứ nơi đâu đều quý trọng rừng.

Độ tuổi cấp sắc mỗi nhánh Dao khác nhau

Với đồng bào Dao, cấp sắc là nghi lễ linh thiêng. Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao mới được công nhận là con cháu Bàn Vương, được đặt pháp danh và được thờ cúng tổ tiên. Khi chết đi sẽ được tổ tiên đón nhận.

Anh Trương Văn Ngợi, người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh nói: “Già đến mấy chẳng may qua đời mà chưa được cấp sắc vẫn coi là trẻ con. Người nào cấp sắc rồi, kể cả 1 – 2 tuổi vẫn được cho là người lớn. Sẽ được cúng ma sau này”.

Ở mỗi nhánh Dao thì độ tuổi làm lễ cấp sắc lại khác nhau. Với người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả, mỗi cậu bé từ khi sinh ra, có tuổi là có thể cấp sắc, miễn có điều kiện kinh tế. Còn với người Dao Thanh Phán ở thị trấn Tây Yên Tử, Sơn Động, Bắc Giang, nam giới ở độ tuổi nào cũng có thể thực hiện nghi lễ này. Tuy nhiên, thường người đàn ông đã có gia đình sẽ được cấp sắc.

Người ta sẽ làm lễ cấp sắc cho một hoặc nhiều người được thực hành nghi lễ này theo quy định của mỗi nhánh Dao. Nếu như người Dao Thanh Y cấp sắc cho 1 hoặc nhiều người trong dòng họ, người Dao Thanh Phán ở thị trấn Tây Yên Tử, Sơn Động, Bắc Giang chỉ làm lễ cho một người trong một lần tiến hành nghi lễ này mà thôi.

“Ví dụ, gia đình họ nhà em có 5 anh em chẳng hạn, đời bố thì cấp sắc với anh em của đời bố. Bọn em là đời con thì cấp sắc với đời con của bố với lại đời con của bác, của chú”. Anh Ngợi nói.

Cấp sắc trong đám ma, đám cưới...

Lễ cấp sắc là một nghi lễ lớn nên rất tốn kém. Gia đình có người làm lễ cấp sắc trước đó phải chuẩn bị cả tháng, thậm chí cả năm. Lợn, gà, rượu, gạo… đủ cả.

Nếu nhà quá nghèo, chưa có điều kiện tổ chức thì lúc nhắm mắt, xuôi tay, gia đình, dòng họ sẽ tổ chức cấp sắc cho người đã quá cố.

Ông Bàn Minh Đức, người Dao Cóc Mùn ở xã Yên Trung, Sơn Dương, Tuyên Quang kể: “Từ ngày xưa truyền lại cũng không thể bắt buộc hết toàn bộ được. Bởi vì mỗi nhà một hoàn cảnh. Nếu nhà quá nghèo thì không thể làm được. Lúc về già, tức là người chết đi không được cấp sắc thì trong cái lễ làm chay vẫn phải cấp đèn về đằng âm cho người quá cố có tên tuổi với dòng họ”.

Một điều thú vị trong lễ cấp sắc của người Dao Nga Hoàng ở Yên Bái là nếu như người nam giới chưa có điều kiện thực hiện nghi lễ này thì trong đám cưới của mình, anh ta sẽ được gia đình tổ chức. Nhưng cấp sắc trong đám cưới cũng phải theo quy định: chú rể phải chưa được cấp sắc và phải đến lượt mình cấp sắc.

Khi chuẩn bị thực hiện nghi lễ cấp sắc, nam giới người Dao sẽ phải giữ mình thanh sạch. Không được nói tục, chửi bậy, không được làm điều ác, và không được gần gũi nữ giới.

Lễ cúng rừng linh thiêng

Ngoài lễ cấp sắc, trong năm người Dao có nhiều nghi lễ linh thiêng. Trong đó phải kể đến lễ cúng rừng.

Ông Phàn Tiến Ly, một người am hiểu phong tục, tập quán của bà con người Dao Đỏ ở bản Rừng Ổi, xã Hồ Thầu, Tam Đường, Lai Châu cho hay, rừng với họ vô cùng thiêng liêng, thậm chí, họ tôn thờ thành thần và tổ chức lễ cúng rừng hàng năm.

Tôn thờ rừng thành thần là tục lệ lâu đời của người Dao Đỏ bản Rừng Ổi. Trong một năm, người Dao Đỏ nơi này sẽ tiến hành cúng rừng 3 lần với những hàm ý khác nhau. Không chỉ tạ ơn thầnh linh, tổ tiên ban mùa no ấm, người Dao Đỏ cúng thần rừng để cầu cho mưa thuận gió hoàng, nhân khang, vật thịnh, đồng thời đây cũng là dịp giáo dục con cháu bảo vệ rừng xanh.

Lễ cúng rừng đầu năm cầu cho quốc thái dân an, bốn mùa không bệnh tật. Tháng 3, bà con làm lễ cúng rừng mục đích cầu mùa, cầu cho nước về đầy đủ, cho nông vụ bội thu, xua đuổi bệnh tật cho gia cầm, ga súc.

Tháng 6, bản người Dao đỏ lại tưng bừng với lễ tạ ơn rừng giản đơn với con gà, thẻ hương, giấy tiền mỗi hộ gia đình tiến lễ. Cả bản sẽ chung nhau một con lợn dâng lên thần rừng.

Mỗi bản người Dao Đỏ đều có một khu rừng cấm. Ngày cúng rừng, bà con dân làng theo sự chủ trì của thầy cúng, họ sẽ đội lễ vào khu rừng cấm ấy cúng thần. Tham gia lễ cúng, bà con sẽ thảo luận những vấn đề liên quan đến thôn, bản và những quy định trong việc bảo vệ, quản lý rừng. Ví dụ như không được dựng nhà, không được săn bắn, không được lấy củi hay chăn thả gia súc trong rừng cấm… Mọi hành vi xâm phạm sẽ bị cộng đồng tiến hành xử phạt.

Thậm chí, trước kia, sau lễ cúng rừng 3 ngày, người Dao Đỏ sẽ tiến hành lễ cấm bản, không cho người lạ bước vào.

Hằng năm, lễ cúng rừng của người Dao Đỏ vẫn được duy trì, trao truyền qua nhiều thế hệ. Bởi người Dao Đỏ tin: giữ được rừng là giữ được mạch sống của con người, của muôn loài trong thế giới tự nhiên.

Đỗ Quyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC