Người H'rê giỏi làm ruộng bậc thang
Thứ hai, 09:01, 04/10/2021 HH BTCT HH BTCT
VOV4.VN - Người H’rê ở Việt Nam thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer, ngữ hệ Nam Á. Họ sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Đắc Lắc, Gia Lai. Từ lâu đời, người H’rê trồng lúa nước, làm ruộng bậc thang. Đó là truyền thống của người H’rê ở tỉnh Quảng Ngãi.

Cư dân nền văn hóa Sa Huỳnh
Dân tộc H’rê là một trong bốn dân tộc anh em sinh sống lâu đời ở tỉnh Quảng Ngãi là: Kinh, Cor, H’rê, Xê đăng. 
Với dân số khoảng hơn 100.000 người, dân tộc H’rê định cư hầu hết ở các huyện miền núi phía tây, dựa vào những ngọn đồi thấp, các thung lũng và ven sông như sông Re, sông Liên, sông Trà Vá, sông Đrinh với những huyện như: Ba Tơ, Nghĩa Hành, Minh Long, Sơn Hà và một phần của huyện Trà Bồng và Huyện Sơn Tây. 

Phụ nữ H'rê  xã Ba Thành, UBND huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi dệt thổ cẩm. Ảnh: TTXVN

Theo nghiên cứu của TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc bảo tàng dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, trước năm 1945, người H’rê chia làm 4 nhóm địa phương chính. Và tên gọi các nhóm này đều bắt nguồn từ đặc điểm của địa vực cư trú.
"Thứ nhất là nhánh của sông Re gọi là dân tộc Re. Nhóm thứ hai là nhóm H’rê sống dọc sông Liên. Nhóm thứ 3 sống ở huyện Minh Long sông Trà Vá. Tộc danh Trà Vá này sống ở địa bàn Minh Long. Tộc danh thứ 4 là K’ré. K’ré là dòng chảy của sông Drinh. Sông này từ đoạn sông Re cũng chảy xuống qua Sơn Hà. Người ở Sơn Hà gọi là tộc danh K’ré. Đến năm 1945, hợp nhất một dân tộc H’rê từ 4 nhóm này".
Trong xã hội xưa, người H’rê có sự phân tầng rõ rệt. Sự phân tầng đó biểu hiện ở người giàu có và người nghèo khổ. Nhà nhiên cứu Cao Chư cho biết, người giàu có sự tích lũy của cải rất lớn, trở thành những ông chủ. Trong khi đó, người nghèo không có đất đai, không có của cải buộc phải làm nô lệ cho người giàu.
"Sự phân cấp của các giai tầng trong xã hội H’rê rất rõ. Những người đó giống như thủ lĩnh của bộ lạc, họ giống như một thế lực có thể bắt buộc những người trong tình thế không có ăn, có mặc trở thành công cụ cho họ. Các dân tộc khác ví dụ như đồng bào người Cor hay Cà Dong thì tình trạng xã hội hồi xưa của đồng bào chưa phân định giai cấp, việc phân định giàu nghèo chưa rõ. Người giàu chỉ coi là đủ ăn thôi. Người nghèo gọi là thiếu ăn nhưng tính cộng đồng người ta trợ giúp rất là mạnh. Còn đối với người H’rê, người giàu phải tích lũy của cải rất lớn. Trong khi người nghèo không có ruộng đất, không có của cải, người ta bắt buộc phải làm nô lệ cho người giàu". - Ông nói.
TS Đoàn Ngọc Khôi ho hay, sự phân cấp giàu nghèo, uy quyền của người H’rê xưa qua việc sở hữu tài sản như chiêng, ché, trang sức quý như mã não. Và từ thói quen ưa thích sử dụng mã não trong đời sống hằng ngày của người H’rê, ông nhận định, người H’rê có một sự tiếp nối truyền thống của nền văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung.
"Đặc trưng của người Sa Huỳnh là họ rất thích đồ mã não. Mã não dùng để đeo và khi chết người ta táng theo các hạt mã não, chuỗi mã não…vv. Ở đây, chúng tôi thấy người H’rê rất là thích hạt chuỗi mã não. Người ta đeo trang sức khi người ta tham gia lễ hội, khi người ta về với ông, bà, tổ tiên người ta vẫn đeo. Những nét đặc điểm này chúng tôi thấy nó cũng có một nét tiếp tục một truyền thống của người Sa Huỳnh. Như vậy, ta thấy nó cũng có một sự tiếp nối".

Ruộng bậc thang của đồng bào H’re Sơn Tây ở Quảng Ngãi. Ảnh: dantocmiennui.vn

Người H’rê giỏi làm ruộng bậc thang
Từ xưa, người H’rê rất giỏi trong việc đắp bờ, ngăn đập, lấy nước làm ruộng trồng lúa ở những thửa ruộng bậc thang chân đồi và các thung lũng hẹp. 
"Dân tộc H’rê là dân tộc có truyền thống định cư, khai thác ở vùng thung lũng Trường Sơn Đông. Đặc điểm của họ là họ làm ruộng nước. Rẫy chỉ là một phần để bổ trợ vào thôi. Ruộng nước của họ cũng làm theo dạng ruộng bậc thang vùng thung lũng. 
Để có nước làm ruộng, người ta đã phải đắp đập và dẫn nước từ rất xa về theo dòng chảy từ trên cao xuống thấp. Từ đó, hình thành nên kỹ thuật đắp đập độc đáo riêng có.
Kỹ thuật đắp đập của họ gọi là đập bổi bao gồm kỹ thuật dùng cây gỗ họ làm bờ chắn. Sau đó, người ta lấy các loại thực vật là rơm, rạ chất lên ngăn dòng nước. Người ta lấy nước đưa vào các nhánh nhỏ để dẫn vào ruộng. Ruộng họ ở cách xa đó. Theo dòng chảy cứ thế qua đồi, dẫn vào ruộng. Toàn bộ ruộng nước của người H’rê là dạng bậc thang và nước từ trên cao chảy xuống thấp.
Hệ thống đập của người H’rê tồn tại trên các dòng sông như sông Re, sông Liên rồi một số nhánh sông khác. Lợi dụng các dòng chảy, người H’rê đã lấy nước về ruộng mà chẳng tốn công.
"Ở thượng nguồn, người ta ngăn một phía mé của dòng sông và tạo nên áp lực chảy xuôi dòng nước thì bắt đầu nước nó dâng lên và dẫn vào vùng ruộng nước của họ. Hết mùa mưa tức cuối đông, hết mùa mưa người ta làm đập. Để đến khi mùa hè, nước có thể dẫn chảy vào ruộng. Đến khi mùa mưa người ta dỡ đập và người ta đưa các loại cây rủ để mùa sau người ta dựng đập để mùa mưa nước lũ nó không cuốn đi".
Vì sao các dân tộc Trường Sơn Tây Nguyên như người Cor, Ca Dong, hay Jrai, Bana không có những cánh đồng lúa rộng và canh tác bài bản như vậy mà chỉ có hình thái canh tác lúa rẫy, còn người H’rê lại giỏi làm ruộng nước? Nhà nghiên cứu Cao Chư cho rằng, do địa bàn cư trú đã hình thành nên đặc trưng canh tác này của người H’rê. 
"Đầu tiên người H’rê địa bàn người ta sống bên cạnh đồng bằng. Người H’rê sống ở đồi núi nhưng nó không quá cao như vùng Tây Nguyên hay vùng giáp Tây Nguyên, nó cho phép họ cải tạo đồng ruộng thành ruộng nước. Hơn nữa, vùng cư trú chính của người H’rê là những thung lũng rất rộng, dọc theo các con sông. Địa hình như vậy cho phép họ cải tạo đất để làm cánh đồng lúa rộng".
Thần nước của người H’rê
Cũng bắt nguồn từ hình thái canh tác lúa nước trên những thửa ruộng bậc thang, người H’rê ở Quảng Ngãi có lễ cúng bờ đập độc đáo. Mục đích cúng thần nước – vị thần bảo trợ mùa màng, công việc trồng trọt của người H’rê.
Mỗi lần dựng đập người ta phải cúng ở bờ đập. Và họ tổ chức một lễ cúng thần nước. Người đứng ra cúng là ông chủ làng và ông thầy cúng. Còn dân làng tụ tập tại đó để cúng thần nước. Mong cho có một nguồn nước tốt để đảm bảo sự ấm no của cộng đồng, cây lúa tốt tươi thì người ta cúng.
Người H’rê quan niệm, lúa rẫy là nhờ nước trời, còn lúa ruộng nguồn sống chính là nhờ vào những con đập, những khúc sông, khúc suối ấy nuôi cả cánh đồng. Và ở đó, luôn có thần nước ngự trị nên bà con phải cúng thần nước. 
"Đối với họ, thần nước rất quan trọng. Ngày lễ tết của họ người ta vẫn cúng thần nước để tạ ơn. Lễ cúng cơm mới người ta vẫn cúng thần nước để tạ ơn. Đặc trưng lễ cúng thần nước nó là phổ biến cả khu vực Đông Nam Á, không riêng gì người H’rê. Lễ vật cúng của họ thường là heo, gà, các loại cơm lam người ta cúng cho thần nước". 
Trong lễ cúng thần nước nơi bờ ruộng, bà con có những lễ vật như thế nào ạ?
Xưa kia, việc trồng cấy chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên nên những lễ thức liên quan đến mùa màng, đến chu trình sản xuất được người H’rê coi trọng. Ngoài nghi thức cúng thần nước khi đắp đập, lúc trời hạn hán bà con sẽ làm nghi thức cầu mưa.
Nghi thức cúng thần nước, lễ cầu mưa mang đậm màu sắc tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước miền núi Nam Trung Bộ. Có dịp ghé thăm mảnh đất này, mời bạn hòa mình với văn hóa của người H’rê.

Đỗ Quyên/VOV4

HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC