Văn hóa người H'rê ở Quảng Ngãi
Thứ ba, 09:41, 12/10/2021 HH BTCT HH BTCT
VOV4.VN - Mỗi đứa trẻ H’rê khi sinh ra thường sẽ được tặng một vòng hạt mã não. Người H’rê khi mất đi, bao giờ cũng phải có trang phục của dân tộc mình.

Phục trang của người H’rê
Người H’rê vốn ưa thích trang sức mã não. Với họ, mã não không chỉ là trang sức làm đẹp, mà còn thể hiện quyền uy, sự giàu có của gia chủ.
Khác với một số dân tộc anh em cùng cư trú ở Quảng Ngãi như Ca dong, Cor... người H’rê có một nền nông nghiệp trồng lúa nước khá phát triển nên trong xã hội xưa có sự phân tầng rõ rệt: người giàu và kẻ nghèo. Trong đó, của cải vật chất, đồ trang sức là thước đo tiềm lực kinh tế của người giàu có. Mã não chính là vật thể hiện vị thế của chủ nhân. 
 

Vũ điệu dân gian của người H'rê. Ảnh: langvietonline.vn

Không chỉ có vậy, theo TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, với tín ngưỡng vạn vật hữu linh, người H’rê tin mã não cũng có thần. Và đây cũng chính là vị thần bảo hộ cho mỗi đứa trẻ. Vì vậy, mỗi đứa trẻ sinh ra sẽ được tặng mã não. Nhà giàu sẽ đeo lên đứa trẻ cả chuỗi mã não, còn nhà nghèo chỉ đeo một hạt.
"Khi sinh con ra, người ta đeo một hạt chuỗi mã não cho nó. Họ xem đồ trang sức như mã não đó mang bên người đem lại sự mạnh mẽ, sức khỏe. Người ta rất là quý mã não, luôn luôn mang theo người". 
Để nhận ra người H’rê không khó. Phần lớn đàn ông H’rê đóng khố, mặc áo ngắn đến thắt lưng, quấn khăn. Trong khi đó, phụ nữ mặc váy hai tầng, 5 thân, trùm khăn. Nam, nữ đều búi tóc cài trâm hoặc lông chim.
Người H’rê có nghề dệt vải từ rất sớm. Họ dệt theo cách thức cổ truyền với bộ dụng cụ bằng các ống tre với các thanh rời nhau. Sau khi dùng vải bông dệt sợi, làm vải. Để rồi từ đó, họ dùng vỏ cây, lá rừng nhuộm màu.
Trước đây, nghề dệt phát triển, vải thổ cẩm truyền thống của người H’rê rất được cộng đồng dân tộc anh em ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện chỉ còn người H’rê ở làng Teng, xã ba Thành, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi vẫn giữ được nghề này. Bà con vẫn sử dụng trang phục truyền thống của mình trong mùa lễ hội. Và quan trọng, mỗi người khi chết đi, đều có cho mình một bộ truyền thống đó, nếu không sẽ không được tổ tiên đón nhận.
"Dệt thổ cẩm H’rê ở làng Teng thì người nữ làm. Họ có tính chuyên nghiệp. Sau đó, người ta truyền cho thế hệ con cái của người ta. Hồi trước, người ta dệt bán cho cộng đồng. Hiện nay người ta dệt do tư thương đến đặt hàng. Ở đây, chúng tôi thấy cái sản phẩm của họ ví dụ như khố, váy, khăn… tất cả những đồ của đồng bào H’rê thấy của người H’rê là người ta mua. Khi người chết phải mặc đồ đó để về với ông bà". 
Những hoa văn biểu tượng

Cũng như trang sức mã não, thổ cẩm của người H’rê cũng là một tiêu chí để đánh giá sự giàu có của chủ nhà, nhất là những thổ cẩm có hoa văn đẹp. Chúng mang trong mình sự tài hoa của người thợ và những ý niệm sâu xa trong tâm thức người H’rê.
Vải thổ cẩm nguyên gốc của người H’rê chỉ có 3 màu: là đen, trắng, đỏ. Sản phẩm dệt của bà con thường có váy, khăn, khố với hai màu đỏ, đen. Trong đó, màu đỏ tượng trượng trưng cho thế giới thần linh. Màu trắng tượng trưng cho thế giới con người. Màu trắng là màu trung gian, tạo nên màu cỏ, cây, hoa lá, thực vật.

 

Tiếng chiêng H'rê ngân vang. Ảnh: langvietonline.vn

Trên nền màu sắc đỏ, đen, trắng, người thợ khéo tay sẽ dệt nên đủ những hoa văn với hình thù sống động như hàng rào, chân gà, chân chó, hoa rừng… Một thế giới thường nhật sống động, có hồn hiện lên trên tấm vải.
"Cái hiện tượng xung quanh, các con vật xung quanh nó có từ thời xưa và người ta theo truyền thống ông bà. Họ thể hiện một điểm nhìn thế giới tự nhiên và người ta phản ánh thế giới tự nhiên đó vào trong hoa văn. Ví dụ dòng nước xoáy, hoa ri ăng,… đó là hoa văn truyền thống của cộng đồng, được chắt lọc từ thời xưa và họ vẫn tiếp tục làm như vậy".
Điều độc đáo ở hoa văn của người H’rê là chúng không có sự lặp lại trên những đường viền, mà nó kéo dài hết lớp này đến lớp khác. Cùng với sắc màu riêng biệt, các nhà nghiên cứu đã phát hiện tư duy, ý niệm về vũ trụ của người H’rê.
"Trong hoa văn của họ, họ quan niệm một thế giới ở đó là con người và thần linh. Ví dụ, thế giới thần linh là màu đỏ, con người sống là màu đen, đất đai tượng trưng màu đen. Ở đó, tồn tại những loại hoa văn như hoa cúng, bờ rào, con vật, chân chó, chân gà. Ở đây, trên các trang phục dệt hầu như có hoa văn. Hoa văn của họ nó đa dạng. Hoa văn này vẫn truyền thống và nó có cách điệu độc đáo và nó xuyên suốt. Chúng ta so sánh hoa văn ở các dân tộc Trường Sơn Tây Nguyên như Ba na, K’ho…chúng có tính lặp lại. Ví dụ, cái đồ án hoa văn đó có 4 – 5 hoa văn thì sau đó nó lặp lại cái hoa văn đó. Ở người H’rê thì hoa văn của họ họ đi xuyên suốt luôn và nó không có lặp lại. Đó là nét độc đáo trong tư duy". - Ông Khôi cho hay.
Giá trị văn hóa truyền thống nghề dệt thổ cẩm của người H’rê thể hiện trên từng hoa văn, sắc vải gắn liền với trí thông minh, bàn tay khéo léo với kỹ thuật tinh xảo của người thợ dệt đã và đang được bảo tồn, phát triển cho đến ngày nay. Và với việc nghề dệt truyền thống của người H’rê ở xã Ba Thành được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 9/2019, đã góp một phần không nhỏ trong sự giữ gìn và phát huy nghề dệt của người H’rê vùng đất Ba Tơ.
Chuẩn bị cuộc sống mới cho người chết
Cũng như nhiều dân tộc anh em, người H’rê quan niệm: chết không phải là hết mà là sự khởi đầu cho một cuộc sống khác. Vì vậy, người ta có một sự chuẩn bị rất chu đáo để về thế giới bên kia.
Ngay từ khi còn sống, người ta đã lo hậu sự cho mình. Dưới chân mỗi ngôi nhà sàn, gia đình chuẩn bị sẵn 1 – 2 cỗ quan tài bằng gỗ. Đó là một khúc cây to, rỗng ruột, có nắp đậy, hình thuyền. Đó là khâu chuẩn bị quan trọng của gia đình dành cho người già khi sắp về với thế giới tổ tiên.
Cùng với việc chuẩn bị quan tài, khi có người nằm xuống, tang chủ sẽ dựng nhà mồ. Đó là ngôi nhà cao khoảng 1m, được làm bằng cây gỗ, lợp mái tranh. Xung quanh có những cây rừng cao ngang nóc nhà. Ở mỗi thân cây đó, người ta sẽ treo những vật dụng đã được chia trong tang lễ như ché, thổ cẩm, xoong nồi… 
"Khi chết, họ đem quan tài về xong khâm liệm rồi họ chia của. Ví dụ họ chia những vật dụng sinh hoạt của con người đó. Ví dụ như đồ gốm, ống đựng đồng, vòng đồng đeo tay. Đàn ông thì có ống điếu, chén ăn cơm, gùi. Bà con quan niệm: khi mà chết là về một thế giới đó người ta sống tiếp, tức là anh bước từ thế giới này sang thế giới kia thôi. Cho nên, những làng của họ có những nhà mồ thì nhà mồ của họ cũng y như nhà của người sống mà thu nhỏ lại. Cũng treo đồ dùng sinh hoạt của người chết".
Những thứ đồ đã chia cho người chết, người H’rê không bao giờ được phép đụng vào. Bản thân mỗi người H’rê cũng vô cùng kiêng kỵ điều đó. 
Sau khi chôn cất người chết xong xuôi, người H’rê thể hiện niềm đau buồn của mình bằng việc không đánh chiêng, đánh trống vui vẻ trong vòng 1 năm. Đặc biệt, những người thân trong gia đình sẽ hát Tà oi.
"Tức là khi chết người ta chôn xong. Khi người chết nằm đó người ta vẫn hát khóc. Tức tà oi đó. Chôn xong, người ta về nhà người ta vẫn hát khóc. Khoảng 4 – 5 ngày. Rồi đến khi 7 ngày, họ đem gà, đem rượu ra cúng ở tại nhà mồ đó họ lại hát Tà oi. Trong việc hát khóc này không được có âm nhạc ở trong này. Không có nhạc cụ tham gia vào".
Sau 7 ngày, gia đình sẽ đem gà, đem rượu, gạo ra mộ cúng lần cuối cho người chết. Người H’rê đến chia buồn thường ăn cơm, uống rượu tại chỗ; ăn không hết tuyệt đối không được mang về, vì theo họ đây là phần thịt của “ma”. Sau một thời gian, nếu gia đình có điều kiện người ta  sẽ làm lễ bỏ mả. Và kể từ đó, mọi ràng buộc của người sống với người quá cố không còn. Từ nay, người chết sẽ bước sang cuộc sống mới cùng với tổ tiên.

Đỗ Quyên/VOV4

HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC