Muốn chặt cây phải xin phép làng
Chủ nhật, 00:00, 30/07/2017 Hoàng Minh Hoàng Minh
VOV4 - Với người Tà Ôi, rừng được coi như người mẹ lớn, cung cấp cho họ lương thực, thực phẩm, thuốc men. Người Tà Ôi ý thức tiết kiệm tài nguyên. Điều này thể hiện rất rõ trong các tập tục, quy định về sở hữu và khai thác tài nguyên rừng

Với người Tà Ôi, chủ sở hữu tối cao của rừng là cộng đồng làng bản. Tuyệt đối không có hình thức sở hữu cá nhân hoặc thừa kế đối với tài nguyên rừng.

Ông Hồ Nhật Tân, ở xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: Trong những khu rừng non, rừng ngoài rìa, các thành viên trong làng có thể tự do hái quả, lấy củi hoặc phát rẫy. Riêng những khu rừng già chỉ được phép khai thác và sử dụng với mục đích phục vụ cộng đồng như xây nhà cộng đồng hoặc làm cột đâm trâu...v.v..

Trong trường hợp cá nhân, gia đình có nhu cầu chặt cây gỗ lớn để làm nhà  hoặc đóng thuyền, người đó phải thông báo và xin phépi hội đồng già làng. Khi được sự đồng ý thì phải tổ chức lễ cúng, với ý nghĩa đền bù cho thần linh cai quản rừng. Gỗ khai thác xong không được phép sử dụng vào mục đích khác như bán, tặng, trao đổi. Nếu không, sẽ bị phạt nặng.

Luật tục Tà Ôi quy định những trường hợp chặt gỗ lớn buộc phải xin phép già làng. Ảnh: KT

Ông Viên Đăng Minh, ở xã A Roàng, huyện A Lưới, cho biết: xưa kia mỗi làng sở hữu và quản lý một số diện tích rừng nhất định. Việc phân giới, cắm mốc dựa trên thỏa thuận giữa các hội đồng già làng. Các thành viên trong làng phải có nghĩa vụ bảo vệ khu rừng trước các hành vi xâm phạm hoặc lấn chiếm. Người có hành vi xâm phạm đất rừng của làng khác sẽ bị chủ làng xử phạt, phải cúng lễ để tạ lỗi với thần linh.

Các già làng cũng có trách nhiệm chỉ dẫn ranh giới của khu rừng thuộc sở hữu của làng để các thành viên tránh vô tình vi phạm. Không chỉ khai thác gỗ mà cả hoạt động săn bắn cũng phải tuyệt đối tuân theo quy tắc này.

Luật tục của người Tà Ôi quy định: trong khi săn đuổi, mà con thú bị thương chạy từ đất của làng này sang đất làng khác, thì người đi săn phải thông báo với chủ rẫy hoặc chủ làng đó, chứng minh quá trình theo đuổi bằng dấu máu của con thú để tránh hiểu lầm. Con vật săn bắt được, sau đó phải chia lại, để bày tỏ lòng hòa hiếu, đoàn kết.

Cũng theo ông Viên Đăng Minh, mọi hoạt động săn bắn của người Tà ôi, nếu vượt khỏi phạm vi đất rừng của làng mình, đều phải có sự cho phép của chủ làng khác. Và chỉ những người săn giỏi mới được sang đất làng khác săn. Còn trong phạm vi sở hữu của làng, mọi thành viên đều có quyền săn bắt, hái lượm.

Người Tà Ôi không quy định mùa săn cụ thể nhưng tập trung nhất vào khoảng thời gian từ tháng 8  đến tháng 10. Đặc biệt, trong hoạt động săn bắn, chỉ người giỏi nhất làng mới được sử dụng tên tẩm thuốc độc, đảm bảo hạ gục ngay con thú, không để con thú đó chạy ra sông suối, làm nhiễm độc nguồn nước.

Cùng với rừng già, theo quy ước của người Tà Ôi, rừng đầu nguồn cũng là nơi hạn chế khai thác, phát đốt. Rừng ma, rừng mồ mả là khu vực tuyệt đối cấm các hoạt động khai thác. Theo lời những người cao tuổi, trước đây, rừng ma thường đặt ở trên núi cao. Nhà cửa làng bản bố trí ở các vùng đất thấp bằng phẳng. Những quy định trong luật tục Tà Ôi phát huy tác dụng đáng kể trong bảo vệ tài nguyên rừng, đồng thời phản ánh tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của các thành viên làng bản với môi trường tự nhiên.

 

 

Hoàng Minh/VOV4

Hoàng Minh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC