Video: CHR'NẮP PR'HAY BHA AR K'BHÔNG ĐÀ NẴNG (ĐỘC ĐÁO GIẤY DỪA ĐÀ NẴNG)
Thứ năm, 00:00, 01/02/2018
Lâng đợ rau pr'đươi ghít âng manuýh Việt lâng vêy ta bhrợ lâng têy, a noo Lê Thanh Hà ơy bhrợ t'vaíh rau chr'nắp pr'hay đơơng âng đhơ nớc: Bha ar k'bhông Đà Nẵng. Nâu đoo nắc bh'nơơn bh'rợ xay p'cắh ooy nghệ thuât dal pa bhlâng lâng nắc vêy bấc ta mooi kiêng câl đươi.

 

ĐỘC ĐÁO GIẤY DỪA ĐÀ NẴNG

                                                                                                      BÍCH NHẬT

 

Với chất liệu thuần Việt và hoàn toàn làm bằng thủ công, anh Lê Thanh Hà đã tạo nên một thương hiệu giấy độc đáo mang tên “Giấy dừa Đà Nẵng”. Đây đã trở thành một sản phẩm mang tính nghệ thuật cao và được đông đảo khách du lịch ưa chuộng.

Đứa con thứ hai của Vườn giấy Việt

Vườn giấy Việt là một không gian sản xuất và trưng bày những sản phẩm thủ công mỹ nghệ với chất liệu giấy Nipa – loại giấy được làm bằng dừa nước ở Cẩm Thanh, Hội An. Và Nipa cũng là đứa con đầu tiên trong gia đình Vườn giấy Việt.

Nhắc đến loại giấy Nipa không ai không biết đến cái tên Lê Thanh Hà. Xuất phát từ niềm đam mê nghệ thuật và muốn lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, anh cùng những người cộng sự của mình ở Vườn giấy Việt đã tự tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo nên loại giấy có một không hai này.

Sau sự ra đời của loại giấy Nipa vào tháng 04/2016 và cho đến nay đã có chỗ đứng nhất định trong lòng những người yêu nghệ thuật cũng như khách du lịch trong và ngoài nước. Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục chọn Đà Nẵng để làm nên đứa con thứ hai của mình ở Vườn giất Việt với tên gọi Giấy dừa Đà Nẵng.

Nhắc đến cơ duyên để làm nên loại giấy này, anh chia sẻ. Trong quá trình đi từ Hội An về Đà Nẵng, anh thấy dọc bờ biển hằng tháng người ta cắt tỉa cành dừa, không sử dụng để làm gì và biến thành rác thải nên anh nảy sinh ý định sử dụng dừa cạn để làm nên một loại giấy. Khi tiến hành nấu thử thì xơ dừa cạn hoàn toàn giống với xơ dừa nước ở Hội An, chỉ khác nhau về màu sắc. Từ đó, anh quyết định phát triển một loại giấy riêng của Đà Nẵng.

Nếu trước đây tàu dừa chỉ sử dụng để lợp nhà thì bây giờ dưới bàn tay khéo léo của anh Lê Thanh Hà, tàu dừa đã trở thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ vô cùng độc đáo. Không chỉ là tranh, từ giấy dừa Đà Nẵng anh còn sáng tạo nên giấy viết, bao bì thực phẩm, lồng đèn, đồ trang trí, biển hiệu, rèm che… Với anh, giấy làm từ dừa này có thể làm nên rất nhiều sản phẩm độc đáo với nhiều công dụng khác nhau.

Để làm nên một sản phẩm từ xơ dừa đòi hỏi người nghệ nhân phải khéo léo trong từng công đoạn. Điều đặc biệt ở loại giấy này là các công đoạn đều được làm thủ công, không sử dụng hóa chất, thân thiện với môi trường. Đây cũng là yếu tố mà Lê Thanh Hà anh đặt lên hàng đầu.  

Đối với anh, công đoạn tạo khuôn và in bằng áp lực nước là hai công đoạn khó nhất. Để tạo ra những khuôn tranh như vậy, anh phải tự tay mình vẽ nên những hoa văn, họa tiết trong bức tranh. Sau đó, in decal tự tay cắt lại để tạo nên một khuôn tranh hoàn chỉnh. Khi có khuôn anh sẽ tiến hành in bằng áp lực nước. Kỹ thuật in này đòi hỏi sự khéo léo của người nghệ nhân để điều chỉnh mức độ nặng nhẹ của áp lực nước nhắm tạo ra được những lớp dày mỏng theo ý muốn trên bề mặt giấy.

Khi nhắc đến sản phẩm đầu tay của mình trên nền chất liệu  Giấy dừa Đà Nẵng, anh chia sẻ. Bức tranh đầu tiên anh làm trên Giấy dừa Đà Nẵng là về chú Nguyễn Bá Thanh. Vì anh khá thích cách sống gần gũi, bình dị của chú Thanh và những gì mà chú làm được cho người dân Đà Nẵng. Trong bức tranh chú Thanh thì anh chọn bối ảnh phía sau là những công trình gắn liền với sự cống hiến của chú đối với thành phố như: cầu sông Hàn, trung tâm hành chính tập trung.

Là người con xứ Nghệ nhưng anh Lê Thanh Hà lại có tình yêu đặc biệt đối với mảnh đất Đà Nẵng và xem đây là quê hương thứ hai của mình. Tình yêu mà anh dành cho Đà Nẵng thể hiện ngay trên những sản phẩm nghệ thuật đầu tay. Hơn thế nữa, anh còn mong muốn phát triển Giấy dừa Đà Nẵng trở thành sản phẩm lưu niệm mang đậm nét văn hóa của thành phố.

Mỗi tờ giấy là một nét văn hóa

Giấy dừa Đà Nẵng và giấy Nipa tuy khá giống nhau về chất liệu thế nhưng dưới sự tinh tế của người nghệ nhân, anh Lê Thanh Hà đã tạo nên những sự khác biệt ở hoa văn, họa tiết. Mỗi hoa văn, họa tiết là một nét văn hóa đặc trưng riêng của từng vùng.

Đối với anh, mỗi loại giấy sẽ khác ở hoa văn. Khi nói đến các loại giấy như: giấy Trung, giấy Hàn hay giấy Việt ngoài chất liệu đặc biệt thì nó còn được phân biệt thông qua hoa văn đặc biệt. Nếu giấy Nipa (Hội An) anh chọn những họa tiết xoay quanh văn hóa truyền thống như mắt cửa, đầu hồi, chiếc nón lá, tà áo dài… Thì Đà Nẵng – nơi hội tụ giữa biển, núi và rừng nên anh chọn hoa văn chủ đạo là thiên nhiên như: hoa đầu chuông, voọc chà vá chân nâu, biển, cá chuồn… Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn phát triển mạnh về du lịch tâm linh nên anh đã chọn hình ảnh đức phật, hoa sen để tạo nên sự khác biệt.

Trong thời gian đến, anh sẽ mở một phòng trưng bày những sản phẩm làm từ Giấy dừa Đà Nẵng để những ai yêu thích nghệ thuật, đặc biệt là yêu thích loại giấy này sẽ tìm đến và chiêm ngưỡng. Không chỉ vậy, anh còn mong muốn được truyền những kinh nghiệm của anh lại cho những ai có mong muốn và đam mê với nghề này. Bởi anh luôn trăn trở về việc nhân rộng cái nghề của mình và duy trì nó bền vững hơn.

Ngay dưới chân núi Sơn Trà, căn phòng nhỏ với những tác phẩm nghệ thuật được làm từ chất liệu thuần Việt đã và đang lưu giữ, truyền tải, quảng bá những giá trị văn hóa của đất nước, con người Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng đến với du khách và bạn bè quốc tế.

Trong tương lai, Vườn giấy Việt không chỉ dừng lại ở 2 loại giấy Nipa và Giấy dừa Đà Nẵng. Anh Lê Thanh Hà cùng những người cộng sự của mình còn mong muốn tiếp tục mang thương hiệu giấy Việt có mặt trên mọi miền của tổ quốc. Anh chia sẻ, trong tương lai nếu có cơ duyên thì mỗi vùng miền anh sẽ làm ra một loại giấy mang đậm nét văn hóa của vùng đó. Anh mong muốn giấy Việt sẽ được biết đến rộng rãi hơn.

 

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC