LÀNG LỤA HỘI AN
Năm 2012, làng lụa Hội An đưa vào hoạt động phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Làng lụa Hội An không chỉ là nơi cung cấp các sản phẩm tơ lụa từ những phương thức dệt lụa truyền thống hơn 400 năm, mà còn là nơi lưu giữ, phát huy những giá trị tinh hoa của làng nghề truyền thống ở phố Hội.
Cảm hứng những câu chuyện từ nhiều thế kỷ trước, đô thị cổ Hội An là điểm trung chuyển con đường tơ lụa trên biển, là thương cảng sầm uất nhất Đông Nam Á, ông Lê Thái Vũ Chủ tịch HĐQT Công ty CP tơ lụa Quảng Nam bắt đầu triển khai dự án tái hiện làng lụa Hội An 400 năm tuổi.. Làng lụa này được tái hiện dựa trên gốc tích của làng lụa truyền thống Mã Châu (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Làng lụa Hội An ra đời vào tháng 7 năm 2012 , thiết kế kiểu nhà vườn. Đây là không gian bảo tồn tơ lụa truyền thống thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Đến tham quan làng lụa, du khách có cơ hội hiểu rõ lịch sử của nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống, một nghề làm nên thương hiệu của Hội An từ những năm thế kỉ 17-18.
Khác hẳn với nghề dệt hiện đại, làng lụa Hội An vẫn giữ nguyên nét truyền thống của nghề ươm tơ dệt lụa. Tất cả những công đoạn làm ra một sản phẩm đều do đôi tay khéo léo của các nghệ nhân làm thủ công bằng những công cụ thô sơ.
Trong không gian hơn 2 héc-ta của làng, có 40 cây dâu cổ Chăm Pa được trồng để nuôi tằm, lấy kén rồi làm nên những sợi vải thô trước khi dệt thành một khổ lụa hoặc một sản phẩm lụa hoàn chỉnh.
HDV du lịch KHÁNH LINH giới thiệu:
“Những cây dâu cổ do người Chămpa trồng từ thế kỉ 15 trên vùng đất Mỹ Sơn được mang về đây chăm sóc. Lá dâu làm thức ăn cho tằm, khi tằm ăn đủ sẽ nhã tơ tạo thành kén và từ những kén này sẽ cho ra sợi mang đi dệt thành vải”
Những gốc dâu trong vườn là khởi đầu cho một sản phầm lụa. Lá của cây dâu là nguồn thức ăn duy nhất cho tằm để có thể thu hoạch kén trước khi làm thành sợi dệt lụa. Công đoạn nuôi tằm lấy kén luôn được các nghệ nhân tỉ mỉ chăm sóc để có những kén đạt chất lượng.
Du khách thích thú được tận mắt chứng kiến quá trình ươm tơ dệt lụa. Từ quá trình tách kén tạo sợi đến dệt lụa, các nghệ nhân luôn phải cần cù làm việc bằng chính đôi tay khéo léo trên những công cụ cổ xưa có tuổi đời hàng trăm năm. Đây là điểm dộc đáo của làng lụa Hội An khiến du khách thích thú.
Chị Võ Thị Thùy Trang - Nghệ nhân Làng lụa Hội An cho biết:
“Quá trình làm nên một sản phẩm lụa rất nhiều công đoạn, đầu tiên là nuôi tằm lấy kén. Từ kén các nghệ nhân phải nấu qua nước 70-80 độ C, nước quá nóng hoặc quá nguội sẽ không thể lấy kén thành sợi tơ và những sợ tơ đó sẽ được đặt lên máy dệt cổ để dệt thành sản phẩm hoàn chỉnh.”
Ngoài những nghệ nhân xứ Quảng làm việc tại nhà dệt Cửu Diện còn có những nghệ nhân người Chăm được mời đến làm việc tại đây. Những nghệ nhân yêu nghề thật sự với đôi tay khéo léo cùng tuổi nghề gần nữa thế kỉ luôn khiến du khách cảm nhận được nét truyền thống của nghề dệt lụa cổ xưa.
Nghệ nhân Đàn Thị Muốn – Dân tộc Chăm nói:
“Nghề này có từ rất lâu rồi, tổ tiên đã làm và truyền lại cho con cháu. Cô làm nghề này từ lúc 10 tuổi, đến bây giờ đã được 50 năm. Cô rất khoái và mê nghề dệt này.”
Du khách quốc tế say sưa chụp ảnh quy trình dệt lụa tơ tằm cổ truyền. Làng lụa Hội An có nhiều bộ khung dệt lụa cổ như: Khung dệt của người Chăm xưa (thế kỷ 15), khung dệt tay thế kỷ 17, khung dệt Cửu Diễn đầu thế kỷ 20.... Cách dệt lụa Chăm Pa với những khung dệt cổ được sưu tầm từ nhiều địa phương cũng được tái hiện để tạo ra những tấm lụa nuột nà, thể hiện sự giao thoa văn hóa Chăm Pa - Việt trong lòng xứ Quảng.
Một du khách đến từ Trung Quốc cảm nhận:
“Khi tôi đến Hội An tôi hình dung ban đầu là những kiến trúc cổ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Không ngờ ở đây lại có cảnh đẹp và làng lụa đẹp như thế này. Khi rời đi tôi chắn chắn sẽ rất nhớ nơi này, ngoài phong cảnh rất đẹp tôi còn ấn tượng với những sản phẩm lụa chất lương và thái độ của mọi người. Khi về nước tôi sẽ kể lại và giới thiệu cho bạn bè đến tham quan nơi đây.”
Tỉnh Quảng Nam vừa thông qua dự án tái hiện "Dòng sông lụa" với tổng vốn hơn 5.000 tỷ đồng trên nền tảng thành công của Làng lụa Hội An.
Dự án gồm có nhiều hợp phần: Biển lụa Duy Xuyên, công viên chủ đề lụa gắn với khu nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm hội nghị quốc tế... Không gian dự án "Dòng sông lụa" ví như bảo tàng lụa tơ tằm sống động ven sông Thu Bồn ở các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam).
Con tằm Đại Lộc xe tơ
Bãi dâu Đại Lộc lờ mờ bên sông…
Đã có một thời sản phẩm tơ lụa Việt Nam từng sánh ngang hàng với tơ lụa Trung Hoa, được người tiêu dùng Nhật Bản và một số nước ở Đông Nam Á ưa chuộng. Truyền thống đó là niềm tự hào và cũng là nguồn động viên để ngành tơ lụa Việt Nam nói chung và tơ lụa Quảng Nam nói riêng phục hồi và phát triển. Con đường phía trước chắc còn không ít gian nan nhưng với lòng yêu nghề và quyết tâm giữ nghề của các nghệ nhân nghề lụa, hy vọng rằng một ngày không xa thương hiệu tơ lụa Việt Nam, tơ lụa Quảng Nam sẽ lại vang xa như thời quá khứ vàng son của nghề nuôi tằm dệt lụa.../.
Viết bình luận