Độc đáo lễ “Tài khoăn” của người Nùng ở Bắc Kạn
Thứ bảy, 13:44, 17/02/2024 Hoàng Cường/VOV Đông Bắc Hoàng Cường/VOV Đông Bắc
VOV4.VOV.VN - "Tài khoăn" được hiểu là Lễ Mừng thọ và thường được đồng bào Nùng tổ chức vào ngày sinh nhật hoặc dịp đầu Xuân. Đây là một nghi lễ độc đáo được lưu truyền ngàn đời nay trong cộng đồng dân tộc Nùng ở huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.

 

Khi những cành đào khoe sắc thắm và hoa mận bung nở trắng rừng cũng là dịp các gia đình người Nùng ở Bắc Kạn rộn ràng chuẩn bị Lễ Tài khoăn cho các cụ già trong nhà. Mùa Xuân cũng là mùa của các nghi lễ cầu mong bình an, phúc lộc cho các thành viên trong gia đình...

Nghệ nhân Nông Văn Hồ, thôn Thôm Chản, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn là người đã thực hành nhiều lễ Tài khoăn theo phong tục của người Nùng cho rằng, việc tổ chức lễ Tài khoăn cho người già rất quan trọng. Thông thường khi trong nhà có người đến tuổi mừng thọ, gia chủ sẽ đi nhờ xem ngày lành, tháng tốt để tổ chức lễ Tài khoăn. Thường thì người ta sẽ chọn đúng ngày sinh nhật để làm lễ, nhưng nếu sinh nhật trùng vào dịp đầu xuân năm mới thì gia chủ sẽ tổ chức lễ Tài khoăn vào dịp này.

"Nhà nào còn đầy đủ cha mẹ từ 70 tuổi trở lên thì làm lễ Tài khoăn. Nếu làm lễ chính thì thường làm vào ngày sinh nhật của người được làm lễ. Ngoài ra, lễ tài khoăn còn thường được tổ chức cả trong những dịp Tết để có đầy đủ con cháu rồi làm lễ giải hạn đầu năm luôn." - Nghệ nhân Nông Văn Hồ cho biết thêm.

Mâm lễ chuẩn bị cho nghi thức mừng thọ của người Nùng khá đơn giản, gồm một mâm chính gồm 4 bát gạo để thắp hương, 5 cái chén, quà bánh… và điều đặc biệt là trong mâm lễ chỉ rót trà chứ không rót rượu.

Ngoài ra, lễ vật bắt buộc phải có 6 con gà, trong đó có 4 con gà trống và 2 con gà mái. Khi làm lễ thì thịt 3 con trống, 2 con mái, còn 1 con thì để sống để Thầy làm lễ. Ngoài ra, mâm lễ còn có 2 cái bánh Moỏc (một loại bánh giầy của người Nùng, không nhân) có đường kính khoảng 15-20cm để úp miệng giỏ (bên trong có một quả trứng luộc) và khoảng 10 cái bánh giầy nhỏ của con gái mang đến trong lễ mừng thọ mẹ.

Ông Nông Văn Cường (thôn Nà Dăm, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) vừa tổ chức lễ Tài khoăn mừng tuổi 80 cho mẹ mình cho biết: Lễ mừng thọ của người Nùng ở đây thường được tổ chức trong một buổi khoảng 4-5 giờ và không nhất thiết phải bắt đầu vào giờ nào. Bởi vậy, gia đình ông Cường chọn làm lễ vào ban ngày để mời anh em họ hàng cùng đến chung vui, chúc thọ cho cụ bà.

"Năm nay mẹ tôi tròn 80 tuổi, mặc dù đã được nhà nước tổ chức lễ mừng thọ nhưng theo phong tục của người Nùng địa phương thì gia đình tôi vẫn tổ chức lễ Tài khoăn cho cụ. Theo các cụ từ đời xưa truyền lại nếu tổ chức lễ Tài khoăn thì sẽ phải tổ chức trong 3 năm liên tục. Đồ lễ để làm lễ Tài khoăn thì cũng không cần cầu kì lắm. Ngày xưa thường tổ chức làm lễ vào ban đêm nhưng bây giờ cải tiến rồi nên có thể tổ chức làm lễ vào ban ngày" - Ông Nông Văn Cường cho biết.

Nghi thức mừng thọ của người Nùng được các thầy Mo thực hiện theo 2 bước chính. Đầu tiên là từ nhà ra cửa. Ở bước này có 3 phân đoạn cụ thể là làm đường qua Thổ công, Thành Hoàng làng đến bàn thờ tổ tiên. Bước 2 là giải hạn, phần này có hát pửt rất thú vị. Điều đặc biệt, những trường đoạn trong các phần đều rất hấp dẫn với những câu hát, câu khấn mời của thầy Mo tương ứng với mỗi bước, mỗi trường đoạn trong các bước.

Sau những nghi lễ tín ngưỡng cầu mong an bình, may mắn... thầy Mo sẽ thực hiện nghi lễ “slau lườn, slau lảng” (hay còn gọi là quét dọn nhà cửa) để xua đi những điều không may mắn cho gia chủ và người được làm lễ mừng thọ, đây là nghi thức cuối cùng trong lễ Tài khoăn.

Lễ Tài khoăn của đồng bào Nùng ở tỉnh Bắc Kạn là phong tục đẹp, giàu tính nhân văn và thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Ngoài mục đích tổ chức sinh nhật cho người già trong gia đình, lễ Tài khoăn còn là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu nghĩa, thể hiện lòng biết ơn công lao dưỡng dục của các bậc sinh thành và người cao tuổi trong bản, trong làng..../.

Hoàng Cường/VOV Đông Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC