Quảng Bình: Người dân hạ nêu, bắt đầu sản xuất đầu năm mới
Thứ ba, 14:35, 31/01/2023 Thanh Hiếu/VOV miền Trung Thanh Hiếu/VOV miền Trung
VOV4.VOV.VN - Sau Tết Quý Mão 2023, từ ngày mồng 7 đến mồng 10 tháng Giêng âm lịch, người dân miền biển Quảng Bình làm lễ hạ nêu. Lễ hạ nêu báo hiệu kết thúc các hoạt động vui chơi ngày Tết, mọi người trở lại công việc sản xuất, buôn bán như ngày thường.

Lễ dựng nêu, hạ nêu ngày Tết là một trong những lễ được người dân các làng biển tại Quảng Bình rất coi trọng. Hằng năm, vào ngày 25 tháng Chạp, bà con tổ chức lễ dựng cây nêu, từ ngày mồng 7 đếN ngày 10 tháng Giêng thì làm lễ hạ nêu. Lễ hạ nêu được tổ chức đầu tiên tại các đình làng, miếu làng, nơi thờ cúng các vị thần, tổ tiên, các bậc tiền nhân có công lập làng, xây dựng quê hương. Sau đó, người dân sẽ làm lễ cúng hạ nêu tại nhà của mình.

Từ sáng sớm, tại các làng biển ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, sau tiếng trống thục dục vang lên của trưởng làng, bà con các dòng họ tập trung đông đủ ở đình làng để dâng lễ. Tùy theo điều kiện, mỗi năm, mâm lễ cúng hạ nêu có các sản vật của địa phương, mâm xôi, gà hoặc heo, bò. Sau khoảng 30 phút tổ chức các nghi lễ, cây nêu được hạ xuống, đánh dấu kỳ nghỉ tết đã kết thúc.

Mọi năm sau khi hạ nêu thì bà con ra khơi đánh bắt vụ đầu năm mới. Năm nay thời tiết bất lợi nên chưa thể ra khơi, ngư dân chỉ chạy thuyền ra cửa biển lấy ngày rồi vào lại. Xong lễ hạ nêu, ngư dân dời chuyến biển muộn hơn vài ngày, ở nhà chuẩn bị ngư cụ chờ thời tiết đẹp.

Ông Hồ Văn Phin, ở làng biển Nhân Hải, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, Từ 25 tháng Chạp là dựng nêu cho đến những ngày tốt sau Tết, khoảng đến mồng 10 tháng Giêng là xuống nêu, lên chùa làm lễ rồi đến đình làng, giữ nét truyền thống. Sau đó coi ngày coi tháng để đi biển, hoặc dạo lấy ngay, ngày nào tốt thì dạo thuyền ra biển thắp hương khấn vái rồi chạy vào.

Trong lễ hạ nêu, trưởng làng mặc bộ áo dài, khăn đóng chủ trì lễ trước sự có mặt đầy đủ các chức sắc, hội đồng trị sự của làng, các hội đồng dòng tộc, cũng như con em dân làng.

Nguồn gốc của lễ hạ nêu xuất phát từ phong tục dựng cây nêu và hạ nêu ngày Tết của người Việt từ bao đời. Quan niệm dân gian cho rằng, trong những ngày tết Nguyên đán, các vị thần linh và những bậc gia tiên về ăn Tết cùng con cháu, gia chủ, dân làng. Tết Nguyên đán qua đi, làng tổ chức lễ hạ nêu để tiễn đưa các vị thần, tổ tiên trở về âm cảnh. Lễ hạ cây nêu đầu năm có ý nghĩa cầu mong năm mới bình an, đón thần linh và tài lộc về với gia đình, báo hiệu tất cả mọi người trở lại công việc làm ăn, buôn bán bình thường.

Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, Lễ hạ nêu thường vào ngày mồng 7 tháng Giêng theo phong tục. Một số gia đình đang đi chơi, đi du lịch hoặc không làm theo phong tục thì vẫn để nêu vậy, chậm nhất là đến ngày 12 tháng Giêng sẽ hạ nêu. Lễ hạ nêu cúng tiễn ông bà đi, địa phương nào có đình làng thì sẽ làm lễ hạ nêu trước rồi bà con hạ nêu sau./.

Thanh Hiếu/VOV miền Trung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC