Dân bản Pom Sinh phải đi bè vượt suối trong mùa lũ
Thứ ba, 00:00, 25/07/2017
VOV4.VN - Nằm cách trung tâm xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, khoảng 1km, người dân bản Pom Sinh và một số bản lân cận vẫn hằng ngày liều mình đánh cược tính mạng với tử thần bằng cách căng dây thép, giữ mảng tre băng suối lũ Nậm Hua. Nhiều năm phải đi lại bằng cách này, hàng chục vụ tai nạn đã xảy ra, giờ đây hàng trăm hộ dân sinh sống tại đây mong mỏi có được một cây cầu.

Sau những trận mưa như trút nước, con đường rẽ vào bảo Pom Sinh từ tuyến Quốc lộ 6 chỉ toàn bùn nhão và đá sỏi. Để đến được Pom Sinh, sau khi vượt qua 1 km đường bùn nhão, phải vượt tiếp con suối đỏ ngầu nước cuồn cuộn khi mưa lũ kéo về.

Để đi qua con suối này, người dân đã kết một chiếc bè từ vài chục thân tre ghép lại rồi dùng một sợi dây thép cỡ ngón tay út căng ngang qua suối để giằng giữ bè khỏi bị nước lũ cuốn trôi. Sợi dây thép cũng chỉ được cố định một cách rất giản đơn khi một đầu dây bên phía bản Pom Sinh được giằng vào một thân gỗ lớn đang mục nát dần. Phía còn lại giằng giữ bởi vài thân tre đóng sâu xuống đất. Đây là cách mà người dân bản Pom Sinh vẫn sử dụng để đi lại qua con suối này trong mùa lũ vài năm nay.

Chị Lò Thị Tâm lo lắng: "Đã có nhiều người bị rơi xuống suối rồi. Buồn nhất là bọn trẻ con lúc đi qua suối đi học rất là khó khăn. Lúc nào họp cũng bảo sẽ có dự án xây cầu nhưng mãi đến giờ vẫn chưa có. Dân thì rất là khổ, nhất là khi mang gạo đi xát, mang thức ăn ở bên ngoài về. Điện cũng không có, phải kéo từ bản đối diện bên kia suối. Lúc mưa lũ mất điện, có nhiều người đi kéo dây điện còn suýt bị giật chết".

Theo người dân trong bản, trước đây có một cây cầu treo dài hơn 80m xây dựng từ năm 1992 được sử dụng để đi lại qua đây. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm sử dụng, mố cầu, thân cầu, hệ thống dây cáp néo, trụ cầu và dầm cầu xuống cấp nghiêm trọng. Để giải quyết việc đi lại cho bà con dân bản, hàng năm, chính quyền xã Chiềng Đông chỉ đạo người dân chủ động sửa chữa, tu bổ nhằm khắc phục những hư hỏng. Đặc biệt là phần ván lát mặt cầu bị mục nát phải thay thế nhiều lần bằng lớp tre, nứa và gỗ. Nhưng chỉ sau vài tháng hoặc qua một mùa mưa, mặt cầu lại hỏng và không thể sử dụng được.

Sau sự cố sập cầu treo Chu Va 6 tại Lai Châu, chính quyền huyện Tuần Giáo đã rà soát toàn bộ hệ thống cầu treo trên địa bàn huyện và yêu cầu phá dỡ cầu treo Pom Sinh, để chờ dự án xây dựng cầu cứng chắc chắn hơn. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm từ khi cầu treo Pom Sinh bị phá dỡ, người dân vẫn chưa có cầu mới.

Anh Quàng Văn Biên, người dân bản Pom Sinh, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên vẫn nhớ như in lần tai nạn 2 năm về trước, khi anh đưa các cháu đi học qua đây: "2 năm trước, đúng mùa nước lũ to đưa các cháu đi học, ra đến giữa dòng muốn quay lại cũng không được đành cầu cứu. Dân bản nghe thấy và đến giúp. Lấy dây chão quăng ra rồi kéo vào bờ mới thoát nạn".

Từ khi cầu treo bị phá, đầu năm 2015, UBNDxã Chiềng Đông vận động người dân các bản xung quanh đóng góp vật liệu, làm cầu tạm bằng phên tre nứa, nhưng chiếc cầu tạm mỏng manh đó chỉ sau một trận mưa là trôi mất. Người lớn đi làm nương thì đành liều mạng lội qua suối, còn các em nhỏ, nếu nước lớn quá thì đành nghỉ học hoặc chờ khi bớt nước sẽ nhờ người lớn kéo bè đưa qua.

Do đây là tuyến đường liên thôn bản của cả bản Cộng, bản Vang và bản Pom Sinh nên mỗi ngày có hàng trăm lượt người dân trong vùng phải kéo bè đi qua đi lại, vô cùng vất vả.

Những năm qua, tình hình mưa lũ diễn biến vô cùng phức tạp trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Với tổng kinh phí để làm một cây cầu treo hiện nay cần từ 3 - 5 tỷ đồng theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm thì mơ ước có một cây cầu treo mới đối với người dân Pom Sinh quả là sẽ rất xa vời. Bởi hiện nay bản có 80 hộ, trên 400 khẩu thì có quá nửa nằm trong danh sách hộ nghèo và cận nghèo.

Con suối Nậm Hua nước chảy xiết là cách trở giao thông lớn nhất, không chỉ trong mùa mưa lũ

Không có cầu treo, người dân kết bè tre, căng dây thép qua suối để đi lại

Cách di chuyển vô cùng vất vả và tiềm ẩn hiểm nguy

Bè được níu vào sợi dây thép mỏng manh tránh nước cuốn trôi

Mỗi lẫn có người qua suối là người dân bên này phải đứng chờ rất lâu để có người từ phía bên kia đi lại trả bè

Mố cầu treo Pom Sinh cũ còn lại sau khi cầu treo này bị phá dỡ đề chờ dự án xây cầu mới

Với ước tính tổng kinh phí để làm một cây cầu treo hiện nay cần từ 3 - 5 tỷ đồng theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm, liệu đến bao giờ người dân nghèo nơi đây mới có một cây cầu mới chắc chắn để đi lại

 

 

 

Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC