Lào Cai: Cảnh báo tình trạng dùng máy điện kích giun đất
Thứ hai, 14:52, 28/08/2023 CTV Trung Kiên/VOV Tây Bắc CTV Trung Kiên/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Thời gian gần đây, tình trạng người dân dùng máy điện kích giun đất, đã xuất hiện tại nhiều địa phương ở vùng cao Lào Cai. Mặc dù đã được cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo về mức độ nguy hại, ảnh hưởng lâu dài đến sản xuất nông nghiệp, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra công khai, thậm chí là có xu hướng gia tăng với nhiều cách thức khác nhau.

 

Đã gần 1 tháng nay, ngày nào hai bố con anh Trần Văn Lợi, ở Thôn Đội 3, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai cũng mang máy đi kích giun đất. Chiếc máy kích được anh Lợi đặt mua trên mạng với giá 5 triệu đồng. Chỉ vài thao tác đơn giản, sau khi dòng điện được truyền xuống đất là giun lập tức bò lên. Công việc dễ dàng lại cho thu nhập cao, khiến anh Lợi không còn suy nghĩ đến những hệ lụy sẽ ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu của gia đình.

"Anh em ai cũng đi kích thì mình đi kích thôi. Một ngày kích được tầm 10 cân, 15 cân thì một ngày cũng được 300-400.000đ." - Anh Trần Văn Lợi cho biết.

Để đảm bảo một lượng giun lớn cung cấp cho các thương lái, nhiều hộ dân vùng cao đã mở các điểm thu mua, sấy giun. Có những xã vùng cao xuất hiện 3 đến 4 lò sấy giun. Theo người dân, mỗi kg giun tươi được thu mua từ 40 đến 60 nghìn đồng. Còn giun sấy khô có giá lên tới gần 900 nghìn đồng/kg. Giun đã qua sơ chế đều có các đầu nậu thu gom hết.

Các lò sấy giun hoạt động tự phát và không có hệ thống xử lý chất thải nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Chị Vàng Thị Mào một người dân sống gần lò sấy giun ở xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai nói: "Chúng tôi mỗi lần đi qua các lò sấy thì ngửi thấy mùi hôi thối, mỗi lần đi qua là phải đeo khẩu trang kín mít."

Hiện các loại máy kích giun bán tràn lan trên mạng xã hội, nên cơ quan chức năng rất khó quản lý. Hầu hết các loại máy này xuất xứ từ Trung Quốc và giá thành khá rẻ. Cùng với đó, do chưa có chế tài, quy định xử lý đối với các trường hợp đánh bắt giun bằng máy điện, nên tình trạng này vẫn diễn ra tại hầu hết các địa phương ở Lào Cai. Về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai cho biết: "Khi đánh bắt giun ở các khu vườn, có thể thấy ngay hậu quả là cây sẽ bị vàng và các rễ không còn chất dinh dưỡng nữa và chết cây rất nhanh."

Đời sống của người dân vùng cao chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp. Bởi vậy, nếu tình trạng đánh bắt giun tràn lan, tận diệt như hiện nay không chấm dứt, thì cũng chính người đi kích giun sẽ phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng về lâu dài. Giun dần sẽ hết, còn đất bạc màu, sẽ không thể canh tác./.

 

CTV Trung Kiên/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC