Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo ở Tây Nguyên phát triển
Thứ năm, 09:12, 28/12/2023 CTV Trí Đức CTV Trí Đức
VOV4.VOV.VN - Gia Lai là tỉnh rộng lớn nhất của khu vực Tây Nguyên, nơi đây có tiềm năng lớn về hệ thống thác, sông suối và trữ lượng gió, nắng quanh năm nên có đầy đủ điều kiện để phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Xác định rõ lợi thế này, tỉnh Gia Lai coi năng lượng tái tạo là ngành ưu tiên thu hút đầu tư trong thời gian tới.

 

Tiềm năng lớn trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo

Ông Phạm Văn Binh- Giám đốc Sở Công thương Gia Lai cho biết, tỉnh này có tiềm năng lớn phát triển đa dạng các loại hình công nghiệp năng lượng tái tạo. Hiện nay ở Gia Lai có tổng trữ lượng nước khoảng 23 tỷ m3, cùng hệ thống sông suối ngắn và dốc, rất thuận lợi để xây dựng công trình thủy điện, đảm bảo quy mô công suất hơn 3.000 MW. Thời tiết ở đây cũng khá thuận lợi, số giờ nắng bình quân trong năm là 1.900-2.200 giờ, lượng  bức xạ mặt trời trung bình ngày là khoảng 4,6-5,2 kWh/m2, có thể phát triển khoảng 7.500 MW điện mặt trời. Nằm giữa vùng cao nguyên, Gia Lai còn có tiềm năng lớn về điện gió, với tốc độ gió trung bình khoảng 6-7 m/s, có thể phát triển tới quy mô công suất khoảng 12.000 MW.

Về hạ tầng truyền tải điện, Gia Lai là nơi trung chuyển, đi qua của các đường dây 500 kV từ Bắc vào Nam. Hệ thống lưới điện truyền tải gồm các cấp điện áp 220 kV, 500 kV có quy mô, khối lượng tương đối lớn, đảm bảo công suất truyền tải giữa lưới điện của tỉnh với các tỉnh lân cận và với hệ thống điện quốc gia ở mức cao, đồng thời đảm bảo khả năng giải phóng công suất của các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Những năm gần đây, đã có 88 dự án năng lượng tái tạo với tổng quy mô công suất 4.362,89 MW ở Gia Lai được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch. Gia Lai có 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 480MW. Trong giai đoạn 2016-2021, tổng sản lượng điện sản xuất từ các nhà máy thủy điện và các nhà máy năng lượng tái tạo khác khoảng 40.096 triệu kWh.

Theo Giám đốc Sở Công thương Gia Lai Phạm Văn Binh: Việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo đã thu hút nguồn vốn rất lớn, mức đầu tư trung bình điện gió là 35 tỷ đồng/MW, thủy điện là 30 tỷ đồng/MW, điện mặt trời nối lưới 25 tỷ đồng/MW, điện mặt trời mái nhà 15 tỷ đồng/MW. Các dự án năng lượng tái tạo góp phần phát triển du lịch của địa phương, tăng sản lượng điện hằng năm cho lưới điện quốc gia (hiện đóng góp khoảng gần 8 tỉ kWh/năm).

Cần được tháo gỡ những khó khăn để phát triển năng lượng tái tạo

Tiếp tục phát huy tiềm năng về công nghiệp năng lượng tái tạo, Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành chương trình hành động, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, dựa vào các thế mạnh sẵn có cũng như tình hình thực tiễn và tính khả thi, tỉnh Gia Lai kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, đưa vào tính toán trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 có xét đến 2050 (Quy hoạch Điện VIII) đối với 135 dự án năng lượng tái tạo và lưới điện truyền tải có tính khả thi với tổng công suất khoảng 15.566 MW nhằm huy động mọi nguồn lực để phát triển với chất lượng ngày càng cao.

Bên cạnh những thuận lợi, thì hiện nay, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo tại địa phương cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Ở địa phương hiện có 17 dự án điện gió, 11 dự án đã vận hành thương mại (trong đó có 4 dự án vận hành một phần), còn 6 dự án đang hoàn thiện thủ tục.

Cuối tháng 7/2023, trong buổi làm việc với đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Quế- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; chính sách về giá điện… đang chờ giải quyết. Hiện tại, trong thẩm quyền của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các địa phương, chủ đầu tư dự án thỏa thuận, giải quyết những vấn đề phát sinh tại các dự án. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có sự tháo gỡ của các bộ, ngành trung ương về chính sách, pháp luật về năng lượng tái tạo. Đặc biệt là trong việc giải phóng mặt bằng, liên quan đến đất đai, tài sản của đồng bào dân tộc thiểu số.

UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị Quốc hội chỉ đạo xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực và đưa các nội dung về năng lượng tái tạo vào trong Luật Điện lực để sớm giúp các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió đi vào vận hành../.

CTV Trí Đức

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC