Thắp sáng đại ngàn Can Hồ từ các lớp học xóa mù chữ
Thứ sáu, 14:26, 14/07/2023 Khắc Kiên/VOV Tây Bắc Khắc Kiên/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Nhiều tháng nay, cứ mỗi buổi tối, lớp học xóa mù chữ ở xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu lại diễn ra sôi nổi. Các học viên ở tuổi làm bà, làm mẹ giờ mới bắt đầu làm quen với từng con chữ, song ai nấy đều nỗ lực vì ước mơ ngày mai biết đọc, biết viết, đem kiến thức học được về thắp sáng bản làng, quê hương.

 

Sau 1 ngày lao động sản xuất trên nương ruộng của gia đình, tối đến, các mẹ, các chị người Hà Nhì ở các bản thuộc xã Can Hồ, huyện Mường Tè (Lai Châu) lại cùng nhau đến lớp học chữ. Nhiều tháng nay, khu nhà lớp học Trường Tiểu học và THCS Can Hồ luôn vang lên tiếng ê a, đánh vần. Đây là lớp học đặc biệt, bởi người ít tuổi nhất cũng đã gần 25, người lớn nhất là 60 tuổi.

Chị Pờ Hà Xó ở bản Nậm Hạ, xã Can Hồ, 40 tuổi, là một trong những học viên tích cực của lớp. Mỗi ngày, chị đều phải vượt núi vài cây số để đi làm nương, nhưng tối đến, ngày nắng cũng như ngày mưa, chị đều hăng hái đến lớp, với khát khao học được cái chữ.

"7 giờ sáng tôi đi làm nương về thì đến 7 giờ tối lên lớp. Tôi  học ở đây cho cô giáo dạy chữ trước, sau biết rồi thì về dạy con cái. Biết được một tí rồi giờ tôi rất là vui, vì đến đây còn được gặp cô giáo và bạn bè nữa." - Chị Pờ Hà Xó chia sẻ.

Gần 20 năm bám trường, bám lớp và trải qua nhiều đơn vị trường nơi biên giới Mường Tè, cô giáo Nguyễn Thị Thắm quê ở tỉnh Vĩnh Phúc không nhớ nổi mình đã phụ trách giảng dạy bao nhiêu lớp học xóa mù chữ. Ăn, ở trong vùng đồng bào lâu năm, biết tiếng và am hiểu văn hóa của nhiều dân tộc, nên cô luôn được tin tưởng lựa chọn là giáo viên giảng dạy mỗi khi lớp xóa mù chữ được mở.

Cô Thắm chia sẻ: "Lớp học ở Can Hồ hiện tại có 30 học viên, tất cả đều là dân tộc Hà Nhì. Do học viên ở nhiều lứa tuổi, người chưa biết chữ, có người lại biết một ít rồi nên những ngày đầu, cô phải chia lớp thành 2 nhóm để giảng dạy cho phù hợp. Khi các học viên biết đều như nhau, cô mới ghép lớp để dạy đại trà theo chương trình quy định."

Để lớp học đạt hiệu quả cao, trên cơ sở chương trình quy định, các cô giáo đều phải nghiên cứu để tìm ra phương pháp truyền đạt đơn giản, dễ hiểu nhất để các học viên dễ tiếp thu. Thầy giáo Đặng Quốc An, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Can Hồ, huyện Mường Tè cho biết: Nhà trường hiện đang duy trì 7 lớp xóa mù chữ, với hơn 160 học viên. Trong số này, nhiều người từng học đến lớp 3 phổ thông, hoặc tập 3 chương trình xóa mù chữ, nhưng ít sử dụng nên đã quên hết. Thời gian đầu huy động các bà, các mẹ đến lớp, nhà trường cũng gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ nỗ lực và kiên trì, nên các lớp đều dần đi vào nề nếp.

"Bước đầu thấy các học viên tham gia tương đối hồ hởi, tích cực trong việc tham gia học tập nhằm nâng cao nhận thức của bản thân. Tuy nhiên, với bà con ở đây cũng có một số người lớn tuổi quá rồi, mắt cũng mờ nên rất vất vả." - Thầy giáo Đặng Quốc An cho biết.

Theo ông Pờ Gạ Chừ, Phó Chủ tịch UBND xã Can Hồ, tỷ lệ người dân mù chữ và tái mù chữ ở địa phương khá cao. Đây cũng là một trong những lý do khiến tỷ lệ đói nghèo của địa phương còn cao, tới hơn 50%. Để hoàn thành mục tiêu về đích nông thôn mới vào cuối năm nay, xã phải được công nhận đạt chuẩn xóa mù mức độ 2, với trên 90% số dân tuổi từ 15 - 60 biết chữ.

"Mục tiêu của các lớp xóa mù này là để nhân dân tiếp cận lại với cái chữ, cái số và để cho người dân biết đọc, biết nói, biết viết tốt hơn. Từ đó để bà con nhân dân biết áp dụng vào trong thực tế và chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước làm sao được tốt hơn. Mục tiêu của xã phấn đấu trong năm đạt chuẩn nông thôn mới, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và tiêu chí giáo dục." - Ông Pờ Gạ Cừ cho biết thêm.

Trải qua thời gian đầu duy trì sĩ số và học tập với nhiều khó khăn, giờ đây đa số học viên các lớp xoá mù chữ ở Can Hồ đã biết ghép vần, đọc các bài thơ, đoạn văn ngắn, cũng như làm được phép tính đơn giản. Những nét chữ dù còn nguệch ngoạc, tiếng đánh vần còn ngọng nghịu, song "ánh sáng" từ những lớp học xóa mù chữ này đang mang đến những hy vọng, kỳ vọng về một diện mạo mới tươi đẹp hơn, ở nơi biên cương của Tổ quốc./.

Khắc Kiên/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

Tin liên quan

Học sinh bán trú dân tộc thiểu số được hỗ trợ tiền ăn 900.000 đồng/tháng
Học sinh bán trú dân tộc thiểu số được hỗ trợ tiền ăn 900.000 đồng/tháng

VOV4.VOV.VN - Đây là đề xuất tại dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.

Học sinh bán trú dân tộc thiểu số được hỗ trợ tiền ăn 900.000 đồng/tháng

Học sinh bán trú dân tộc thiểu số được hỗ trợ tiền ăn 900.000 đồng/tháng

VOV4.VOV.VN - Đây là đề xuất tại dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.

Bắc Giang bảo tồn, phát huy ngôn ngữ tiếng dân tộc thiểu số
Bắc Giang bảo tồn, phát huy ngôn ngữ tiếng dân tộc thiểu số

VOV4.VOV.VN - Việc mở lớp dạy học tiếng dân tộc cho thế hệ trẻ là việc làm quan trọng, cần thiết để bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc ở Bắc Giang.

Bắc Giang bảo tồn, phát huy ngôn ngữ tiếng dân tộc thiểu số

Bắc Giang bảo tồn, phát huy ngôn ngữ tiếng dân tộc thiểu số

VOV4.VOV.VN - Việc mở lớp dạy học tiếng dân tộc cho thế hệ trẻ là việc làm quan trọng, cần thiết để bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc ở Bắc Giang.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC