Các sản phẩm của đồng bào dân tộc còn hạn chế trong quảng bá
Thứ hai, 10:30, 11/01/2021 Việt Phú BT CT + 2 ảnh Việt Phú BT CT + 2 ảnh
VOV4.VN - Miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số là nơi có nhiều sản phẩm đặc thù có tiềm năng và giá trị kinh tế cao. Đây cũng chính là điều kiện để các bạn trẻ có ý chí và khát vọng vươn lên, có cơ hội thành công trong việc phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương ngày một đẹp giàu. Minh chứng cụ thể là có hàng trăm sản phẩm chất lượng cao đã và đang được quảng bá, giới thiệu rộng khắp, có mặt ở hầu hết trong các gian hàng, trong các buổi hội chợ hay triển lãm trên khắp cả nước. Điều này cũng khẳng định một điều: nếu có sự quyết tâm, nắm bắt được xu thế trong thời đại mới thì các sản phẩm vùng dân tộc thiểu số sẽ có một chỗ đứng nhất định là niềm tin của người tiêu dùng.

Tốt nghiệp  Học viện tài chính, tìm được một việc làm với mức lương gần 10 triệu đồng ở Hà Nội, Nguyễn Thị Cẩm Ly, cô gái Tày ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã khiến nhiều bạn trẻ cùng trường, cùng quê thấy ngưỡng mộ. Thế nhưng, không bằng lòng với những gì mình đạt được, Cẩm Ly trăn trở với việc làm thế nào để chung tay làm gia tăng giá trị thương hiệu của cây cam sành, một loại cây chủ lực và đã có thương hiệu ở vùng đất mà cô được sinh ra. Và từ trăn trở ấy, những trái ngọt của thành công đã liên tiếp đến với Cẩm Ly.

Nguyễn Thị Cẩm Ly, Giám đốc HTX cam sành Sơn nữ ở Hàm Yên (Tuyên Quang) nhớ lại thời điểm cách đây khoảng hơn 2 năm. Khi đó, Ly một mình bán hết 2 tấn cam để giúp người dân quê mình có được một cái tết ấm lòng. Cô đâu có nghĩ việc làm đó khiến cuộc đời cô có bước ngoặt đầu tiên.

Tưởng bán được dễ dàng, tết năm thứ hai, Ly lại tiếp tục đổ cam về Hà Nội để bán, nhưng lần này không như trước, cam bán chẳng được là bao, bởi mọi người nói cam của Ly không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn…

Nguyễn Cẩm Ly khởi nghiệp từ cây cam sành Hàm Yên.

Thế là từ đó, Ly quyết định bỏ công việc văn phòng với mức lương hơn 6 triệu đồng để về quê mày mò tìm hướng đi cho cây cam. Với vốn hiểu biết của mình, Ly biết: chỉ có trồng cam theo hướng đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm sạch thì mới có chỗ đứng trên thị trường hiện nay. Vậy nên, cô tìm đến một số người thầy của mình để xin được tư vấn. Không bao lâu sau, Ly vận động được số lượng thành viên đủ để thành lập một hợp tác xã, có tên gọi HTX cam sành Sơn Nữ.

Giờ đây, HTX cam sành Sơn Nữ do Ly quản lý đã có hàng chục hộ tham gia. Khi tham gia vào HTX, bà con thấy rõ một hướng đi bền vững, tức là bà con không còn trồng cam theo tập quán cũ nữa, mà thay vào đó là sản xuất theo hướng cam hữu cơ, không sử dụng thuốc phun gây ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường cũng như chất lượng quả. Cam thành phẩm được lựa chọn, bọc nilon và đóng thùng nên vừa đảm bảo vệ sinh lại bảo quản được dài ngày, thuận tiện cho việc vận chuyển.

Hiệu quả của mô hình kinh doanh sản phẩm bản địa của HTX Sơn nữ đã giúp nhiều hộ dân trồng cam ở huyện Hàm Yên, Tuyên Quang thay đổi nhận thức, từ đó làm giàu. Thế nhưng hiện tại để các sản phẩm cam sành Hàm Yên có chỗ đứng trên thị trường thì khâu quảng bá, tiếp thị cũng như cải tiến mẫu mã, phát triển thêm một số sản  phẩm liên quan thì còn gặp nhiều hạn chế. Đây không chỉ riêng khó khăn của HTX Sơn nữ mà của khá nhiều thanh niên dân tộc thiểu số.

Nhờ quảng bá hiện nay sản phẩm cam sành của HTX Sơn nữ đã có chỗ đứng trên thị trường.

Với sức trẻ, sự nhạy bén và hoạt bát, Cẩm Ly đã xây dựng được một thương hiệu riêng cho sản phẩm cam sành quê hương mình. Hơn thế, nhờ các cuộc xúc tiến thương mại, cô cũng đã tìm được đầu ra khi đã liên kết được với một số những chuỗi cửa hàng, các siêu thị lớn như ở Lotte mart ở Hà Nội, Vinmart ở Đà Nẵng và ở các tỉnh thành khác. Thế nhưng, với xu thế hiện nay là xu thế của công nghệ, của sự đa dạng hóa, thì các sản phẩm của Ly vẫn còn nhiều hạn chế. Đây cũng là khó khăn lớn nhất mà cô đang gặp phải.

Với các doanh nghiệp trẻ hiện nay, đặc biệt là các bạn trẻ người dân tộc thiểu số, thì việc ứng dụng công nghệ trong bán hàng, trong quảng bá sản phẩm còn nhiều hạn chế, một phần do việc tiếp cận lĩnh vực này còn chậm, chưa có được sự hướng dẫn đào tạo cụ thể nên hiệu quả bán hàng chưa cao. Bạn Hoàng Thị Thảo, thương  hiệu mắm Tươi Nguyên chia sẻ: nếu như chỉ chú trọng đến bạn sản phẩm ngay ở cửa hàng, ở tại địa phương thì sản lượng ít, việc xây dựng thương hiệu cũng hạn chế do vậy cần có sự linh hoạt và theo kịp xu thế.

Bạn trẻ Phạm Công Hùng với sản phẩm cá khô Ba Được ở thành phố HCM cho rằng: các mô hình thanh niên khởi nghiệp hiện nay đa phần đều đã rất tốt, sản phẩm chất lượng, song khâu xúc tiến thương mại còn  yếu. Ngay bản thân Hùng  cũng chỉ biết dựa vào kênh của Trung ương Đoàn, hay bán nhỏ lẻ.

Trong sự bùng nổ của công nghệ như hiện nay, để bán hàng có hiệu quả cần đẩy mạnh  khâu xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm hay thay đổi theo xu thế là hình thức bán hàng thông qua thương mại điện tử. Ông Vũ Hòa chuyên gia tư vấn cho các mô hình khởi nghiệp vùng DTTS khẳng định: nếu triển khai tốt thông qua thương mại điện tử việc xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sẽ dễ dàng hơn.

 

Kinh doanh online là một lĩnh vực đang được ưa chuộng trong giới bán hàng cả nước. Ngoài tiện ích nhanh, hiệu quả, bằng cách tận dụng tất cả  những tính năng ưu việt của internet, kinh doanh online đang thu về những khoản lợi nhuận cực kì hấp dẫn cho người bán hàng. Đây là xu thế tất yếu của hiện tại và tương lai. Do vậy, với các bạn trẻ, đặc biệt  là các bạn trẻ người DTTS cần có tạo cho mình một vốn kiến thức cơ bản nhất về thương mại điện tử làm sao sản phẩm của đồng bào mình, dân tộc mình không chỉ bó hẹp ở bản làng, địa phương mà nó còn có thể vươn xa tầm thế giới.

Việt Phú/VOV4

Việt Phú BT CT + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC