Thông tin từ người thân, bạn bè của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh cho biết, ông mất đột ngột khi đang trong hành trình cùng người em trai - nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam thăm lại các đồng nghiệp, đồng đội làm báo ở Thông tấn xã Việt Nam trong thời kháng chiến chống Mỹ.
Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh sinh năm 1943, quê Hải Dương, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn (nay là Khoa văn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), sau đó làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam. Ông là nhà báo có mặt ở dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.
Năm 1996, ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng hai khóa VIII, IX, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X.
Năm 2003, ông bị đình chỉ mọi chức vụ do nghi liên quan vụ án Năm Cam, bị kết án 9 năm tù. Năm 2005, ông được đặc xá. Sau khi ra tù, ông tiếp tục viết báo, viết văn với bút danh Trần Nhật Thi. Năm 2010, ông sử dụng lại tên thật, Trần Mai Hạnh.
Trong cuộc đời làm báo và sáng tác, nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh có một số tác phẩm như: Nắng Thu Bồn, Tình yêu và án tử hình, Sụp đổ và tự thú (1985), Ngày tận thế, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (2017), A war account 1-2-3-4.75 (phiên bản tiếng Anh của Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75), Lời tựa một tình yêu, Thời tôi sống (2018).
Trong đó, tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 hạng mục văn xuôi, giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015./.
Ô
Viết bình luận