Khám phá không gian sống theo chế độ mẫu hệ Ê Đê tại Làng văn hóa
Thứ tư, 10:40, 08/02/2023 Thu Cúc/VOV4 Thu Cúc/VOV4
VOV4.VOV.VN - Truyền thống người Ê đê ở nhà sàn. Trước đây, họ có những ngôi nhà dài đến 30m. Đây là nơi cư trú của nhiều thế hệ người Ê Đê.
Bà con Ê Đê vui múa trong sân trước ngôi nhà dài tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam

Tại Việt Nam, người Ê Đê cư trú chủ yếu ở Đắc Lắc, phía nam tỉnh Gia Lai và miền Tây của tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên.

Xưa kia, đồng bào Ê Đê ở Đắc Lắc làm nhà thường có 2 – 7 gian. Chất liệu làm nhà hoàn toàn bằng tre, gỗ, mái, gỗ, mái lợp cỏ tranh dày tới 20 phân.

Đặc trưng nhà dài Ê Đê là ở hai đầu hồi nhà đều có cầu thang lên xuống. Một cầu thang nhỏ đẽo những bậc gỗ thô mộc là lối đi dành cho đàn ông. Cầu thang lớn có trang trí hình trăng khuyết cùng hai bầu ngực nở nang của nữ giới là lối đi dành cho phụ nữ trong nhà và khách đến chơi.

Trong nhà dài, người Ê Đê phân chia không gian sinh hoạt rất quy củ. Gian đầu là phòng khách, gọi là gah.

Gian phòng khách có một bếp lửa. Đây không phải là nơi nấu ăn mà chỉ để thắp lửa sưởi ấm ngôi nhà cũng như đun nước, tiếp khách, là nơi sinh hoạt chung cho cả gia đình và là nơi dành cho đàn ông.

Bước qua khỏi gian phòng khách là gian ôk, có nghĩa là nơi riêng tư chia thành từng gian phòng nhỏ, của từng gia đình nhỏ.

Với những gia đình giàu có, liền kề với gian khách là gian để gia chủ chứa đồ như vải vóc, các nhạc cụ, vật dụng dinh hoạt…vv

Kế đến là các gian nhỏ dành cho các gia đình nhỏ, những người con gái, vợ chồng gia chủ và bếp nấu. Buồng của vợ chồng chủ nhà sẽ ở cạnh bếp nấu.

Chủ mỗi ngôi nhà dài là người phụ nữ cao tuổi nhất. Khi mỗi người con gái Ê đê lấy chồng, căn nhà được nối dài thêm một gian. Họ sẽ nối từ gian chứa đồ lên gian khách làm nơi ở cho đôi vợ chồng mới. Và gian khách sẽ được làm mới.

Cứ như thế, ngôi nhà dài ra, che chở cho nhiều thế hệ. Vì thế, khi chọn gỗ làm nhà, họ lựa chọn rất kỹ.

Làm nhà, người Ê đê kiêng nếu có quạ sà xuống đứng trên đầu nóc nhà. Họ quan niệm đấy là điềm chẳng lành, sẽ mang xui xẻo đến cho ngôi nhà. Vì thế, khi dựng nóc, bao giờ họ cũng cắm trên đó. Que tre mô phỏng chiếc ná, nhằm xua đuổi quạ bay đến.

Ở trong ngôi nhà dài truyền thống của người Ê đê, đồ vật quý giá nhất là chiếc ghế kpan. Theo quan niệm của người Ê đê, ghế kpan là chiếc ghế tổ tiên, là biểu tượng của tình bằng hữu. Khi ngồi trên ghế kpan, mọi khoảng cách về địa vị sẽ bị xóa bỏ, những hận thù sẽ kết thúc, chỉ có tình cảm chân thành là hiện hữu.

Chỉ gia đình giàu có, bề thế mới có chiếc ghế này. Ngoài ra họ còn có nhiều đồ vật quý như: trống H’gơr, chiêng, ché…vv

Năm 2008, làng dân tộc Ê Đê được phục dựng tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội với các công trình như: nhà sàn dài, nhà mồ, kho lúa. Trong đó, nổi bật là kiến trúc nhà sàn dài.

Thu Cúc/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC