Vẻ đẹp chùa Côn Sơn – Trung tâm phật giáo Trúc lâm
Thứ tư, 14:56, 14/09/2022 Hải Huyền Hải Huyền
VOV4. VN – Nằm trong quần thể khu di tích Côn Sơn trên địa bàn phường Cộng Hòa, TP Chí Linh, Hải Dương, chùa Côn Sơn là di tích quan trọng nhờ giá trị tâm linh, lịch sử và cảnh quan tuyệt mỹ.



Chùa Côn Sơn tên chữ là “Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự”, tục gọi là chùa Hun, khởi dựng vào thế kỷ XIII, mở rộng, hoàn chỉnh vào thế kỷ XIV. Cuối thế kỷ XIII, Thiến phái Phật giáo Trúc Lâm đã dựng liêu Kỳ Lân tại Côn Sơn cho các tăng ni tu hành. Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, 3 vị tổ xác lập thiền phái này đã từng tu hành và thuyết pháp ở đây. Vì thế Côn Sơn trở thành một trong ba trung tâm nổi tiếng của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm.

Khuôn viên trước sân chùa Côn Sơn

Theo văn bia, năm 1329, chùa Côn Sơn được Đệ nhị tổ Trúc Lâm Pháp Loa tôn giả xây dựng mở rộng. Đến cuối thế kỷ XIV, Đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả về trụ trì, tu bổ hoàn chỉnh các công trình kiến trúc như: Tam quan, Lầu Chuông, Phật điện, Tổ đường, hậu đường, tả, hữu tiền hành lang, hậu hành lang, các tòa tháp, Am Bạch Vân…
Thời Trần, bình đồ kiến trúc của chùa là “nội công ngoại quốc”, gồm nhiều hạng mục công trình. Thời Lê, chùa mở rộng quy mô 83 gian, có Cửu Phẩm liên hoa với 385 pho tượng, các công trình mái lợp ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly… trông xa long lanh như ngọc biếc.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, ngày nay chùa Côn Sơn còn ghi dấu ấn kiến trúc của nhiều thời đại với hệ thống kiến trúc tầng tầng, lớp lớp theo lối cung đình. Chùa hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú: Hệ thống văn bia gồm 16 bia niên đại thế kể XIV đến thế kỷ XVIII. Trong đó, có hai bảo vật quốc gia là bia “Thanh Hư Động” tạo thời Long Khánh (1372 - 1377) mang bút tích của vua Trần Nghệ Tông và tấm bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi” (1607), Bác Hồ đọc khi Người về thăm Côn Sơn (15/02/1965); Hệ thống tượng thờ niên đại rừ thế kỷ XVII – XIX. 
Ngoài ra, con các bộ sách kinh Phật, bộ cúng đàn Mông Sơn thí thực, bùa chú của Tổ Huyền Quang, hệ thống phả hệ của dòng họ Nguyễn Trãi…
Hàng năm, lễ hội mùa xuân Côn Sơn diễn ra từ ngày 16 – 23 tháng Giêng âm lịch với các nghi lễ truyền thống như: lễ khai hội, lễ cúng đàn Mông Sơn, lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ, lễ rước nước, cùng nhiều trò chơi dân gian như: đấu vật, cờ tướng, chọi gà, đu tiên…
Năm 2012, khu di tích Côn Sơn được nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội chùa Côn Sơn được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Khuôn viên thanh mát trước sân chùa Côn Sơn với đông đảo du khách, phật tử thập phương về tham quan, vãn cảnh

Trong chùa Côn Sơn có nhiều bảo vật quốc gia như: bia "Thanh Hư Động" tại chùa Côn Sơn. Tấm bia chứa đựng những giá trị văn hóa tiêu biểu về lịch sử, mỹ thuật. Bia "Thanh Hư Động" được tạo tác từ thời Long Khánh (1372 - 1377), là hiện vật độc bản, lưu ngự bút của vua Trần Duệ Tông. Nội dung văn bia Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi có giá trị lớn khi nghiên cứu lịch sử khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn, thiền phái Phật giáo Trúc Lâm và góp phần nghiên cứu văn hóa, xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 17. Đồ án rồng cách điệu theo lối hình kỷ hà ở mặt trước bia "Thanh Hư Động" là phong cách độc nhất về trang trí mĩ thuật ở nước ta.

Đối xứng với bia "Thanh Hư Động" là bia "Phụng lệnh dụ cung cấp tam bảo tạo lệ bi ký". Bia có hai mặt, dựng năm Thịnh Đức nguyên niên (1653). Trán bia khắc rồng chầu mặt trời, diềm bia trang trí hoa dây. Bia này là tư liệu quý góp phần nghiên cứu lịch sử chùa Côn Sơn, lịch sử Phật Giáo Việt Nam qua các thời kỳ và phong tục địa phương.

Vẻ đẹp cổ kính của bảo vật quốc gia bia "Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi". Bia dựng năm Hoằng Định thứ 8 (1067), khắc nội dung về sự ra đời và việc xây dựng các công trình của chùa Côn Sơn. Văn bia còn cho biết về sự hình thành, phát triển của Phật Giáo Trúc Lâm, về hành trạng phả hệ các vị Quốc sư trụ trì chùa Côn Sơn ở các thời kỳ. Cuối bia có khắc bài minh ca ngợi vẻ đẹp của Côn Sơn. Ngày 15/2/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Côn Sơn. Người đã đọc tấm bia này.

Chùa Côn Sơn ngày nay vẫn còn kiến trúc theo lối chùa cung đình gồm: hồ bán nguyệt, tam quan, sân trước, gác chuông, tiền đường (5 gian, 2 chái), thiêu hương (3 gian), thượng điện (3 gian), tổ đường, điện Mẫu, nhà bia...

Mái chùa cong vút

Cửa gỗ mộc mạc, tạo sự thâm trầm cho ngôi chùa

Đông đảo du khách chiêm bái nơi chính điện tôn nghiêm.

18 vị La Hán được đúc bằng đồng nguyên khối thờ tại chùa Côn Sơn.

Đối diện với hành lang thờ 18 vị La Hán là dấu tích của tòa Cửu Phẩm liên hoa. Năm 2012 và năm 2014, Viện Khảo cổ học và Ban QLDI Côn Sơn – Kiếp Bạc khai quật sau Thượng điện chùa Côn Sơn diện tích 471m2 đã phát lộ 2 lớp nền móng kiến trúc của tòa Cửu Phẩm liên hoa thời Trần (thế kỷ XIV) và thời Lê (thế kỷ XVII). 

Dấu tích kiến trúc tòa Cử Phẩm thời Lê ở địa tầng cách mặt đất 0,6m. Mặt bằng kiến trúc nhà Phẩm dài 16,2m, rộng 7m; diện tích 113,4m2, gồm 3 gian hai chái. Nền móng kiến trúc được xây kè bằng đá cuội. Nền nhà Phẩm đầm kỹ bằng cát trắng. Gian trung tâm còn dấu tích các trụ móng khá hoàn chỉnh gồm: 1 trụ món chính giữa của cây Cửu Phẩm được đầm lèn bằng sỏi và cát; 4 trụ chân tảng đỡ cột của nhà Phẩm phân đều 4 góc. Đến địa tầng văn hóa thời Trần cách mặt đất 1m. Dấu tích kiến trúc gồm 5 trụ móng. Các móng trụ được đầm lèn chặt bằng sỏi hạt nhỏ, chôn sâu xuống lớp cát nguyên thủy màu vàng nhạt. Hai lớp kiến trúc nằm chồng lên nhau cùng trục tim của chùa. 

Tòa Cửu Phẩm liên hoa mới được phục dựng

Nơi đặt ban thờ Tam Tổ Trúc Lâm, đệ nhất tổ

Tất cả đều được sơn son thếp vàng đẹp mắt

Tiếp đến là đường lên Giếng Ngọc, lầu thờ Quán Thế Âm Bồ Tát tại chùa Côn Sơn

Lầu thờ Phật ngọc Quán Thế Âm Bồ Tát nhìn từ xa

Giếng Ngọc bên cạnh lầu thờ Quán Thế Âm Bồ Tát. Giếng Ngọc là huyết mạch có ý nghĩa quan trọng về tâm linh của khu di tích Côn Sơn. Đây là tụ mạch của nước nguồn từ núi Kỳ Lân. Hơn 700 năm qua, nước Giếng Ngọc vẫn xanh trong, được dùng làm mộc dục, sái tịnh phục vụ các lễ tiết chùa Côn Sơn và phục vụ khách hành hương về chiêm bái, xin nước giếng tẩy bụi trần, cầu mong sức khỏe, bình an.

Tượng Quán thế Âm Bồ Tát tọa thiền trên đài sen được tạc bằng ngọc quý, nặng 4 tấn, cao 1,75m, ngự trên lầu dưới chân núi Côn Sơn.

Quy trình thực hiện tạc tượng được thực hiện công phu, nghiêm cẩn. Sau hơn 8 tháng thi công, tượng Phật Ngọc Quán Thế Âm Bồ Tát đã hoàn thiện.

Toàn cảnh chùa Côn Sơn trước lầu thờ Quán Thế Âm Bồ Tát. 

Lâm Thanh/VOV4

 
Hải Huyền

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC