Tây Giang: Bảo tồn văn hóa truyền thống dựa vào cộng đồng
Thứ năm, 08:30, 28/04/2022

                                           (Alăng Lợi)

Người Cơ Tu ở huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam chiếm trên 95% dân số toàn huyện. Nơi đây được xem là cái nôi văn hóa của dân tộc Cơ Tu tỉnh Quảng Nam. Từ khi tái lập huyện đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tây Giang rất coi trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Trong khi ở một số địa phương khác, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào có phần mai một thì ở huyện miền núi Tây Giang, những câu hát lý, nói lý, các sản phẩm điêu khắc, các gươl- moong …. vẫn được bà con lưu giữ tương đối nguyên vẹn. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Bhling Mia, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, tỉnh Quảng Nam để giúp bà con hiểu rõ hơn về vấn đề này.

PV: Vâng xin chào ông Bhling Mia, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Được biết, Tây Giang là một trong những địa phương làm rất tốt công tác gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống Cơ Tu. Ông có thể chia sẻ, những năm qua, huyện Tây Giang đã làm như thế nào để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống Cơ Tu?

Bhling Mia: Từ khi tái lập huyện, 19 năm qua, huyện Tây Giang xác định rất rõ tầm quan trọng của Văn hóa truyền thống trong việc phát triển chung của địa phương, và cũng xác định rõ muốn bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc phải dựa vào cộng đồng. Đó là việc trọng dụng, tìm kiếm người am hiểu, lưu giữ nhiều tài liệu quan trọng về văn hóa truyền thống của dân tộc. Để rồi từ đó, nhờ các đội ngũ này trao truyền lại cho thế hệ sau những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình bằng nhiều hình thức, làm sao để các lớp trẻ, để tất cả người dân đều biết được những nét văn hóa đẹp, những truyền thống tốt cần được lưu giữ, phát huy, những tập tục nào không còn phù hợp cần loại bỏ. Từ  tập tục sinh hoạt thôn xóm, gia đình, nghề truyền thống hay lao động làm nương rẫy đến việc giữ gìn nguồn nước, giữ gìn cánh rừng nguyên sinh,... đặc biệt quan tâm. Trong đó, việc xây dựng Gươl, một thiết chế văn hóa làng Cơ Tu được đặt lên hàng đầu. Gươl của người Cơ Tu là linh hồn của tộc người, một biểu tượng văn hóa cao nhất của cộng đồng nên luôn được người Cơ Tu gìn giữ. Nơi đây vừa lưu giữ nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, vừa diễn ra các sinh hoạt văn hóa, các lễ hội truyền thống của cộng đồng người Cơ Tu.

Nhờ đó, 19 năm qua, huyện Tây Giang đã giữ gìn, bảo tồn và phát huy tương đối tốt những giá trị văn hóa truyền thống. Hơn thế nữa, lấy những giá trị truyền thống này để phát triển kinh tế, phát triển du lịch; Vừa giáo dục được  thế hệ trẻ biết gìn giữ những vốn quý của dân tộc mình vừa biết biến những vốn quý của cha ông để phát triển kinh tế.

PV: Gần 20 năm qua Tây Giang nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống, có thể nói ở các xã, thôn bản trên địa bàn huyện đều thấy bóng dáng các ngôi Gươl, Moong và điệu hát lý, nói lý, đan lát, điêu khắc …. trong ngôi Gươl Moong vẫn được duy trì. Đó là một thành quả đáng mừng phải không thưa ông?

Bhing Mia: Thành quả đáng mừng nhất, lớn nhất, quan trọng nhất ở đây là nhận thức của bà con. Thay những tập tục lạc hậu bằng những lối sống, cách sống mới hiện đại, văn minh hơn. Bà con đã biết được việc phát huy giá trị truyền thống để tạo một nền tảng cho sự phát triển, cải thiện đời sống mới, thay đổi cách nghĩ, cách làm trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống cũng như phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Cuộc sống bà con ngày càng được nâng cao một phần nhờ giữ gìn và phát huy có hiệu quả những giá trị truyền thống mà cha ông để lại.

PV: Huyện Tây Giang sẽ làm thế nào để tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được cũng như làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, giữ gìn những giá trị truyền thống của đồng bào Cơ Tu trong thời gian tới, thưa ông?

Hiện nay tập thể Thường vụ khóa 20 tiêp tục tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, đề án về lĩnh vực văn hóa. Cần tìm người am hiểu, tâm huyết với văn hóa, với cộng đồng, cũng như biết tranh thủ tận dụng những giá trị văn hóa để quảng bá giới thiệu đến với nhiều người nhiều nơi, tạo sức hút muốn khám phá, phát triển những giá trị đó thành công ăn việc làm, sống nhờ những giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, chúng tôi gặp nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính, nguồn lực con người. Chúng tôi mong muốn, trong thời gian đến, tỉnh, Trung ương cần tập trung nguồn lực trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc khu vực phía tây của tỉnh, không phải chỉ riêng Tây Giang.

  Có thể nói, Tây Giang là vùng còn rất nhiều những giá trị văn hóa chưa thật sự được phát huy và gìn giữ tốt, chưa quảng bá những vốn quý của cha ông cho nhiều người được biết đến. Vì điều kiện của địa phương còn thiếu thốn, khó khăn nhiều. Rất mong muốn, năm 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ, Trung ương Đảng là năm Văn hóa và là năm Du lịch Quảng Nam, chúng tôi rất phấn khởi và hưởng ứng. Từ đó, có thời gian, có cơ hội để người Cơ Tu phía Tây tỉnh được hòa mình vào  dòng chảy chủ trương của Đảng và Nhà nước cùng gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời quảng bá, giới thiệu và phát triển thành sản phẩm du lịch, phát triển bền vững.

PV: Xin cảm ơn ông Bhling Mia đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này!  

 

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC