TỤC “KHAI BƯƠN” CỦA NGƯỜI TÀY
Thưa bà con và các bạn! Người Tày mặc dù sinh sống ở đâu cũng đều tổ chức lễ “Khai bươn” tức là Lễ đầy tháng khi đứa trẻ ra đời tròn tháng tuổi. Đây là lễ thức đầu tiên trong cuộc đời của mỗi người nên được chuẩn bị và tổ chức rất chu đáo, công phu. Bài viết của CTV Hoàng Thùy giới thiệu nét độc đáo về Tục “Khai bươn” của người Tày.
“Lễ đầy tháng” tiếng Tày gọi là “Khai bươn” là lễ mừng đứa trẻ trẻ tròn tháng tuổi. Ở miền núi, nhà có người ở cữ, người ta cắm trước cửa cành cây (thường dùng cành bưởi) ra hiệu báo cho khách xa đến không được vào nhà. Vì đứa trẻ mới sinh chưa đầy tháng, tâm hồn non nớt, khách vào nhà có thể mang vía xấu đến làm ảnh hưởng sức khỏe và cả tính cách của cháu bé sau này. Lễ đầy tháng như một dấu mốc trưởng thành đầu tiên của đứa trẻ, theo phong tục ngày đầy tháng gia đình nào cũng phải mời thầy Mo hoặc thầy Then đến làm lễ và đặt tên cho cháu bé. Thầy Then Nguyễn Văn Thọ ở thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) cho hay:
“Lễ “Khai bươn” của người Tày thì khi trong gia đình có trẻ nhỏ trẻ sơ sinh, sau khi tròn một tháng tuổi thì mời thầy Then, thầy Mo về làm lễ đầy tháng, người Kinh còn gọi là làm lễ đầy tháng thôi nôi. Khi con người sinh ra thì đã có bà Mụ, mẹ Hoa quản số của mình, sau khi đứa trẻ có mặt ở trên đời thì không được quên công trình của bà Mụ, khi được đầy tháng thì phải làm lễ trả công cho các bà Mụ đã trực tiếp nặn ra thành người. Từ khi đứa trẻ còn bé đến khi trưởng thành, bà Mụ vẫn luôn che chở đến khi trở thành Thanh niên (17 – 18 tuổi) thành Nam thanh Nữ tú thì mẹ Hoa, bà mụ vẫn quản số. Lễ đầy tháng chính là lễ trả ơn cho các bà Mụ mẹ Hoa để cho bà Mụ, mẹ Hoa phù hộ ban cho đứa trẻ mọi điều may mắn tốt lành, được giỏi giang, khôn lớn và mạnh khỏe”.
Lễ đầy tháng cũng là lễ ông bà, cha mẹ trình báo tổ tiên về sự sinh thành người sẽ nối nghiệp truyền thống gia tộc, cho nên trong ngày làm lễ đầy tháng ngoài làm lễ khấn “đẳm” (gia tiên), thì gia đình cũng phải khấn Mẹ Hoa, cầu mong gia tiên và Mẹ Hoa phù hộ cho cháu bé khôn lớn. Bà Nông Thị Quai, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn cho biết:
“Hôm nay cả gia đình rất vui khi gia đình vừa chào đón 2 cháu song sinh là 1 trai 1 gái nên gia đình tổ chức lễ đầy tháng cho hai cháu, để cho hai cháu được mạnh khỏe và bình an. Theo phong tục từ ngày xưa truyền lại thì gia đình phải làm lễ đầy tháng, để sau này hai đứa cháu đi học được sáng dạ”.
Ông bà ngoại đến góp mặt trong ngày lễ đầy tháng
Những lễ vật khi bên ngoại của cháu bé mang theo đi dự lễ “Khai bươn” gồm: Gà mái tơ, gạo nếp thơm, cái nôi được đan từ cây tre, cái địu thổ cẩm. Trong ngày lễ đầy tháng, bà ngoại thường đến sớm hơn mọi người, mang theo những món quà để tặng cháu, trong số những món quà, phải kể đến chiếc địu mặt hoa văn thổ cẩm. Ngày nay, chiếc địu này các bà ngoại có thể ra chợ mua, nhưng ngày xưa chiếc địu này được làm từ vải thổ cẩm, mặt địu thổ cẩm do chính tay bà ngoại trồng bông, kéo sợi, dệt vải. Thân địu và quai địu được làm từ tấm vải “can thấp” (phải “lằm khấư”) là lễ vật chàng rể dâng lên trong ngày cưới. Tấm vải dài 8 vuông vải (mỗi chiều chừng 2 gang tay), một nửa để trắng, một nửa nhuộm màu đỏ.
Em bé được địu bằng chiếc địu thổ cẩm do bà ngoại mang đến
Đúng vào ngày đầy tháng, đứa trẻ được bế ra khỏi buồng, được anh, chị… dùng cái địu vải hoa thổ cẩm mới, địu ra sân, ra đường chơi một lúc. Đây là lần đầu tiên đứa trẻ được nhìn thấy mặt trời, được hòa mình với thiên nhiên và tiếp xúc với nơi đông người. Bé đã thực sự trở thành một thành viên trong họ tộc, làng bản. Lễ đầy tháng có thể coi như lễ công bố sự có mặt của một thành viên mới trong xã hội. Người ta bắt đầu gọi đứa trẻ là cháu, là em, là anh… Bà Nguyễn Thị Bông ở huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn cho biết:
“Ý nghĩa đối với việc tổ chức lễ đầy tháng cho trẻ nhỏ thì khi đứa trẻ được các bà Mụ mẹ Hoa sinh thành, đứa trẻ sẽ được ông bà tổ tiên bảo hộ, trong họ cũng có thêm đứa cháu. Đến ngày đầy tháng gia đình mời thầy Then, Pựt về làm lễ để báo cáo lên tổ tiên là trong nhà trong họ vừa đón được đứa trẻ xinh như hoa, xin cho đứa trẻ sau này được thông minh, làm việc gì cũng tốt đẹp, mạnh khỏe... gia đình được bình an mà đứa trẻ cũng ngày càng khôn lớn”.
Đứa trẻ được anh địu ra đường vào ngày lễ đầy tháng
Lễ đầy tháng là một phong tục có từ lâu đời của người Tày. Lễ đầy tháng là dịp để hai bên gia đình nội, ngoại gặp gỡ, giúp tăng thêm tình thân thiết giữa hai gia đình thông gia. Lễ đầy tháng cho trẻ cũng thể hiện sự ảnh hưởng của mẫu hệ vẫn còn khá sâu đậm trong văn hóa truyền thống của người Tày thông qua tục thờ mẫu và thờ bà mụ./.
Viết bình luận