PỈ NỌNG TỈNH ĐÀI XÁU CHƯƠNG TRÌNH
Thứ sáu, 09:17, 27/08/2021
Pỉ noọng slương điếp!
Rảo nẩy dú tềnh mạng xạ hội mì cần cạ fiệc au Then khửn tềnh sân khấu pây chiềng lẻ đang slí “hết hẩư Then cúa cần lầu thai pây”. Phuối mừa fiểc nẩy! mì lai cần tó phuối táng căn. Rèo pỉ noọng lẻ hăn pền rừ?

Pỉ noọng slương điếp! Rảo nẩy dú tềnh mạng xạ hội mì cần cạ fiệc au Then khửn tềnh sân khấu pây chiềng lẻ đang slí “hết hẩư Then cúa cần lầu thai pây”. Phuối mừa fiểc nẩy! mì lai cần tó phuối táng căn. Rèo pỉ noọng lẻ hăn pền rừ?

 

Bà con và các bạn thân mến!

Hằng ngày, qua Fanpage “Tiếng Tày – Nùng Đài Tiếng nói Việt Nam”, Ban Biên tập chương trình vẫn thường xuyên trò chuyện, trao đổi với thính giả quen thuộc của chương trình trên mọi miền Tổ quốc. Chúng tôi rất vui khi nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của nhiều bạn nghe Đài. Sau đây là một số ý kiến đóng góp của thỉnh giả đã gọi đến chương trình trong tuần qua:

Từ Tây Nguyên, ông Ma Văn Chẹn, quê gốc ở huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn cho biết:

Băng Tày: “Bác ở tận Đắk Lắk cơ, gia đình chuyển vào Nam cả rồi nhưng hàng ngày mọi người vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng Tày. Ở đây đa số là người Tày-Nùng mình mà. Ở trong này vẫn thường xuyên nghe Then của người mình ở ngoài Bắc nhiều lắm, còn thành lập cả đội hát Then cơ mà. Ở đây ngày nào cũng nghe chương trình tiếng Tày-Nùng của Đài trên facebook. Chúc các cháu luôn phát triển chương trình tiếng dân tộc mình mãi mãi, ở trong này các bác vẫn nghe thường xuyên mà. Chúc các cháu mạnh khỏe để luôn gìn giữ tiếng dân tộc mình nhé!”

Thưa bà con và các bạn! Mặc dù ở khu vực Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ chưa phủ sóng radio FM chương trình Tày-Nùng Đài TNVN nhưng hàng ngày bà con mình vẫn thường xuyên theo dõi chương trình qua Fanpage của Chương trình trên facebook hoặc nghe trực tiếp khi chương trình đang phát sóng trên mạng internet ở đường link vov4.vn. Bạn cũng có thể vào đó, rồi chọn tiếng Tày- Nùng để nghe, để xem các chương trình đã phát sóng qua Trang Thông tin điện tử mà chúng tôi đang "chạy" thử nghiệm mấy ngày nay. 

Bà Bế Đà, 72 tuổi, quê ở huyện Trà Lĩnh (cũ), tỉnh Cao Bằng đang sinh sống tại huyện Đắk Min, tỉnh Đắk Nông nói:

Băng Tày: “Từ lúc mà mở thấy chương trình ở trên facebook thì bá cứ mở nghe suốt, bá thấy hay quá các cháu ạ, nói chung là có chương trình này rất là tốt, tại vì lớp trẻ ngày ngay đa phần không còn nói tiếng dân tộc mình nữa, vì đi ra ngoài công tác thì toàn nói tiếng phổ thông thôi vì vậy chúng ta là cha, là mẹ thì nên nói tiếng dân tộc với con cháu để giữ gìn tiếng nói của dân tộc mình. Ví dụ như ở khu vực tôi sinh sống có người Dao đỏ ấy, các cháu nhỏ vẫn nói chuyện với cha mẹ hàng ngày bằng tiếng Dao đấy, họ vẫn giữ gìn bản sắc của dân tộc họ, tôi mong muốn là làm sao con cháu mình cũng nên giữ gìn để không mất được bản sắc dân tộc mình”.

Thưa bà con và các bạn! Gần đây trên mạng xã hội có ý kiến cho rằng việc đưa Then lên sân khấu biểu diễn là đang “Giết chết Then”. Ý kiến này gây một số tranh luận khác nhau. Vậy ý kiến của bạn như thế nào?

Chị Nông Thúy Nga ở thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng cho rằng:

Băng Tày: “Nói như vậy theo tôi là không đúng, sao lại có thể nói như vậy được? Việc đưa Then lên sân khấu là để quảng bá cho nhiều người biết đến, cả trong nước và bạn bè trên thế giới mọi người đều biết và được thưởng thức thì như thế mới quảng bá được Then chứ. Khi các nghệ sĩ, nghệ nhân biểu diễn Then trên sân khấu thì đã lựa chọn các tiết mục đặc sắc để nhiều người được xem, được nghe. Khi biểu diễn trên sân khấu thì mỗi tiết mục chỉ khoảng 4-5 phút thôi. Theo tôi thì đây là tín ngưỡng của đồng bào Tày-Nùng mình”.

Anh Nguyễn Xuân Bách, giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc có ý kiến :

Băng Tày: “Việc đưa Then lên Sân khấu đã được các nghệ nhân, nghệ sĩ cao tuổi thực hiện từ rất lâu. Từ nhưng năm 1950-1960 đã có nhiều bài Then của các nhạc sỹ Hoa Cương, Đinh Quang Khải được phát trên sóng Đài Phát thanh khu Tự trị Việt Bắc qua giọng hát của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ như Bích Thu, Hà Bời, Kim Hân, Thu Hà… Đưa Then lên sân khấu là đưa những điều tốt đẹp nhất, dễ đi vào lòng người nhất để tất cả chúng ta cùng bè bạn khắp bốn phương biết được những điều đặc sắc của Hát Then. Chính vì thế thì Then mới được bay cao, bay xa khắp mọi miền và để các thế hệ gìn giữ và bảo tồn Then. Hiện nay cũng có nhiều ý kiến tranh cãi về việc đưa Then lên sân khấu là “Giết chết Then” nhưng họ không hiểu việc sân khấu hóa và Then cổ có sự khác biệt, một cái là đưa những điều tốt đẹp lên trên sân khấu, còn một cái là Then nguyên bản để các ông Then, bà Then đi làm lễ. Chúng ta đưa cái mới chứ không phải là đưa những cái cổ hủ, lạc hậu. Thế nhưng, không phải làm như vậy là “Giết chết Then”. Nói như vậy thì tội và các nghệ nhân, nghệ sĩ khác đang hàng ngày đem Then đến nhiều nơi cảm thấy thật đau lòng. Năm 2017, Tôi cùng 5 nghệ nhân, nghệ sĩ đã đưa Then sang biểu diễn tận Thủ đô Pari (Pháp), có rất nhiều tiết mục, trong đó có cả những trích đoạn Then cổ nhưng được bạn bè Pháp cùng bà con Việt Kiều rất hoan nghênh đón nhận".

Riêng ở Lạng Sơn thôi, có rất nhiều thầy Then nổi tiếng như Then Thọ, Then Minh, Then Hằng, Then Thơ...Họ rất bận rộn vì luôn được mời đi cúng ở khắp nơi vì đối với người Tày- Nùng, trong đời sống thường nhật chưa bao giờ thiếu được Then.

Có một thực tế không thể phủ nhận rằng hiện nay rất nhiều bạn trẻ đang mai một dần ngôn ngữ của dân tộc mình. Bên cạnh Then cổ thì Then mới- tức là Then đặt lời phổ thông đang là hướng đi để then tiếp cận với đời sống hiện đại, để cho các bạn trẻ, cho nhiều đối tượng khác dễ tiếp nhận. Và việc đưa Then lên sân khấu cũng không ngoài mục đích ấy. Hãy nghe ý kiến của thầy Then Thọ:

Băng Tày: “Tôi ra nước ngoài biểu diễn, người ở Pháp thôi, họ không biết tiếng Tày, nhưng khi nghe giai điệu, lời hát của mình cất lên thì họ vẫn cảm nhận được. Bây giờ, quan trọng là làm thế nào để lấy được những nét tinh túy nhất trong hát Then, sau đó cải tiến lời Việt để cho những người trẻ họ nghe hiểu và học hát cũng là một việc làm rất tốt. Thế nên, việc bây giờ cần làm là làm thế nào để lấy giai điệu cổ cải biên giai điệu thành giai điệu mới, để có cái mới hay hơn, nhưng không làm thay đổi cái hay của then cổ”.

Chúng tôi thiết nghĩ như thế này:

Phải khẳng định rằng Then vẫn đang tồn tại mạnh mẽ trong cộng đồng- không gian diễn xướng riêng của nó. Là Di sản, nó như của quí trong nhà. Của quí mà chỉ đem cất giữ thì chả ai biết. Chính vì thế các nghệ sĩ, thậm chí nghệ nhân dân gian biểu diễn Then trên sân khấu, đem đi nhiều nơi biểu diễn. Đó là sự chọn lọc những cái hay của then để giới thiệu rộng rãi không chỉ người Tày, Nùng biết mà các dân tộc anh em biết nó hay nó đẹp như thế nào. Không thể nói làm như vậy là “Giết Then” mà đó là sự bổ sung tuyệt vời : Bảo tồn và quảng bá. Vừa qua UNESO đã công nhận Nghi lễ thực hành Then của người Tày- Nùng- Thái Việt Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nếu không có sự giới thiệu, quảng bá mạnh mẽ như trên, chắc hẳn không ai biết đến Then của chúng ta. Đúng không bà con và các bạn?

Xin cảm ơn những ý kiến đóng góp của bạn nghe Đài! Mọi ý kiến góp ý hay yêu cầu được nghe ca nhạc của các bạn xin gửi vào hộp thư của Fanpage chương trình “Tiếng Tày-Nùng Đài TNVN” hoặc gọi đến cho chúng tôi qua số điện thoại 08.626.151.88. Chúng tôi xin nhắc lại một lần nữa số điện thoại của chương trình là: 08.626.151.88. Chúng tôi luôn chào đón các bạn!

 

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC