NGHỆ SĨ ƯU TÚ NÔNG VĂN KHANG
Thứ hai, 11:33, 31/10/2022 BTV BTV
...Tiếng hát ấy của người nghệ sĩ đến từ núi rừng Việt Bắc từ thập kỷ 50, 60 của thế kỷ trước cho đến mãi sau này đã trở thành giọng ca thân thuộc, yêu mến, len lỏi vào từng ngóc ngách, bản làng, vào đời sống tinh thần của mỗi người dân....
Nông Văn Khang đã đi xa, nhưng giọng hát của ông còn ở lại...

Trong ký ức của những người dân vùng Việt Bắc thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có lẽ không ai là không biết đến giọng hát của Nghệ sĩ ưu tú Nông Văn Khang với những bài hát sli, lượn, then lẫn những ca khúc tuyên truyền cách mạng bằng tiếng Tày - Nùng. Tiếng hát ấy của người nghệ sĩ đến từ núi rừng Việt Bắc từ thập kỷ 50, 60 của thế kỷ trước cho đến mãi sau này đã trở thành giọng ca thân thuộc, yêu mến, len lỏi vào từng ngóc ngách, bản làng, vào đời sống tinh thần của mỗi người dân....

Tuổi thơ nhọc nhằn và cơ duyên đến với nghệ thuật

Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo tại xã Đổng Xá (Na Rì), cuộc sống lam lũ vất vả nhưng ngay từ nhỏ cậu bé Khang đã bộc lộ năng khiếu về nghệ thuật. Sống trong cộng đồng dân tộc Tày, Nùng nơi có những làn điệu độc đáo như hát then, hát sli, lượn, phong thư...vào mùa xuân mùa của lễ hội, lúc này già trẻ, gái trai cùng nhau trẩy hội, các khúc hát lại được cất lên da diết khôn nguôi. Từ nhỏ cậu đã say đắm trong từng khúc hát. Cậu có thể thức trắng cả đêm để xem các Then (bà then), then Tậc (ông then) biểu diễn các khúc hát trong lễ cấp sắc, cầu an, kì yên giải hạn…Những khúc hát vượt biển (khảm hải), câu sli, lượn trong ngày hội, ngày chợ đã chắp cánh cho cậu bé Khang say đắm nghệ thuật cổ truyền của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Thông minh, nhanh trí cậu dễ dàng nhớ và thuộc các điệu hát cổ nên trong các hoạt động văn hoá, văn nghệ địa phương cậu bé Khang thường xuyên tham gia và được mọi người yêu mến bởi tiếng hát truyền cảm, đắm say. Cơ duyên đến với nghệ thuật cuả bác Khang thật tình cờ. Năm 1953, nhà văn Nông Viết Toại-khi ấy là trưởng đoàn ca múa dân gian Việt Bắc, trong một chuyến đi về địa phương công tác, đã bị chinh phục bởi tiếng hát trong trẻo cuả cậu bé Tày vùng cao nên đã tuyển về đoàn ca múa dân gian Việt Bắc. Tại đây cậu bé Khang đã có cơ hội phát triển tài năng nghệ thuật của mình.

Đam mê sưu tầm các làn điệu dân ca cổ

Đến với đoàn nghệ thuật dân gian Việt Bắc, cậu bé Khang không ngừng học hỏi, nâng cao khả năng ca hát với một ước mơ chuyển tải được nghệ thuật, các làn điệu, ca khúc cổ của người Tày, Nùng đến với đông đảo người dân. Tại đây, cậu bé Khang có cơ hội được đi lưu diễn trên các vùng, miền đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số miền Bắc. Đi đến đâu nghệ sĩ Nông Văn Khang cũng tìm gặp những nghệ nhân cao tuổi để tìm hiểu nghệ thuật truyền thống cuả các dân tộc và sưu tầm các ca khúc cổ của nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Chay... Mỗi vùng miền lại có một làn điệu đặc trưng. Theo bác Khang Ngay cả cùng một dân tộc nhưng các giai điệu từng miền đều có tiết tấu khác nhau. Chẳng hạn then của người Tày Na Rì (Bắc Kạn) khác với then của người Tày Định Hoá (Thái Nguyên), có khi cùng là một tỉnh nhưng phía đông và phiá tây làn điệu then cũng rất khác nhau như hát then ở Cao Bằng. ở mỗi vùng làn điệu then lại có những nét độc đáo riêng: Then Lạng Sơn dìu dặt tha thiết, then Tuyên Quang dồn dập như thúc quân ra trận, then Hà Giang nhấn nhá từng tiếng một, then Bắc Kạn như chuyện kể thầm thì...Chính nguồn vốn sưu tầm trong dân gian đã giúp bác chắt lọc những tinh tuý cuả từng dân tộc để dàn dựng cho sân khấu biểu diễn. chính vì vậy, các tiết mục của các nghệ sĩ trong đoàn luôn được người dân các dân tộc trong vùng yêu thích và được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật.

Năm 1960, trong một cuộc thi tiếng hát dân ca toàn quốc bác đã giành huy chương vàng với ca khúc mang làn điệu cuả người Dao, bác kịp “sưu tập” cho mình 5 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và nhiều phần thưởng khác. Gần 55 năm hoạt động trong đoàn nghệ thuật dân gian Việt Bắc, nhiều năm liền là đội trưởng đội ca, nghệ sĩ Nông văn Khang đã sáng tác nhiều ca khúc dựa trên làn điệu dân ca của các dân tộc thiểu số đặc biệt là làn điệu then cổ cuả người Tày. Đồng thời dàn dựng các vở diễn cho đoàn được mọi người đánh giá cao về tính nghệ thuật, biểu diễn, thấm đẫm văn hoá của các dân tộc vùng đông bắc cũng như chuyển tải đến đông đảo người dân về bản sắc văn hoá phi vật thể cuả từng vùng, miền.

Nhiều ca khúc do bác sáng tác dàn dựng cho Đoàn nghệ thuật dân gian Việt Bắc biểu diễn đã đoạt giải vàng toàn quốc, tiêu biểu như ca khúc Đêm trung thu (làn điệu then Tày), Thái Nguyên quê noọng (làn điệu then)…Các sáng tác cuả bác Khang chủ yếu theo làn điệu then và các làn điệu dân ca vùng Việt Bắc như sli, lượn, phong thư…qua đó đưa người nghe đến một không gian văn hoá cuả đồng bào các dân tộc Việt Bắc, nơi có những lễ hội độc đáo, những phong tục thấm đẫm tính nhân văn, nơi có tiếng sli, lượn đậm đà trong trẻo và hơn cả nơi ấy có những còn người bình dị, chất phác nhưng đầy nhiệt tình, hiếu khách, đó là cái tình của người con của núi rừng muốn gửi gắm qua từng giai điệu. Đam mê hoạt động, đầy sáng tạo và trách nhiệm nghệ sĩ Nông văn Khang đã vinh dự được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Nghệ sĩ của bản làng

Sau hơn 50 năm nỗ lực hoạt động trong đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc, thành danh từ nghệ thuật hát then đàn tính, khi về hưu bác vẫn đau đáu một niềm trăn trở với vốn văn hoá dân gian đang dần bị giao thoa, mai một. Những ca khúc cổ, những lời hát cổ mang đặc trưng cho một vùng, miền thể hiện được nét văn hoá, nét riêng nét đặc sắc đang dần bị quên lãng, bác lại không quản ngại vất vả trèo đèo, lội suối sưu tầm các ca khúc cổ ở các nghệ nhân và truyền dạy cho những học trò có tâm huyết với làn điệu dặc trưng của dân tộc. Niềm đam mê được nghệ sĩ gửi qua từng điệu hát, từng câu lượn, câu sli. Để chuyển tải nét văn hoá đặc sắc cuả đồng bào dân tộc thiểu số trong đời sống cộng đồng, nghệ sĩ Nông văn Khang luôn tham gia các hoạt động, văn hoá văn nghệ, các hội diễn lớn nhỏ của địa phương. Từ các hoạt động văn hoá, văn nghệ cuả làng, bản đến các hội diễn lớn, nơi nào bác cũng dành tâm huyết, cũng nỗ lực hết mình bồi dưỡng, hướng dẫn cho các học sinh, các nghệ nhân, các diễn viên quần chúng… Hơn 72 tuổi bác nhưng bác Khang vẫn không ngừng theo các đoàn đi lưu diễn vẫn say mê sưu tầm các ca khúc cổ và luôn đau đáu một nỗi niềm bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hoá truyền thống, lưu giữ được nét nguyên bản, nét văn hoá đặc sắc thông qua các ca khúc cổ./.

( Bài viết năm 2019)

BTV

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC