Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/21944 – 22/12/2023) và 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2023), PV chương trình PT tiếng Cơ Tu của Đài TNVN đã thực hiện cuộc tọa đàm với chủ đề “Thắm tình quân dân nơi vùng biên” tại Đồn Biên phòng A Nông, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam. Bây giờ, xin mời PV Vơ Ních Oang bắt đầu cuộc tọa đàm.
Trước hết, Vơ Ních Oang xin cảm ơn các vị khách mời đã nhận lời tham gia cuộc tạo đàm hôm nay. Xin giới thiệu, các vị khách mời tham gia tọa đàm:
Thiếu tá Zơ Rum Xiết, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng A Nông, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam.
Ông Y Đêl Bốn, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã A Nông, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.
Ông Y Đêl Chiêl, già làng thôn A Nonh, xã A Nông, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.
Và chị Bhling Nang, một trong những hộ dân xã A Nông, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam có con được Đồn Biên phòng A Nông nhận hỗ trợ trong chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng”.
Bộ đội giúp dân thu hoạch lúa
PV: Thưa bà con và các bạn! Đồn Biên phòng A Nông, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam quản lý hơn 21km đường biên giới với 9 cột mốc thuộc địa bàn 4 xã Lăng, A Tiêng, A Nông và Bha Lêê, huyện Tây Giang. Cùng với nhiệm vụ tuần tra giữ gìn đường biên, cột mốc, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Nông còn triển khai nhiều chương trình hỗ trợ đồng bào vùng biên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo như: Phối hợp với địa phương vận chuyển nhà giúp bà con 5 thôn, xã A Nông đến nơi ở mới; hỗ trợ 6 cháu là con em đồng bào trong chương trình “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi biên phòng”; xây dựng 10 ngôi nhà “Mái ấm biên cương”. Cùng với đó, Đồn biên phòng thường xuyên hỗ trợ người dân chăn nuôi, trồng trọt, thu hoạch mùa màng, tuyên truyền vận động bà con thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.
PV:Thưa Thiếu tá Zơ Rum Xiết, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng A Nông, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, xin ông cho biết những việc làm cụ thể của Đồn trong công tác hỗ trợ chính quyền địa phương và đồng bào trên địa bàn phụ trách thời gian qua?
Thiếu tá Xiết: Nhiệm vụ chính của Đồn Biên phòng A Nông là bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh, trật tự vùng biên giới của Tổ quốc. Muốn hoàn thành nhiệm vụ, trước tiên phải xây dựng thế trận lòng dân vững vàng. Chính vì thế, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, nhất là vai trò của già làng, người có uy tín, Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ là người hiểu rõ và trực tiếp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Như mới đây, trong công tác phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam, Đồn Biên phòng A Nông đã phát động cuộc thi và nhận được sự hưởng ứng của địa phương và người dân tham gia nhiệt tình, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng A Nông nơi cột mốc biên giới
PV: Với đặc thù là địa bàn vùng núi, biên giới, trình độ, nhận thức của người dân còn hạn chế, nhiều phong tục tập quán còn lạc hậu, Đồn Biên phòng A Nông có những cách làm như thế nào trong công tác tuyên truyền vận động để bà con dễ nắm bắt?
Thiếu ta Xiết: Đồn Biên phòng A Nông chú trọng công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước bằng cách phát tờ rơi kèm hình ảnh. Thông qua sự việc thực tế trên địa bàn, Đồn phối hợp tổ chức tuyên truyền các nội dung bằng hình thức sân khấu hóa. Nhờ vậy, giúp bà con nắm bắt nội dung, góp phần giảm thiểu việc vi phạm pháp luật của Nhà nước.
PV: Vâng, xin cám ơn Thiếu tá Zơ Rum Xiết, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng A Nông, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam.
Thưa ông Y Đêl Bốn, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã A Nông, huyện Tây Giang, trong thời gian qua, địa phương đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ như thế nào nào từ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Nông?
Ông Bốn: Thời gian qua, Đồn Biên phòng A Nông thường xuyên phối hợp chính quyền hỗ trợ bà con trên địa bàn, nhất là hộ nghèo, gia đình khó khăn, phụ nữ đơn thân, trẻ em mồ côi. Thời điểm xã A Nông san ủi mặt bằng, bố trí dân cư, cán bộ Đồn Biên phòng A Nông cũng góp phần vận động, hỗ trợ người dân 5 thôn về nơi ở mới, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, Đồn hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật trồng lúa nước; xây dựng hơn 10 ngôi nhà hỗ trợ gia đình khó khăn. Nay, Đồn Biên phòng A Nông tiếp tục nuôi, hỗ trợ các con, em đồng bào mồ côi, học sinh vượt khó học giỏi; những khi mưa lũ thiên tai, Đồn Biên phòng A Nông hỗ trợ địa phương khắc phục đường sá, cầu cống, lợp nhà cho người dân... Khi thực hiện xây dựng Nông thôn mới, Đồn Biên phòng A Nông cũng góp sức tham gia cùng chính quyền. Chúng tôi rất là cảm ơn, ghi nhận sự hỗ trợ của Đồn.
PV: Vậy còn địa phương thì đã có sự phối hợp như thế nào để cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Nông thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ đường biên cột mốc, bảo đảm trật tự an ninh trên địa bàn?
Ông Bốn: Chúng tôi luôn sẵn sàng ủng hộ hết mình khi Đồn Biên phòng A Nông cần trong các hoạt động như tuần tra, phong trào toàn dân, văn hóa – văn nghệ… Đặc biệt, tại 5 thôn của xã đều đã thành lập Tổ tự quản hỗ trợ công tác tuần tra đường biên, cột mốc cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn. Đây là sự tương trợ lẫn nhau giữa người dân, chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng A Nông suốt thời gian qua và ngày càng phát triển, thắt chặt tình đoàn kết hơn nữa.
PV: Xin cảm ơn ông Y Đêl Bốn.
A Nông là 1 trong 8 xã biên giới của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Nông thời gian qua đã góp phần nâng cao đời sống bà con, đồng thời, giúp địa phương triển khai các chương chương trình mục tiêu quốc gia. Bây giờ, chúng ta cùng gặp gỡ chị Bhling Nang, một trong những hộ Cơ Tu khó khăn ở địa phương có con được Đồn Biên phòng A Nông nhận hỗ trợ trong chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Xin hỏi chị Nang, cháu nhà mình nhận được Đồn Biên phòng A Nông hỗ trợ từ khi nào?
Chị Bhling Nang: Cháu nhận hỗ trợ được 2 năm nay. Gia đình tôi thật sự rất bất ngờ khi lên trường nhận số tiền hỗ trợ từ Đồn Biên phòng A Nông. Gia đình có hỏi, đây là tiền gì thì được thầy, cô giáo trong trường giải thích là tiền cháu được Đồn hỗ trợ trong chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng”.
PV: Mỗi tháng, cháu nhận được hỗ trợ bao nhiêu từ Đồn Biên phòng A Nông vậy thưa chị?
Chị Bhling Nang: Cháu nhận được 500 nghìn đồng mỗi tháng. Số tiền này giúp gia đình giảm bớt gánh nặng mua sắm sách vở, đồng dùng học tập hay nộp các khoản thu mỗi tháng cho cháu. Chúng tôi có điều kiện chăm lo cho anh em sinh đôi của cháu được tốt hơn.
PV: Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chị có điều gì muốn gửi gắm đến cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Nông không ạ?
Nhân dịp 22/12 năm nay, tôi xin chúc cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng luôn mạnh khỏe, ngày càng vững vàng, to lớn để giúp đồng bào phát triển kinh tế, tiếp tục hỗ trợ các cháu hoàn cảnh khó khăn.
PV: Cảm ơn những chia sẻ của chị Bhling Nang.
Tại các xã vùng biên của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, các già làng, người có uy tín từ lâu đã trở thành “cầu nối” giữa chính quyền với người dân. Họ cũng tích cực tham gia cùng lực lượng Bộ đội biên phòng trong công tác tuyên truyền vận động người dân bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Già làng, người có uy tín và đồng bào Cơ Tu nơi đây cũng luôn xem các chiến sĩ biên phòng là những người con của bản làng.
Thưa già làng Y Đêl Chiêl, ông có thể cho biết những tình cảm mà bản thân ông cũng như bà con Cơ Tu nơi đây dành cho các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng?
Ông Y Đêl Chiêl: Tôi thấy, cán bộ biên phòng thời kỳ nào cũng đều sống rất tốt với bà con. Các dịp hội, lễ tết lớn, nhỏ, bà con đều mời cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng đến chung vui, giao lưu với nhau, nhất là dịp Tết hằng năm đều tổ chức ăn uống. Ngược lại, Đồn cũng mời bà con đến chung vui, sinh hoạt, giao lưu cùng nhau, tặng quà. Bà con mong muốn cùng sống chung vui, gắn bó hòa thuận, hỗ trợ lẫn nhau với Đồn.
PV: Những hỗ trợ của Đồn Biên phòng A Nông đã giúp cho bà con mình như thế nào trong phát triển kinh tế xã hội, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu để xây dựng đời sống văn minh?
Ông Y Đêl Chiêl: Đồn Biên phòng A Nông giúp đỡ nhiều lắm. Đồn thường xuyên xuống làng bảo ban, tuyên truyền các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước cho người dân nắm rõ. Nhờ vậy, các hủ tục dần được xóa bỏ, xây dựng đời sống mới tiến bộ hơn. Như trước đây, đường sá đi lại khó khăn, những khi đau ốm, bản thân tôi cũng như bà con chỉ biết dựa vào thuốc của Đồn cho thôi.
PV: Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của già Chiêl?
Thưa bà con và các bạn! Địa bàn 4 xã biên giới A Tiêng, A Nông, Bha Lêê và xã Lăng, huyện Tây Giang do Đồn Biên phòng A Nông phụ trách người dân hầu hết là đồng bào Cơ Tu. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào rừng và khai thác sản vật. Bà con thường xuyên đến khu vực giáp ranh để sản xuất, trao đổi hàng hóa hoặc thăm thân. Vậy làm sao để bà con nhận biết chính xác về đường biên, cột mốc, biên giới lãnh thổ để không vi phạm pháp luật, thưa Thiếu tá Zơ Rum Xiết?.
Thiếu tá Xiết: Trong quá trình tuần tra đường biên, cột mốc, Đồn Biên phòng A Nông đã chỉ từng rõ ranh giới đất của Việt Nam và đất của bạn Lào cho người dân thuộc Tổ tuần tra, cán bộ các thôn bản và về tuyên truyền lại. Do vậy, đồng bào họ có cách nhận biết riêng và thực hiện rất nghiêm túc. Đơn vị cũng biết, đồng bào Cơ Tu mình và đồng bào Cơ Tu bên Lào có mối quan hệ thân tộc, họ tộc thường xuyên qua lại rất dễ xảy ra vi phạm. Chính vì thế, Đồn rất chú trọng tuyên truyền các nội dung về quy chế biên giới cho bà con nắm rõ.
PV: Quá trình thực hiện nhiệm vụ, chắc hẳn bản thân anh và cán bộ, chiến sĩ của Đồn gặp nhiều khó khăn, trở ngại?
Thiếu ta Xiết: Có chứ! Những khi Đồn Biên phòng A Nông đi truyên truyền xuống thôn bản vẫn gặp một số trường hợp không chịu chấp hành các chủ trương, pháp luật của Nhà nước. Họ bảo, từ đời cha ông họ đã sống như vậy có bị làm sao đâu mà bắt họ làm thế này, thế kia. Tuy nhiên, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, bà con cũng dần chuyển biến trong nhận thức, nếu không được 10 phần thì cũng được 5, 6 phần.
PV: Cám ơn Thiếu tá Zơ Rum Xiết.
Bà con và các bạn vừa nghe những chia sẻ về sự hỗ trợ thiết thực trong phát triển kinh tế xã hội, những tình cảm gắn bó, sự tương trợ lẫn nhau giữa Đồn Biên phòng A Nông và đồng bào vùng biên giới A Nông, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thời gian qua. Buổi tọa đàm với chủ đề “Thắm tình quân dân nơi vùng biên” xin kết thúc tại đây. Một lần nữa, xin cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian tham gia chương trình của chúng tôi. Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Vơ Ních Oang xin thay mặt những người làm chương trình PT tiếng Cơ Tu của Đài TNVN chúc cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Nông cũng như toàn thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thật nhiều sức khỏe, bình an và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.
--------//--------
Viết bình luận