Trao đổi: “Bảo tồn tiếng nói, chữ viết của người Cơ Tu”
Thứ tư, 15:26, 23/03/2022
Tiếng nói và chữ viết chính là hồn cốt của mỗi tộc người, là công cụ để bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, trải qua theo thời gian, nhiều nét văn hóa truyền thống của người Cơ Tu trong đó có tiếng nói và chữ viết đang dần bị mai một. Chính vì vậy, việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của người Cơ Tu hết sức quan trọng, nhằm góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Nói về vấn đề này, PV Chương trình đã có cuộc trao đổi với anh Pơ Loong Plênh, chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Mời bà con và các bạn cùng nghe:

  PV: Xin chào Plênh! Hiện nay việc học chữ Cơ Tu và truyền dạy chữ Cơ Tu trong đồng bào mình có những thuận lợi, khó khăn thế nào, thưa anh?

Anh Pơ Loong Plênh: Đối với việc học và truyền dạy chữ viết, tiếng nói người Cơ Tu hiện nay có rất nhiều thuận lợi vì có nhiều máy móc hiện đại giúp ích rất nhiều. Từ điện thoại, máy tính, máy ghi âm, máy chụp ảnh, máy quay phim... mình lưu giữ hết trong đó để mọi người có thể xem, học và nghiên cứu về sau. Hơn nữa, giờ ở khắp thôn bản của người Cơ Tu sinh sống vẫn còn nhiều già làng, người có uy tín am hiểu về tiếng nói lẫn chữ viết Cơ Tu, những điệu ba boóch, k’lới, ch’chấp cũng vẫn còn đó nên rất thuận lợi trong việc truyền dạy. Về khó khăn thì hiện nay mọi thứ đều chạy theo hiện đại nên có thể nhiều người không chú tâm đến những giá trị tốt đẹp vốn có của đồng bào mình để rồi dần mất đi. Những người giỏi, am hiểu về chữ viết và tiếng nói cũng đang ngày một ít đi. Điều khó khăn nhất lúc này là rất nhiều nơi, nhiều hộ gia đình trong nhà rất ít sử dụng tiếng mẹ đẻ, toàn nói tiếng phổ thông nên gây ra tình trạng nhiều trẻ bây giờ không biết nói tiếng đồng bào mình. Dù có dạy bằng sách vở cũng không thể bằng nói chuyện trực tiếp hàng ngày.

PV: Vì sao nhiều lớp trẻ bây giờ không biết chữ và tiếng nói Cơ Tu? Là một người nghiên cứu về văn hoá thì Plênh có suy nghĩ thế nào về vấn đề này?

Anh Pơ Loong Plênh: Thú thật bây giờ không phải mấy đứa nhỏ không thích nói hay là không biết. Mà môi trường để họ tiếp cận không được thuận lợi như trước đây. Gìơ ngay cả trong nhà họ còn nói tiếng phổ thông thì làm sao họ nói đượ tiếng Cơ Tu. Cũng như cây bắp hay lúa thôi, muốn trồng thì phải có đất tốt để trồng thì mới phát triển được. Tiếng nói của người Cơ Tu cũng vậy, từ gia đình đến bà con, bạn bè, xung quanh mình ai cũng phải tự hào với tiếng mẹ đẻ, ở đó là trái tim, là hơi thở của một tộc người. Trước đây Bác Hồ cũng đã từng sử dụng tiếng dân tộc để chống lại giặc Pháp, Mỹ. Nếu viết hoặc nói bằng tiếng phổ thông thì mọi bí mật của chúng ta sẽ bị lộ và thất bại, nên phải dùng tiếng dân tộc để địch không biết mình đang nói gì. Trước đây mình có một tờ báo với tên gọi “Gung Dưr” (Vùng Lên) để sử dụng trong việc chiến đấu, nhờ đó mình thắng được giặc Pháp, giặc Mỹ. Ở nhà, ngoài nói bằng tiếng Cơ Tu, tôi vẫn nói chuyện bằng phổ thông với vợ con, nhưng tiếng mẹ đẻ Cơ Tu là cái cốt lõi, là trái tim phải giữ gìn.

PV: Theo Plênh, để khôi phục lại tiếng nói và chữ viết Cơ Tu ngay từ bậc mầm non, tiểu học thì cần có những giải pháp cụ thể thế nào?

Anh Pơ Loong Plênh: Các nhà nghiên cứu trước đây họ nói có tiếng nói thì mới có chữ viết. Nếu mất tiếng nói thì cũng chẳng bao giờ có chữ viết, sợ mất tiếng nói chứ không sợ mất chữ. Bởi tiếng nói cần phải lưu giữ, sử dụng thường xuyên từ trong nhà ra ngoài thôn xóm, từ người lớn đến trẻ nhỏ và từ cha mẹ đến con cái... Gìơ trong chữ viết chưa được thống nhất rõ ràng, kể cả tên gọi Cơ Tu hay Ka Tu cũng vậy. Như một số bộ phận người Cơ Tu ở bên Lào hay Campuchia họ gọi là Ka Tu, nhiều chỗ ở mình thì gọi là Cơ Tu. Dù gọi Ka Tu hay Cơ Tu đều có một điểm chung về văn hoá, tiếng nói, chữ viết hay cúng bái, mọi phong tục tập quán... cơ bản đều như nhau.

PV: Việc thống nhất chữ viết và tiếng nói Cơ Tu hiện nay còn có nhiều quan điểm khác nhau. Vì sao lại có những khác nhau như thế, thưa anh?

Anh Pơ Loloong Plênh: Theo cá nhân mình nghĩ việc này không khó hay phức tạp đến mức không thể đi đến thống nhất. Cũng như tiếng phổ thông thôi, người Nghệ An, Quảng Bình nói khác, Quảng Nam, Phú Yên cũng khác... tất cả đều có tiếng địa phương riêng. Nhưng, để dễ nghe, dễ hiểu hơn thì họ lấy giọng Bắc chuẩn để sử dụng chung. Người Cơ Tu cũng vậy, lấy tiếng vùng nào dễ nghe, dễ biết nhất, có thể vùng trung, vùng thấp hoặc vùng cao, thống nhất dùng chung. Nhưng tất cả các vùng miền đều có tiếng nói riêng phải lưu giữ và phát huy, không để mất đi bản sắc riêng vùng đó. 

PV: Theo Plênh, mình cần có những giải pháp thế nào để có thể đi đến thống nhất cả chữ viết lẫn tiếng nói Cơ Tu?

Anh Pơ Loloong Plênh: Theo tôi nghĩ, các già làng trưởng bản, người có uy tín và những người nghiên cứu, am hiểu về người Cơ Tu, người làm bên ngành văn hoá, thậm chí người Cơ Tu bên nước bạn Lào... chúng ta cần chung tay tìm hiểu, đi đến khắp các vùng miền để tìm xem cái nào là đúng nhất, dễ hiểu nhất rồi đi đến thống nhất. Bây giờ cũng có nhiều người tự sáng tạo ra tiếng nói, chữ viết người Cơ Tu theo quan điểm cá nhân, như thế là không được. Trước đây có Conh T’Lăng, Quách Xân và tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng họ là những người đầu tiên đi đến vùng Cơ Tu sinh sống, nghiên cứu mọi ngóc ngách về họ. Bây giờ cũng nhiều nhà nghiên cứu theo quan điểm cá nhân, chúng ta cũng chọn lọc xem cái nào đúng nên giữ, cái nào không đúng thì ta bỏ để làm sao cho đồng điệu và chính xác nhất. Chúng ta phải tìm hiểu xem thế nào để người Cơ Tu bên Lào đi sang mình nói chuyện mà mình hiểu và ngược lại, kể cả ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, tỉnh Quảng Nam và Nam Đông, A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vậy. Sau này còn có cái lưu lại, truyền dạy cho con cháu.

PV: Hiện nay tôi thấy ở các huyện miền núi Đông Giang, Nam Giang, đặc biệt là Tây Giang có mở lớp dạy chữ viết Cơ Tu nhiều, không chỉ cho cán bộ mà cho các em học sinh nữa. Plênh đánh giá thế nào về hiệu quả trong việc mở lớp này?

Anh Pơ Loloong Plênh: Mình rất mừng. Ở Tây Giang mình có chú Briu Liếc và một số người nữa chỉ dạy cho các thầy cô để các thầy cô về trường dạy lại cho các bạn học sinh. Nhưng mà dù có học như viết, đọc xong trên lớp rồi về nhà không nói, không viết thì cũng không đâu vào đâu, cũng sẽ quên hết. Phải thật sự yêu thích, phải tự hào về tiếng nói lẫn chữ viết của dân tộc mình thì mới có thể giữ và hiểu rõ được. Phải nói và viết thường xuyên thì mới nhuần nhuyễn. Chứ không phải chỉ học xong trên lớp rồi về nhà không tập viết, thậm chí lại nói chuyện trong nhà, với bạn bè bằng tiếng phổ thông như thế là không được. Có một điều thực tế bây giờ rất nhiều bạn trẻ ngại nói, ngại viết và ngại mặc chính đồng phục của dân tộc mình. Đây cũng là một điều đáng lưu tâm và cần có hướng khắc phục.

PV: Vậy theo anh, nguyên nhân nào khiến các bạn trẻ lại ngại như vậy?

Anh Pơ Loloong Plênh: Một phần vì xã hội bây giờ đang ngày một hiện đại các bạn nhỏ cứ thế chạy theo xu hướng mới. Phần vì từ nhỏ không được ba mẹ, ông bà chỉ dạy để họ biết đây là cái nguồn gốc của mình, cái giá trị tốt đẹp của mình, mình cần phải lưu giữ và phát huy. Để rồi lớn lên các bạn dần có một khoảng cách, e dè với chính những gì vốn là của mình. Mình ở miền núi mình có cái riêng của mình, dưới đồng bằng hay ở biển họ có cái riêng của họ... Mình không thể chạy theo hiện đại mà bỏ quên giá trị văn hoá truyền thống của mình. Mình phải tự hào với văn hoá, phong tục tập qúan riêng của mình chứ không thể ngại như thế được.

PV: Là người hay viết nhạc và làm thơ về con người, cuộc sống, văn hoá của người Cơ Tu, theo Plênh, thơ và nhạc có vai trò như thế nào trong việc bảo tồn ngôn ngữ cũng như chữ viết Cơ Tu?

Anh Pơ Loloong Plênh: Từ nhỏ mình rất đam mê với thơ, nhạc. Thơ nào của mình cũng đều có tiêu đề bằng tiếng Cơ Tu với mong muốn sau này các bạn trẻ sẽ đọc được và nghiên cứu thêm. Khi viết nhạc thì mình cũng hay viết bằng tiếng Cơ Tu để không những là người Cơ Tu mà các bạn vùng đồng bào khác có thể thấy và biết thêm về người Cơ Tu, văn hoá người Cơ Tu. Mục đích của mình cũng chỉ mong muốn làm sao cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn người Cơ Tu thấy được những cái riêng của mình, và các bạn phải thật tự hào với chính dân tộc mình. Đừng để mất tiếng nói lẫn chữ viết. Vì mất tiếng nói thì cũng mất đi cả một dân tộc.

PV: Thông qua chương trình, Plênh có điều gì muốn nhắn với các bạn trẻ Cơ Tu bây giờ trong việc bảo tồn, gìn giữ tiếng nói và chữ viết Cơ Tu?

Anh Pơ Loloong Plênh: Quan điểm tôi chắc cũng như quan điểm, suy nghĩ của các ông, các bà, các chú, các bác là mong muốn làm sao các bạn trẻ phải ý thức được trong việc giữ gìn tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Làm gì, ở đâu cũng không thể nào bỏ quên tiếng mẹ đẻ của mình. Các bạn cố gắng tìm hiểu và học hỏi không chỉ về chữ viết mà cả về văn hoá, về dân ca cổ như nói lý, hát lý, làn điệu tân tung da dá... cả về chuyện cổ tích của dân tộc mình rất hay và ý nghĩa.

Qua đây, tôi cũng mong muốn lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, các già làng uy tín cần quan tâm, có thể thành lập câu lạc bộ sinh hoạt về tiếng nói và chữ viết Cơ Tu, về các làn điệu dân ca, về truyện cổ tích... Rồi thêm kinh phí để có thể quay video, làm cuốn sách lưu giữ về sau làm tư liệu cho thế hệ sau tiếp cận. Nếu bây giờ chúng ta không làm thì một ngày nào đó cũng sẽ bị mai một.

PV: Vâng! Cảm ơn Plênh về cuộc trò chuyện này. Chúc anh luôn khoẻ./.

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC