
Chỉ định Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (mới)
PV Thái Bình/VOV Miền Trung thông tin, sáng nay (30/6), tại Hội trường Thành ủy Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tổ chức trọng thể Lễ công bố các Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và kiện toàn bộ máy chính quyền sau khi hợp nhất với tỉnh Ninh Thuận.

Buổi lễ được truyền hình trực tiếp và kết nối trực tuyến đến các điểm cầu xã, phường. Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận; Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; cùng lãnh đạo các cơ quan Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận và gần 300 đại biểu các cấp, ngành.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội công bố hai Nghị quyết: Nghị quyết số 202/2025 của Quốc hội khóa XV về việc hợp nhất toàn bộ địa giới hành chính và dân số tỉnh Ninh Thuận vào tỉnh Khánh Hòa, với tên gọi là tỉnh Khánh Hòa; Nghị quyết số 1667/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, hình thành 65 đơn vị hành chính cấp xã gồm 48 xã, 16 phường và 1 đơn vị đặc thù, chính thức vận hành từ ngày 1/7/2025.
Theo đó, tỉnh Khánh Hòa mới sau khi hợp nhất với Ninh Thuận có diện tích 8.555,9 km², dân số hơn 2,23 triệu người.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng công bố 4 văn bản, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và Trưởng các Ban của HĐND; thành lập Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh Khánh Hòa.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm 12 đại biểu; chỉ định ông Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa.
Đồng thời, công bố Quyết định 1288/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ định ông Trần Quốc Nam làm Chủ tịch UBND tỉnh; chỉ định 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa gồm các ông: ông Nguyễn Long Biên, ông Trần Hòa Nam, ông Trịnh Minh Hoàng.

Tiếp đó, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố hai Quyết định của Bộ Chính trị: Quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa mới và Quyết định về chỉ định nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư và các Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020–2025.
Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa có 59 người, Ban Thường vụ có 17 người. Ông Hồ Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông được điều động tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, chỉ định giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa. Các Phó Bí thư Tỉnh ủy gồm: Ông Nguyễn Khắc Toàn; Phó Bí thư Thường trực, chỉ định giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Quốc Nam, chỉ định giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận; ông Phạm Văn Hậu, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận; ông Hồ Xuân Trường được điều động từ Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông.
Công bố quyết thành lập tỉnh và chỉ định nhân sự tại Gia Lai (mới)
Thanh Thắng/VOV-Miền Trung và Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên phản ánh, sáng 30/6, tại thành phố Quy Nhơn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai (mới) tổ chức Lễ công bố các Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã; kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện; thành lập tổ chức Đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, phường.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo hai tỉnh Bình Định, Gia Lai tham dự buổi lễ. Chương trình được nối truyền hình đến 135 xã, phường mới của tỉnh Gia Lai.

Tại buổi lễ, ông Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác thực hiện Quyết định số 284 của Bộ Chính trị, đã công bố các nghị quyết, quyết định quan trọng, gồm: Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập tỉnh; Nghị quyết, quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc kết thúc hoạt động cấp huyện, thành lập các xã, phường mới; Quyết định của Bộ Chính trị về thành lập Đảng bộ tỉnh Gia Lai (mới), chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020–2025; Quyết định của Ban Bí thư chỉ định Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; trưởng các ban HĐND; trưởng và phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Quyết định của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành lập Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai (mới).

Theo Nghị quyết của Quốc hội, toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của hai tỉnh Bình Định và Gia Lai được sáp nhập để thành lập tỉnh mới – lấy tên là tỉnh Gia Lai. Sau sắp xếp, tỉnh Gia Lai có diện tích hơn 21.576 km², dân số khoảng 3,58 triệu người. Theo Nghị quyết số 1664/NQ-UBTVQH15, tỉnh Gia Lai (mới) sẽ có 135 đơn vị hành chính cấp xã.
Bộ Chính trị quyết định Chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2020 - 2025, gồm 61 đồng chí (31 Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định, 28 Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai và 2 cán bộ được điều động, bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai mới).
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định 31 ủy viên; chỉ định Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Gia Lai nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 18 ủy viên (8 đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Định, 8 đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tinh uỷ Gia Lai và 2 đồng chí được điều động, bố nhiệm giữ chức Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai mới).
Bộ Chính trị quyết định chỉ định ông Hồ Quốc Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND Bình Định giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai (mới) nhiệm kỳ 2020 - 2025.
4 người được chỉ định giữ chức Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai (mới) nhiệm kỳ 2020 - 2025, gồm: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ: Ông Rah Lan Chung, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai (cũ) (để chỉ định giữ chức Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai (mới) nhiệm kỳ 2021 - 2026).
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (để chỉ định giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai (mới) nhiệm kỳ 2021 - 2026).
Ông Châu Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XV tỉnh Gia Lai (cũ) (để chi định giữ chức Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XV tỉnh Gia Lai mới).
Ông Nguyễn Ngọc Lương, Phó Bí thư Tinh uỷ Gia Lai (cũ)
Ông Nguyễn Văn Quảng làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (mới)
Phóng viên Đình Thiệu-Long Phi/VOV - miền Trung thông tin, sáng nay (30/6), tại Nhà hát Trưng Vương, Ban Chỉ đạo sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ công bố các Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, xã, phường, đặc khu thành phố Đà Nẵng (mới) sau khi hợp nhất với tỉnh Quảng Nam.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Cẩm Tú dự lễ kỷ niệm. Dự lễ còn có đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Lãnh tỉnh Quảng Nam, thành hố Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Quân khu V, các lực lượng vũ trang và cơ quan ngoại giao trên địa bàn, cán bộ hưu trí, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT, cùng đông đảo Nhân dân tại các điểm cầu trực tuyến cấp xã, phường và đặc khu.
Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu mốc trong tiến trình tổ chức lại bộ máy chính quyền các cấp tại TP. Đà Nẵng theo tinh thần đổi mới của Đảng, Nhà nước, nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Trung ương đã công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập tỉnh, thành phố; Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc kết thúc hoạt động cấp huyện và thành lập các xã, phường, đặc khu; Quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Đảng bộ TP. Đà Nẵng; Quyết định của Bộ Chính trị về việc chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020 – 2025; Quyết định của Ban Bí thư chỉ định Uỷ ban Kiểm tra, Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng; Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Trưởng các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố; Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố; Quyết định của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành lập Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố.
Theo đó, thành phố Đà Nẵng (mới) sau hợp nhất với tỉnh Quảng Nam có diện tích hơn 11,8km2, dân số hơn 3 triệu người, có 94 đơn vị hành chính cấp xã bao gồm 23 phường, 70 xã và 1 đặc khu Hoàng Sa.
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (mới) gồm 74 người, trong đó thành phố Đà Nẵng cũ 38 người, tỉnh Quảng Nam (cũ) 36 người. Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng (mới) gồm 23 người, trong đó thành phố Đà Nẵng (cũ) 10 người và tỉnh Quảng Nam (cũ) 13 người.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (cũ) được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (mới). 4 Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (mới) gồm ông Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng (cũ); Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (cũ); ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam (cũ); ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng (cũ).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có Quyết định chỉ định lãnh đạo và các ban Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng (mới). Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam (cũ) làm Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng (mới) và 4 Phó Chủ tịch HĐND.

Chính phủ đã chỉ định ông Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (cũ) làm Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (mới) và 8 Phó chủ tịch UBND thành phố. Cũng tại buổi lễ, Thành ủy Đà Nẵng đã công bố các Nghị quyết, Quyết định của thành phố Đà Nẵng đối với việc sáp nhập xã, phường, đặc khu thành phố Đà Nẵng (mới), gồm:
Quyết định của Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện về việc kết thúc hoạt động của Đảng bộ cấp xã (cũ); Quyết định của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về việc kết thúc hoạt động các đảng bộ cấp huyện (cũ); Quyết định của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về thành lập Đảng bộ các xã, phường, đặc khu; Quyết định chỉ định nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư; Quyết định chỉ định uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra; Quyết định chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng ban của Hội đồng nhân dân; Quyết định chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, đặc khu; Quyết định của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
Chỉ định ông Lê Ngọc Quang làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị
PV Thanh Hiếu/VOV-miền Trung thông tin, sáng nay (30/6), tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Quảng Bình (cũ), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và tỉnh về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh Quảng Trị (mới).

Tại buổi lễ, bà Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ đã công bố 8 nghị quyết, quyết định của Trung ương,bao gồm: Quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Trị mới, chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư và Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, cùng các quyết định liên quan tổ chức bộ máy chính quyền 2 cấp.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị (mới) cũng công bố các nghị quyết, quyết định của tỉnh đối với sáp nhập xã, phường, đặc khu; các quyết định chỉ định 78 Bí thư Đảng ủy xã, phường, đặc khu mới của tỉnh Quảng Trị (mới).
Theo các nghị quyết, quyết định của Trung ương, tỉnh Quảng Trị mới có 61 Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2020-2025; 18 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy có 15 người.
Ông Lê Ngọc Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình (cũ) được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị (mới). Ông Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị (cũ) được chỉ định làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị (mới).
Ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị (cũ) được chỉ định làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị (mới) Ông Trần Phong Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình (cũ) được chỉ định làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (mới).
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trao các nghị quyết, quyết định của Trung ương cho các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND tỉnh, Trưởng đoàn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội; lãnh đạo UBND, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị mới.
Tỉnh Quảng Trị mới có diện tích gần 12.700 km², dân số gần 1,85 triệu người, mang tầm vóc mới và vận hội mới. Đây là sự kết tinh của 2 miền đất từng chia lửa trong chiến tranh, đồng hành trong tái thiết và giờ đây cùng chung khát vọng kiến tạo tương lai.
Quảng Trị có đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm phát triển năng lượng, du lịch, logistics và công nghiệp sạch của miền Trung và cả nước.

TP. Huế công bố thành lập Đảng bộ 40 xã, phường mới
PV Lê Hiếu/VOV-Miền Trung cho biết, sáng 30/6, Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Huế tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc kết thúc hoạt động ca đơn vị hành chính cấp huyện, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và công bố quyết định thành lập Đảng bộ tại 40 xã, phường mới trên địa bàn thành phố.

Tại buổi lễ, ông Phan Xuân Toàn, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Huế đã công bố các nghị quyết và quyết định liên quan đến việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy chính quyền địa phương sau khi thực hiện điều chỉnh địa giới và sáp nhập đơn vị hành chính.
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau sắp xếp TP. Huế có 40 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 21 phường và 19 xã. Việc sắp xếp được thực hiện thông qua hình thức sáp nhập các xã, phường liền kề để tinh gọn tổ chức, nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân.
Đáng chú ý, có 39 đơn vị hành chính cấp xã được thành lập mới, trong đó 20 phường và 19 xã hình thành trên cơ sở hợp nhất các địa phương trước đó. Riêng phường Dương Nỗ là đơn vị duy nhất giữ nguyên hiện trạng.
Đại diện các đơn vị hành chính mới, ông Lưu Đức Hoàn, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Chân Mây-Lăng Cô, phát biểu nhận nhiệm vụ, khẳng định quyết tâm cùng cán bộ, đảng viên và nhân dân xây dựng bộ máy chính quyền vững mạnh, phục vụ tốt nhu cầu phát triển của thành phố.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, ông Trần Quang Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong quá trình triển khai chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo tinh thần nghị quyết của Trung ương.
Ông Trần Quang Phương nhấn mạnh đây là bước đi quan trọng, góp phần xây dựng TP. Huế phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, gắn với mục tiêu đô thị di sản quốc gia.
Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ và chính quyền TP. Huế trong việc thực hiện hiệu quả các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
Viết bình luận