Vướng mắc dễ thấy là khi thực hiện chuyển ngân sách quận, phường từ một cấp ngân sách thành đơn vị dự toán thì việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về ngân sách nhà nước chưa có quy định cụ thể, dẫn đến việc thực hiện còn lúng túng. Mặc dù không còn HĐND quận, phường nhưng số lượng Đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng cũng bằng HĐND các tỉnh khác. Việc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của HĐND quận, phường cũng chưa có quy định cụ thể. Cán bộ, công chức thực thi công vụ gặp nhiều khó khăn khi chuyển sang hoạt động mô hình chính quyền đô thị.
Các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 119 năm 2020 của Quốc hội dành cho Đà Nẵng chưa đủ tạo ra các động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, trong đó nhiều cơ chế chưa được áp dụng.
Vướng mắc nhất khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng là vấn đề tài chính. Khi chuyển ngân sách quận, phường từ một cấp ngân sách thành một đơn vị dự toán thì việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về ngân sách nhà nước chưa có quy định nên rất khó thực hiện. Nguồn kinh phí cho các quận, phường xử lý các nhiệm vụ cấp bách, đột xuất thiếu chủ động.
Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho rằng, hoạt động cấp quận gặp nhiều khó khăn khi trở thành cấp dự toán ngân sách: “Đối với quận Ngũ Hành Sơn, khi giao dự toán ngân sách thì chúng tôi giao theo Luật Ngân sách, chúng tôi giao theo dân số. Đó là sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp y tế, sự nghiệp quốc phòng an ninh, sự nghiệp kinh tế…Tất cả đều giao theo dân số. Mà quận Ngũ Hành Sơn thì dân số rất thấp, các quận có dân số cao thì đỡ hơn. Nhưng mà hoạt động các quận là như nhau, do vậy không đủ kinh phí hoạt động”.
Theo Kết quả khảo sát mới đây, hơn 73% cán bộ, công chức, viên chức quận và 60% cán bộ, công chức phường ở Đà Nẵng cho rằng, công tác quản lý tài chính ngân sách quận, phường khi chuyển sang thực hiện nhiệm vụ “đơn vị dự toán không còn là một cấp ngân sách” là điều chưa hợp lý.
Trong điều kiện cấp quận, phường chỉ còn là cấp dự toán ngân sách, đồng thời không tổ chức HĐND cấp dưới, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, Tổ Đại biểu và Đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng tăng lên nhiều và đối tượng giám sát trực tiếp cũng nhiều hơn. Thế nhưng, hiện số lượng đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng chỉ có 51 người, mỗi Ban chỉ có 3 người hoạt động chuyên trách. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, Tổ Đại biểu và Đại biểu HĐND thành phố.
Ông Lương Công Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế, HĐND thành phố Đà Nẵng lo lắng, số lượng đại biểu hoạt động kiêm nhiệm chiếm đa số, nhiệm vụ của HĐND thành phố tăng thêm cũng ảnh hưởng đến việc xử lý các phản ánh, tâm tư, nguyện vọng của người dân: “Nhân lực, hay đúng hơn là cán bộ, công chức ở HĐND, nhất là cán bộ chuyên trách hiện nay còn rất ít. Kiến nghị Trung ương tăng cường thêm cán bộ chuyên trách ở HĐND, làm công tác giám sát, thẩm tra thẩm định, tham mưu cho HĐND quyết định các vấn đề quan trọng”.
Trên thực tế, khi công chức phường chuyển liên thông lên cấp quận đang có tâm lý so sánh giữa công chức thuộc 3 khối của phường là Đảng, Đoàn thể và khối UBND phường. Bởi trong mô hình chính quyền đô thị, công chức UBND phường được điều chuyển thành công chức cấp quận; trong khi đó, công chức Đảng, Đoàn thể của phường vẫn là công chức cấp phường.
Bà Hồ Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ cho rằng, việc này nảy sinh tâm lý so sánh giữa các công chức với nhau: “Thực tế hiện nay, cán bộ, công chức của một số phường, xã có thể đã trên 45 tuổi. Bây giờ nếu luân chuyển thì cũng chỉ luân chuyển bộ phận này qua bộ phận khác hoặc chuyển qua địa phương khác cũng từng đó là công chức, mà thế hệ trẻ tiếp nhận thì không chuyên trách, không thể nào thay thế cho công chức đó được. Đây cũng là một vấn đề đặt ra về công tác cán bộ trong mô hình chính quyền đô thị”.
Một trong những “điểm nghẽn” khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng là có nhiều nội dung liên quan thẩm quyền quyết định của HĐND quận trước đây. Cho đến nay, pháp luật cũng chưa quy định về thẩm quyền bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của HĐND quận, phường được ban hành trước ngày 01/7/2021- khi thành phố chưa thực hiện mô hình mới.
Về vấn đề này, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ghi nhận: “Liên quan đến thẩm quyền bãi bỏ văn bản HĐND quận, phường, hiện nay, pháp luật chưa quy định cơ quan nào có thẩm quyền như vậy. Chỗ này chúng tôi xin ghi nhận để tháo gỡ. Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, Hội đồng Nhân dân phường mà được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành ấy, bây giờ không còn HĐND ở 2 cấp xử lý như thế nào, tôi thấy đây đúng là điểm vướng mắc cần thiết phải có giải pháp tháo gỡ”.
Trong giai đoạn 2008 - 2016, thành phố Đà Nẵng đã từng thí điểm về mô hình chính quyền đô thị không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26 ngày 15/11/2008 của Quốc hội Khóa XII. Việc thực hiện chính quyền đô thị thời điểm đó đạt nhiều kết quả tích cực, phát huy tính chủ động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư đô thị. Thế nhưng sau đó, Trung ương đã bỏ thí điểm mô hình này và quay lại tổ chức HĐND quận, huyện, phường như cũ. Lần này, sau gần 3 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, thành phố Đà Nẵng mong muốn Trung ương cho phép thành phố này chính thức thực hiện mô hình chính quyền đô thị.
Khắc phục những bất cập trong mô hình chính quyền đô thị, thành phố Đà Nẵng đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về Cơ cấu tổ chức của UBND quận, UBND phường theo hướng bổ sung người đứng đầu cơ quan Quân sự, cơ quan Công an; Bổ sung quy định về việc bãi bỏ văn bản của HĐND quận, HĐND phường, UBND phường ban hành trước ngày 01/7/2021; Bổ sung quy định về thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, HĐND phường quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành; Sửa đổi, bổ sung quy định về Cơ cấu tổ chức của HĐND thành phố theo hướng tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách; Bổ sung quy định thực hiện thống nhất, liên thông một chế độ công vụ đối với cán bộ phường và cán bộ, công chức xã; sửa đổi, bổ sung về cơ chế, chính sách đối với tài chính, ngân sách.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng nêu ý kiến: "Trên cơ sở sơ kết Nghị quyết số 119/2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã tham khảo một số cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố Hồ Chí Minh và của một số tỉnh, thành phố khác đã được Quốc hội thông qua để nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù dự kiến áp dụng cho thành phố Đà Nẵng để giải quyết các khó khăn vướng mắc của thành phố trên các lĩnh vực, nhất là về quy hoạch đầu tư, đô thị, đất đai, tài nguyên, ngân sách"
Đà Nẵng được xác định là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã xác định tầm nhìn đến năm 2045 là “xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á”.
Với những cơ chế như hiện nay, Đà Nẵng còn thiếu những cơ chế, chính sách mới mang tính đặc thù vượt trội, đột phá, tạo động lực cho thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn.
Sau gần 3 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng, thực tế đòi hỏi phải có Nghị quyết mới của Quốc hội về cơ chế đặc thù có tính đột phá, giúp thành phố Đà Nẵng bứt phá trong thời gian tới. Vậy cơ chế đặc thù nào cho thành phố được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, vov.vn sẽ trở lại vấn đề này trong bài tiếp theo.
Viết bình luận