Trao đổi với thầy giáo Cơ Tu Bhnướch Zói 1 trong 58 gương mặt giáo viên tiêu biểu được tuyên dương tại chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023
Thứ năm, 09:05, 23/11/2023 Kim Cương-TTMT Kim Cương-TTMT
Thầy giáo trẻ người Cơ Tu - Bhnước Zói, Tổng phụ trách Đội Trường PTDTBT TH&THCS xã Dang, huyện vùng cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam vinh dự là 1 trong 58 giáo viên tiêu biểu trên toàn quốc vừa được tuyên dương tại Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023), PV chương trình PT tiếng Cơ Tu, Đài TNVN có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng thầy Bhnước Zói về công việc và cuộc sống.

 

 

PV: Cảm ơn thầy Bhnước Zói đã nhận lời mời trò chuyện cùng Chương trình PT tiếng Cơ Tu của Đài TNVN.

- Là đại diện duy nhất của tỉnh Quảng Nam và là 1 trong 58 giáo viên tiêu biểu của cả nước được tuyên dương tại Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023, cảm xúc của thầy lúc này như thế nào, thưa thầy ?

Thầy Zói: - Khi nhận được tin nhắn của Hội LHTN Việt Nam qua zalo biết rằng, mình nằm trong danh sách 58 giáo viên tiêu biểu, tôi vừa mừng, vừa lo. Lo vì đây là lần đầu tiên tôi được đi Hà Nội mà chỉ đi có một mình thôi. Nhưng thực sự  tôi rất mừng và cảm thấy tự hào. Tôi đã chia sẻ niềm vui này với đơn vị, gia đình và chính quyền địa phương, mọi người cũng rất phấn khởi, nhắn tin  chúc mừng tôi.  

PV: Được biết, thầy Zói đã có 10 năm gắn bó với giáo dục vùng cao, biên giới, thầy có thể chia sẻ đôi chút về những thuận lợi cũng như khó khăn trong công việc thường ngày?

Thầy Zói: Từ khi bước vào nghề giáo viên, bản thân tôi đã trải qua nhiều khó khăn nhưng cũng nhận được nhiều niềm vui với nghề. Điều vui mừng và may mắn nhất đối với người làm thầy như tôi là nhận được tình cảm, yêu mến chân thành của học trò.

- Còn khó khăn thì cũng nhiều. Bên cạnh thiếu thốn về cơ sở vật chất, giáo viên miền núi còn phải thường xuyên trèo đèo, lội suối đi vận động học sinh . Nhà các em rất xa trường, có em phải đi bộ 30 cây số  đến lớp, không  ai đưa đón; cha mẹ lo làm nên ít quan tâm việc học  của con cái. Do vậy, khi các em trở về nhà thường ở luôn nhà hoặc  đi làm việc khác. Nhiều trường hợp, chúng tôi phải đi bốn, năm lần  vận động các em mới đến lớp. Rất là vất vả nhưng không phải các em đều quay lại lớp, có em thì bỏ học luôn. Điều kiện gia đình học sinh miền núi đa phần đều khó khăn. Việc mua sắm sách vở, bút mực, những thứ cơ bản nhất phục vụ việc học tập của em nhưng không phải gia đình nào cũng có thể sắm đầy đủ. Nhất là khi trời chuyển sang mùa mưa, lạnh như hiện nay, các em thiếu quần, áo ấm để mặc. Thương các em, thầy, cô giáo trong trường năm nào cũng tìm kiếm các nguồn, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ  các em.  Điều khó khăn nữa là, trường mình là trường bán trú ở tập trung từ lớp 3 đến lớp 9 nên sợ nhất là việc học sinh yêu đương sớm trong trường. Dù trường mình chưa xảy ra trường hợp nào kết hôn sớm, nhưng để ngăn chặn, nhà trường tổ chức các buổi ngoại khóa về giáo dục giới tính thường xuyên để nâng cao ý thức cho học sinh.

PV: Khó khăn, vất vả là vậy, có khi nào thầy  nghĩ đến chuyện bỏ nghề hay xin chuyển về vùng thấp công tác không?

Thầy Zói: - Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cho tới nay, tôi luôn yêu thích và gắn bó với nghề giáo viên, chưa bao giờ tôi có suy nghĩ bỏ việc hay chuyển sang nơi khác vì khó khăn, trừ khi được sự phân công của địa phương. Mỗi ngày tôi đều tự động viên mình phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để có thể mang lại những điều tốt đẹp cho học sinh, giúp các em ngày càng tiến bộ hơn.

PV: Ngoài tình yêu nghề, còn có động lực nào giúp thầy gắn bó với nghề, gắn bó với vùng cao?

Thầy Zói: - Tôi là người con Cơ Tu ở  vùng cao, biên giới này. Quê hương tôi còn nhiều khó khăn, học sinh nơi đây chịu nhiều thiệt thòi. Tôi coi học trò như em út trong nhà, chỉ mong sao các em có môi trường học tập tốt, kiếm cái chữ để sau này cuộc sống đỡ khổ hơn. Vì thế, bản thân tôi phải luôn gương mẫu, nỗ lực làm những điều tốt để các em học tập và noi gương.

PV: Gắn bó với nghề, có kỷ niệm nào mà thầy nhớ mãi không quên được không?  

Thầy Zói: - Có chứ! Các em mới lớn thường hay xảy ra xích mích với nhau. Tôi nhớ một lần, có 2 học sinh nam gây lộn, đánh nhau. Khi được các học trò thông tin, tôi đã nhanh chân chạy đến. Lúc tôi tới nơi chứng kiến cảnh một học sinh dùng cây sắt nhọn, suýt đâm trúng mắt bạn đối diện. Rất may, tôi đã kịp thời ngăn cản vụ ẩu đã này. Sau đó, tôi tổ chức một chương trình về ngăn chặn bạo lực học đường và nhận được sự tham gia của các em. Đến nay, vấn nạn bạo lực học đường tại trường không còn xảy ra nữa, rất là mừng.

PV: Là người duy nhất đại diện cho ngành Giáo dục tỉnh Quảng Nam tham dự Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023, thầy muốn chia sẻ và gửi gắm điều gì đối với các thầy cô giáo trẻ  vùng cao?

Thầy Zói: - Thông qua chương trình, tôi xin chia sẻ với các bạn trẻ rằng: Khi đã chọn nghề giáo viên, nhất là giáo viên miền núi thì phải xác định sẽ thường xuyên gặp khó khăn, từ đó nỗ lực vươn lên. Đồng thời, bản thân cũng phải không ngừng hoàn thiện bản thân, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp để cống hiến cho sự nghiệp trồng người .  

PV Sau lần dự Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm nay, thầy có dự định và mong ước gì ?

Thầy Zói: - Sau khi tham gia và được gặp gỡ, giao lưu với các đồng nghiệp trong chương trình, bản thân tôi càng vững vàng, tự tin hơn, tiếp tục nỗ lực trong công việc, góp phần đưa giáo dục miền núi ngày càng đi lên. 

PV: Cụ thể, thầy có dự định  gì cho tương lai?

Thầy Zói: - Hiện, tôi đã và đang cùng các thầy cô giáo xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” và đã phát động chương trình “Thầy cô hạnh phúc, học sinh hạnh phúc và nhà trường hạnh phúc” thông qua việc trang trí lớp học xanh, trồng các loại cây xanh trong trường. Xung quanh khuôn viên trường, tôi xây dựng các mô hình vui chơi, giải trí, thư viện phù hợp cho các em vui đến trường mỗi ngày.

PV: Vâng, xin cảm ơn thầy Bhnươch Zói đã nhận lời tham gia chương trình của chúng tôi. Xin chúc những dự định và ước mơ của thầy sẽ thành hiện thực. /.

-----

Kim Cương-TTMT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC