AU PHUA KHOÁI HẾT LĂNG SLE CẰM VÉN CHẾP SLIM?
Thứ hai, 18:56, 14/02/2022
Fiểc au phua au mìa xằng thâng pi dú búng slung búng quây quẹng, búng pỉ noọng dân tộc nọi cần vận nhằng lai. Nhoòng pỉ noọng xằng chắc lai, tẻo sli hết nèm căn, lai cần nhằng ón pói tọ cẩn cản au phua dá sle tởi slổng chếp slim, khỏ khát, bại lủc eng bấu đảy ngòi liệng đây. Boong khỏi xo lẩn cằm toẹn lăng nẩy sle pỉ noọng xày căn ngậy nớ:
LẤY CHỒNG SỚM LÀM GÌ ĐỂ LỜI RU THÊM BUỒN?
---------
Thưa bà con và các bạn!
Chuyện tảo hôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi vẫn còn khá phổ biển. Do chưa có sự trang bị đầy đủ kiến thức, lại thêm chạy theo phong trào, nhiều bạn trẻ bước vào hôn nhân một cách vội vã để rồi cuộc sống lục đục, khó khăn, dẫn đến con cái bị thiệt thòi. Câu chuyện sau đây xin được nêu ra để bà con và các bạn cùng suy nghĩ:
(Nhạc- Sáo trúc)
# (Dẫn chuyện) Mấy hôm nay, chẳng đêm nào bà Vứn ngủ được. Bà nhớ thằng Nông Văn Cường lắm. Nó mới tròn 21 tuổi, vừa ra trường và xin được việc làm dưới tỉnh.
Mang tiếng là có 5 đứa con, đứa nào cũng có vợ có chồng rồi ra ở riêng rồi, giờ thằng Cường đi nốt, chỉ có mỗi hai vợ chồng già ở nhà. Nhìn vào đâu bà cũng thấy trống vắng.
Thế nhưng, nhớ con là một phần, bà không ngủ được là vì bên kia, tức là bên gia đình con bé người yêu thằng Cường cứ đánh tiếng giục cưới. Bà hỏi thì thằng Cường cứ cười trừ, chả hiểu ý tứ nó thế nào. Mà công nhận là con bé người yêu thằng Cường cũng xinh xắn, dễ thương, ngặt một nỗi nó đang học lớp 11 trường nội trú huyện. Mải suy nghĩ, ông Sơn chồng bà đến bên lúc nào bà không hay…
- Ông Sơn ( Cường) :- Bà làm gì mà ngồi mơ mộng thế?
- Bà Vứn (Hiền) : (Giật mình) Khiếp! Ông làm tôi giật cả mình! Già rồi mà mơ mộng cái nỗi gì. Đang nẫu hết cả ruột đây
- Ông Sơn: - (Tiếng rót nước) Bà uống nước đi! Chè mới hãm, ngon phết.
Chắc là đang lo chuyện lấy vợ cho nó chứ gì? Cưới thì cưới, có cái gì mà phải băn khoăn? Nó đi làm cán bộ rồi, giờ có đứa con dâu ở nhà vui cửa vui nhà, càng tốt chứ sao? Mai kia nó đẻ cho bà thằng cu, tha hồ mà bồng bế.
- Bà Vứn:- Nhưng mà…
- Ông Sơn: - Nhưng nhưng cái gì nữa? Ngày xưa lấy bà tôi 18 tuổi chứ mấy, còn bà mới 15, nhỉ! Thằng Bách con nhà ông Thọ bên hàng xóm bằng tuổi thằng cu Cường mà có con 3 tuổi rồi đấy.
- Bà Vứn: - Nhưng mà con bé người yêu nó mới 16 tuổi, đang đi học thì cưới hỏi cái gì? Chẳng lẽ lại bắt nó nghỉ học? Mà thằng Cường nhà mình cũng lạ, bao nhiêu đứa không thích lại đi thích con bé mới tí cái tuổi thế kia, thì tôi mới phải nghĩ chứ.
- Ông Sơn: - Ôi giào! Thì gái trẻ phải hơn gái…già chứ. Nó đẹp trai thế, tán đứa nào chả đổ? Ngày xưa tôi cũng vậy, mới tán có mấy câu mà bà đổ liền!
- Bà Vứn: - Ông đừng có nói phét! Thế ai dọa “ Không nhận lợi yêu anh, anh ăn lá ngón chết liền cho em xem!”. Tôi sợ ông ăn lá ngón thật mới nhận lời đấy thôi. Nhưng thời mình nó khác, còn bây giờ nó khác rồi ông ơi.
- Ông Sơn: Khác cái gì? Thời nào chả thế. Con gái lớn lấy chồng, rồi sinh con đẻ cái, có ai chết đâu mà sợ?
- Bà Vứn: - Ông thì chỉ được cái thấy một mà không thấy hai. Tôi hỏi ông nhé, trong xóm mình, có mấy đứa con gái lấy chồng khi mới 15, 16 tuổi, giờ bỏ nhà chồng về nhà rồi đấy. Con Thì nhà bên cạnh đây này, vắt mũi còn chưa sạch, về nhà chồng vô ý vô tứ bị mẹ chồng chửi cho như tát nước. Còn thằng chồng chán, nhậu nhẹt suốt ngày, đánh vợ như cơm bữa. Nghe đâu chúng nó sắp bỏ nhau rồi đấy!
- Ông Sơn: (Bí) Thì…Nhưng mà bà tính thế nào? Sáng nay lên nương, tôi gặp bên nhà con bé đó. Ông bà ấy cứ hỏi “Thế anh chị định khi nào thì làm đám hỏi đấy?”. Tôi chưa biết tính sao thì bà ấy nói: “Hay là định kiếm vợ dưới tỉnh cho con trai thì nói chúng tôi một tiếng!”.
- Bà Vứn: - Thì hôm qua tôi đi chợ, bà ấy cũng hỏi tôi như thế. Tôi bảo từ từ rồi tính. Bà ấy giận dỗi đi thẳng đấy. Thế mới khó nghĩ chứ lại!
(Nhạc)
# (Dẫn chuyện: Hai vợ chồng bà Vứn đang mải bàn bạc thì chị Nguyệt, Hội trưởng Phụ nữ xã đến chơi. Bà Vứn vào nhà lấy ấm chè xanh mới ủ và rổ ngô nếp mới luộc còn bốc khói nghi ngút ra mời.
- Chị Nguyệt (Diệp) : - Tôi đem cái giấy mời của Xã, mời bác gái ngày mai đi dự họp phụ nữ. Mai có mấy chị cán bộ tuyên truyền trên tỉnh về nói chuyện hay lắm. Bá nhớ đi dự nhé!
- Bà Vứn: - Vâng cảm ơn chị, đi chứ. Đi họp vui lắm.
- Chị Nguyệt: - Thằng cu Cường nhà bác dạo này có hay về không? Nó đi làm dưới tỉnh cũng được mấy tháng rồi nhỉ? Thằng nhỏ giỏi thật, mới ngày nào còn cởi truồng chạy nhồng nhỗng giờ đã là cán bộ tỉnh rồi đấy.
- Bà Vứn: - Dạ cháu nó mới đi làm, công việc bận rộn nên cũng ít về. Nhớ nó lắm. Giàu con út, khó con út mà chị.
- Ông Sơn: - Nó đi nhà neo quá. Vợ chồng tôi đang định cưới vợ cho nó đây. Nhà bên ấy họ giục quá, mình cứ giả lơ họ trách móc hoài.
- Chị Nguyệt:- Nó yêu con bé nhà bà Hoa chớ gì? Có lần tôi thấy hai đứa chở nhau đi, đẹp đôi lắm. Nhưng con bé ấy còn đi học, nghe đâu mới lớp 11 hả bác?
- Bà Vứn: - Vâng. Mới 16 tuổi thôi.
- Chị Nguyệt: - Tôi khuyên hai bác lựa lời nói nhà bên ấy .Các cháu nó còn trẻ, từ từ đã đi đâu mà vội. Thằng Cường nó cũng mới đi làm, ít năm nữa công việc ổn định tính chuyện vợ con sau cũng đâu có muộn.
- Ông Sơn: - Chị nói cũng đúng. Nhưng mà nhà tôi neo người quá, muốn có con dâu về vui cửa vui nhà, cũng có người đỡ đần được khối việc. Vợ chồng tôi cũng già yếu, có con dâu nó phụ cho đi nương cũng tốt. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh mà chị!
- Chị Nguyệt: - Hai bác nghĩ lại đi, kiếm con dâu về để đỡ đần việc nhà đâu chưa thấy, chỉ thấy cưới năm trước năm sau có con, chồng lại đi làm xa. Không khéo hai bác lại phải vất vả thêm vì chăm dâu chăm cháu đấy.
- Bà Vứn: Tôi cũng phân vân suy nghĩ là con bé ấy còn ít tuổi quá. Lấy chồng sớm, nhỡ bầu bì ra đấy chả lẽ lại mang bầu đi học?
Chị Nguyệt: - Vâng, nó mới 16 tuổi, lấy chồng bây giờ là phạm Luật Hôn nhân gia đình đấy. Ít ra là cũng phải 18 tuổi cơ hai bác ạ?
- Ông Sơn: (Cãi) Chị nói thế thì cả xóm này người ta phạm Luật hết à? Phép vua thua lệ làng. 16 tuổi lấy chồng có sao đâu? Họ lấy đầy ra đấy.
- Chị Nguyệt: - Thì Hội phụ nữ và các đoàn thể Mặt trận xã đang vận động đây bác ạ. Theo tôi thì 16 tuổi, các cháu chưa phát triển toàn diện về thể chất, quan trọng là chưa có sự chuẩn bị đủ về tâm lý làm vợ, làm mẹ, các cháu sẽ chưa biết phải làm thế nào khi lấy chồng đâu, sẽ khổ đấy.
- Ông Sơn: - Trước lạ sau quen. Có ai lấy chồng mà biết ngay mọi thứ đâu chứ?
- Bà Vứn: (Gắt) Thì ông cứ nghe chị ấy nói đã nào! Nói thật với chị là tôi cũng lo điều ấy. Thấy các cháu trong xóm thi nhau lấy chồng, lấy đầu năm, cuối năm bỏ nhau, tôi cũng lo.
- Chị Nguyệt: - Thì hai bác nghĩ xem: Đang tuổi ăn, tuổi học, vướng vào chồng, con thế nào mà chả quá sức của chúng? Hoàn cảnh nhà hai bác cũng khó khăn chứ có khá giả gì, cháu Sơn lại đi công tác xa, có dâu về giúp việc nhà đâu không thấy chứ tôi thấy hai bác sẽ khổ đấy.
- Bà Vứn: - Khổ thì mình cố chịu. Nhưng nghĩ nó đang đi học phải nghỉ để lấy chồng, mình thấy cũng thương.
- Chị Nguyệt: - Bác nghĩ thế phải đấy. Theo tôi, hai cháu nó thương nhau, hai bên gia đình cứ đi lại cho vui vẻ. Để chúng nó học hành xong, công việc ổn định rồi tính tiếp là tốt nhất.
- Bà Vứn: - Ông thấy chưa? Tôi cũng nói ông thế mà ông cứ cuống lên.
- Chị Nguyệt: - Các cháu tự lập được, xây dựng gia đình thì mình cũng đỡ lo. Yêu nhau thì lúc nào cũng thấy toàn là màu hồng, nhưng lấy nhau tức là phải thực tế. Nào là cơm, áo, gạo, tiền rồi con cái lúc đau, lúc ốm…Chưa có sự chuẩn bị chu đáo mà vội vàng thì chỉ rước khổ vào thân thôi. Trong xã mình, năm nay có đến mười mấy cặp vợ chồng trẻ bỏ nhau vì cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt đấy thôi. Chung qui cũng là do cái nghèo, cái khổ lại thêm lấy nhau vội vàng mà ra cả.
- Ông Sơn: - Chị nói cũng có lý. Nhưng mà vợ chồng tôi khó nghĩ quá. Nhà bên kia họ cứ thúc mãi sốt hết cả ruột. Mà họ cũng tốt với nhà mình, không khéo hai bên sứt mẻ tình cảm thì tôi chẳng muốn tí nào.
- Chị Nguyệt: - Thì tâm lý nhà gái ấy mà. Bởi thế người ta mới nói có con gái lớn trong nhà như bom nổ chậm. Ông bà ấy sợ cháu Cường lên tỉnh làm rồi có mới nới cũ thôi. Theo tôi, hai bác nên hỏi ý cháu Cường. Nó làm cán bộ nhà nước rồi thì phải có suy nghĩ chứ. Tình cảm của chúng nó thế nào thì chúng nó biết phải làm gì, cái chính là nếu chúng nó thực sự thương nhau thì phải biết vì nhau, cũng là vì cuộc sống sau này. Mình là cha mẹ, chỉ khuyên bảo chúng nó thôi.
- Bà Vứn: Tôi cũng nghĩ thế, đợi thằng Cường mấy hôm nữa về xem thế nào.
- Chị Nguyệt: - Vâng, hai bác cứ bảo cháu Cường sang nhà bên ấy thưa chuyện với người ta. Thằng bé ấy tôi thấy cũng ngoan, đạo đức tốt, chắc nó biết cách nói năng để gia đình bên ấy người ta yên tâm. Nói có lý thì cha mẹ nào mà chả nghe hả hai bác?
- Bà Vứn: - Vâng, có gì nhờ chị lựa lời nói xa nói gần với ông bà nhà ấy giúp tôi với. Vợ chồng tôi sẽ bàn bạc với cháu Cường rồi thưa chuyện với anh chị bên ấy cho có đầu có cuối.
- Chị Nguyệt: - Hai bác nghĩ thế là phải đấy. Tôi cũng lựa lời với ông bà bên kia cho, yên tâm đi. Ai mà chả muốn con cái vui vẻ, hạnh phúc, thế mới là thương con chứ. Chả ai muốn cảnh “lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn” đâu. Thôi thế tôi về nhé!
- Ông bà Sơn: -Vâng cảm ơn chị, chị về nhé. Khi nào rỗi nhớ đến chơi cho vui!
(Nhạc)./.

 

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC