Cằm toẹn: ĐỘI VĂN NGHỆ BẢN LẦU
Thứ ba, 09:48, 24/08/2021
Các bản làng vùng cao đang làm du lịch cộng đồng. Và tất nhiên rồi, câu then Việt Bắc là điều không thể thiếu để chào đón khách phương xa. Bây giờ chúng ta cùng nghe tiểu phẩm vui “Đội văn nghệ bản ta” do các phát thanh viên chương trình tiếng Tày Đài TNVN thể hiện:

 

 

(Bản Test)

 

ĐỘI VĂN NGHỆ BẢN TA

(Phần cuối tốp nữ tập Then - xóc nhạc - tính rộn rã...)

Dẫn chuyện: Mấy hôm nay, tối nào nhà của Trưởng bản cũng đông vui và rộn rã hẳn lên. Kể từ khi cán bộ ở tỉnh về vận động bà con tham gia làm du lịch cộng đồng, bà con phấn khởi lắm. Đội văn nghệ của bản thường xuyên luyện tập để xây dựng chương trình biểu diễn phục vụ cho khách du lịch. Trưởng bản Nông Văn Cường vốn nổi tiếng hát hay đàn giỏi từ thời trẻ được bà con tín nhiệm bầu kiêm phụ trách đội văn nghệ...

(Tiếng vỗ tay khi hết tiết mục - Đồng thanh) Hoan hô!

(A) Bà Vửn, bà Lự hôm nay trông cứ như bọn gái trẻ ấy, đẹp quá cơ.

( Giọng các bà trong lắm, hay hay là!

(C) Nhưng mà chị Nguyệt với chị Diệp xóc nhịp chưa đều...

Trưởng bản: (Phấn khởi) Thì còn phải tập luyện thêm nữa chứ. Cơ mà hát thế này mới mát mặt cả bản Cẩu Pu chúng ta chứ! Phải không bà con? (Vâng ạ - Bác Trưởng bản nói đúng lắm)

Bà Vửn hát hay thế chả trách thời trẻ tôi với lại lão Coóng thi nhau tán, tí choảng nhau to đấy...

Bà Vửn: (Nguýt) Ông này rõ vô duyên. Già cả rồi mà ăn với lại chả nói, bọn trẻ nó cười cho.

Trưởng bản: Thì là chuyện ngày xửa ngày xưa, chứ bây giờ thì...(chép miệng)... Thôi nào! Bà Nguyệt với lại cô Thì báo cáo tôi xem tiết mục Hát Phong Slư, hát Sli, hát lượn thế nào rồi?

Bà Nguyệt: Báo cáo bác, chúng em tập luyện thành thạo rồi. Tại chú Thố bị cảm mấy hôm trước nên thổi sáo còn chưa ngọt thôi.

Trưởng bản: Tốt lắm. À mà thằng cháu Thái đâu rồi? (Vâng cháu đây ạ).

Thằng này càng lớn lại càng đẹp giai nhỉ. Mày lại hát hay nữa chả trách bọn gái bản nó cứ mê tít.

Thái: Ông cứ nói thế cháu ngại chết đi được. Cháu đang còn ế đây này.

Trưởng bản: Ế thế nào được mà ế? Để tao gả cháu tao cho. Này! Mấy bài then ông giao cho mày với mấy đứa thanh niên tập tành đến đâu rồi.

Thái: Vâng! Chúng cháu thuộc rồi.(Nữ A-B-C: Hát đi, hát đi cho các bà, các bá nghe xem nào) Vâng!

(Dạo tính và hát một đoạn Then tiếng Tày “Chợ tình giao duyên” - Nửa chừng ngừng lại)

Trưởng bản: Ơ đang hay sao lại dừng?

Thái: Ông ơi! Cháu có ý kiến, mấy bài này cũ rồi, nghe chán lắm. Hay là cháu hát bài khác.

Trưởng bản (và nhiều người): Ừ, mày hát thử xem thế nào

Thái: Vâng! E hèm... “Giờ em đã là vợ người ta/Áo trắng cô dâu cầm hoa nhạc tung tóe thanh niên hòa ca/Vài ba đứa lên lắc lư theo. Ấy là thành đám cưới em với người ta/Anh biết do anh mà ra/Tình yêu ấy nay xa càng xa Buồn thay là la la lá...”

Trưởng bản: (Đột ngột cắt ngang) Sì tóp. Cái gì mà “nhạc tung tóe thanh niên hòa ca”? Hát linh ta linh tinh.

Thái: Ơ! Nhạc hit của người ta mà ông bảo là linh tinh. Cháu thấy thanh niên đứa nào cũng mê, mình phục vụ khách du lịch thì phải có nhạc trẻ người ta mới thích chứ. Lúc nào cũng then với chả tính như nghe cúng giải hạn ấy, chán chết đi được.

Trưởng bản: Ô hay thằng này. Ông nói cho mày nghe nhé. Mày không biết là Then của mình vừa được U nét cô người ta công nhận là Di sản văn hóa thế giới à? Thế giới hẳn hoi nhé. Chả hay, chả đẹp mà được cả thế giới người ta công nhận à?

Bà Vửn: Ông Cường nói đúng đấy. Khách du lịch họ ở đẩu ở đâu lên với mình, họ muốn khám phá văn hóa dân tộc mình. Người Tày mình có Hát then, sli, lượn thì phải giới thiệu cho người ta biết chứ.

Trưởng bản: Ừ, nó là thứ của quý ông bà mình để lại cho con cháu. Của quý mà mình cứ cất giữ trong nhà thì ai người ta biết đến?

Thái: Cơ mà nhiều bài then cổ quá, thanh niên bọn cháu không hiểu, không hát được.

Trưởng bản: Không biết thì mới phải học. Chả có lẽ gì ông bà mình, bố mẹ mình người Tày mà thanh niên chúng mày lớn lên đi học, lại quên đi tiếng mẹ đẻ. Then cổ thì cũng phải học để mà biết chứ.

Thái: Thế ông không nghe bảo là “Hội nhập văn hóa và phát triển” à? Mình phải phát triển lên cái hiện đại chứ.

Trưởng bản: Thì đúng quá còn gì. “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa” nữa, tức là mình vừa phải giữ cái giá trị văn hóa của mình, nhưng cũng phải đem nó ra mà phát huy. Thế nên mới có chuyện đội văn nghệ bản ta tập luyên phục vụ du lịch còn gì? Vừa giữ được văn hóa mà bà con mình cũng có thêm thu nhập từ du lịch cộng đồng. Tao hiểu hiện đại là ở chỗ ấy chứ đâu hả cháu.

Bà Vửn, bà được nhà nước công nhận là Nghệ nhân ưu tú. Bà giải thích thêm cho chúng nó hiểu.

Bà Vửn: Thế này các cháu ạ. Các ông các bá già rồi, nhưng vẫn tập luyện, vẫn dạy cho các cháu trẻ nó học hát, học đàn. Hôm trước bà và các bá của xã mình được xuống Hà Nội biểu diễn ở làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ôi giời ơi đông ơi là đông, bao nhiêu là dân tộc anh em khắp cả nước về đấy, lại còn có cả khách du lịch. Người ta xem mình hát then, vỗ tay ầm ầm, tự hào lắm.

Trưởng bản: Xuống Hà Nội biểu diễn là chuyện nhỏ. Bà gì Nghệ sĩ Nhân dân bên Lạng Sơn ấy nhỉ? À, bà Triệu Thủy Tiên... Bà ấy và nhiều nghệ nhân Tày Nùng mình còn sang tận Pa Ri nước Pháp và một số nước biểu diễn cơ đấy. Như thế thì thế giới người ta mới hiểu như thế nào mà Then lại là Di sản văn hóa thế giới chứ.

Bà Vửn: Bà là Chủ nhiệm câu lạc bộ Then xã mình. Bao nhiêu lớp then toàn là các cháu thanh niên, thiếu nhi học đấy còn gì. Thế là các bà vui rồi. Bây giờ có cả then mới (tức là đặt lời phổ thông) để hát. Mình làm thế để các cháu nó dễ tiếp thu, cũng giúp cho dân tộc khác hay là khách du lịch họ hiểu nội dung. Như thế cũng tốt nhưng mà phải học then cổ và hát bằng tiếng Tày mình thì nó mới hay.

Trưởng bản: Đấy! Thanh niên chúng mày lo mà học, chứ mai kia tao với các bà ấy mất đi thì con cháu còn giữ được vốn quí của dân tộc mình chứ. Tôi nói thế đúng không bà con?

(Đồng thanh) Bác trưởng thôn nói đúng quá ạ.

Trưởng bản: Thôi, bây giờ đề nghị bà con mình vỗ tay động viên thằng cháu Thái đẹp giai nó hát bài then “Lập xuân” cái nào (Vỗ tay)

(Then “Lập xuân” kết)

 

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC