Cằm toẹn: PỬA ẾT MÀ THÂNG BẢN (Tiểu phẩm KHI ẾT VỀ LÀNG)
Thứ sáu, 19:51, 08/10/2021
Pện tọ , mì lai cần bấu xải sló mẻn pỉnh HIV/AIDS lẻ chử chăn đảng dau hí bấu vạ cẩn lèo ni quây bấu? Boong hây cẩn hết pện lừ tói xáu cần mẻn pỉnh nẩy vạ cẩn diếu nhất lẻ hết pện lừ sle tảng làn phiến đảy HIV/AIDS?
Pỉ noọng slương điếp!
HIV/AIDS lẻ thình pỉnh chăn cạ lao, pỉnh nẩy ngải mẻn pải pét. (Cần pền pỉnh nẩy pậu cạ lẻ pền SIDA, lự Ết). Mòn đảng phuối lẻ pỉnh HIV/AIDS pải pét khoái thâng bại kha bản, bại tỉ khau phja, pải pét quá lai tàng táng căn. Nhoòng pện, sle tảng làn đảy pỉnh HIV/AIDS tỏi lèo thuổn thảy mọi cần xày lồng slim slặt slịu. Pện tọ , mì lai cần bấu xải sló mẻn pỉnh HIV/AIDS lẻ chử chăn đảng dau hí bấu vạ cẩn lèo ni quây bấu? Boong hây cẩn hết pện lừ tói xáu cần mẻn pỉnh nẩy vạ cẩn diếu nhất lẻ hết pện lừ sle tảng làn phiến đảy HIV/AIDS? Xỉnh pỉ noọng xày tỉnh cằm toẹn “Pửa ẾT mà thâng bản” đảy bại Phát thanh viên cúa Chương khay heng tiểng Tày Nùng Đài Cằm phuối VN phác thâng pỉ noọng

Tiểu phẩm truyền thanh
KHI “ẾT” VỀ BẢN....
(Hiền: Chị Vây- Cường: Anh Vây- Diệp: Dẫn chuyện+ Cán bộ phụ nữ)
Thưa bà con và các bạn!
HIV/AIDS có thể coi là một đại dịch, một căn bệnh xã hội có tốc độ lây nhiễm rất nhanh trong cộng đồng. (Người mắc bệnh này bà con mình thường gọi là bị SIDA, hoặc AIDS). Đáng báo động là đại dịch HIV/AIDS lan nhanh đến địa bàn nông thôn, miền núi theo nhiều con đường khác nhau. Vì vậy, đẩy mạnh phòng chống HIV/AIDS là công việc đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. Thế nhưng,những người chẳng may mắc HIV/AIDS có thực sự đáng sợ và cần phải tránh xa hay không?Chúng ta nên đối xử như thế nào đối với người nhiễm căn bệnh này và quan trọng là làm gì để phòng tránh HIV/AIDS?
Mời bà con và các bạn nghe Tiểu phẩm truyền thanh “Khi ẾT về làng với sự tham gia diễn xuất của các Phát thanh viên Chương trình phát thanh tiếng Tày Nùng Đài TNVN:
(Nhạc )
# (Diệp- Dẫn chuyện) Mới hơn nửa buổi sáng, chưa tan phiên chợ, chị Nông Thị Vây đã bán đổ bán tháo mấy con gà và ít măng, mua vội mớ cá khô rồi tất tả về nhà. Đường về bản phải qua mấy quả đồi và hai con suối, lại trơn như bôi mỡ vì mới trải qua mấy trận mưa lớn nhưng chị vừa đi, vừa chạy như bị ma đuổi.
Mà cũng chả hiểu có chuyện gì, phiên chợ huyện sáng nay cứ như là xảy ra động đất ấy. Chỗ này người ta xúm lại to nhỏ, chỗ khác lại xì xào bàn tán như là mới bắt được một vụ buôn lậu gỗ lớn lắm ấy. Vừa vào đến nhà, chị Vây đã vứt toạch cái lồng gà vào xó nhà....
Chị Vây: -(Lầm bầm) Quái lạ, nhà cửa gì mà vắng tanh vắng ngắt như thế này không biết nữa. Mấy đứa trẻ con thì đi học, còn lão Vây nhà mình đi đâu rồi nhẩy? Chắc là lại lượn sang nhà lão Vẽ nhậu nhẹt rồi đây. Bực mình thế không biết. (Lớn tiếng) Ông Vây ơi là ông Vây, có ở nhà không đấy...?
Anh Vây: - (Từ ngoài vào) Có tôi đây. Gì mà kêu om xòm thế? Đang rào lại mấy cái phên bị trâu nó húc hôm qua chứ đi đâu mà đi. Sao hôm nay đi chợ về sớm thế? Bán hết mấy bó măng rồi à? Mát tay thế?
Chị Vây: -(Cáu) Ối giời ơi là giời, giờ mà còn mua với bán cái gì nữa? Nẫu hết cả ruột. Cho tôi ly nước, khát khô cả họng....
Anh Vây: - (Tiếng rót nước)Nào, bà uống đi, nước chè xanh mới hãm đấy, uống từ từ kẻo bỏng...Mà có chuyện gì bà làm như cháy nhà thế chứ? Bình tĩnh cái xem nào...
Chị Vây: - Còn hơn cả cháy nhà đấy ông ạ. Bình tĩnh thế nào được mà bình tĩnh. Chết cả bản đến nơi rồi ông ơi!
Anh Vây: Quái lạ, bà này hôm nay bị làm sao thế? Sao mà chết cả làng ?
Chị Vây: Lại đây tôi nói cho mà nghe. (Thì thào) Ông có nghe tin gì chưa? Thằng Sơn trong xóm mình ấy, ông biết không?
Anh Vây: Thằng Sơn con nhà lão Vẽ sát nhà mình chứ gì? Thằng ấy cả năm nay đi làm vàng ở miền nam, lâu lâu mới thấy về. Nghe bảo nó với mấy thằng trong làng mình đi làm vàng cho họ gặp lộc, giàu lắm đấy...
Chị Vây: (Thở dài đánh sượt) Ừ, giàu, giàu to, có tiền lắm ăn chơi vào nên mới khổ. Ông có nghe tin gì chửa? Sáng nay ra chợ, cả chợ người ta bàn tán xôn xao là thằng ấy nó bị tai nạn sập hầm, đưa đi cấp cứu.Thế rồi....
Anh Vây: - Khổ thân, thế có bị làm sao không?
Chị Vây: - (Cáu) Để yên cho người ta nói đã nào. (Thì thào) Nó bị “ếch” rồi, tức là si-đa ấy, bệnh viện xét nghiệm để truyền máu gì đó, nghe đâu là bị dương tính. Khiếp quá, dấu cộng tức là dương tính, một dấu cộng đã đủ chết rồi, đằng này những ba bốn dấu cộng thì sống thế nào được hở giời?
Anh Vây: Có thật không? Thằng ấy nó to khỏe như voi thế, lại mới lấy vợ đẻ con năm ngoái, “ếch” thế nào được mà “ếch”?
Chị Vây: - Thì đấy, thế mới khổ cho vợ con nó, cho cả nhà nó. Nghe đâu cái con “ếch” này lây kinh khủng lắm, thằng này nó lây cho vợ con nó, lây ra cả nhà nó, rồi lây cho cả làng... (Chép miệng) Chết chết, nhà nó cách nhà mình mấy bước chân, chắc nhà mình lây trước thôi ông ạ.
Anh Vây: Mà có chắc không? Thằng Sơn này nó có bao giờ chơi bời gái gú bậy bạ đâu mà lây nhỉ? Tôi nghe bảo là cái con “ếch” này nó chủ yếu lây qua cái đường....à, cái đường “ấy ấy”. Nó to khỏe như thế, sao mà lây “ếch” được cơ chứ nhỉ?
Chị Vây: - To với khỏe cái nỗi gì? Mấy người bản mình gặp nó trong bệnh viện, giờ người mỏng như tàu lá, xanh le xanh lét....Không phải nó gái gú bậy bạ gì, mà là nó tiêm chích ma túy gì đó bị lây ếch ông ơi! Nghe đâu là mấy thằng trong xã mình đi làm vàng, cũng dính vào ma túy ma tiếc gì đó, chắc gì con “ếch” nó tha cho cơ chứ? Ối giời ạ, phen này thì chết cả làng rồi...
Anh Vây: Ừ, nghĩ cũng lạ. Nghe đài phát thanh họ nói thì cũng mang máng biết là con “ếch” nó rất chi là nguy hiểm. Nhưng tưởng là nó chỉ có ở thành phố, nơi người ta có điều kiện ăn chơi nhảy múa thì mới có “ếch”, chứ rừng rú như làng mình thế này có bao giờ bị “ếch” đâu cơ chứ?
Chị Vây: Thì đấy, giờ mấy đứa thanh niên như thằng Sơn nó đem “ếch” về làng mình rồi đấy. Ông bảo không lo làm sao được? Mà này, tôi cấm chỉ ông và mấy đứa nhỏ không được sang nhà lão Vẽ nữa nghe chửa?
Anh Vây: Thằng Sơn nó bị “ếch’ chứ cả nhà nó có bị ếch đâu mà cấm? Tôi với lão Vẽ thân nhau như thế, một ngày không gặp nhau làm tí rượu là cứ thấy nhớ nhớ, giờ không sang nhà lão ấy thấy cứ thế nào...
Chị Vây: Thế nào là thế nào? Này nhé, nó bị “ếch’, cả nhà nó chắc là cũng bị lây rồi. Đấy, ông thấy không? Tuần trước ông bị cảm cúm mà còn lây ra cho cả nhà đấy thôi, khật khừ mãi mới khỏi. Ăn chung, ở chung, hít thở ra là đã đủ lây rồi, cảm cúm mà còn thế, đằng này...Chết chết, tôi lo quá.
Anh Vây: Ừ nhỉ...Giống như là năm ngoái, làng mình bị dịch cúm gia cầm H5N1, gà qué bị tiêu hủy sạch, lại còn rắc vôi bột khắp nơi nữa...
Chị Vây: À, nói đến vôi tôi mới nhớ. Hôm nay, ông ra ngoài xã mua cho tôi mấy bao vôi, bao nhiêu tiền tôi chi hết, mua vôi rắc quanh nhà mình đi. Nhân tiện, mua cho mỗi người trong nhà mình một cái khẩu trang đi đâu đeo vào cho chắc.
Anh Vây: - Ừ thì tôi nghe bà. Phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Chị Vây: - Mà này, từ tối nay ông phải ngủ riêng đấy nhá! Kiên quyết.
Anh Vây: - Ơ, bà này lạ nhỉ? Làm sao mà tôi phải ngủ riêng. Vợ chồng với nhau mười mấy năm, tự nhiên lại bắt ngủ riêng. Bà chả bảo với tôi là đêm nằm không ôm lấy tôi, bà không ngủ được là gì Không có cái món “tí ti” ấy thì tôi cứ thấy thế nào ấy.
Chị Vây: - Ông be bé lại cho tôi nhờ một cái, già rồi mà ăn với nói, ai người ta nghe thấy thì ...thì.... Không biết, ngủ riêng là ngủ riêng. Này nhé, ông ngày nào chả sang nhà lão Vây, dùng ly, dùng chén chung với nhà ấy, biết đâu ông lây cái con “ếch” của nhà ấy thì sao? Mà lão Vẽ ấy, dạo này tôi thấy gầy đi, lúc nào cũng ho sù sụ...
Anh Vây: Lão ấy gầy, lão ấy ho chứ tôi có gầy, có ho đâu? Dạo này bà chả thấy tôi hồng hào, béo tốt đấy thôi?
Chị Lạc: Không biết! Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tôi phải theo dõi ông vài tháng xem ông có triệu chứng gì không đã. Giờ ông hồng hào, béo tốt thế, mấy hôm nữa ông ốm o, gầy mòn đi thì làm sao? Một là ông ngủ riêng, dứt khoát là không có “tòm tem” gì. Hai là, ông phải dùng ly chén riêng, kẻo lây cho cả nhà...Ba là, tôi mà thấy ông mò sang nhà lão Vẽ, thì ông liệu thần hồn với tôi.
Anh Vây: - Ối giồi ôi, thế thì có khác nào bà bảo tôi vào rừng làm lán riêng mà ở. Ở chung nhà mà cứ như là không quen biết nhau thế này thì còn gì là vợ với chồng? Lại còn khoản ly, chén, đũa...riêng nữa...Tôi có phải bị hủi đâu mà thế cơ chứ?
Chị Vây: Hủi còn có thuốc chữa, chứ “ếch” thì không thuốc chữa. Ông có thương vợ thương con thì ông phải nghe lời tôi. Thôi, không nói nhiều nữa, ông liệu nhanh nhanh rồi đầu giờ chiều phóng ra xã mua cho tôi mấy bao vôi bột, bao nhiêu tiền cũng mua rồi mình triển khai ngay biện pháp phòng chống “ếch”. Ông nghe chửa?
(Nhạc sáo trúc- man mác)
Diệp dẫn chuyện: - Hậm hực lắm, nhưng anh Vây cũng phải làm theo vì lâu nay anh được tiếng là chẳng bao giờ làm trái ý vợ. Mà câu chuyện của vợ chồng họ cũng là câu chuyện của nhiều gia đình trong bản. Cả nhà ông Vẽ cứ đóng cửa ru rú trong nhà, không ai dám ra ngoài vì hàng xóm láng giềng xa lánh. Cô vợ của Sơn sợ quá bế con về nhà bố mẹ đẻ, thương con nhưng nhà bố mẹ đẻ cũng không dám chứa thế nên cô lại phải đem con về nhà chồng. Khổ thân, cứ mỗi khi bà vợ ông Vẽ ra chợ mua, bán gì cũng bị người ta lảng đi, tránh tiếp xúc. Nhìn đám vôi bột rắc quanh nhà anh chị Vây, vốn là hàng xóm láng giềng thân thiết, lòng vợ chồng ông Vẽ như có ai vò, ai xát...
Một buổi tối, vợ chồng anh Vây vừa ngồi bóc mớ lạc khô, vừa nói chuyện thì...
(Tiếng chó sủa, tiếng nạt chó ngoài cổng)
# Chị Vây: - Ai như chị Diệp, hội phụ nữ thôn ấy ông nhỉ?
# Anh Vây: - Ừ thì bà ấy chứ ai. (Lầm bầm) Chắc là lại đi thu tiền quyên góp ủng hộ người nghèo đây mà. Cái bà này, không đi thu tiền thì cũng là đi vận động sinh đẻ kể hoạch cho mà xem!
# Chị Diệp: - (Chó sủa- nạt chó, gọi với vào) Vợ chồng nhà Vây có nhà không, đang làm gì thế?
# Chị Vây: - Vâng, chị vào chơi. Đang bóc mớ lạc khô chứ có làm gì đâu. Chị đi đâu về mà rảnh rỗi ghé nhà vợ chồng tôi thế?
# Chị Diệp: Tôi đi mời chị em hội viên phụ nữ trong bản mai lên Ủy ban xã để nghe Bác sĩ trên huyện người ta về tuyên truyền HIV/AIDS. Chị và cả anh nữa, nhớ đi dự nhá.
# Chị Vây: Tức là tuyên truyền về ết chớ gì? Chết đến nơi rồi mà còn tuyên truyền gì nữa hở chị? Đấy, thằng Sơn nhà ông Vẽ cạnh nhà tôi đây bị rồi đấy. Thanh niên xã mình mấy đứa nó đi làm vàng về, chả biết là đứa nào bị, đứa nào không nhưng chắc là bị sida hết rồi còn gì? Cả bản ai cũng lo đứng lo ngồi thì còn lên xã nghe tuyên truyền gì nữa?
# Chị Diệp: Thì cả bản mình lo, cả xã mình lo nên bác sĩ trên huyện họ về giải thích để bà con mình hiểu, mà biết cách phòng tránh, quan trọng là yên tâm đừng có quá lo lắng anh chị ạ.
# Anh Vây: Sao mà không lo hử chị? Tưởng đâu ết nó chỉ có ở thành phố, giờ miền núi vùng cao như mình cũng có ết thế này ai mà chả lo? (Chép miệng) Đấy, chị thấy, nhà tôi rắc vôi phòng ết còn nhiều hơn cả phòng H5N1 năm ngoái , mà có yên tâm được đâu?
# Chị Diệp: (Cười) Đấy, đấy...Thì chính vì thế nên tôi mới sang nhà anh chị đây. Lo xa như thế là không cần thiết rồi. Nghe tôi đi, tôi vừa được đi tập huấn trên huyện về, thắc mắc chỗ nào tôi giải thích cho mà nghe.
# Anh Vây:- Chị nói cụ thể xem nào?
# Chị Diệp: - HIV nó không lây kiểu cúm gia cầm đâu mà rắc vôi bột với lại đeo khẩu trang. Có ba đường lây HIV chính thế này này:
- Một là lây qua đường tình dục không an toàn. Nếu mà một người bị HIV, quan hệ tình dục với người khỏe mạnh mà không dùng biện pháp an toàn thì bị lây cho người khỏe mạnh.
# Anh Vây: Đã gọi là Ết rồi thì quan hệ kiểu gì mà chẳng lây? Quan hệ an toàn là thế nào?
# Chị Diệp: -À, tức là....vì dụ như dùng bao cao su chẳng hạn, sẽ không lây đâu. Bao cao su không chỉ phòng tránh thai mà nếu sử dụng đúng cách còn phòng ngừa được các bệnh khác, trong đó có HIV.
Con đường lây thứ 2 của HIV là đường máu. Nếu như mà một người khỏe mạnh, chẳng may chỗ bị trầy xước của mình bị tiếp xúc với máu của người có HIV thì lây, dễ thấy nhất là khi được truyền máu hay dùng chung kim tiêm. Bởi thế cho nên khi mình đến bệnh viện, nếu mà được truyền máu thì máu ấy đã được xét nghiệm là không có HIV bác sĩ người ra mới truyền. Hay là khi trẻ em đi tiêm phòng dịch ở trạm y tế xã ấy, mỗi cháu có một kim tiêm riêng, đâu có dùng chung đâu....
# Chị Vây: Tôi nghe bảo là nghiện ma túy cũng bị lây cơ mà. Thằng Sơn chơi ma túy nên bị đấy thôi?
# Chị Diệp: - À, tiêm chích hay là sử dụng ma túy không thôi, thì chỉ khổ vì nghiện, rồi tan gia bại sản vì phải mua ma túy. Chả ai dại gì mà dính vào ma túy. Thế nhưng, nếu mà người nghiện ma túy dùng riêng kim tiêm thì không lây nhiễm HIV được đâu. Ví dụ một người khỏe mạnh, dùng chung kim tiêm có máu của người bị HIV thì người khỏe mạnh mới bị lây....
# Anh Vây: - Ồ thế á? Tôi lại cứ tưởng...Thế cái con “ết” này nó còn lây qua đường nào nữa hở chị?
# Chị Diệp: - Còn một đường chính nữa là từ mẹ sang con. Nếu mà người mẹ bị HIV, có bầu, thì sẽ truyền HIV sang cho con khi mang thai. Đấy, anh chị hiểu chưa?
# Chị Vây: - Nghe chị nói thấy đơn giản thế? Tôi đi chợ huyện, thấy họ nói cái thứ si đa này nó lây còn hơn dịch tả hay dịch H5N1. Sống chung với người bị HIV, rồi dùng chung ly, chén, khăn mặt, hay là bắt tay, gần gũi với họ cũng bị lây cơ mà?
# Chị Diệp: - Chị yên tâm đi. HIV nó không lây qua những đường mà chị vừa nói đâu, thậm chí là ôm hôn cũng chả lây được cơ mà. Chỉ lây qua ba cách mà tôi vừa nói ở trên thôi. Nếu mà mình sống lành mạnh, không quan hệ trai gái bừa bãi, không dính vào ma túy hút chích hay cẩn thận khi tiếp xúc bằng đường máu thì làm sao mà bị HIV được. Đấy là cách phòng tránh tốt nhất đấy.
# Chị Vây: - Này chị, nghiện ma túy người ta còn bắt đi trại cai nghiện, thế sao mấy người bị Ết ấy không đem cách ly ra, nhốt vào trại đi để đỡ lây bệnh cho người khác?
# Chị Diệp: - À, người chẳng may bị HIV như thằng Sơn nhà ông Vẽ đây đáng thương lắm. Nhưng, không cần phải cách ly như thế mà rất cần được gia đình, làng xóm thông cảm. Vì sống gần, ở cùng nhà với người bị Ết , thậm chí dùng chung ly, chén cũng không lây bệnh được đâu.
# Anh Vây: - Chị nói thế nào ấy chứ? Cả làng mình, có ai dám đến nhà ông Vẽ nữa đâu? Ai cũng sợ lây...Ngay cả như tôi đây, thân tình với nhà ông Vẽ như thế mà tôi có dám sang đâu.
# Chị Diệp: Thì tại vì người ta không hiểu nên mới sợ thế thôi. Hội Phụ nữ chúng tôi, rồi cán bộ hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thể xã mình mấy hôm nay xuống các thôn để giải thích, tuyên truyền cho bà con mình an tâm và biết cách phòng tránh HIV. Gia đình ông Vẽ đáng thương lắm, chẳng may thằng Sơn nó bị HIV, cả nhà đã buồn phiền rồi, giờ lại bị hàng xóm láng giềng xa lánh thế này thì sống làm sao nổi? Chẳng qua là tại bà con mình chưa hiểu nên mới xử sự như thế. Giờ tôi giải thích thế rồi, anh chị ở cạnh nhà ông bà Vẽ, mình đừng có xa lánh người ra nữa, mà nên động viên ông bà ấy mới phải.
# Chị Vây: Chị nói thế tôi thấy cũng đỡ lo.
# Anh Vây: Thế bà còn bảo là tôi hay sang nhà ông Vẽ chơi bị lây Ết, rồi lại còn cấm vận, bắt ngủ riêng nữa không?
# Chị Vây: Ông này ăn với lại nói, chả ý tứ gì sất. Mà chị Diệp này, làm sao để mà biết được là một người có bị HIV hay không hở chị?
# Chị Diệp: À, chỉ có xét nghiệm mới biết được. Điều này thì đơn giản thôi, chỉ cần đến Trung tâm Y tế huyện xin xét nghiệm máu, cái này được miễn phí và giữ bí mật.
# Chị Vây: Mà chị này, thế bị Ết như thằng Sơn ấy có thuốc nào chữa khỏi bệnh không?
# Chị Diệp: Hiện tại thì người ta chưa tìm được thuốc chữa đâu. Nếu mà bị HIV, bác sĩ chỉ tư vấn cách giữ gìn sức khỏe, tránh lây nhiễm cho người khác và điều trị bằng thuốc để hạn chế bệnh tiến triển nhanh thôi, mà cũng tốn kém lắm. Bởi vậy, cán bộ tuyên truyền như chúng tôi phải làm nhiệm vụ đi giải thích để bà con mình hiểu, biết cách phòng tránh Ết và nhắc nhở, bảo ban con em mình đừng có sa vào tệ nạn mà có nguy cơ bị nhiễm bệnh.
# Anh Vây: Vâng, chị nói thế vợ chồng tôi cũng yên tâm phần nào. Thể nào mai vợ chồng tôi cũng lên ủy ban để nghe bác sĩ trên huyện về họ nói chuyện về cách phòng chống HIV Ết ra sao.
# Chị Diệp: Vâng, đúng 2 giờ chiều, tại hội trường ủy ban anh chị nhá! Bà con mình có thắc mắc, băn khoăn gì, cứ hỏi bác sĩ người ta sẽ hướng dẫn giải thích cụ thể cho. Thôi, bây giờ tôi tranh thủ đi sang nhà khác đây
# Vợ chồng Vây: Thế cám ơn chị nhé! Chắc chắn là chiều mai vợ chồng tôi đi dự. May quá có chị giúp đỡ vợ chồng tôi như trút được cái lo.
# Chị Diệp: - Mà này, tôi giải thích như thế, yên tâm rồi, thì anh chị nhớ qua lại nhà ông Vẽ nhé, động viên ông bà ấy một tiếng, chả gì thì mình cũng là hàng xóm láng giềng với nhau...
# Vợ chồng Vây: Vâng, vâng, được rồi. Cám ơn chị. Chị về nhé!
(Nhạc)./.

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC