CHỌN NGHỀ
Việc định hướng chọn trường, chọn ngành nghề cho con cái đang được các bậc cha mẹ và học sinh quan tâm. Có nhất thiết phải cố thi vào đại học không hay chọn học nghề? Điều đó phụ thuộc vào sức học của các em và quan trọng nhất là sự quan tâm, cân nhắc giữa bố mẹ và con cái để các em đi vào con đường đúng. Câu chuyện sau đây xin được nêu ra để bà con mình cùng tham khảo:
(Nhạc)
(Diệp dẫn chuyện) Suốt mấy hôm liền, vợ chồng ông Cường tranh luận với nhau để quyết định việc chọn nghề, chọn nghiệp cho con gái. Số là: cô Nông Thị Tít ,con gái út của ông bà buồn thiu vì trượt đại học. Cô cứ mặc cho cha mẹ tính sao thì tính. Ở trong bản, con gái học hết cấp 3 là quí lắm rồi. Thôi thì trượt đại học cũng chẳng sao, buồn thì có buồn nhưng cũng có cái để mà tự an ủi.
Tuy nhiên, con gái 19, 20 tuổi đầu ở cái làng quê nhỏ bé này, không tính chuyện kiếm một cái nghề trong tay rồi lấy một tấm chồng cho yên bề gia thất thì nói dại, có con gái lớn trong nhà như chứa bom, chứa đạn, không biết nó sẽ nổ lúc nào! Mà cái con Tít, bố mẹ thì cứ đen nhẻm như củ súng vì làm lụng cực khổ, còn nó thì cứ trắng nõn trắng nà, xinh đẹp phây phây làm bọn con trai trong xã cứ tối nào cũng vè vè đến sốt ruột. Bởi vậy ông bà Cường mới lo.
- Ông Cường:- (Tiếng rót nước) Bà nó này! Theo tôi, cho cái Tít đi học may rồi về mở một hiệu may ở thị trấn là hay đấy nhể. Con gái mà làm cái nghề may là hợp, lại thanh cảnh!
- Bà Cường: (Dài giọng) Thôi, ông lạc hậu quá ông ơi. Ông xem: xã mình hiệu may mọc lên như nấm rừng sau mưa. Riêng bản mình cũng 4-5 đứa mở hiệu may rồi nhưng có ăn ai? Cái Diệp nhà ông Vân đấy có cái hiệu may trông cũng qui mô gần chợ huyện, mấy lần tôi đi chợ thấy nó cứ ngáp lên ngáp xuống, có khách mấy đâu ông?
- Ông Cường: Hứ! Thì cái trình độ may như chúng nó ế khách là phải rồi. Tôi hỏi bà: Học may năm bữa nửa tháng ở quê thì lấy đâu ra mà giỏi. Thanh niên bây giờ nó mô đen lắm bà ơi, ngay như mấy cái bà sồn sồn rồi may không tân thời thì mấy bà ấy đâu có chịu? Theo tôi, cho cái Tít xuống hẳn Hà Nội ấy, học ở mấy hiệu may lớn có uy tín rồi về quê mở hiệu may riêng. Cạnh tranh mà bà...
- Bà Cường: (Nguýt) Hứ! Ông chỉ được cái thấy một mà không thấy hai. Tôi hỏi ông này: Trong bản có mấy đứa có trình độ văn hóa như cái Tít nhà mình? Làm cái nghề may nó phí của giời đi chứ, mười mấy năm trời ăn học chứ phải? Theo tôi, cái Tít phải làm cái nghề...à, cái nghề lao động trí óc.
- Ông Cường: - Úi giời, bà nói đùa hay nói thật đấy? Bác sĩ, kỹ sư họ còn thất nghiệp cả xâu kia kìa. La...o động trí óc! Bà có cái tư tưởng xem nhẹ lao động chân tay từ bao giờ vậy? Mình là con nhà nông, có tư tuởng như thế là sai quan điểm.
- Bà Cường: - (Dài giọng) Phả...i, tôi sai quan điểm, nhưng không lạc hậu như ông. Ông không nghe ti vi với đài phát thanh họ quảng cáo à? (Ngày nào mà tôi chả nghe phát thanh tiếng Tày Nùng Đài Tiếng nói Việt Nam)
Này nhá: (Hắng giọng, bắt chước Quảng cáo) “ Trung tâm tuyển sinh lớp trung cấp kế toán tại chức, tin học tại chức. Khi tốt nghiệp được cấp bằng quốc gia. (Bằng quốc gia nghe chưa ông)?- (Tiếp tục lên giọng) Và được Trung tâm bố trí việc làm!” . Đấy, ông thấy chửa, tôi đã nói mà. Thời đại thông tin bùng nổ, không nghe đài một ngày là lạc hậu cả năm.
- Ông Cưường : (Bí, lắp bắp) Ờ thì... Nhưng mà, tôi cứ nghi ngờ thế nào ấy bà ạ.
- Bà Cường: (Nói cứng) Nghi nghờ là nghi nghờ thế nào? Ai cũng nghi ngờ như ông thì thì....Với lại, tôi nghĩ cứ để cái Tít ra thành phố học kế toán, thư ký gì đấy, biết đâu lại xin được việc làm ở trên huyện, lấy chồng cán bộ cho sướng cái thân? Tôi với ông nương rẫy cực khổ mãi, cũng phải để con cái nó giao lưu,mở mang ra ngoài đi chớ?
- Ông Cường: (Bực mình) Bà học ở đâu cái kiểu lý luận chẹn cổ họng người ta thế? Thôi thì, bà tính thế nào thì tính, kẻo sau này lại bảo là tôi không bàn bạc với bà.
(Nhạc 5 giây)
Thưa bà con! Thế rồi cô Nông Thị Tít cũng ra thành phố học nghề. Ban đầu, cô theo học một lớp kế toán ở trung tâm dạy nghề nọ, về sau cô còn xin tiền bố mẹ để học tiếng Anh, học vi tính. Ông bà Cường tuy nghèo nhưng cũng cố chắt chiu để cho cô Tít ăn học đến nơi đến chốn, khỏi thua chị kém em.
Được một thời gian, ông bà Cường nghe cô Tít tuyên bố: Cô đã tìm được việc làm thêm để góp phần trang trải cho việc học tập. Bà Cường phấn khởi lắm, đi khoe khắp xóm:
Bà Cường: (Hớn hở) Đúng! Phải như thế chứ. Phải như thế mới được. Con cái biết thương cha thương mẹ, vừa học vừa làm, thật là Có chí thì nên!
Bà đem khoe với hàng xóm, ai cũng khen ông bà có phước. Mà cô Tít dạo này trông thành thị hẳn lên. Mái tóc đen dài óng ả ngang lưng được cô cắt tém, uốn xù lên như cái chổi phất trần, lại còn nhuộm màu như râu ngô. Người cô lúc nào cũng thơm ngát mùi nước hoa. Còn cái váy đầm cô mặc (Chép miệng)...Ối giời, nó phình ra ở đoạn trên, túm vào ở đoạn dưới. Mấy bà gặp cô ở dưới chợ huyện thì thào: Chắc là mốt váy đầm kiểu người cá hay là người dơi gì đây. Móng tay, móng chân cô không biết sơn cái loại sơn gì mà nó lại vừa tím, vừa xanh, lại lóng lánh kim tuyến. Độc đáo nhất là dáng đi, cô bước rón rén, rón rén, đánh qua đánh lại kiểu như thi hoa hậu.
Mấy bà trong thôn xì xào về kiểu ăn mặc, đi đứng của cô thì bà Cường lý lẽ:
Bà Cường: (Lên giọng) Người thành phố giờ họ ăn mặc như vậy, mấy bà cổ lỗ sĩ, quanh năm không biết thành phố là gì. Làm việc ở thành phố thì phải ăn mặc cho thời trang. Có cái gì mà bình phẩm. Rõ nhà quê!
Thực tình, ông bà Cường cũng thấy chương chướng về cung cách tân thời của cô Tít. Song, nghe đâu cô làm việc cho một cái.., à, cái rất- to- ran (restaurant). Nghe nói, cái công ty này toàn là khách Tây và Việt Kiều. (Chặc lưỡi) Thôi thì ăn mặc thế nào cũng được, tiếp xúc với Tây thì mình cũng phải văn minh lên chứ! Không biết cô học tiếng Anh đến cái bằng gì rồi mà mỗi khi về nhà, ông bà Cường lại thấy cô tiến bộ hẳn lên. Này nhé: Hế lô, bái bai, What do you name?..Và nhiều thứ nữa. Nghe mà sướng cái lỗ tai. Cả cái xã này, đố mà kiếm ra một đứa nào nói tiếng Tây được như con ông bà. Quả là : Đi một ngày đàng,học một sàng khôn!
(Nhạc châm biếm)
Thưa bà con! Cho đến một ngày, ông bà Cường nhận được tin sét đánh: Cô Nông Thị Tít bị công an bắt khi đang...trên giường với một ông khách, không một mảnh giáp che thân!
Ông Cường khăn gói xuống thăm con mới ngã ngửa ra rằng: Cả gần năm nay, cô con gái của ông đã bỏ học nghề và đi làm tiếp viên cho một Nhà hàng nọ, theo lời rủ rê của bạn. Sẵn thói đua đòi, muốn có tiền chưng diện, và cái chính là muốn lao động nhẹ, thu nhập cao, cô đã sa chân vào con đường tội lỗi lúc nào không hay. Gặp con, ông cứ lặng người đi, không nói được câu nào. Chao ôi! Con gái ông đấy ư? Sao lại đến nông nỗi này? Tan nát cõi lòng nhưng ông cũng đành ngậm đắng nuốt cay. Thôi thì “Con dại cái mang”. Nói ra hàng xóm người ta lại cười cho. Ân hận thì chuyện cũng đã muộn rồi!
(Nhạc)
Viết bình luận