PÂN ĐIL CƠ TU CƠNH LÂNG RA XA NAY MR'CƠNH PÂN JƯIH PÂN ĐIL
Thứ hai, 00:00, 19/10/2015

PHỤ NỮ CƠ TU VÀ VẤN ĐỀ  BÌNH ĐẲNG GIỚI

Vấn đề  “nam nữ bình quyền” đã được khẳng định từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1946). Cho đến nay, Đảng và Nhà nước luôn coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Việc chăm lo phát triển nguồn lực con người là một nhân tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới, trong đó các tiêu chí phát triển được hướng vào cả nam và nữ.

Tuy nhiên, thực tế ở nhiều nơi cho thấy, bất bình đẳng giới thực sự vừa là một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng đói nghèo, vừa là rào cản lớn đối với sự phát triển bền vững và tác động tiêu cực không chỉ đến phụ nữ mà đến tất cả các thành viên trong gia đình.

Nhân kỷ niệm 85 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Vơ Ních Oang- PV chương trình có buổi gặp gỡ và trò chuyện với chị em Hội phụ nữ Tây Giang, tỉnh Quảng Nam xung quanh vấn đề bình đẳng giới trong gia đình của người Cơ Tu.

Mời bà con và các bạn cùng theo dõi !

 # Vơ Ních Oang xin kính chào thính giả đang nghe chương trình !

Xin chào và cảm ơn các vị khách mời đã nhận lời tham gia buổi trò chuyện nói về  vấn đề bình đẳng giới trong gia đình của người Cơ Tu hôm nay. Đầu tiên, tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý thính giả các nhân vật tham gia buổi trò chuyện hôm nay gồm có chị:

1.      Lê Kim Vân – Chủ tịch Hội Phụ nữ Tây Giang, tỉnh Quảng Nam

2.      Chị Ploong Thị Hênh – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã A Tiêng, huyện Tây Giang

3.      Là chị Bhríu Thị Sim – Chi Hội Trưởng phụ nữ thôn Rà Bhượp, xã A Tiêng, huyện Tây Giang

4.      Và cuối cùng là chị A Lăng Thị Thảo hội viên Hội phụ nữ thôn Rà Bhượp, xã A Tiêng, huyện Tây Giang.

 PV: Như chúng ta đều biết, vấn đề bình đẳng giới là  một “vách ngăn” giữa phụ nữ và đàn ông trong gia đình cũng như xã hội. Ở vùng đồng bào mình, điều đó lại càng hiện hữu rõ nét hơn hẳn. Đặc biệt trong việc phân chia công việc, người phụ nữ luôn là người mang trọng trách nặng nề nhất trong gia đình. Các chị chia sẽ với thính giả nghe đài về vấn đề này như thế nào trong gia đình bà con Cơ Tu mình ? Vâng mời chị Kim Vân.

NV: Về vấn đề bình đẳng giới, hiện nay chúng tôi thấy đàn ông không như ngày trước nữa việc gì cũng bắt phụ nữ làm. Bây giờ, công việc gì cũng chia sẻ với phụ nữ, cũng không bắt đẻ nhiều như ngày trước hay bắt đẻ con trai như người kinh, bởi vì ngày trước bố mẹ thích có nhiều tấm tuốc, sà lùng nên bắt đẻ nhiều con gái. Nhưng giờ bà con quan niệm con nào cũng là con nên không còn tình trạng phân biệt nữa.

PV : Các chị khác thấy thế nào ạ ? Mời chị A Lăng Thị Thảo.

NV: Cũng tùy theo gia đình thôi. Có người thương vợ thì đi làm cùng chứ, thậm chí làm nhiều gấp đôi vợ ấy chứ. Việc này thì tùy mỗi gia đình thôi. Người biết nghĩ thì làm cùng với vợ, người không biết nghĩ thì họ mặc kệ….

Ngày trước, phụ nữ hay bị ép phải sinh thật nhiều con. Nếu không sinh thì họ bảo mất hồi môn của họ cưới mình về. Có người đàn ông họ hiểu thì họ không bắt sinh nhiều. Như chồng tôi có lần nói khi tôi không dùng biện pháp phòng tránh thai “sinh 2 đứa chưa thấy khổ hay sao mà còn muốn sinh nữa”. Ổng bảo tôi dốt không biết chi hết. Mẹ chồng tôi thì bảo sinh 4 đứa cho bà. Tôi bảo, bây giờ Nhà nước không cho sinh 4-5 đứa đâu. Bà bảo, thế lấy ai đi làm. Tôi bảo, bây giờ nam nữ gì đều phải lao động cả, đâu phải cứ cưới vợ về là bắt vợ sinh 4-5 đứa con, thế còn mạng sống của tôi thì sao. Hơn nữa chồng tôi cũng không thích cho tôi sinh nữa, vì tôi yếu với lại hay đau ốm.  

PV: Nếu mà khổ quá thì mình li dị chồng có được không các chị ? Theo em được biết, nếu khổ quá cũng có thể bỏ chồng làm lại cuộc đời khác chứ ? Chị Bhríu Thị Sim thấy sao ?

NV: Người ta đỏi lại của hồi môn nhiều lắm. Nếu phụ nữ mà bỏ chồng thì nhà gái phải chịu thiệt, mất hết tài sản đã đưa cho nhà trai. Còn đàn ông mà bỏ vợ thì mất hết của cải đã đưa cho nhà vợ. Vấn đề của hồi môn rất phức tạp và tốn kém. Còn bây giờ, nếu vợ chồng không sống chung được với nhau nữa thì người ta giả quyết cho vợ chồng được li hôn một cách bình đẳng nhất.

- Nếu không trả nổi thì phải cật lực lao động chứ biết làm sao nữa. Nếu như số tài sản nhà trai cho mà nhà gái còn giữ, trả lại cho nhà trai thì không bị ép lao động để trả nợ. Còn nếu bố mẹ đã mang chia cho bà con họ hàng hết rồi thì người con gái phải lao động để trả nợ cho hết. Bây giờ thì không như thế, nếu 2 người li dị thì 2 bên gia đình thỏa thuận trả của hồi môn kiểu như còn bao nhiêu thì 2 bên gia đình trả lại cho nhau tương xứng giá trị.

- Ngày trước mới bé tí tị ti ni đã được gả lấy chồng rồi. Vì thế, lớn lên con cái có muốn lấy ai cũng không được. Thậm chí đứa trẻ đang còn trong bụng thì người ta đã đến xí phần bảo gả cho gia đình mình rồi. Bố mẹ con gái xin con trâu để đặt cọc trước, sau này khi sinh ra lớn một chút là bị bắt đi lao động rồi. Cũng vì kiểu trả hồi môn này nên con trai thường cho mình không phải làm việc nữa, chỉ mỗi phụ nữ thôi lao động. Thậm chí có mang thai hoặc đẻ con trong rừng luôn rồi mới được mang con về nhà. Nhưng cũng không nghĩ được lâu đâu, chỉ 3 ngày thôi là phải ra rẫy, ra nương làm rồi để mà trả hồi môn. Dù có đau ốm chi cũng mặc kệ, chết sống không biết, cuộc sống ngày xưa có được ăn uống đầy đủ đâu, phần ngon nhường cho đàn ông ăn hết, mình ăn cơm với sắn rồi đi làm thôi. Rồi còn bắt người phụ nữ đẻ 10-15 người con thì mới xứng với hồi môn nhà trai trả. Nhất là mẹ chồng bắt phải đẻ cho nhiều, giống như bà trước đó.

PV: Ồ ! thật may là mình được sinh ra vào thời bây giờ. Chứ nếu không thì cũng giống số phận như bao nhiêu phụ nữ khác rồi. Tôi thấy, bà con chừ cũng có sự thay đổi nhiều về nhận thức trong vấn đề bình đẳng giới rồi. Các chị có thấy thế không. Vâng mời chị Ploong Thị Hênh, gia đình chị sinh sống ở thôn lại làm công tác phụ nữ, chắc chị hiểu rõ vấn đề này nhiều ?

NV: Vấn đề tình trạng bạo lực trong gia đình chủ yếu xảy ra vì kinh tế gia đình thôi. Khi không đủ chi tiêu, cho con cái học tập….khó khăn trong cuộc sống thì xảy ra cải vả.

PV: Với những chia sẻ của các chị em ở đây, một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình không hẳn do quan niềm về sự bất bình đẳng giới. Hiện nay, kinh tế lại là nguyên nhân chính dẫn đến những bất hòa trong gia đình. Chị Vân thông tin một chút về đời sống của chị em phụ nữ hiện nay như thế nào ?

NV: Hơn 10 năm kể từ ngày thành lập huyện thì thấy đời sống của chị em phụ nữ cũng đi lên. Như bây giờ, các phong trào mình phát động cũng đỡ so với những ngày trước đây. Các hội viên rất tin tưởng vào các chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhưng vì chúng tôi là huyện nghèo nên chú trọng về phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tuyên truyền các chính sách như kế hoạch hóa gia đình, cách nuôi và chăm sóc con, tuyên truyền về bình đẳng giới…phát triển rất là tốt.

 

PV: Hội phụ nữ huyện có những chính sách hỗ trợ nào cho chị em phụ nữ phát triển không chị ?

NV: Chúng tôi không có tiền để hỗ trợ, rất là khó khăn, nên chúng tôi giúp ngày công là chủ yếu. ví dụ mỗi lần tổ chức họp tháng – cách sinh hoạt ở các chi hội xem thử hội viên nào gặp khó khăn rồi lên kế hoạch, hôm nay giúp ngày công cho chị này, hôm sau giúp chị kia…. Bằng cách đó để mà giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.

Là huyện nghèo nên cũng thụ hưởng nhiều dự án như dự án Ma – ta – zơ đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi, làm ăn, buôn bán… cũng rất nhiều hộ gia đình tham gia và nhận được sự hỗ trợ.

PV: Kinh tế phát triển nhận thức của chị em cũng được nâng cao. Chắc chắn tình trạng bạo lực gia đình từ việc bất bình đẳng giới có phần nào giảm hơn so với trước đây không. Vâng xin được hỏi chị Sim.

NV: Những lúc mình đi tuyên truyền thì thấy bà con rất ủng hộ, mình nói sao thì họ làm vậy. Thấy bà con thực hiện đầy đủ các vấn đề mình triển khai, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.

- Chỉ có các ông bà già là không phải đi làm nữa, chứ thanh niên bây giờ từ 18 tuổi trở lên là đi làm hết rồi. Ngày xưa chỉ có mình phụ nữ đi làm việc, đàn ông thì ở nhà ăn nhậu thôi.

PV: Vấn nạn bạo lực gia đình hiện nay vì quan niệm bất bình đẳng giới có còn xảy ra nữa không vậy các chị ? Mời chị Hênh.

  NV: Trường hợp ở thôn Rà Bhượp thì không thấy xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. Bà con ở đây chắc cũng nhận thức được vấn đề này, với lại hay đi nghe tuyên truyền về vấn đề bình đẳng giới. Bây giờ, cuộc sống của bà con khác trước rất nhiều. Trước đây, hủ tục trong việc trả của hồi môn khi lấy vợ, chính vì thế, người phụ nữ khi về nhà chồng trở thành công cụ lao động, làm ra của cải cho tương xứng với của hồi môn bỏ ra. Bây giờ thì hết rồi. 

PV: Đối với những khi xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, thì chị có những cách giải quyết như thế nào ?

NV: Thôn này cũng như các thôn khác, không còn trường hợp xảy ra như thế nữa. Cũng có trường hợp ở thôn A Hu, nhưng cũng không đến nỗi nghiêm trọng lắm. Xảy ra tình trạng ấy thì tổ hòa giải đã kịp thời tới vận động, tuyên truyền, giải thích vấn đề cho vợ chồng hiểu nên không có tình trạng bạo hành cũng như việc bỏ nhau.

PV: Để vấn nạn bất bình đẳng giới không còn xảy ra trong các gia đình, Hội phụ nữ Tây Giang đã triển khai công tác như thế nào để kịp thời ngăn chặn vấn đề này thưa chị Vân ?

NV: Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng các địa chỉ tin cậy. Địa chỉ tin cậy này tức là phối hợp giữa trưởng thôn, già làng uy tín, công an viên, cán bộ chi hội trưởng phụ nữ thôn và vì không có kinh tế xây dựng cơ sở sinh hoạt nên chúng tôi sẽ chọn nhà trưởng thôn hay già làng làm địa chỉ hoạt động. Qua thời gian hoạt động thấy cũng rất hiệu quả. Có gia đình khi xảy ra tình trạng bạo lực gia đình cũng chạy tới địa chỉ tin cậy này để nhờ giải quyết giúp…

PV: Vâng, xin cảm ơn chị.

Thưa bà con và các bạn !

Để tình trạng bạo lực gia đình không còn xảy ra trong mỗi gia đình xuất phát từ những quan niệm lạc hậu về sự bất bình đẳng giới, điều quan trọng là các cấp ủy Đảng, chính quyền cần phải chú trọng hơn nữa công tác vận động tuyên truyền làm sao cho người dân hiểu. Bên cạnh đó, bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, địa phương cần tăng cường công tác khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân vùng đồng bào thiểu số phát triển kinh tế, đẩy lùi nghèo đói nghèo nhanh và bền vững để sớm ổn định cuộc sống .Buổi trò chuyện của chúng tôi xin kết thúc tại đây. Một lần nữa, xin cảm ơn các chị đã nhận lời tham gia chương trình. Xin chúc các chị tiếp tục phát huy hơn nữa những cách làm hay để giúp bà con mình ngày càng có cuộc sống tốt đẹp hơn. Xin chào và hẹn gặp lại bà con và các bạn trong các chương trình lần sau./. 

 

 

 

 

 

 

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC