Tiểu phẩm: C'MOO HỌC T'MÊÊ
Thứ tư, 11:34, 04/09/2024 A LĂNG DUY A LĂNG DUY
Co Tu.VOV.VN: Lâng bấc đhị k'coong ch'ngai, zr'lụ đhanuôr acoon cóh, bhiệc đoọng k'coon tước ooy trường cắh nặc mưy k'đươi moon râu zay t'bhlâng âng apêê a'đhi học sinh lâng râu k'rang lêy âng pr'loọng đông, vel bhươl nắc đoo chr'nắp đoọng apêê a'đhi choom ting ta pưn pa choom cr'liêng chữ

                                                                      Tiểu phẩm:  NĂM HỌC MỚI

Vậy là năm học mới 2024-2025 đã bắt đầu. Hàng triệu học sinh, sinh viên trong cả nước đang bước vào năm học mới với một khí thế mới. Dù còn nhiều khó khăn phải đối mặt nhưng ngành giáo dục đang nỗ lực vượt qua để gặt hái những kết quả tốt đẹp trong năm học mới.

Với nhiều nơi vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS, việc cho con em đến trường không chỉ đòi hỏi sự chăm chỉ của chính các em học sinh và sự quan tâm của gia đình, thôn bản là cực kỳ cần thiết để các em có thể theo học con chữ. Tiểu phẩm “Năm học mới”, kịch bản bản của A Lăng Duy, do các Phát thanh viên Chương trình tiếng Cơ Tu Đài TNVN thể hiện xin được góp  tiếng nói về điều đó. Mời bà con và các bạn cùng nghe:

 

 

Dẫn chuyện: Đầu năm học mới, vợ chồng A Viết Vây vừa mừng, vừa lo. Mừng là vì A Viết Thị Hoa, con gái đầu có giấy báo trúng tuyển đi học lớp 10 ở Trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh. Mừng quá đi chứ, vì cả xã chỉ có 2 đứa được đi học ở tỉnh thôi. Còn lo thì…nhiều lắm. Hai vợ chồng cứ bàn lui, tính tới mà vẫn chưa quyết định được là có nên để con bé đi học ở dưới tỉnh hay không…

 Chồng (Sĩ) : - Hay là để con bé nó học ở trường nội trú huyện cũng được hả mình. Học ở đâu chả là học ?

 Vợ (Lợi): - Ở tỉnh nó khác ở huyện chứ? Cả huyện có mấy đứa được xuống tỉnh học đâu. Đời mình đã khổ, không biết chữ. Con mình nó học giỏi thế thì mình phải cho nó xuống tỉnh học thôi ông ơi.

Chồng: - Nó là con gái lớn, còn 4 đứa em nữa. Nó mà đi học dưới tỉnh, ai làm giúp việc nhà? Cả rẫy bắp chưa bẻ kia kìa, rồi còn vụ trồng rừng sắp tới nữa?  Nó mà đi học thì mình coi như mất một lao động chính.

Vợ: - Bởi vậy tôi mới nói ông: Đẻ in ít thôi, ông cứ ưng đẻ nhiều. Đông con, ông đã thấy khổ chưa? Mới ba mươi mấy tuổi mà vợ chồng mình cứ như gần năm mươi rồi ấy. ( Sụt sịt khóc)Nghĩ đến chuyện có cho con xuống tỉnh học hay không mà mấy hôm nay chẳng đêm nào tôi ngủ được

Chồng: - (Gắt) Thô….ôi! Đúng là nước mắt đàn bà! Đang nẫu hết cả ruột gan mà bà cứ cằn nhằn, trách móc vậy tôi thấy mệt quá đi. Theo tôi, con gái không cần học nhiều, học ở huyện ít năm nữa rồi ở nhà lấy chồng. Học nhiều, con trai nó không dám lấy thì con bà ế chồng đấy.

Vợ: - Ế gì mà ế? Nó xinh đẹp, lại được học hành. Không biết chừng mai kia nó còn đi học đại học, nó lấy chồng là bác sĩ, kỹ sư ấy chớ! Chứ ai như…

Chồng: - Như ai? Bà định nói như tôi chứ gì? Bà mơ ước nó cao xa quá đi. Tôi hỏi bà: Nó đi học, cực thì ở nhà vợ chồng mình ráng chịu. Huyện cho nó xuống tỉnh học, nhà nước nuôi không phải đóng tiền học phí, lại cho tiền ăn, cũng đỡ lo. Nhưng, nó xuống tỉnh, mình cũng phải cho con vài trăm ngàn đồng để nó đi, rồi may cho nó mấy bộ quần áo mới chứ. Tiền không có, bà đứng nhìn à? Phải như nhà còn cặp bò tôi bán bớt một con. Đằng này, nợ tùm lum lấy chi trả?

Vợ: -Càng nghĩ lại càng thấy mình là cha mẹ mà không lo được cho con là một cái tội. Để tôi tính, vay mượn thêm chú Ba và dì Năm coi. Đằng nào thì nợ nần cũng chồng chất rồi, từ từ gỡ vậy.

(Tiếng chó sủa) – Chị Uâng: Vợ chồng Vây có nhà không?

Mới tối xuống đã có vẻ đi ngủ sớm thế không biết!

Vợ: - Ủa, ai như bà Uâng, Hội trưởng phụ nữ xã.

Chồng: - (Làu bàu) Thì bả chứ ai? Chắc là đi thu tiền quyên góp chi đây. Mệt ghê, thấy phiền!

Vợ: - (Đon đả) Dạ, Mời chị vô chơi! Ngủ nghê chi đâu chị. Vợ chồng đang nói chuyện thôi mà.

Chị Uâng: - Bàn chuyện gì thế? Chắc là chuyện cho cháu Hoa đi học à? Tốt quá đi chứ. Cả xã có hai cháu được đi học trường nội trú tỉnh đợt này. Vui nhé!

Vợ: - Vui gì mà vui hả chị? Đang lo đây. Ông ấy đang tính hay là cho cháu nó học ở trường huyện cũng được. Còn em thì lại muốn nó đi học ở tỉnh. Chưa đâu vào đâu cả.

Chị Uâng:-Hôm nay tôi đến anh chị cũng vì việc ấy đây.

Chồng: Chắc là chị lại đến vận động cho cháu đi học chớ gì? Nói thiệt với chị, nhà có ít lao động, nó mà đi học dưới tỉnh vợ chồng tôi hết nhờ! Lít nhít mấy đứa em nó nữa…

Chị Uâng: - Ấy đấy! Anh thấy chưa. Sinh nhiều là khổ lắm. Anh còn nhớ lần vợ chồng anh mới có ba cháu, tôi vận động sinh đẻ có kế hoạch, anh cứ làm ầm ĩ lên.  Cái bánh tráng bẻ ra, chia cho hai con thì mỗi đứa được một nửa, năm con thì mỗi đứa chỉ được một tẹo. Thôi đợt này thì “kế hoạch” đi nhé cho các cháu nó được nhờ. Không cẩn thận cuối năm tòi ra đứa nữa thì…

Vợ: Dạ chị nói phải. Vụ đó thì vợ chồng em cũng tính “kế hoạch” rồi. Đẻ nhiều lấy cái gì mà nuôi. Năm đứa rồi, cả trai lẫn gái, không đẻ nữa đâu!

Chị Uâng: - Nghĩ được như thế là tốt. Hôm nay tôi tới đây không để vận động sinh đẻ kế hoạch. Mà vì chuyện khác. Trước là chúc mừng sau là mong anh chị để cháu đi học.

Vợ: - (Áy náy) Thật là khó nghĩ quá!

Chị Uâng: - Có gì đâu mà khách sáo! Cháu nó được đi học dưới tỉnh là mừng rồi! Khó khăn thì mình phải khắc phục dần thôi.

Vợ:- Dạ, em cũng nghĩ vậy mà ổng cứ nói: Học nhiều, khó lấy chồng!  Hồi xưa, em đang học lớp 9, lấy ổng vào là dở dang hết cả. Bởi vậy, khó mấy em cũng ráng, chỉ mong con cái được  học hành, sau này đỡ khổ.

Chồng: - Bà cứ hay nhắc chuyện hồi xưa. Thấy ghét!

Chị Uâng:- À, còn chuyện quan trọng nữa. Thấy hoàn cảnh anh chị cũng khó khăn, đợt này Hội Phụ nữ xã xét cho vay theo Dự án trồng măng điền trúc. Mỗi hộ được vay 5 triệu đồng. Hồ sơ vay đây, anh chị khai vào rồi nộp.

Chồng: - Vay như thế lãi suất cao không chị? Mà trồng măng điền trúc có nhanh cho thu hoạch không? Chưa trồng khi nào, lỡ bể ra thì tiền đâu mà trả vốn và lãi?

Chị Uâng: - Lãi suất ưu đãi một năm 0,4% thôi, đâu đáng kể. Mấy xã bên họ trồng rồi, cũng không khó đâu. Yên tâm đi, không tốn nhiều công chăm sóc, giống và kỹ thuật trồng sẽ do Trung tâm Khuyến nông huyện giúp đỡ. Miễn là mình làm đúng kỹ thuật!

Chồng, vợ: Được như rứa là quí quá, vợ chồng em cảm ơn các chị nhiều lắm. Bọn em sẽ cố gắng để có thêm thu nhập.

Chị Uâng: - Tôi cũng mong như thế. À, thấy hoàn cảnh anh chị khó khăn, chị em trong Hội Phụ nữ quyên góp mỗi người một ít, được 500 ngàn đồng gọi là chút tình, giúp cho cháu nhập học. Mong anh chị nhận cho.

Vợ: -Thiệt tình…Vợ chồng tôi khó nghĩ quá!

Chị Uâng: - Gì mà khó nghĩ. Cứ nhận đi. Khó khăn thì chị em mình cùng giúp đỡ lẫn nhau. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, thế mới quí chứ. Phải không anh chị?

Chồng: - Dạ, cảm ơn mấy chị. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng. Nghĩ lại, đời mình đã khổ, lại không biết chữ, thôi thì cố gắng cho các con ăn học. Vất vả đời bố, củng cố đời con vậy. Phải không mình?

Vợ: - (Nguýt yêu) Nói nghe ngon dễ sợ! Thế ông không sợ con ông nó ế chồng nữa à?

Chị Uâng: - Anh chị nói thế tôi cũng mừng. Khổ thì mình cố chịu. Trẻ con bây giờ khác ngày trước, phải được ăn no, mặc ấm, được đi học , đó là cái quyền của chúng nó. Làm cha mẹ mà không lo đến nơi đến chốn cho chúng nó là mình có tội đấy. Thế mới là tinh thần “ Vì con em chúng ta” chứ.

Mà này, trước khi cháu nó xuống tỉnh học, vợ chồng nhớ mà tổ chức liên hoan một chút và mời tôi đấy! Thôi, tôi về nhé!

Vợ chồng: ( Vui vẻ) Dạ, chị về! Cảm ơn chị. Chắc chắn là phải mời chị chứ. Chị nhớ đến vui cùng vợ chồng em nhé!

(Nhạc)./.

(Oang) Các bạn hãy gọi tới số 0326.127.567 để yêu cầu bài hát yêu thích hoặc gửi tặng người thân, bạn bè trên sóng phát thanh của chương trình kèm lời gửi gắm muốn nói. Các bạn cũng có thể để lại lời nhắn, bình luận tại Kênh Tin tức, Giải trí Cơ Tu – Việt trên mạng facebook, chúng tôi sẽ giải đáp mọi thắc mắc, góp ý, bình luận của thính giả cũng như gọi điện tương tác cùng chương trình. 

A LĂNG DUY

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC