Trao đổi: Cách làm rượu Tà Vạc
Thứ năm, 00:00, 18/07/2019
Tại huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, đồng bào Cơ Tu thường mời khách quý tới nhà thưởng thức một loại rượu đặc biệt với tên gọi Tà Vạc. Đây là loại rượu tự nhiên mang hương vị của núi rừng Trường Sơn. Trong tiết mục Dưới mái nhà gươl hôm nay, chúng ta cùng gặp gỡ và làm quen với anh A Rất Thưng ở thôn A Dinh, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam qua bài trao đổi về cách làm cây Tà Vạc này nhé.

 

Thực hiện: A Viết Sĩ

Khách mời: Anh A Rất Thưng-thôn A Dinh, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

  

PV: Xin chào anh Thưng! Rượu Tà Vạc được lên men từ cây Tà Vạc, có chủ yếu ở Nam Giang. Không biết loại cây này mọc tự nhiên hay do mình trồng, thưa anh?

Anh A Rất Thưng: Thường thì nó mọc tự nhiên mà mình lấy hạt đem về trồng cũng được. Không thì nhổ cây nhỏ mới mọc về trồng cũng phát triển nhanh. Cây mộc tự nhiên cũng nhiều. Đối với hạt thì trồng lúc nào cũng được. Khoảng hơn mười năm là có thể làm và sử dụng. 

PV: Theo anh thì việc trồng cây Tà Vạc có khó không? Có đòi hỏi về điều kiện đất trồng?

Anh A Rất Thưng: Không khó lắm đâu, cứ vứt hạt của nó xung quanh là nó cứ mọc lên thôi. Thậm chí ngay xung quanh nhà mình trồng cũng được, rất dễ mọc. Nhưng nên tránh những chỗ đất bùn, vùng nước hoặc những chỗ đất quá khô khan làm cây sẽ chết. Còn lại cứ trồng chỗ nào cũng được, đất ẩm ướt, râm mát gần khe suối càng tốt, chứ cũng chẳng đòi hỏi gì cả.

PV: Làm thế nào để mình nhận biết được cây Tà Vạc đã có thể làm và bắt đầu lấy nước?

Anh A Rất Thưng: Sau khi trồng khoảng chừng 10 đến 15 năm thì thấy cây đã ra cuống có trái và ra hoa thì khi đó mình có thể bắt đầu làm. Có nhiều cách làm để có thể kích thích ra nước nhiều. Lớp trẻ như mình thì làm cách đơn giản thôi, thường thì các cụ già mới làm những cái cao, tinh xảo hơn. Nói chung để ý xem đừng chặt cuống non quá hoặc già quá, tầm vừa vừa thôi thì làm nước mới ra nhiều và ngon.

  PV: Khi bắt tay làm cây Tà Vạc lấy nước mình cần trang bị những gì?

Anh A Rất Thưng: Đầu tiên mình làm cầu thang lên giàn bằng nhiều cây lồ ô buộc với nhau bằng dây mây cho chắc, đem thêm dùi đập vào cuống 3 đến 5 lần cách nhau 3 ngày rồi sau đó có thể chặt cuống. Sau khi chặt cuống thì lấy thân lá môn đắp vào ngay cuống bị chặt, lấy dây cột để kích thích nước ra. Khi nước dần dần ra nhiều rồi mới bắt đầu lấy xô đựng, bỏ Zuôn (men lấy từ thân cây).

PV: Sau khi chặt cuống khoảng bao lâu mới có thể ra nước và bắt đầu sử dụng được?

Anh A Rất Thưng: Thường cây Tà Vạc có hai loại, lúc ra trái chặt cuống luôn thì để kích thích nước ra cũng phải hơn tuần mới có thể lấy nước. Ban đầu đựng nước thì bỏ Zuôn (men) vào, để nước ra lần đầu bỏ Zuôn vào một ít rồi đổ ra. Từ khi làm khoảng chừng 10 ngày là có thể bắt đầu lấy sử dụng. Ban đầu cũng ra ít, sau rồi tăng dần lên 1 lít, 2 lít, qua tuần thứ 2 thì lên được 10 lít…

  PV: Mình dùng loại men gì để làm ra rượu Tà Vạc, thưa anh?

Anh A Rất Thưng: Ở mình đây thì chỉ dùng Zuôn thôi, của người Cơ Tu mình, mà zuôn thì có 2 loại zuôn Bloo (vỏ cây) dùng cũng tốt nhưng không được ngon lắm. Nếu dùng zuôn Oóih (vỏ cây) thì sẽ ngon hơn, không đau đầu. Zuôn mình đi lấy trên rừng từ một loại vỏ cây, sau khi lấy xong mang về cắt nhỏ từng khúc rồi phơi khô trên giàn bếp. Đối với rượu Tà Vạc thì chỉ có thể dùng Zuôn thôi để làm nên men rượu.

PV: Khi lấy rượu Tà Vạc mình làm như thế nào để rượu Tà Vạc được thơm, ngon không bị chua và uống đau đầu?

Anh A Rất Thưng: Cái này thì phụ thuộc vào Zuôn, Zuôn mà nghe hơi đắng thì ngon hơn. Sau khi lấy 1 lần tầm 2, 3 ngày thì mình xốc rửa lại Zuôn một lần. Mà cũng đừng lấy Zuôn đắng quá cũng mất ngon, thơm. Mỗi một lần bỏ Zuôn vào dùng khoảng 1 tuần thôi. Nếm thử nếu nghe nhạt quá, ngọt quá thì bỏ thêm men Zuôn vào. Nếu chua thì đổ đi rồi rửa sạch xô, bỏ men mới vào.

PV: Trong một ngày thường lấy rượu Tà Vạc mấy lần? Theo anh lợi ích mang lại từ cây Tà Vạc là gì?

Anh A Rất Thưng: Theo như truyền thống trước giờ thì mỗi buổi sáng sớm lên lấy một lần và chiều tối một lần. Công việc này rất đơn giản mà thoải mái, rảnh rỗi thì mỗi buổi sáng lên lấy xong rồi đi về còn làm được công việc khác nữa. Mỗi buổi sáng lấy về cũng được khoảng 15 đến 20 lít có khi hơn, chiều thì cũng được như thế. Mà làm nhiều cây thì nước Tà Vạc cũng nhiều. Nói chung làm cũng dễ và rất khoẻ mà lại có thêm thu nhập. Một lít rượu Tà Vạc bán 10 ngàn đồng. Trung bình một ngày cũng được 100 đến 200 ngàn, một tháng cũng được 3-4 triệu.

PV: Với một người còn rất trẻ, anh có nhắn nhủ gì đối với lớp trẻ bây giờ cũng như đối với các cấp chính quyền về việc làm rượu Tà vạc cũng như bảo tồn cây truyền thống này?

Anh A Rất Thưng: Rượu Tà Vạc là một loại đồ uống nằm trong văn hoá truyền thống của dân tộc mình, đối với lớp trẻ bây giờ nên phải học hỏi và phải biết làm để giữ gìn bản sắc vốn có của mình. Truyền thống ông cha mình để lại mình cố gắng phát huy, tiếp nối chứ không để bị mai một dần. Tôi cũng xin đề nghị các cấp chính quyền cần quan tâm nhiều hơn nữa, đặc biệt là với lớp trẻ để họ có cái suy nghĩ đúng đắn, rõ ràng về một loại đồ uống truyền thống của dân tộc mình, làm sau để ngày càng giữ gìn và phát triển hơn. Vì giờ rượu Tà Vạc không đơn thuần chỉ làm để giữ gìn bản sắc truyền thống mà còn có thể kiếm thêm tu nhập ổn định đời sống hàng ngày.

PV: Vâng! Cảm ơn anh A Rất Thưng về cuộc trò chuyện này./.

 

 

 

 

 

 

 

 

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC