T'LÊẾC ÂNG MANỨIH CƠ TU
Thứ năm, 09:23, 03/10/2024    Thực hiện: Jumi Sĩ    Thực hiện: Jumi Sĩ
PV A Viết Sĩ vêy g’luh prá xay lâng t’cooh Bhling Riu, t’cooh vel Aliêng, chr’val Tà Bhing, chr’hoong Nam Giang đăh bh’rợ bhrợ T’lêếc âng manưih Cơ Tu

Đối với đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang của tỉnh Quảng Nam, chiếc gùi là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Người Cơ Tu có hai loại gùi, gùi giành cho phụ nữ (Zong) và gùi giành cho đàn ông (T’lếêc), phần lớn đều được đan bằng các loại mây trên rừng.

 

 

PV:  Xin chào ông Bhling Riu! Thưa ông, đối với người Cơ Tu chiếc gùi (T’lếêc) là một trong những vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Vậy, chiếc gùi đã có từ khi nào?

Ông Bhling Riu: Chiếc gùi đàn ông hay của phụ nữ người Cơ Tu đã có từ rất lâu đời, từ thời ông bà, tổ tiên là đã có rồi. Từ đời này sang đời khác truyền lại và tồn tại cho đến tận bây giờ. Đây là truyền thống văn hoá, người Cơ Tu không thể không có chiếc gùi này được.

PV: Công đoạn đầu tiên cần chuẩn bị trước khi đan chiếc gùi là gì, thưa ông?

Ông Bhling Riu: Việc đầu tiên là tìm loại mây to cứng và bền nhất (bhrượt, ra zing, xịa) sau khi đo kích thước rồi cắt và ngâm để trong nước một thời gian cho mây dẻo, khi đan lên không bị gãy, mục. Sau khi chuẩn bị đầy đủ vật liệu rồi mới tiến đến các công đoạn đan lát. Gùi của đàn ông nó khác với phụ nữ, phần thân ngắn hơn, được thiết kế thêm hai ngăn nhỏ ở thân gùi. Khi đan phải đan từng cái một, sau đó mới kết dính với nhau. Loại gùi này được đan rất công phu và mất nhiều thời gian.

PV: Vì sao gùi đàn ông phải đan thêm hai ngăn nhỏ bên cạnh, nó có ý nghĩa như thế nào vậy ông?

Ông Bhling Riu: Trước đây cũng có một số nơi họ không làm thêm hai ngăn bên cạnh thân gùi, nhưng nó không đẹp và không đúng với bản chất của nó. Gùi của người đàn ông Cơ Tu thì phải có hai ngăn nhỏ bên cạnh như vậy, họ hay đựng đồ ăn hay các vật phẩm mà họ kiếm được trong rừng. Có thêm hai ngăn như vậy tiện lợi và đẹp hơn nhiều.

PV: Để hoàn thành được chiếc gùi thường mất bao lâu? Và cách bảo quản làm sao để sử dụng lâu bền ạ?

Ông Bhling Riu: Nói thật, gùi của đàn ông làm rất công phu, tỉ mỉ và cần rất nhiều thời gian. Thường họ chỉ làm khi có thời gian rãnh rỗi sau những ngày đi rừng, đi rẫy, chứ không tập trung làm hàng ngày. Để hoàn thành một cái gùi chuẩn đẹp cũng phải mất khoảng 1 đến 2 tháng mới xong. Sau khi đan xong thường họ chưa sử dụng ngay, mà phải để trên giàn bếp hun khói. Để càng lâu, càng đen khi sử dụng càng bền hơn. Chứ đan xong mà sử dụng ngay thì nhanh hư, dễ bị đứt gãy.

PV: Đối với ông, khó khăn nhất trong quy trình làm ra 1 chiếc gùi đẹp là gì ạ?

Ông Bhling Riu: Để hoàn thành một chiếc gùi đẹp, bền cũng không hề đơn giản. Nó đòi hỏi sự khéo léo và kiên trì rất cao. So với gùi của người phụ nữ thì gùi đàn ông tốn nhiều công sức và thời gian hơn. Đan từng cái một rồi mới kết dính với nhau, làm sao cho nó cân bằng, không bị méo lệch. Khâu chẻ mỏng từng cây mây làm sao cho không bị đứt, bị lệch cũng rất quan trọng và vất vả. Bởi nó mất nhiều thời gian hơn gùi của phụ nữ là vậy.

PV: Chiếc gùi của đàn ông có gì khác và đặc biệt hơn so với gùi của phụ nữ? Nó thường dùng để làm gì, thưa ông?

Ông Bhling Riu: Điều đặc biệt là gùi của đàn ông thì chỉ giành cho đàn ông sử dụng thôi, nó không giống như gùi của phụ nữ mà đàn ông sử dụng cũng được. Khi đàn ông Cơ Tu đi rẫy, đi rừng săn bắt họ hay mang theo chiếc gùi này để bỏ đồ ăn, đồ uống, rựa, dao... Và khi bắt được cá, chim thú gì cũng bỏ vô gùi hết, rất tiện lợi và hữu ích. Chứ không phải bỏ lúa, đậu, bắp như gùi của phụ nữ. Từ xa xưa đàn ông đi rừng đều mang gùi này, giống như phụ nữ đi làm rẫy không thể thiếu cái gùi của họ vậy.

PV: Thưa ông, đàn ông Ve - Tà Riềng ở huyện Nam Giang họ có gùi riêng như của đàn ông Cơ Tu mình không?

Ông Bhling Riu: Người Ve - Tà Riềng họ cũng có chiếc gùi giành riêng cho đàn ông, nhưng của họ không giống như của người Cơ Tu. Hình thức cơ bản giống nhau nhưng của người Ve - Tà Riềng kích thước nhỏ hơn, phần thân cao hơn mà cũng nhọn hơn nữa. Họ cũng sử dụng khi đi rẫy, đi rừng và đan để tặng cho người mà họ thật sự quý. Ngày nay, nhiều nơi họ đan nhiều vừa để sử dụng, để tặng mà vừa để bán kiếm thêm thu nhập nữa.

PV: Thực tế hiện nay những người còn biết đan gùi này không còn nhiều, trong khi lớp trẻ dường như không mặn mà với việc đan lát. Ông nghĩ gì về điều này ạ?

Ông Bhling Riu: Thật sự tôi lo sợ một ngày nào đó đan lát truyền thống của người Cơ Tu nói chung và đan lát T’lếêc nói riêng sẽ bị mai một. Lớp trẻ bây giờ chạy theo xu hướng hiện đại không ai chịu học, chịu làm thì tất nhiên sẽ mất đi thôi, cá nhân tôi thật sự rất buồn và tiếc nuối. Vì đây là văn hóa, là truyền thống của dân tộc mình. Tôi mong các bạn trẻ bây giờ đừng thờ ơ với những giá trị truyền thống của mình. Các bạn hãy là những người tiếp nối những giá trị văn hóa truyền thống mà ông cha để lại từ bao đời.

PV: Vâng! Xin cảm ơn ông Bhling Riu về cuộc trò chuyện này. Chúc ông luôn vui khoẻ!./.

   Thực hiện: Jumi Sĩ

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC