T’ruih Xay moon cơnh choom bhrợ cha bêl đâu, đhanuôr lâng pr’zợc đh’rưah xợơng g’luh prá xay âng PV A Viết Sĩ lâng anoo Doãn Phải, Trưởng c’bhuh choh tri vel Pà Dá, chr’val Cà Dy, chr’hoong Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đăh bh’rợ choh lâng zư lêy tri đơơng chô bh’nơơn dal.
TRAO ĐỔI: “QUY TRÌNH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC NẤM”
Những năm qua, tại huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam ngày càng có nhiều thanh niên DTTS khởi nghiệp thành công bằng các mô hình sản xuất, chăn nuôi. CM “Bàn cách làm ăn” hôm nay, mời bà con cùng nghe trao đổi giữa PV A Viết Sĩ và anh Doãn Phải, Trưởng nhóm trồng nấm thôn Pà Dá, xã Cà Dy, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam về quy trình trồng và chăm sóc nấm cho hiệu quả cao.
PV: Xin chào anh Doãn Phải! Thưa anh! Mô hình trồng nấm thôn Pà Dá thành lập từ khi nào với bao nhiêu thành viên tham gia?
Anh Doãn Phải: Mô hình nấm của thôn ra mắt từ đầu năm 2023, đến nay gần 2 năm. Có tất cả 15 thành viên là người ở thôn Pà Dá tham gia. Mô hình này thuộc Dự án VFBC (Ban quản lý Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học) đầu tư máy hấp, nồi điện, giàn, giống, phôi... với tổng số tiền đầu tư 100 triệu đồng. Thấy làm tốt nên năm nay xã tiếp tục nhân rộng ở 2 thôn trên địa bàn sau mô hình của chúng tôi.
PV: Hiện, mô hình của thôn mình nuôi trồng bao nhiêu loại nấm?
Anh Doãn Phải: Ở đây có tất cả 3 loại nấm, gồm: nấm mèo, nấm sò tím và nấm linh chi với tổng số phôi là 5 nghìn bịch. Điều kiện thời tiết địa phương khá phù hợp nên nấm phát triển rất là tốt. Vì nuôi trồng trong nhà kính nên vào mùa hè mình chú ý tưới nước nhiều hơn tránh để bị nóng. Trong nhà kính chúng tôi đã đặt đồng hồ đo nhiệt để nắm bắt và điều chỉnh nhiệt độ sao cho phù hợp. Nói chung, cây nấm phát triển rất tốt, mọi người rất vui.
PV: Quy trình trồng và chăm sóc nấm có khó lắm không? Có khác gì so với trồng các loại cây khác không?
Anh Doãn Phải: So với các loại cây trồng khác thì trồng nấm khác nhiều. Trước tiên, mình phải chuẩn bị nhà trồng nấm, mùn cưa cao su, cám gạo - cám bắp rồi trộn đều với các phụ gia, cùng với đó là điều chỉnh độ ẩm. Sau đó, mình nắm, bóp hỗn hợp vừa trộn trong tay, nếu thấy hỗn hợp kết dính thành khối và nước không bị giọt ra kẽ tay là được. Sau đó đóng bịch nilon có màng lọc để trồng nấm với khối lượng khoảng 1kg/bịch.
PV: Từ khi ủ phôi nấm đến khi thu hoạch mất khoảng bao lâu, thưa anh?
Anh Doãn Phải: Vào tháng 3 đến tháng 6 hằng năm là phù hợp để ủ phôi nấm. Từ khi ủ đến khi nấm nảy mần mất tầm 2 tháng, chậm nhất là 3 tháng. Giai đoạn này nấm rất cần nước nên chúng tôi vừa phun sương bịch phôi vừa tạo độ ẩm cho môi trường xung quanh thoáng mát. Khoảng 4 tháng từ khi ủ phôi, nấm sẽ cho thu hoạch.
PV: Mỗi tháng sản lượng thu hoạch của thôn là bao nhiều và thu nhập của mọi người thế nào ạ?
Anh Doãn Phải: Mỗi tháng nấm cho thu hoạch 2 lần. Chúng tôi thường thu hoạch vào 2 ngày trong tháng là mùng 1 và ngày 15 âm lịch, vì 2 ngày đó mọi người ăn chay nhiều. Mỗi lần thu hoạch trung bình từ 1 tạ đến tạ rưỡi nấm. Hiện nay, chúng tôi bán lẻ với giá 60 nghìn đồng/1kg, bỏ sỉ cho thương lái với giá 40 nghìn đồng/kg. Từ khi trồng mô hình nấm, có thời điểm nấm cho thu hoạch rất cao, khoảng 35 triệu đồng/vụ. Mọi người rất phấn khởi vì có thêm nguồn thu nhập ổn định.
PV: Vâng! Tiếp tục cuộc trò chuyện, chúng ta gặp gỡ với ông Pơ Loong Diệu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Giang. Thưa ông! Ông đánh giá thế nào về mô hình nấm sau 4 năm triển khai thực hiện?
Ông Pơ Loong Diệu: Đối với mô hình nấm trên địa bàn huyện Nam Giang thì bắt đầu hình thành từ năm 2020. Chủ yếu từ Dự án phi Chính phủ hỗ trợ về nhà trồng, giàn, phôi... Năm 2023, mô hình được nhân rộng hơn ở nhiều địa phương, trong đó nổi bật là ở Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ. Nói chung, so với mặt bằng chung thì cũng không bao nhiêu nhưng điều quan trọng nhất là tạo được công ăn việc làm cho bà con và giúp họ có thu nhập ổn định. Đến nay mô hình vẫn được duy trì, đó là điều đáng mừng.
PV: Thời gian tới, Hội có dự định mở rộng mô hình này trên địa bàn không thưa ông?
Ông Pơ Loong Diệu: Hiện trên địa bàn Nam Giang có khoảng 5-6 mô hình trồng nấm rồi và đang phát triển khá tốt. Thời gian đến, Hội tiếp tục mở rộng mô hình, đặc biệt là ở các địa bàn vùng cao. Nhưng hiện tại cũng đang khó khăn về nguồn vốn đầu tư, chúng tôi cũng đã và đang kiến nghị cấp trên đầu tư vốn để mô hình được nhân rộng. Có vốn rồi chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nấm này.
PV: Vâng! Cảm ơn ông Pơ Loong Diệu và anh Doãn Phải về cuộc trao đổi này!
Viết bình luận