Cùng với cây cam, chuối, dứa, những năm gần đây cây cau đang dần trở thành cây cho thu nhập cao, giúp bà con huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế xóa đói, giảm nghèo. Trong CM “Bàn cách làm ăn” hôm nay, PV A Viết Sĩ có cuộc trao đổi với ông A Vô Ta Rô, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế về kỹ thuật trồng và chăm sóc, giúp cây cau A Lưới phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi. Mời bà con và các bạn cùng nghe.
PV: Xin chào ông A Vô Ta Rô! Được biết, trước đây ở A Lưới bà con chủ yếu trồng keo, cam, quế... Vậy, cây cau được đưa vào trồng ở A Lưới từ khi nào, thưa ông?
Ông A Vô Ta Rô: Đúng là trước đây ở trên này không ai trồng cau cả. Khoảng mười năm trở lại đây người dân và nhiều cán bộ xuống đồng bằng họ thấy dưới phố trồng rất nhiều cau, cho hiệu quả cao nên cũng tò mò mua giống về trồng xem thế nào. Lúc đầu bà con không ai dám trồng nhiều vì sợ khí hậu ở miền núi không phù hợp nên chỉ trồng nhỏ lẻ xem thế nào thôi.
PV: Việc lựa chọn giống như thế nào để cây cau phát triển tốt?
Ông A Vô Ta Rô: Đối với giống cau này, ban đầu bà con tìm mua giống từ dưới đồng bằng, chứ ở đây không có. Sau khi trồng có kinh nghiệm họ mới biết cách nhân giống. Việc chọn giống cũng không đòi hỏi gì nhiều, sau khi ươm giống, chọn những cây cau con cao khoảng 25cm có thể đem đi trồng. Gia đình tôi tự ươm giống và trồng thấy cau cũng phát triển tốt.
PV: Về điều kiện đất trồng và khí hậu có gì cần lưu ý?Cây có hay bị bệnh gì không ạ?
Ông A Vô Ta Rô: Từ khi tôi bắt đầu trồng đến bây giờ thấy cây cau phát triển tươi tốt, không bị bệnh gì, thấy cũng thích hợp vơí đất đai và khí hậu ở vùng miền núi này. Vì cơ bản cây cau nó cũng khá giống với loại cây Tà Vạc, Tr’đin ở trên này nên cây phát triển rất nhanh. Lúc đầu tôi trồng gần 20 cây và dần dần trồng nhiều hơn. Gần như 100% cây đều phát triển tốt, không chết cây nào.
PV: Thưa ông! Quy trình trồng cau như thế nào? Có khác gì so với trồng những loại cây khác ở trên này?
Ông A Vô Ta Rô: Quy trình trồng cây cau nó cũng khá giống với trồng các loại cây như chuối, cam thôi. Độ sâu khoảng 10-15 phân và khoảng cách giữa các cây khoảng 2-3 mét là chuẩn nhất. Thời gian đầu phải tưới thường xuyên, nhất là lúc thời tiết nắng nóng, còn mùa mưa thì không phải tưới gì cả. Ngoài ra, sau khi trồng chỉ cần bón thêm phân chuồng là được, chứ không phải bón phân gì khác nữa.
PV: Từ khi trồng, khoảng bao lâu cây cau bắt đầu ra hoa và cho trái đầu tiên ạ?
Ông A Vô Ta Rô: Từ khi trồng khoảng 7 năm mới cho ra hoa và trái. Và từ đó, cứ một năm là ra trái một lần, không năm nào không ra cả. Nhưng, lứa trái đầu tiên ra không đều và thậm chí nhiều trái bị hư thối. Từ sau lứa đầu đó thì những năm tiếp theo trái sẽ ra đều và cho năng suất nhiều hơn. Việc thu hoạch cũng khá đơn giản, khi trái to khoẻ thì hái lúc nào cũng được, không kể thời tiết nắng hay mưa.
PV: Hiện, cây cau rất được thị trường ưa chuộng. Vậy, một năm anh thu hoạch được khoảng bao nhiêu ký cau?
Ông A Vô Ta Rô: Đúng là bây giờ cau rất được thị trường ưa chuộng. Bà con không phải lo về việc tiêu thụ sản phẩm, nhưng vì giá cả mỗi năm mỗi khác, không ổn định nên có phần không ổn cho thu nhập của bà con. Có năm bán một ký cau khoảng 10 ngàn, có khi 20 ngàn. Thời điểm cao nhất thì 1 ký bán khoảng 25 ngàn. Hiện tại vườn cau gia đình trồng gần 50 cây, mỗi năm thu hoạch hơn 50 ký, thậm chí có năm hơn 1 tạ. Nhờ có trồng cau mà gia đình có thêm thu nhập ổn định hơn.
PV: So với trồng cây cam, chuối thì trồng cau có những thuận lợi hay khó khăn gì?
Ông A Vô Ta Rô: Gia đình tôi trồng rất nhiều loại cây như cam, quýt, hồng... nhưng cá nhân tôi vẫn thấy trồng cau phù hợp và có thu nhập ổn định hơn. Về khó khăn chỉ có vốn từ ban đầu mình bỏ ra khá nhiều nếu bà con muốn trồng theo diện tích rộng. Hiện tại trên địa bàn cũng không nhiều người trồng tập trung và mở rộng theo mô hình liên kết nên việc tiêu thụ nhỏ lẻ cũng rất bấp bênh không ổn định. Còn lại, cây không bị bệnh, thích hợp với khí hậu nên rất thuận lợi.
PV: Thời gian tới, anh có dự định mở rộng thêm mô hình trồng cau này không ạ?
Ông A Vô Ta Rô: Hiện tại trên địa bàn huyện A Lưới trồng rất nhiều loại cây như quế, cà phê, cây hồng, cây sưa và các loại cây ăn quả có hiệu quả nhưng cá nhân tôi thấy không ổn định bằng trồng cây cau. Nếu có vốn tôi sẽ đầu tư mở rộng thêm mô hình trồng cau này. Vì trồng cau rất dễ sống mà tận dụng được rất nhiều từ việc bán trái rồi rễ non thì lấy ngâm rượu làm thuốc và lá cau thì có thể dùng làm mái lợp nhà chòi, chuồng heo, bò rất thuận lợi. Cá nhân tôi rất thích nhân rộng mô hình này.
PV: Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, anh còn là một người cán bộ gương mẫu tại địa phương. Vậy, anh có những chia sẻ gì đối với bà con tại quê nhà?
Anh A Vô Ta Rô: Những khi có cuộc họp ở thôn, ở xã tôi luôn vận động và tuyên truyền đến bà con về việc tích cực phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Cùng bà con nghiên cứu xem cần trồng hay chăn nuôi gì phù hợp với điều kiện tại địa phương để có thể thành một vùng sản xuất tập trung. Khi đó sẽ dễ tiêu thụ với số lượng lớn và bà con có thu nhập nhiều hơn, chứ không làm nhỏ lẻ nữa. Tôi luôn mong muốn bà con cùng cố gắng vận động, khích lệ nhau trong việc phát triển kinh tế, để cùng nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững.
PV: Vâng! Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này./.
Viết bình luận