PHỎNG VẤN LÃNH ĐẠO HUYỆN ĐÔNG GIANG VỀ LỄ HỘI ỚT A RIÊU LẦN THỨ I/2024
Thứ ba, 16:21, 13/08/2024 Hôih Nhàn Hôih Nhàn
Ớt A Riêu là giống cây tự nhiên, được đồng bào Cơ Tu xã Ma Cooih, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam nhân giống, trồng trên rẫy và trong vườn nhà. Ớt A Riêu đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao. Nhân dịp, huyện Đông Giang tổ chức Lễ hội Ớt A Riêu lần thứ nhất I/2024 vào ngày 15 và 16/8, Hốih Nhàn, PV Chương trình PT tiếng Cơ Tu có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang về Lễ hội.

 

 

 

PV: Thưa ông Đỗ Hữu Tùng, được biết ớt A riêu là một sản phẩm OCOP của Đông Giang bắt đầu được thị trường biết đến. Ông có thể cho biêt mục đích, ý nghĩa lần đầu tiên Đông Giang tổ chức Lễ hội Ớt A Riêu là gì?

Ông Đỗ Hữu Tùng: Xin chào bà con và các bạn đang nghe chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam. Thực hiện theo chủ trương của UBND tỉnh Quảng Nam và huyện Đông Giang, ngày 15 và 16/8, địa phương tổ chức Lễ hội Ớt A Riêu. Mục đích, ý nghĩa của Lễ hội nhằm quảng bá sản phẩm ớt A Riêu đến khách hàng, mở rộng thị trường hơn. Đặc biệt, sự kiện này còn kết hợp, giới thiệu quảng bá với Khu du lịch sinh thái Hang Gợp. Hiện nay, công tác phát triển kinh tế cần được đầu tư mạnh mẽ, gắn với đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá các loại sản phẩm, trong đó có sản phẩm đặc trưng của vùng là ớt A Riêu. Ngoài ra, Lễ hội góp phần tạo điều kiện để nhiều người biết đến văn hoá dân tộc Cơ Tu chúng tôi, như: tân tung da dặ, nói lý – hát lý, dệt thổ cẩm…

PV: Tại Lễ hội này, có những hoạt động chính gì thưa ông?

Ông Đỗ Hữu Tùng: Lễ hội Ớt A Riêu lần này chúng tôi tổ chức nhiều sự kiện khác nhau, đầu tiên là rước biểu tượng ớt A Riêu. Đây là biểu tượng vật thiêng để nhiều người biết đến ớt A Riêu. Thứ hai nữa là có cuộc thi bơi, chạy địa hình chinh phục đỉnh cổng trời, thi ăn ớt A Riêu với mì quảng, thi thuyết trình ớt A Riêu, thi tân tung - da dặ, bắn nỏ… đó là văn hoá truyền thống của đồng bào Cơ Tu không thể bỏ qua được. Toàn bộ nội dung là như vậy, chúng tôi cũng mong muốn được tổ chức nhiều nội dung nhưng chủ yếu tập trung vào ớt A Riêu để đông đảo du khách biết đến.

PV: Chính quyền và ngành chức năng huyện Đông Giang đã và sẽ có sự quan tâm đầu tư như thể nào để phát triển diện tích và sản lượng, đầu ra cho sản phẩm ớt A Riêu của bà con Đông Giang?

Ông Đỗ Hữu Tùng: Trên cơ sở Đề tài nghiên cứu của trường Đại học Nông lâm Huế, đã soạn thành sách có rất nhiều nội dung về sản phẩm Ớt A Riêu này. Thời gian tới chúng tôi cùng bà con ở các xã Ma Cooh, Kà Dăng, Sông Kôn… tiếp tục quan tâm đầu tư vào mô hình trồng ớt A Riêu. Thứ nhất, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện các loại văn bản để đông đảo bà con biết đến các chủ trương, chính sách phát triển ớt A Riêu. Thứ hai nữa tiếp tục đầu tư về nguồn lực, vốn vay nhằm mở rộng diện tích trồng hơn 10 héc ta như hiện nay. Quy hoạch vùng trồng ớt để đông đảo bà con có thể trồng, chăm sóc, từ đó tạo được nguồn thu nhập ổn định. Thứ ba nữa là chúng tôi tập trung tổ chức các đợt hội chợ để bà con được tham gia giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm ớt A Riêu đến du khách từ các nơi khác biết đến. Thứ 4 chúng tôi tiếp tục tuyên truyền qua các đài truyền thanh huyện, tỉnh, trung ương và các phương tịên truyền thông khác…và bán sản phẩm qua mạng xã hội. Đó cũng là mục tiêu để làm sao bà con có thu nhập, góp phần vào công tác xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện Đông Giang.

PV: Xin ông cho biết sự khác biệt của Ớt A Riêu trồng ở xã Ma Cooih với các vùng khác của huyện Đông Giang là gì ạ?

Ông Đỗ Hữu Tùng: Ớt A Riêu này có cái đặc biệt so với các loại ớt khác. Thứ nhất là không quá cay. Thứ hai nữa là độ thơm thì thơm hơn so với các loại ớt trồng nơi khác. Thứ ba nữa là quả nhỏ xíu. Thứ 4 nữa là ớt A Riêu này mọc ở đất đá vôi. Chính vì thế mà ớt A Riêu ở xã Ma Cooih có hương vị khác hẳn so với ớt A Riêu được trồng ở nơi khác. Ngoài ra, ớt A Riêu mình có thể chế biến được nhiều cách khác nhau, như: ăn trực tiếp qua ớt không qua chế biến, hai nữa là làm muối ớt trong bình thuỷ tinh, có thể bảo quản và sử dụng được trong vòng một năm, sản phẩm ớt tương, ớt này giã với muối chấm với thịt nước thì rất ngon… Thành ra ớt A Riêu ở Mà Cooih và Kà Dăng có sự khác biệt so với ớt ở các vùng khác. Ngoài ra ớt A Riêu này còn có tác dụng có thể hỗ trợ mắt, tốt cho tim mạch…

PV: Được biết bà con ở xã Ma Cooih đã trồng ớt Ariêu từ lâu, ông cho biết thu nhập của bà con như thế nào thưa ông?

Ông Đỗ Hữu Tùng: Thu nhập tính theo kg, mỗi kg khoảng 300 ngàn đồng, một tháng có hộ thu về hơn 10 triệu đồng. Hộ gia đình nào có vườn rộng, diện tích trồng lớn thì giá trị cũng sẽ cao hơn. Vì thế, thời gian tới chúng tôi sẽ có kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch sao cho hiệu quả, góp phần có thêm nhu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Hôih Nhàn

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC