Dân tộc Gia Rai
Thứ năm, 00:00, 14/03/2013


NGƯỜI GIA RAI

 

Tên tự gọi: Gia Rai.


Tên gọi khác: Giơ Ray, Chơ Ray. Hoặc những âm gần giống như: J’rai, Giơ-rai, Chơ-rai. Trước đây, người Ê Ðê, Gia Rai được gọi chung một tên là Rang Ðêy.


Nhóm địa phương: Chor, Hđrung, Aráp, Mthur, Tơbuân.




[​IMG]

Người Gia Rai mặc trang phục truyền thống trong lễ hội. Ảnh: KT




Số dân: 411.275 người, đông nhất trong 20 tộc người bản địa tại Trường Sơn – Tây Nguyên (Tổng cục Thống kê năm 2009).


Ngôn ngữ và chữ viết: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ hệ Malayô Pôlinêsia (ngữ hệ Nam Ðảo); gần gũi với tiếng nói của người Ê Đê, Chăm, Chu Ru, Ra-glai. Nay, người Gia Rai sử dụng bộ chữ theo mẫu tự La-tinh.

Theo lịch Gia Rai, tháng giêng được tính từ ngày có trận mưa đầu tiên, tương đương với tháng 4 dương lịch. Tháng 12 lịch Gia Rai (tháng 3 dương lịch) gọi là Blanning, bà con nghỉ ngơi và làm các lễ nghi tôn giáo, tín ngưỡng.


Địa bàn cư trú: Sống tập trung chủ yếu ở Gia Lai, Kon Tum, phía Bắc tỉnh Đắc Lắc và phía Tây tỉnh Phú Yên. Miền Đông Bắc Cam-pu-chia (giáp tỉnh Gia Lai) có khoảng 10.000 người Gia Rai sinh sống.




http://images.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/164/694164.jpg

Nghi lễ đâm trâu được tái hiện tại Gia Lai. Ảnh: KT



Cấu trúc xã hội: Làng của người Gia Rai gọi là plơi, hoặc plei. Các liên minh làng tuy đã có, nhưng chỉ là tạm thời, chủ yếu trong thời gian có chiến tranh.


Đã từng hình thành nhà nước sơ khai của người Gia Rai. Người Gia Rai có thủ lĩnh tinh thần là Vua Lửa (P’tao Apui) và Vua Nước (P’tao Ia), thư tịch triều đình Huế gọi là Hỏa Xá, Thủy Xá. Sách “Phủ biên tạp lục” (Lê Quý Đôn) cho biết vua Lê Thánh Tông đã gọi xứ sở của Vua Lửa, Vua Nước là nước Nam Bàn. Nhiệm vụ của các vị P’tao là cúng tế cầu mùa. Vua Lửa cuối cùng (Siu Luynh) đã qua đời năm 1999.




http://4.bp.blogspot.com/-aPq4gsnANtI/U0KZKTLGyxI/AAAAAAABwao/YQVkj5-Tto0/s1600/images56660_vualuaL.jpg

Vua Lửa Siu Luynh. Các đời vua Lửa truyền nhau một thanh gươm thiêng để làm phép khi tế lễ. Ảnh: KT



Làng (Plơi hoặc Bôn) vừa là đơn vị cư trú vừa cấu kết thành tổ chức xã hội, có một hội đồng gồm những ông già chủ trì chung (Phun pơ bút). Hội đồng chọn người đứng đầu làng. Xã hội Gia Rai truyền thống có hình thức cố kết vùng gọi là Tơ ring. Người đứng đầu Tơ ring là Khoa Tơ ring, giúp việc xét xử có Po phắt kđi và Thao kđi. Tơ ring là cộng đồng lãnh thổ, khi có chiến tranh trở thành liên minh quân sự.


Người Gia Rai theo chế độ mẫu. Mỗi họ thường được phân chia nhiều ngành hoặc phân đôi, thành họ khác. Mỗi họ, mỗi ngành kiêng một vật tổ riêng. Gia đình nhỏ mẫu hệ là nét nổi bật của người Gia Rai, khác với người Ê Ðê là đại gia đình mẫu hệ. Luật tục nghiêm cấm những người cùng ngành họ và dòng mẹ lấy nhau. Khi chồng chết, vợ lấy em chồng và ngược lại vợ chết, chồng có thể lấy chị vợ.

 



http://dantocviet.vn/userfiles/image/2012/mojt%20goc%20nha%20gia%20rai.jpg

Nhà sàn của người Gia Rai được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: KT




Nhà ở: Làng người Gia Rai thường ở những nơi gần nguồn nước như ven sông, suối, đầm, hồ. Làng nhỏ vài chục nóc, làng lớn đến vài trăm nóc nhà. Người Gia Rai sống trong những ngôi nhà sàn, cửa chính quay về hướng Bắc. Một số làng có nhà rông do ảnh hưởng văn hóa của dân tộc Ba Na, Xơ Đăng láng giềng. Những ngôi nhà dài truyền thống của người Gia Rai nay không còn nữa.

 

Đặc điểm kinh tế: Trước đây, lúa rẫy là cây lương thực chính, một số ít vùng trồng lúa nước. Nông cụ hàng đầu là cái cuốc. Có thể gọi nền nông nghiệp của người Gia Rai là “nền nông nghiệp dùng cuốc”.


Kinh tế nương rẫy gắn liền với hoạt động săn bắt – hái lượm. Đàn ông Gia Rai chủ yếu săn bắn bằng nỏ với mũi tên tre và tên tẩm độc.


Ngày nay, người Gia Rai trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều… Một số vùng trũng, bà con chuyên canh cây lúa nước.

 



http://www.vietnamculture.com.vn/images/data/big/1_201083014356_scan0098.jpg

Gùi – vật dụng không thể thiếu khi lên rẫy. Ảnh: KT

 

 


Trang phục: Trang phục truyền thống được dệt bằng bông do bà con tự trồng. Phụ nữ Gia Rai dệt bằng khung dệt Inđônêsiên – loại khung dệt thô sơ ghép bằng các thanh tre. Khung dệt Gia Rai có thể dệt nên những tấm vải khổ rộng tối đa 1,1m.


Màu nền của y phục Gia Rai là màu chàm ngả đen. Hoa văn được trang trí thành những dải hẹp, chủ yếu là dải nằm ngang, màu đỏ xen trắng hoặc vàng nhạt.


Nam giới Gia Rai đóng khố, mặc áo chui đầu. Áo của nam giới tầng lớp giàu có quyền thế có một vạt màu đỏ trang trí trước ngực. Khố có hai loại, khố hoa mặc trong ngày lễ lạt, khố trơn mặc thường ngày. Áo của đàn ông Gia Rai thân sau dài hơn thân trước, phủ qua mông. Nam giới còn có cách che thân trên bằng khăn choàng tạo thành dấu nhân trước ngực.

Nữ giới mặc váy và áo chui đầu. Áo váy nữ có những dải trang trí mảnh màu xanh. Váy của phụ nữ Gia Rai buông dài tới mắt cá, mép vải ngoài cùng đáp sang sườn bên trái, để lộ một dải trang trí dọc biên vải.

 



Đàn goong của người J'rai.

Đàn goong của người Gia Rai. Ảnh: KT

 



Nghệ thuật: Văn chương truyền miệng nổi bật là sử thi Xing Nhã, H’Bia Đrang, Đăm Di… Dân ca Gia Rai có các thể loại Knhă (hát nói), adoh (hát có nhịp điệu), nhik (hát giao duyên), và hri (hát kể trường ca).


Người Gia Rai có điệu múa (xoang) tập thể hào hứng, có thể diễn ra suốt đêm khi làng có lễ hội. Xoang có các điệu xoang đung đưa, xoang vỗ tay, xoang “vuốt tranh”, múa võ trang, múa trống…


Người Gia Rai có gần 20 loại nhạc cụ dân gian, như cồng chiêng, đàn tơ rưng, đàn broh, đàn goong. Chỉ riêng cồng chiêng được tổ chức thành hơn 20 dàn nhạc. Nổi danh là dàn chiêng A ráp 11 chiếc đi kèm trống cái bịt da trâu.




Cảnh diễn lễ bỏ mả

Lễ bỏ mả tại Gia Lai. Rượu cần chảy suốt ngày đêm. Ảnh: KT

 



Lễ hội: Người Gia Rai theo tín ngưỡng đa thần.


Lễ cầu mùa “Pơtrum” thường được tổ chức vào khoảng tháng 12 dương lịch, là lễ tạ ơn nữ thần nông nghiệp Yă Pôm để được mở kho lúa mới thu hoạch. Đây là nghi lễ quan trọng, tương tự ngày tết của nhiều dân tộc.


Pơ thi (lễ bỏ mả) là lễ hội đặc sắc bậc nhất của người Gia Rai. Nhà nào có người chết mà chưa làm Pơ thi, người vợ (chồng) chưa được tái giá và phải tránh xa những nơi hội hè. Hàng năm, gia đình đó còn phải lo liệu cơm rượu, trâu bò lợn gà để hiến tế cho người chết.

 



Cảnh diễn những hồn ma

Đeo mặt nạ nhảy múa trong lễ pơ thi. Ảnh: KT

 



Khi đã chuẩn bị đủ chi phí, gia đình người chết làm Pơ thi để xóa bỏ mọi ràng buộc giữa người sống với linh hồn người đã chết, để linh hồn đó được nhập vào làng ma.


Xưa, Pơ thi diễn ra trong 7 ngày. Nay, thường chỉ còn 4 ngày. Ngày đầu tiên là và hội. Hôm sau là ngày vỡ hội. Tiếp đến là ngày rửa nồi. Cuối cùng là ngày giải thoát cho người góa. Nhà mồ được dựng, tượng nhà mồ được tạc để dựng quanh mồ trong dịp Pơ thi. Trong những ngày Pơ thi, cả làng tập trung tại khu nhà mồ làm lễ, ăn uống, vui chơi, tấu cồng chiêng, biểu diễn múa rối… Sau khi chia của cho người chết, khu nhà mồ bị bỏ hoang cho mưa gió mục nát.

 


(Theo Người  Gia Rai ở Tây Nguyên – NXB Thông Tấn 2012)



 

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC