Thực hiện: Jumi Sĩ
PV: Xin chào anh Bhling Úc ! anh phát triển mô hình nuôi dúi này từ khi nào ?
Bhling Úc: Mình bắt đầu nuôi dúi từ năm 2019, đến nay cũng gần 4 năm rồi. Trong các chuyến đi chơi ở thành phố Tam Kỳ và huyện Tiên Phước, mình thấy người dân ở đó nuôi con dúi rất phát triển. Sau đó mình về nuôi thử thấy phát triển tốt nên nuôi đến bây giờ cũng khá hiệu quả.
PV: Anh thấy mô hình nuôi con dúi với mô hình khác cái nào cho hiệu quả kinh tế hơn ?
Bhling Úc: Ở trên mình, không nhiều người phát triển mô hình này, trong khi giá thành lại rất cao. Một kg dúi có giá khoảng 500 ngàn đồng, tuỳ theo thời điểm. Mình thấy trên này thức ăn tự nhiên cho dúi sẵn có như: cây lồ ô, cỏ voi, sắn... rất thuận lợi cho việc phát triển mô hình này, nên mình quyết định nuôi dúi cho đến bây giờ. Mình thấy rất có hy vọng so với phát triển các mô hình đã từng làm khác tốn nhiều công sức và vốn đầu tư.
PV: Con dúi vốn sống tự nhiên trong rừng. Việc bắt về và nuôi nhốt trong chuồng, anh có gặp khó khăn gì không ?
Bhling Úc: Ban đầu, mình chưa có kinh nghiệm nuôi khá khó, nuôi chung nên chúng rất dễ cắn nhau. Nhiều lần, mình nhốt trong chuồng con dúi bỏ ăn dẫn đến kiệt sức và chết. Về sau, mình nuôi kết hợp giữa tự nhiên và nuôi nhốt như: vừa cho thức ăn tự nhiên trên rừng, vừa cho ăn đồ ở nhà để nó dần thích nghi. Nếu bắt về mà cho ăn liền đồ ở nhà, dúi rất dễ bỏ ăn. Ngoài ra, dúi rất hay bị bệnh tiêu chảy, khó khăn trong việc chữa trị. Do vậy, phải thường xuyên bổ sung chất đạm cho dúi. Nếu dúi mẹ thiếu đạm khi đẻ con nó thường cắn chết con của nó. Khó khăn là vậy, nhưng việc nuôi dúi cũng thuận lợi rất nhiều. Trên núi, thức ăn cho dúi rất phong phú, có sẵn trong tự nhiên, ít phải bỏ tiền ra mua. Đặc biệt, dúi không cần phải uống nước. Chỉ cần cho ăn đầy đủ là dúi phát triển rất tốt.
PV: Anh chia sẻ đôi chút về cách làm chuồng trại cho dúi để bà con cùng biết ?
Bhling Úc: Làm chỗ ở cho dúi rất đơn giản, không đòi hỏi gì nhiều, chẳng phải đào hố, tốn công sức. Mình xây từng ô, nền xây bằng gạch kiên cố, phía trên xây tường và ốp gạch men xung quanh là được. Điều quan trọng nhất là chỗ ở của dúi làm sao phải thật kín đáo, ít ánh sáng, không để hở, gió ngoài lùa vào sẽ khiến cho dúi dễ bị bệnh và chết. Dúi thích sống nơi bóng tối nên khi cho ăn, mình mới bật điện, ăn xong thì tắt điện.
PV: Thời điểm anh nuôi nhiều nhất là bao nhiêu con ? Trung bình một con trưởng thành nặng khoảng bao nhiêu kg ?
Bhling Úc: Thời điểm mình nuôi nhiều nhất gần 20 cặp cả con và mẹ. Một con trưởng thành thường nặng khoảng 2 ký. Mình bán theo con hoặc theo cặp, tuỳ theo thời điểm giá giao động từ 400 - 500 nghìn đồng/kg. Nếu bán theo cặp sinh sản thì giá cao hơn, khoảng hơn 1 triệu. Sau thời gian nuôi dúi, mình thấy mô hình này cho thu nhập tốt, cuộc sống gia đình khá ổn định so với làm nương rẫy.
PV: Từ kinh nghiệm của mình, anh chia sẻ cho bà con được biết về kỹ thuật nhân giống dúi sao cho hiệu quả ?
Bhling Úc: Theo kinh nghiệm mình, khi nuôi dúi nên tách con đực và con cái ở 2 nơi riêng. Đến thời điểm sinh sản, là khi thấy bộ phận sinh dục của con đực có màu đỏ thì thả con cái vào 1 chuồng trong khoảng 1 tuần rồi lại tách riêng. Khi nhân giống, tuyệt đối không nhân giống cùng huyết thống. Vì nếu cùng huyết thống dúi rất khó thụ thai và kể cả có con cũng rất khó sống.
PV: Bao lâu thì dúi đẻ con và mỗi lần đẻ khoảng bao nhiêu con ?
Bhling Úc: Dúi mẹ từ khi mang thai đến khi đẻ mất khoảng 3 tháng hoặc hơn chút. Mỗi lần đẻ khoảng 2-3 con. Đặc biệt chú ý, thức ăn cho dúi sinh sản thường là tre, cỏ voi, sắn... ngoài ra, mình bổ sung thêm tinh bột, đạm. Chủ yếu là thức ăn sống, không phải nấu chín. Tuyệt đối không cho dúi uống ước, vì uống sẽ bị chết ngay.
PV: Nuôi dúi, mỗi năm gia đình anh thu về khoảng bao nhiêu ?
Bhling Úc: Cũng tuỳ theo năm, theo mùa... lúc bán được nhiều, lúc ít. Như thời điểm dịch Covid vừa qua tiêu thụ rất khó. Còn thời điểm bình thường, gia đình bán từ 20-30 con mỗi năm, trừ các chi phí lãi gần 20 triệu đồng. Cùng với nuôi dúi và các mô hình khác, mình thấy cuộc sống gia đình ổn định, có đồng ra đồng vào hơn.
PV: Thời gian tới, anh có tính mở rộng quy mô nuôi dúi không ?
Bhling Úc: Chắc chắn mình sẽ mở rộng thêm mô hình nuôi dúi này và sẽ nhân giống nhiều hơn nữa. Tới đây, gia đình còn tham gia thêm dự án chăn nuôi heo đen bản địa do huyện cấp giống. Mình đang tính kết hợp lại các mô hình chăn nuôi để tăng thu nhập cho gia đình hơn nữa. Bởi mình thấy cả 2 mô hình rất phù hợp với điều kiện miền núi. Mình hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp.
PV: Vâng! Cảm ơn anh Úc về cuộc trò chuyện hôm nay./.
Viết bình luận