Trao đổi: “Nhà Gươl truyền thống của người Cơ Tu”
Thứ năm, 00:00, 03/10/2019
Các buôn làng của người Cơ Tu ở các huyện Tây Giang, Đông Giang hay Nam Giang dù giàu hay nghèo đều có nhà Gươl. Nhà Gươl là nơi sinh hoạt của cả thôn làng, là chốn linh thiêng đối với họ. Làng nào không có nhà Gươl xem như làng đó mất đi gốc gác truyền thống văn hoá.

 

Thực hiện: Jumi Sĩ

Khách mời: Ông Duông Noonh-Già làng uy tín thôn Ga Lêê, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

---------

Thưa bà con và các bạn!

Các buôn làng của người Cơ Tu ở các huyện Tây Giang, Đông Giang hay Nam Giang dù giàu hay nghèo đều có nhà Gươl. Nhà Gươl là nơi sinh hoạt của cả thôn làng, là chốn linh thiêng đối với họ. Làng nào không có nhà Gươl xem như làng đó mất đi gốc gác truyền thống văn hoá. Trong Chuyên mục “Dưới mái nhà Gươl” tuần này, mời bà con và các bạn cùng nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên A Viết Sĩ với già làng Duông Noonh, người có uy tín ở thôn Ga Lêê, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam về nhà Gươl truyền thống của người Cơ Tu nhé.

-------

PV: Xin chào già làng Duông Noonh! Thưa ông, Nhà Gươl truyền thống Cơ Tu đã có từ khi nào?

Gìa làng Duông Noonh: Nói chung, thời gian cụ thể thì không rõ vì đã có từ rất lâu đời. Từ thời còn chống Pháp người Cơ Tu đã có nhà Gươl truyền thống này rồi. Bởi người Cơ Tu luôn sống đoàn kết, tình nghĩa, sẻ chia trong mọi cuộc sống nên dựng nhà Gươl trong làng là nơi để cả thôn làng cùng nhau tụ họp, sinh hoạt, ăn uống và nhảy múa vui vẻ trong các dịp lễ hội, dịp tết đến.

PV: Đối với người Cơ Tu, thôn nào cũng bắt buộc phải có nhà Gươl hay sao, thưa ông?

Gìa làng Duông Noonh: Đúng vậy. Thôn nào cũng phải có Gươl, không thể nào không có được, vì đó là truyền thống của một dân tộc rồi. Là nơi để cả thôn làng cùng nhau sum họp, bàn chuyện, vui chơi, rồi làm lễ hội đâm trâu, múa tân tung da dá mừng các lễ hội lớn của thôn, của xã cũng như của đất nước... Kể cả việc đám cưới cũng tổ chức tại nhà Gươl để cả thôn xóm cùng góp sức, góp của, cùng nhau đến chúc mừng gia đình có niềm vui.

PV: Thưa ông ! Nhà Gươl người Cơ Tu được xây dựng, thiết kế như thế nào?

Gìa làng Duông Noonh: Trước khi bắt tay vào làm nhà Gươl hoặc làm lại nhà Gươl mới thay cái cũ thì già làng mời tất cả mọi người trong thôn từ già trẻ, trai gái họp tại Gươl cùng nhau bàn kế hoạch và đi đến thống nhất chung. Xong rồi già làng bắt đầu tìm ngày tháng tốt để huy động lực lượng thanh niên cùng các già làng lên rừng tìm cây to làm cột chính, các cây nhỏ làm cột phụ, trính, xuyên... để tránh bị mục về sau. Đối với phong tục người Cơ Tu, trong giai đoạn làm nhà Gươl tuyệt đối tránh để xảy ra rủi ro, nếu có người bị nạn hoặc là chết chóc, là điều rất kỵ. Bởi vậy phải làm thật sự khẩn trương, mọi người trong thôn cùng chung tay góp sức để hoàn thành sớm. Sau khi lên rừng kiếm cây kéo về tới nhà xong thì tranh thủ làm luôn các việc còn lại đến khi mọi thứ đầy đủ, xong xuôi thì bắt đầu tìm ngày đẹp, tháng tốt để dựng lên, làm con heo thắp hương khấn xin giàng núi rừng, ông bà tổ tiên về chứng giám và phù hộ cho thôn làng.

PV: Việc chọn cây, chọn đất để làm nhà Gươl như thế nào, thưa ông?

Gìa làng Duông Noonh: Đối với cây thì cây nào cũng được nhưng phải là những loại cây to, chất lượng để tránh bị mục. Làm Gươl càng lớn thì cột càng to, Gươl nhỏ thì nhỏ làm sao cho vừa và thật vững, tránh đổ ngã. Đối với mái thì lợp bằng lá cọ, không thì lá tranh, lợp xen kẽ thật kỹ và dày sẽ bền lâu hơn. Còn đối với việc chọn đất dựng nhà Gươl thì thường các già làng chọn khu đất ngay chính giữa thôn, vừa đẹp phong thuỷ, vừa tiện lợi để bà con trong thôn, đầu xóm, cuối xóm đi lại cũng như khi có việc gì lớn trong thôn cần tụ tập mọi người đánh trống, đánh chiêng ai cũng đều nghe và đi đến Gươl, ai cũng vui vẻ.

PV: Nhà Gươl Cơ Tu thường điêu khắc, trang trí những con vật gì?

Gìa làng Duông Noonh: Bất kể nhà Gươl truyền thống nào của người Cơ Tu đều có điêu khắc những con vật to lớn, linh thiêng từ trong ra ngoài. Đặc biệt  con rồng là không thể thiếu, rồi đến những con voi, hổ, rắn... những con sống trong núi rừng chứ không phải những con vật nuôi ở nhà, trừ con trâu. Mình khắc những con vật đó lên các tấm gỗ lớn thể hiện sự mạnh cũng như sự linh thiêng, ai nhìn cũng đều coi trọng và nói nhà Gươl đó rất đẹp, rất linh và đúng với bản sắc văn hoá truyền thống Cơ Tu.

PV: Thường nhà Gươl nào của người Cơ Tu đều khắc con rồng. Nó có ý nghĩa như thế nào đối với người Cơ Tu ?

Gìa làng Duông Noonh: Con rồng xuất hiện trong truyền thuyết như một vật rất linh thiêng, cao cả, thể hiện sự mạnh mẽ. Nó rất khác lạ so với những con vật còn lại, không những to lớn, đầy đủ chân tay mà còn sống dưới nước, bay lên trời đều được nên người dân Cơ Tu họ có quan niệm con rồng rất linh thiêng và tôn thờ nó. Vì thế nhà Gươl của người Cơ Tu đều phải có con rồng, và con rồng luôn là con vật mà phải điêu khắc đầu tiên rồi mới đến những con vật khác.

PV: So với trước đây, bây giờ việc làm nhà Gươl có gì khác, thưa ông?

Gìa làng Duông Noonh: Về kiểu cách làm, dựng lên một nhà Gươl thì hầu như không có gì thay đổi. Từ việc thiết kế, tìm vật liệu đến khi hoàn thành đều phải tuân thủ một quy luật chung đã có từ bao đời, từ thời ông cha ta để lại. Gìa làng là những người luôn đi đầu, hướng dẫn mọi tầng lớp trong thôn làm, không thể làm bừa không đúng với truyền thống người Cơ Tu. Có khác ở chỗ trước đây làm thủ công, dùng dây kéo gỗ, dùng rựa, rìu, cưa tay chạm trỗ, cắt từng khúc cây.... Còn bây giờ thì có đầy đủ máy móc, điện đóm nên đỡ tốn công, tốn sức người dân rất nhiều.

PV: Theo truyền thống của người Cơ Tu, bất kể một ai săn bắt được con thú trong rừng đều đem về nhà Gươl để ăn mừng, chia sẻ từng miếng thịt cho cả làng. Bây giờ việc này có còn duy trì không?

Gìa làng Duông Noonh: Việc này trước đây già làng, trưởng thôn quán triệt rất tốt. Anh có săn bắt được con gì thì đều đem về nhà Gươl để cả làng cùng ăn, cùng chia rất đoàn kết và tình cảm. Bởi có nhiều hộ gia đình còn đói nghèo, không có gì ăn nên già làng chia từng miếng thịt đều như nhau, ai cũng có dù ít hay nhiều. Thời buổi bây giờ  có nhiều thay đổi, cũng vì cuộc sống mưu sinh, từng miếng cơm manh áo nên hầu như ai bắt được con thú gì cũng đều bán kiếm chút đồng lo cuộc sống gia đình. Chúng tôi, những già làng cũng rất thấu hiểu và chia sẻ việc đó nhưng nghĩ lại cũng rất buồn vì không còn được sum vầy, rộn ràng khí thế thôn xóm như trước đây nữa

PV: Ông muốn nói gì với lớp trẻ bây giờ về việc giữ gìn, phát huy nhà Gươl truyền thống Cơ Tu?

Gìa làng Duông Noonh: Đối với già làng uý tín chúng tôi thật sự mong lớp trẻ bây giờ phải học hỏi về cách làm, dựng nhà Gươl cũng như phải luôn giữ gìn, bảo tồn mãi mãi không để nhà Gươl truyền thống của người Cơ Tu sau này bị mai một dần, khi đó sẽ không còn giá trị văn hoá truyền thống của một tộc người nữa. Bây giờ chúng tôi đã làm, đã dựng lên thì lớp thanh niên phải là những người bảo vệ, giữ gìn nhà Gươl. Chúng tôi già cả rồi sống nay chết mai nên các bạn trẻ phải tiếp nối chúng tôi giữ gìn và phát huy hơn nữa những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình.

PV: Vâng! Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Chúc ông luôn vui khoẻ./.

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC