PV: Xin chào Pơ Loong Plênh! Gươl có ý nghĩa thế nào trong đời sống của đồng bào Cơ Tu?
Anh Pơ Loong Plênh: Đối với người Cơ Tu, từ xa xưa bất kể làng nào đều phải có nhà Gươl. Gươl như là linh hồn, là trái tim của người Cơ Tu không thể thiếu được. Tết lễ, họp hành nào trong thôn đều tổ chức ở Gươl. Như người Kinh có nhà đình, người Khmer có chùa Khmer, người Chăm thì có tháp Chăm...rất quan trọng trong đời sống của họ, nên mỗi làng mỗi địa phương đều phải có Gươl.
PV: Nhằm khôi phục và bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào Cơ Tu, hiện có nhiều địa phương trong tỉnh đã tiến hành làm mới và phục dựng Gươl. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
Anh Pơ Loong Plênh: Hiện nay rất nhiều nơi trên địa bàn tỉnh muốn khôi phục lại những giá trị văn hoá của đồng bào mình. Với người Cơ Tu, họ cũng đang từng ngày phục dựng lại Gươl, nhà sàn đúng với truyền thống của họ. Nhưng thực tế hiện nay việc kiếm nguyên vật liệu để làm Gươl là điều không dễ, cây rừng bị cấm khai thác; cây cọ, cây tranh nhiều nơi cũng không trồng, bà con tận dụng đất để trồng cây keo, cao su và trồng sâm nên lá cọ, lá tranh rất khan hiếm. Nhưng không vì thế mà mình làm bừa, không đúng nguyên bản. Ở Tây Giang hiện nay trên địa bàn các xã vùng cao họ dựng Gươl rất bài bản, đúng với giá trị truyền thống. Có thể làng mình không có cây, có lá để làm thì mình có thể xin từ làng nọ làng kia cũng được, thậm chí làng bên cũng sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ mình. Mọi người rất đoàn kết.
PV: Phục dựng Gươl là bảo tồn văn hoá truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Tuy nhiên, việc sử dụng tôn để thay thế lá cọ, lá tranh như ở thôn Arooi, xã Ga Ry thì anh thấy thế nào? Liệu có phù hợp với truyền thống của mình hay không?
Anh Pơ Loong Plênh: Đúng là việc này có xảy ra trên xã Ga Ry. Với cá nhân tôi thật sự tôi rất buồn. Tất cả mọi thứ dựng lên rất đẹp, đúng với truyền thống văn hoá nhưng phần mái lại lợp bằng tôn điều này làm mất đi giá trị vốn có của bà con nơi đây. Mình cứ làm đúng theo bản chất giá trị văn hoá của đồng bào mình, chứ không thể pha trộn thứ này thứ kia vào không ra hệ thống gì. Thứ hai, mái lợp bằng lá tranh lá cọ không chỉ bền đẹp, đúng với truyền thống mà qua đây mọi người thể hiện tinh thần đoàn kết, cùng nhau sum vầy vui vẻ, hỏi thăm nhau... Theo tôi, khi muốn phục dựng lại những giá trị văn hoá truyền thống thì trước tiên cứ làm bằng khả năng, điều kiện mình có. Có thể không làm một cách hoành tráng nhưng cơ bản là phải đúng truyền thống, bản sắc của đồng bào mình. Chứ làm một cách tràn lan, cải tiến đủ kiểu không đúng của mình mà cũng chẳng giống của ai như thế là không được. Thế hệ sau này họ sẽ không biết đâu là cái gốc, cái giá trị thật của mình. Cũng mong thanh niên bây giờ phải biết giữ gìn và học hỏi cách làm Gươl, cách điêu khắc từ các nghệ nhân để sau này những giá trị văn hoá của mình mãi trường tồn.
PV: Qua vụ việc vừa rồi, anh đánh giá như thế nào về vai trò già làng, trưởng bản trong việc giữ gìn và phục dựng Gươl, thưa anh?
Anh Pơ Loloong Plênh: Tất nhiên vai trò các già làng, trưởng bản rất quan trọng. Họ là những người quyết định những việc hệ trọng trong thôn. Vừa rồi bên phòng Văn hoá chúng tôi có góp ý với bà con trong việc phục dựng lại Gươl, làm như thế là không đúng. Hiện nay người Cơ Tu ở Tây Giang nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam nói chung được Trung ương, tỉnh và các bạn bè khen là còn lưu giữ được những giá trị văn hoá truyền thống nên chúng ta không thể cải tiến khác đi. Phải thay lại mái lợp bằng lá cọ hoặc lá tranh đúng nguyên bản. Nếu không thì sau này địa phương này, địa phương kia bảo sao chỗ này làm được như thế mà chỗ mình thì không... cứ thế mọi thứ thay thế bằng tôn, bằng sắt thì còn đâu là giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào mình nữa. Rồi một ngày sẽ bị mai một.
PV: Vâng! Cảm ơn Plênh về cuộc trò chuyện này.
Viết bình luận