Trao đổi: “Quy trình làm chiếc gùi ​(Zong) của người Cơ Tu”
Thứ năm, 00:00, 23/07/2020
Đối với đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, chiếc gùi (Zong)là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Đây là nét văn hóa đặc trưng trong sinh hoạt cộng đồng của bà con nơi đây.

 

Thực hiện: Jumi Sĩ

Khách mời: Ông Hốih Coi-Thôn Ga Lêê, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, Quảng Nam.

        Phần lớn những chiếc gùi của người Cơ Tu được đan bằng cây mây lấy từ rừng và chủ yếu được chị em sử dụng mỗi khi lên nương lên rẫy. Trong Chuyên mục “Câu chuyện ở Gươl” hôm nay, PV A Viết Sĩ có cuộc trao đổi với ông Hốih Coi về quy trình làm chiếc gùi của người Cơ Tu. Mời bà con và các bạn cùng nghe:

PV: Xin chào ông Hốih Coi ! Thưa ông, nói đến nghề đan lát của người Cơ Tu thì chiếc gùi là một trong những vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Vậy, chiếc gùi của bà con mình có từ khi nào?

Ông Hốih Coi: Chiếc gùi của người Cơ Tu đã có từ rất lâu đời. Từ thời ông bà, tổ tiên là đã có rồi. Khi tôi sinh ra cũng được tận mắt nhìn thấy ông và bố tôi ngày ngày ngồi đan chiếc gùi cạnh bếp thật công phu và tỉ mỉ. Những chiếc gùi đan xong thường được treo lơ lửng trên giàn bếp, khi đó tôi còn nhỏ nên chưa biết chiếc gùi dùng để làm gì. Về sau lớn lên tôi mới biết.

PV: Từ khi nào ông biết đan gùi ? Có ai hướng dẫn hay ông tự mày mò học theo?

Ông Hốih Coi: Bố tôi có bày tôi cách đan lát như thế nào cho đúng, đẹp và chuẩn nhất. Nhưng tính tôi lại thích tự học, tự mày mò và tự làm một mình, khi nào làm xong thì mới đưa cho bố tôi xem rồi chỉnh sửa lại sau. Từ năm 15 tuổi là tôi đã biết đan chiếc gùi rồi.

PV: Thưa ông! Gùi của người Cơ Tu có tất cả mấy loại và mỗi loại được đặt tên như thế nào?

Ông Hốih Coi: Gùi của người Cơ Tu có tất cả 3 loại với mẫu mã khác nhau. Một là, gùi N’đool (loại gùi được đan khít kín). Hai là, gùi M’rắh (được đan không quá khít mà cũng không quá hở). Ba là, gùi Crơu (là gùi đan hở rộng)... Trong ba loại gùi trên thì gùi N’đool là giá trị nhất, thường dùng để tặng cho bà con thân thiết hay người mình quý trọng nhất.

PV: Công đoạn đầu tiên cần chuẩn bị trước khi đan chiếc gùi là gì, thưa ông?

Ông Hốih Coi: Việc đầu tiên chúng ta làm là tìm loại mây to cứng và bền nhất (c’rêê tróh) để làm đế gùi dài khoảng 3 gang tay. Rồi đến thân gùi làm bằng tre hay lồ ô già chắc, làm xong hết phần khung rồi mới tiến đến các công đoạn đan lát. Phần này thường không tốn nhiều thời gian nhưng đòi hỏi sự chuẩn mực tuyệt đối để khi đan chiếc gùi không bị lệch và nghiêng.

PV: Vậy, phải dùng bao nhiêu loại mây để hoàn thiện được một chiếc gùi?

Ông Hốih Coi: Đối với mây thì có rất nhiều loại, nhưng chỉ có 3 loại mây thường dùng chắc bền và đầy đủ nhất là mây xía (loại mây nhỏ), mây m’rắh (loại mây vừa) và mây bhrượt (loại mây to)... Nếu thiếu 1 trong 3 loại mây trên thì không thể đan thành chiếc gùi được.

PV: Theo tôi được biết, người Cơ Tu sau khi đã tìm đủ mọi vật liệu họ không vội đan gùi liền, vì sao lại vậy, thưa ông?

Ông Hốih Coi: Đúng vậy, những cây mây hay lồ ô sau khi lấy về từ rừng thì chẻ mỏng từng cây một rồi phơi nắng, nếu làm gấp thì khoảng 3, 4 ngày là có thể lấy đan, còn không thì nếu để càng lâu tầm 3, 4 tháng thì những sợi mây càng bền và đan dễ dàng hơn. Có thể dùng hơn 10 năm.

PV: Để hoàn thành được chiếc gùi mất khoảng bao lâu ạ?

Ông Hốih Coi: Nếu đan một chiếc gùi nhỏ hay đơn giản thôi thì không mất thời gian nhiều. Nhưng nếu hoàn thành một chiếc gùi mà đẹp, ưng ý nhất thì phải mất hơn 2 tuần lễ mới xong. Nếu trong 1 tuần chỉ chú tâm vào một việc này thì có thể cũng xong được. Sau khi đan xong thì chưa sử dụng ngay, mà phải để trên giàn bếp càng lâu, càng đen vì khói lửa là sử dụng càng bền hơn.

PV: Chiều rộng, chiều cao của chiếc gùi mình làm tùy ý hay như thế nào thưa ông?

Ông Hốih Coi: Nói về chiều cao hay chiều rộng của chiếc gùi thì nó không có một cái quy định chung rõ ràng, tuỳ ý mỗi người làm thôi. Nhưng, đẹp nhất và vừa vặn nhất thường cao khoảng nửa mét, rộng khoảng 20-30cm là đẹp.

PV: Đối với ông, khó nhất trong quá trình hoàn thành một chiếc gùi là công đoạn nào ạ?

Ông Hốih Coi: Để hoàn thành được một chiếc gùi đẹp cũng không hề đơn giản. Nó đòi hỏi sự khéo léo và kiên trì rất cao. Nhưng cái khó nhất vẫn là khâu chẻ mỏng từng cây mây làm sao cho không bị đứt, bị lệch và thật chuẩn nhất. Bởi không cẩn thận và tỉ mĩ là sợi dây sẽ bị đứt và không sử dụng được, lại mất công kiếm lại cây khác.

PV: Chiếc gùi của người phụ nữ Cơ Tu có gì khác và đặc biệt hơn so với gùi của đàn ông thưa ông?

Ông Hốih Coi: Mỗi loại gùi đều có những giá trị và cách sử dụng riêng của nó. Nhưng, với chiếc gùi phụ nữ thì nó đặc biệt và khác rất nhiều so với các vật dụng khác thường dùng. Có thể những chiếc gùi khác chỉ dùng để bỏ một thứ gì đó, nhưng chiếc gùi này thì có thể sử dụng ở nhiều mục đích khác nhau, như: đi rẫy hái bắp, đậu, lúa, rau củ hay lấy củi đều dùng chiếc gùi này, đi lấy nước sinh hoạt hay giặt giũ cũng bỏ vào chiếc gùi này, nó rất tiện lợi và hữu ích.

PV: Hiện nay, lớp trẻ dường như không mặn mà với việc đan lát. Ông có điều gì muốn nhắn nhủ với lớp trẻ bây giờ?

Ông Hốih Coi: Đúng là lớp trẻ hiện nay quá thờ ơ với những giá trị truyền thống của dân tộc mình. Cá nhân tôi thật sự rất buồn, lo sợ khi những nghệ nhân như chúng tôi không còn sẽ không còn ai giữ gìn và phát huy nữa. Tôi luôn nhắc nhở các thế hệ sau cần phải học hỏi và biết bảo vệ, nâng tầm những giá trị văn hoá. Những giá trị truyền thống chúng ta không bao giờ bỏ. Bây giờ tôi còn có sức, còn làm được... các bạn trẻ cần hãy tìm đến tôi, tôi không ngại truyền đạt lại tất cả những giá trị văn hoá truyền thống của người Cơ Tu mình.

PV: Vâng ! Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Chúc ông luôn vui khoẻ!!!

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC