Trao đổi với ông A Vô Cưa, ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên –Huế về nghề đan lát của dân tộc Cơ Tu
Thứ năm, 00:00, 24/12/2020
Với mong muốn giữ gìn nghề truyền thống của đồng bào mình, nhiều năm nay, ông A Vô Cưa, 70 tuổi, ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn nỗ lực duy trì nghề đan lát. Các sản phẩm đan lát của ông như gùi, giỏ, các loại mâm đựng vật dụng trong gia đình… luôn được bà con trong vùng và nhiều du khách yêu thích.

 

  Thực hiện: Hôih Nhàn

Đồng bào Cơ Tu hiện sống tập trung ở 3 huyện miền núi Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, tỉnh Quảng Nam và 2 huyện Nam Đông, A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Người Cơ Tu giỏi nghề điêu khắc gỗ, trang trí nhà Gươl, dệt thổ cẩm, đan lát... Trong những nghề truyền thống lâu đời, nghề đan lát thể hiện sự cần mẫn, đôi bàn tay khéo léo và sáng tạo của người đàn ông Cơ Tu. Tuy nhiên, trước sự hội nhập mạnh mẽ của cơ chế thị trường, nghề đan lát của người Cơ Tu đang đứng trước nguy cơ mai một

Với mong muốn giữ gìn nghề truyền thống của đồng bào mình, nhiều năm nay, ông A Vô Cưa, 70 tuổi, ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn nỗ lực duy trì nghề đan lát. Các sản phẩm đan lát của ông như gùi, giỏ, các loại mâm đựng vật dụng trong gia đình… luôn được bà con trong vùng và nhiều du khách yêu thích. Bây giờ, mời bà con và các bạn cùng PV Hôih Nhàn trao đổi với ông A Vô Cưa về nghề đan lát truyền thống của đồng bào Cơ Tu.

PV Xin chào ông A Vô Cưa! Được biết, ông là một những người cao niên ở huyện Nam Đông có am hiểu về văn hoá dân tộc Cơ Tu, trong đó có nghề đan lát. Xin ông cho biết nghề nghề đan lát của đồng bào Cơ Tu có từ bao giờ?

Ông A Vô Cưa: Nghề đan lát của đồng bào Cơ Tu là nghề truyền thống, hình thành từ rất lâu rồi, từ thế hệ cha ông xưa đã có nghề đan lát. Một số nghề của người Cơ Tu như đan poom, đan bhring, prom hiện nay bị mai một là do dân tộc Cơ Tu không còn phát nương làm rẫy, không đi tỉa lúa, không tuốt lúa nên rất ít người làm những vật dụng trên. Trước đây mình đan n’đâl, a chuy, arooch dùng để đựng lúa giống lúc đi tỉa lúa, đến khi tuốt lúa rẫy chín cần có arooch, n’đâl để đựng lúa. Đối việc đan gùy (zong) là vật dụng thường xuyên cho chị em sử dụng, như guỳ củi, guỳ sắn, guỳ rau…Nghề đan lát trước đây không ai dạy cho ai, mà phải tự học. Như tôi, thời còn trẻ là đi học từ những người lớn tuổi, sau đó tự lên rừng lấy nguyên liệu về làm. Nhất là mùa mưa như này, không đi làm rẫy, không đi rừng săn thú được, thì ở nhà đan lát, đan các loại vật dụng sử dụng hàng ngày.

PV: Vâng, như ông vừa kể, sản phẩm đan lát của người Cơ Tu rất phong phú. Theo ông những vật dụng trên thì vật dụng nào đan khó nhất và lâu nhất ạ?

Ông A Vô Cưa: Trước đây đan lâu nhất là n’đâl và zong rơ văh. Hai vật dụng này đan khá lâu, lâu nhất là khoảng 7 ngày. Khó, tại vì những thanh nan để đan là phải vót nhỏ lại, đan kín, tuy theo kích cỡ của guỳ nữa nên số lượng nan để đan cũng nhiều. Cùng với đó là guỳ của đàn ông (tơ lêếc) Cơ Tu đan cũng khá lâu. Bản thân tôi những vật dụng trên tôi làm được hết.

PV: Thưa ông A Vô Cưa, để đan được những vật dụng thường ngày trong lao động sản xuất, phải dùng những vật liệu gì?

Ông A Vô Cưa: Trước đây là đi lấy mây, tre, nứa… dùng để đan những vật dụng như: n’đâl, zong, tơ lêêc và nhiều vật dụng khác nữa. Nguyên liệu đều được lấy ở trong rừng cả.

PV Vậy để zong, n’đâl bền chắc, có thể sử dụng lâu dài, thì những vật liệu dùng để đan được xử lý như thế nào, thưa ông?

Ông A Vô Cưa: Khi vào rừng chật mây, tre, nứa thì không được lấy những cây mây, cây tre, nứa… đã bị cụt ngọn, không chặt cây già quá, hay non quá mà phải chọn những cây mây, tre, nứa già, non ở mức độ vừa phải. Khi đem về chẻ thì chọn những ngày nắng ráo, sau khi chẻ đem phơi khô, hoặc là vào mùa mưa như thế này, những nguyên liệu sau khi được lấy về cần treo lên giàn bếp để khói làm khô. Sau đó mới có thể vót và đan những vật dụng mà mình mong muốn. Như guỳ tôi đang đan đây có thể sử dụng tới 20 năm. Nếu không xử lý như vậy thì sẽ nhanh mối mọt, mục nát, không bền chắc được.

PV: Như chiếc guỳ này, ông đan trong bao lâu mới xong ạ?

Ông A Vô Cưa: Riêng bản thân tôi làm thuần thục rồi, thì đan rất nhanh, chỉ mất khoảng 8 ngày là xong, còn với những người chưa quen, tay nghề chậm là mất hơn 10 ngày. Ví dụ như việc đan bện miệng guỳ như này tổi chỉ làm một ngày là xong, có người làm từ hai đến ba ngày mới xong.

PV: Thưa ông, người Cơ Tu khi đan guỳ, hay những cải giỏ đựng giống lúa… xong thường treo trên giàn bếp cho đến khi những vật dụng này ngã sang màu nâu cánh gián. Việc treo lên gian bếp như vậy thì có tác dụng như thế nào, thưa ông?

Ông A Vô Cưa: Việc treo lên giàn bếp  những vật dụng đan lát có mấy tác dụng như sau: Thứ nhất là có mùi của khói lửa bếp, làm khô những vật liệu đan lát. Thứ hai là để không bị mối mọt, không bị mục nát trong quá trình sử dụng sau này và thứ ba là để tạo màu, đó là màu cánh gián, làm cho những chiếc guỳ, chiếc giỏ có màu đặc trưng.

PV: Thưa ông A Vô Cưa, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, sự hội nhập văn hoá ngày càng sâu rộng và đồng bào Cơ Tu không còn làm nương rẫy nữa nên rất ít dùng các vật dụng đan lát. Bản thân ông là một người cao niên, theo ông việc bảo tồn, phát huy, truyền dạy nghề đan lát cho thế hệ trẻ nên thực hiện như thế nào ạ?

Ông A Vô Cưa: Hiện nay nguồn kinh phí không nhiều, nếu có thì nên áp dụng máy móc cho nghề đan lát. Chuyển đổi kỹ thuật đan lát theo cách mới nhanh hơn, có nhiều sản phẩm để có thể đem bán. Không chỉ đan những vật dụng truyền thống của dân tộc Cơ Tu, mà có thể đan những vật dụng kiểu mới, thị trường ưa chuộng, ví dự như cài guỳ này mình có thể đan nhỏ lại, dùng để đựng đũa, đựng thìa, hay đan những cái giỏ đựng rác… nói chung là phải có đầu ra ổn định. Vừa rồi cũng có dự án Trường sơn Xanh hướng dẫn kỹ thuật đan các vật dụng mới, như giỏ đựng hoa, đan các loại mâm bằng tre nứa…, cũng đã thu hút được các bạn trẻ Cơ Tu ở Nam Đông tham gia học đan lát.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tay nghề của các bạn trẻ khi tham gia vào lớp học đan lát và bản thân họ có tâm huyết trong việc giữ gìn nghề truyền thống của cha ông không ạ?

Ông A Vô Cưa: Các bạn trẻ hiện nay nói chung rất thông minh, học đan lát rất nhanh, đan rất đẹp. Nhưng các bạn ấy không chịu làm, vì làm việc khác cho thu nhập nhiều hơn, đan lát mất nhiều thời gian nguồn thu lại ít. Vừa rồi tôi tham gia dạy nhiều bạn trẻ học rất nhanh, đan các loại vật dụng sử dụng trong gia đình rất đẹp. Nghề truyền thống của cha ông chúng ta cần phải giữ gìn và phát huy. Nếu có kinh phí một năm nên tổ chức từ 1 đến 2 lớp dạy đan lát cho các bạn trẻ, như đan guỳ nam, guỳ nữ, đan các loại sản phẩm đan lát… để bảo tồn, nếu không làm sau này nghề đan lát này sẽ mất đi, có khi các bạn trẻ còn không nhớ tên các vật dụng đấy nữa. Tôi mong muốn Đảng, Nhà nước bố trí kinh phí tổ chức các lớp truyền dạy nghề đan lát truyền thống cho các thế hệ trẻ. Nhiều bạn cũng tâm huyết với nghề truyền thống của dân tộc mình.

PV: Vâng. Xin thay mặt những người làm chương trình, cảm ơn ông đã nhận lời mời trao đổi và giúp bà con hiểu thêm về nghề đan lát của đồng bào Cơ Tu. Chúc ông mạnh khoẻ và tiếp tục giữ gin, phát huy, truyền dạy lại cho thế hệ trẻ Cơ Tu hiểu biết về văn hoá của dân tộc mình./.

 

 

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC