Toạ đàm:
Đông Giang phát huy vai trò già làng người có uy tín trong bảo tồn văn hóa Cơ Tu
Thực hiện: Alăng Lợi
Tại tỉnh Quảng Nam, đồng bào Cơ Tu sống tập trung ở các huyện miền núi Nam Giang, Tây Giang và Đông Giang. Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác ở khu vực miền Trung và cả nước, bà con Cơ Tu luôn nỗ lực bảo tồn, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình. Bên cạnh những chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, đội ngũ già làng, người có uy tín trên địa bàn các huyện đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.
Trong chương trình hôm nay, mời bà con và các bạn nghe cuộc tọa đàm với chủ đề “Đông Giang phát huy vai trò già làng người có uy tín trong bảo tồn văn hóa Cơ Tu” để hiểu hơn về những nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân nơi đây trong việc bảo tồn văn hóa. Bây giờ, xin mời BTV Alăng Lợi bắt đầu cuộc tọa đàm:
Alăng Lợi: Alăng Lợi xin chào bà con và các bạn! Sau đây tôi xin giới thiệu những vị khách mời tham gia Tọa đàm hôm nay:
- Nghệ nhân Ating Đhân ở thôn Prao, thị trấn Prao, huyện Đông Giang
- Anh Alăng Rính, Bí thư Đoàn xã Za Hung, huyện Đông Giang
- Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, tỉnh Quảng Nam.
Xin cám ơn các vị khách mời đã nhận lời tham gia cuộc tọa đàm hôm nay.
Thưa bà con và các bạn cùng các vị khách mời! Tại huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu nổi bật phải kể đến là các làn điệu dân ca, dân vũ, hát lý, nói lý và các loại nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, sáo, khèn, Abel…Các lễ hội truyền thống của bà con thường được tổ chức định kỳ hàng năm, như Lễ mừng lúa mới, mừng Gươl mới…linh thiêng và đầy tính nhân văn. Ngoài những phong tục tập quán, lễ hội và những nghi thức bản địa độc đáo, đồng bào Cơ Tu còn có nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc, nhiều nghề thủ công truyền thống mang đậm nét văn hóa riêng có.
Alăng Lợi: Thưa ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, xin ông cho biết huyện Đông Giang đang thực hiện những giải pháp như thế nào để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu?
Ông Đỗ Hữu Tùng: Trong thời gian qua, huyện Đông Giang quan tâm rất nhiều đến công tác giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng bào Cơ Tu ở huyện Đông Giang có nhiều nét văn hóa đặc sắc. Trong đó có 03 di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng Cơ Tu đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đó là: Nghề dệt thổ cẩm, Múa tân tung da dă, Nghệ thuật nói lý, hát lý.
Hiện nay, chúng tôi cũng đưa ra nhiều giải pháp để giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu để các cấp, các ngành cùng toàn thể bà con triển khai thực hiện. Gần đây nhất, chúng tôi đã lồng ghép chuỗi sự kiện chào mừng Hội thi thể thao các dân tộc tỉnh Quảng Nam do Đông Giang đăng cai vào tháng 7 vừa qua. Nổi bật nhất là chúng tôi tổ chức tái hiện “Lễ kết nghĩa của đồng bào Cơ Tu”. Trong tái hiện Lễ kết nghĩa này, chúng tôi đã lồng ghép giao lưu dân ca, dân vũ giữa các xã; nghệ thuật nói lý, hát lý giữa các xã Kết nghĩa. Bên cạnh đó, huyện Đông Giang đã tổ chức mở lớp truyền dạy trống chiêng, múa tân tung da dă được 48 lớp cho các em học sinh một số trường; tổ chức lớp dạy nói lý, hát lý, dân ca, dân vũ 36 lớp với gần 100 người tham gia do các nghệ nhân trên địa bàn đảm nhận hướng dẫn. Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch triển khai giữ gìn chữ viết của đồng bào Cơ Tu.
Alăng Lợi: Các lớp truyền dạy này được tổ chức và thực hiện như thế nào thưa ông Đỗ Hữu Tùng?
Ông Đỗ Hữu Tùng: Các lớp truyền dạy này được tổ chức mỗi tháng 1 lớp. Riêng lớp truyền dạy trống chiêng, múa tân tung da dă bắt đầu tổ chức từ năm 2019. Từ năm 2020, huyện tổ chức lớp truyền dạy nói lý, hát lý, dân ca, dân vũ. Nhờ được tham gia các lớp học này, nhiều em Cơ Tu đã thành thạo một số điệu cơ bản.
Trong thời gian tới, huyện cũng đề nghị các cấp chính quyền địa phương thành lập các câu lạc bộ nói lý hát lý, dân ca, dân vũ, múa tân tung da dă tạo sân chơi cho bà con để cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Alăng Lợi: Xin cảm ơn ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang. Thưa già làng, nghệ nhân Ating Đhân, như ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch huyện vừa chia sẻ, hiện nay huyện đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy văn hóa truyền thống. Già đã tham gia truyền dạy hát dân ca, dân vũ cho các bạn trẻ tại thị trấn Prao bao lâu rồi ạ?
Già làng Ating Đhân: Tôi tham gia truyền dạy cho các cháu từ khi huyện có chủ trương, tính đến nay đã 4 năm rồi.
Alăng Lợi: Việc truyền dạy dân ca dân vũ có gặp khó khăn gì không và các bạn trẻ tham gia học thế nào thưa Già làng Ating Đhân?
Già làng Ating Đhân: “Mới đầu vận động lớp trẻ tham gia lớp học cũng khá vất vả. Các cháu không mặn mà với văn hóa truyền thống dân tộc mình như múa tân tung da dă, dân ca, nhạc cụ của đồng bào mình. Thật ra, các cháu rất lanh lợi và thông minh, chỉ cần tập trung học là các cháu tiếp thu nhanh lắm. Đến nay, hầu như những cháu tham gia lớp học đã biết đánh trống, chiêng, múa tân tung da dă. Mỗi lần địa phương tổ chức sự kiện gì, đội ngũ này là lực lượng nòng cốt tham gia.”
Alăng Lợi: Cảm ơn già làng, nghệ nhân Ating Đhân. Bây giờ Alăng Lợi xin được hỏi với anh Alăng Rính, Bí thư Đoàn xã Za Hung. Được biết, nhờ tham gia các lớp truyền dạy của các già làng, nghệ nhân, nhiều năm nay, anh là một trong nhiều bạn trẻ được tham gia đội trống chiêng biểu diễn mỗi lần huyện có tổ chức sự kiện văn hóa. Anh có thể chia sẻ khi tham gia lớp học dân ca dân vũ do các già làng và nghệ nhân truyền dạy?
Anh Alăng Rính: Không chỉ bản thân tôi, mà tất cả các bạn thanh niên mỗi lần tham gia học được các ông truyền dạy là một niềm vinh dự. Qua lớp học này chúng tôi lớp trẻ hiểu được nhiều hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, càng ngày càng thấy yêu văn hóa dân tộc mình hơn.
A Lăng Lợi: Qua các lớp học này, bản thân anh hiểu thêm như thế nào về văn hóa của ông cha mình?
Anh Alăng Rính: Phải nói là hiểu rất nhiều. Trước đây nhiều thanh niên không biết đánh trống, đánh chiêng, múa tân tung da dă, sau khi tham gia lớp học, nhiều bạn đã thành thạo nhiều điệu múa, hát. Bản thân tôi thấy văn hóa Cơ Tu còn nhiều điều rất hay, càng tìm hiểu càng thấy thú vị. Đây là tài sản vô giá mà cha ông ta đã để lại, chúng ta cần lưu giữ và phát huy.
A Lăng Lợi: Xin cảm ơn anh Alăng Rính. quay trở lại với ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang. Thưa ông, hiện nay, huyện đã có nhiều già làng, người có uy tín và nghệ nhân được phong tặng danh hiệu. Đây là những người am hiểu về văn hóa và có nhiều kinh nghiệm trong chế tác nhạc cụ, biểu diễn dân ca dân vũ của đồng bào Cơ Tu. Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của họ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu?
Ông Đỗ Hữu Tùng: Hiện nay, trên địa bàn huyện Đông Giang có 77 già làng, người có uy tín. Phải nói rằng, sự đóng góp của đội ngũ này vô cùng lớn không chỉ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc mà tất cả các mọi mặt đời sống xã hội. Thứ nhất, các già làng, người có huy tín đều nhận thức được trách nhiệm giữ gìn văn hóa dân tộc mình. Thứ hai, họ cũng ý thức được việc gương mẫu trong việc chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong phát triển kinh tế, truyền dạy để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt là phát huy bản tính của người Cơ Tu là nghĩ vì lợi ích chung trước rồi mới nghĩ đến lợi ích riêng, nhờ đó mà tình đoàn kết trong cộng đồng được phát huy cao, con cháu thi đua học tập, phát triển kinh tế, giữ gìn văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn minh.
A Lăng Lợi: Ngoài việc huy động đội ngũ già làng, nghệ nhân tham gia truyền dạy, thời gian tới, huyện Đông Giang tiếp tục có những chính sách, giải pháp như thế nào để bảo tồn văn hóa của đồng bào Cơ Tu?
Ông Đỗ Hữu Tùng: Trong thời gian qua, huyện Đông Giang đặc biệt quan tâm đến đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, thực hiện tốt các chính sách, chế độ, biểu dương, khen thưởng cho những người có uy tín làm tốt công tác tuyên truyền.
Thời gian tới, huyện Đông Giang tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết, các chính sách liên quan đến người có uy tín, chăm lo đời sống, động viên kịp thời để những người có uy tín có động lực, thể hiện trách nhiệm cao hơn nữa với cộng đồng, đặc biệt trong công tác bảo tồn văn hóa của đồng bào Cơ Tu. Đồng thời, tôi cũng mong muốn các cấp từ Trung ương, tỉnh hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện mở lớp truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, cũng như tổ chức các sự kiện để bà con có sân chơi thể hiện tài năng, đam mê về văn hóa truyền thống của dân tộc.
Alăng Lợi: Thưa bà con và các bạn! Hy vọng, với nỗ lực của chính quyền và mỗi người dân, văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam tiếp tục được gìn giữ và bảo tồn, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Cuộc tọa đàm chủ đề “Huyện Đông Giang phát huy vai trò của già làng trong bảo tồn văn hóa Cơ Tu” của chúng tôi đến đây là kết thúc. Cám ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình. Cám ơn bà con và các bạn đã quan tâm theo dõi./.
Viết bình luận