Thực hiện: Jumi Sĩ
Khách mời: Ông Zơ Râm Plênh-Già làng uy tín thôn Pà Oi, xã La Ê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Thưa bà con, thưa các bạn!
Đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam vốn giỏi nghề điêu khắc gỗ, trang trí nhà Gươl, dệt thổ cẩm, rèn, đan lát... Trong những nghề truyền thống lâu đời này, nghề đan lát luôn thể hiện sự cần mẫn, sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo của người Cơ Tu. Đây là nét văn hóa đặc sắc đến nay vẫn được bà con lưu truyền và gìn giữ. Chuyên mục “Sống vui sống khoẻ” tuần này, bà con và các bạn cùng A Viết Sĩ, PV Đài TNVN gặp gỡ nghệ nhân Zơ Râm Plênh, người có uy tín ở thôn Pà Oi, xã La Ê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, tìm hiểu về việc giữ gìn nghề đan lát truyền thống của đồng bào Cơ Tu nhé.
PV: Xin chào nghệ nhân Zơ Râm Plênh! Từ khi nào ông bắt đầu biết và thích thú với nghề đan lát truyền thống của người Cơ Tu mình?
Nghệ nhân Zơ Râm Plênh: Từ nhỏ tôi đã biết đến nghề đan lát, vì hầu như nhà nào cũng làm. Sau khi đi học ở Đắk Lắk về tôi lập gia đinh khi mới 20 tuổi, cũng từ đó tôi bắt đầu mày mò học theo từ ông, từ bố của tôi và dần dần tôi đan được các loại giỏ, mâm, nia, gùi...các loại. Tôi nghĩ, chỉ cần có đam mê với nghề truyền thống của mình thì không ai không làm được. Tôi thật sự rất thích nghề đan lát của người Cơ Tu.
PV: Công đoạn để làm ra các sản phẩm đan lát truyền thống của người Cơ Tu như thế nào. Nó đòi hỏi những yếu tố gì, thưa ông?
Nghệ nhân Zơ Râm Plênh: Mình nghĩ thì dễ, nhưng thật sự nó đòi hỏi rất nhiều yếu tố để có thể hoàn thành được một sản phẩm. Phải qua nhiều công đoạn thủ công, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ. Bắt đầu từ việc vào rừng chọn nguyên liệu như loại mây thế nào cho đúng, kiểu tre thế nào cho vừa rồi sau đó mang về chẻ thành sợi ngâm nước, phơi khô rồi mới đan từng bộ phận của sản phẩm. Nếu làm qua loa không kỹ càng thì sử dụng không lâu bền và cũng dễ bị người ta khinh thường.
PV: So với các loại giỏ hay gùi thì cái nia, A’đhung (dùng để phơi lúa) được làm một cách công phu và nó đặc biệt hơn trong đời sống thường ngày của người Cơ Tu. Ông có thể nói rõ hơn về điều này được không ạ?
Nghệ nhân Zơ Râm Plênh: Nghề đan lát của người Cơ Tu đã có từ lâu đời, gắn liền với quá trình lao động, sinh hoạt của bà con. Trước đây chưa có chén, bát, thau, rổ...như bây giờ nên người dân phải tự đan lát các loại giỏ, rổ, gùi, nia bằng mây tre để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Đối với cái nia và A’đhung thì có chút đặc biệt hơn, vì hai loại này có kích thước to hơn dùng chủ yếu để phơi lúa, xay lúa và làm sạch từng hạt gạo nên được làm kỹ hơn và đòi hỏi công sức lẫn sự kiên trì của người làm nhiều hơn. Cái nia thường có hai loại, một loại đan chặt kín để dễ xúc lúa, còn một loại đan hở hơn với nhiều lỗ nhỏ dùng để làm sạch hạt sạn dính trong lúa, nên hai loại này được làm công phu hơn.
PV: Thưa ông! Mỗi sản phẩm đan lát như gùi, a’đhung, nia đều có kích thước cụ thể riêng hay mình làm tùy sở thích ạ?
Nghệ nhân Zơ Râm Plênh: Nói chung làm lớn hay nhỏ tuỳ theo sở thích của mình cũng như người dùng. Nhưng đối với cái nia trước đây thường làm khá to nhưng khi sử dụng lại khá cồng kềnh. Nên bây giờ đa số đều làm rộng khoảng 30 đến 40cm, chiều dài thì khoảng 40 đến 45cm rất vừa vặn và dễ dàng sử dụng. Vì vật dụng này chủ yếu để cho chị em phụ nữ dùng.
PV: Với ông, sự khó khăn và thuận lợi trong việc đan lát là gì? Ngoài việc sử dụng trong gia đình thì các sản phẩm đan lát của người Cơ Tu còn được sử dụng trong những trường hợp nào nữa, thưa ông?
Nghệ nhân Zơ Râm Plênh: Khó khăn nhất là khâu tìm kiếm nguyên vật liệu rồi đo đếm một cách chuẩn xác nhất. Nếu không chuẩn từ đầu thì khi hoàn thành sản phẩm sẽ không đẹp và bền. Còn lại thì rất đơn giản, không khó khăn gì. Đối với chiếc gùi, nia, mâm hay a’đhung... không chỉ để sử dụng trong gia đình, mà đây còn là quà để biếu cho bà con họ hàng, cho khách quý. Khi mình cón con gái, cháu gái đi lấy chồng thì mình lấy cái này để tặng cho 2 vợ chồng để có cái sử dụng. Ngoài ra, hiện nay nhiều nơi biết đến các sản phẩm đan lát của người Cơ Tu rất nhiều và họ rất ưa chuộng. Gìơ mình có thể vừa làm để dùng vừa làm để bán kiếm thêm thu nhập. Một cái nia giờ bán cũng được 450 ngàn đồng.
PV: Là một già làng uy tín và là một nghệ nhân, bản thân ông có những cách tuyên truyền, vận động như thế nào để lớp trẻ ngày nay giữ gìn và phát huy văn hóa của đồng bào mình nói chung và nghề đan lát truyền thống nói riêng?
Nghệ nhân Zơ Râm Plênh: Tôi vẫn thường xuyên chỉ dạy và truyền đạt với lớp trẻ bây giờ tuyệt đối không thờ ơ với những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào mình. Đặc biệt là về nghề đan lát, về múa cồng chiêng và các loại nhạc cụ... Thực tế bây giờ các bạn trẻ chỉ thích chạy theo cái mới, cái hiện đại hơn nên không còn chú tâm đến những giá trị văn hoá tốt đẹp vốn có của mình. Tôi thật sự rất buồn. Chỉ khi có các dịp lễ hội của xã, của huyện tổ chức thì mới thấy các bạn tham gia, còn lại hầu như không có. Nếu tìm ra các bạn trẻ bây giờ mà đan lát hay chơi nhạc cụ được thì chỉ đếm bằng đầu ngón tay. Đây là điều đáng báo động cần sự quan tâm hơn từ các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương.
PV: Vâng, cảm ơn ông về cuộc trò chuyện hôm nay!
Viết bình luận