Thưa bà con và các bạn, Alăng Lợi đang có mặt tại nhà Văn hóa Trung tâm huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây đang diễn ra lễ kết nghĩa giữa 2 địa phương là xã Tà Lu và thị trấn Prao. Để hiểu rõ hơn về Lễ kết nghĩa này, chúng ta cùng gặp gỡ già làng Arât Típ, ở thôn Ngã Ba, thị trấn Prao, huyện Đông Giang.
Xin chào già làng Arất Típ!
Vâng xin chào chị và toàn thể bà con!
Thưa già làng, lễ kết nghĩa của đồng bào Cơ Tu có từ bao giờ ạ?
Lễ Kết nghĩa này có từ xa xưa rồi, không ai nhớ rõ lễ này có từ khi nào. Nói chung nghe ông cha nói, khi người Cơ Tu có trên mặt đất này, lễ Kết nghĩa cũng có từ đó. Lễ kết nghĩa có thể tổ chức to hoặc nhỏ.
Vâng, già làng có thể cho biết lễ kết nghĩa có vai trò như thế nào trong đời sống của đồng bào Cơ Tu?
Ngày xưa, người Cơ Tu tổ chức Lễ kết nghĩa khi hai bên xảy ra mâu thuẫn, đặc biệt thường xảy ra ở lĩnh vực đất đai, một bên đông dân lại ít đất, một bên thưa dân, đất đai rộng lớn. Không để mâu thuẫn đó kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống sau này nên một bên chủ động kết nghĩa để mối quan hệ giữa hai bên được hài hòa, gắn bó.
Như vậy, bên nào sẽ chủ động đưa ra đề nghị làm lễ kết nghĩa, thưa già làng?
Người đề nghị làm lễ kết nghĩa thường là phía bên muốn xin ít đất làm rẫy, muốn xin ít cánh rừng để săn bắt. Người đưa ra lời đề nghị tổ chức làm lễ Kết nghĩa cũng là phía bên chủ trì buổi lễ, gọi là chủ, còn phía bên kia gọi là khách.
Tục này hiện nay có còn được tổ chức nữa không thưa già làng?
Ở một số nơi vẫn còn. Tuy nhiên, hiện nay, lễ kết nghĩa được tổ chức không xuất phát từ sự mâu thuẫn, mà là để giữ mối quan hệ ngày càng tốt đẹp, đoàn kết hơn. Qua đó, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh, chính trị, giao lưu lưu văn hóa.…Đồng thời lễ kết nghĩa được tổ chức góp phần tạo nên khối đại đoàn kết trong cộng đồng.
Tổ chức lễ này có cần phải xem ngày lành tháng tốt không và chuẩn bị gồm những gì thưa già?
Muốn tổ chức sự kiện gì, người Cơ Tu đều xem ngày tốt, tháng tốt. Tổ chức lễ Kết nghĩa cũng vậy. Mỗi bên cũng phải chuẩn bị những lễ vật cần thiết. Ví dụ bên chủ động lễ kết nghĩa sẽ chuẩn bị những con vật bốn chân và phía bên kia chuẩn bị cơm lam, xôi và những con vật 2 chân và không chân….
Vâng, xin cảm ơn già làng Arất Típ!
Thưa bà con và các bạn! Để tổ chức lễ kết nghĩa, trước đó, thị trấn Prao cử hai người uy tín đến xã Tà Lu bàn bạc, trao đổi, sau đó thống nhất ngày tổ chức lễ kết nghĩa. Mọi việc, mọi câu chuyện giữa hai bên trao đổi đều sử dụng nghệ thuật nói lý và hát lý.
Sau khi đã thống nhất ngày tổ chức lễ kết nghĩa, hai bên chuẩn bị đầy đủ các lễ vật. Bên chủ là thị trấn Prao đã dựng nêu, chuẩn bị trống chiêng, trâu, bò, heo, cơm, rượu trắng, thuốc trà... Còn bên xã Tà Lu chuẩn bị những gì, chúng ta cùng trò chuyện với già làng Alăng Thân.
Thưa già làng Alăng Thân, xã Tà Lu đã chuẩn bị những lễ vật gì mang đến lễ Kết nghĩa với thị trấn Prao lần này ạ?
Vâng, bên xã Tà Lu là đơn vị khách, chúng tôi chuẩn bị cơm lam, bánh cuốt, xôi, cá, gà, vịt, rượu cần, tấm tút … nói chung những con vật 2 chân và không chân đến.
Trong lễ kết nghĩa có nhiều nghi thức, vậy thì nghi thức nào quan trọng nhất thưa già?
Lễ kết nghĩa có nhiều nghi thức lắm, trong đó, quan trọng nhất là việc đề nghị kết nghĩa có được chấp thuận không. Nếu được chấp thuận thì hai địa phương, hai bên tuy hai mà một, được xem như anh em một nhà. Mọi công việc làm ăn, lao động sản xuất… đều giúp đỡ lẫn nhau, khó khăn chia sẻ, no đói cũng có nhau.
Vâng, xin cảm ơn già làng Alăng Thân!
Thưa bà con và các bạn! Trong lễ kết nghĩa này, Alăng Lợi thấy có một điều đặc biệt, đó là một vài người già trong đội hình chính làm lễ mặc trang phục áo dài khăn đóng. Vì sao lại vậy, nào chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Xin chào già? Già ơi, tại sao trong ngày lễ kết nghĩa của đồng bào Cơ Tu mà mình lại mặc áo dài khăn đóng của đồng bào Kinh ạ?
Tục này có từ thời xa xưa, chỉ khi có lễ lớn mới được mặc và chỉ có người già, uy tín nhất mới mặc được. Qua đây thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa miền xuôi và miền núi, tình đoàn kết giưa đồng bào miền núi và miền xuôi.”
Vâng, cảm ơn già!
Thưa bà con và các bạn! Tại địa điểm tổ chức lễ kết nghĩa, các già làng, các bậc cao niên, bà con nhân dân thị trấn Prao đã có mặt đầy đủ, chào đón, bắt tay với già làng, người dân xã Tà Lu. Lễ kết nghĩa bắt đầu với hình thức nói lý, hát lý kể về tình đoàn kết giữa hai bên. Sau đó, hai địa phương tổ chức lễ cúng báo với Dàng, thần linh, trời, đất về việc kết nghĩa của 2 bên. Mâm cúng có đầy đủ tất cả các lễ vật của thị trấn Prao và Tà Lu đã mang theo như đầu heo, gà, cá, xôi, huyết heo, huyết gà, rượu, trà, thuốc,…
Sau khi thực hiện nghi thức cúng, hai bên cùng uống ly rượu, mong Dàng và thần linh chứng kiến cho việc kết nghĩa, trở thành bạn bè thân hữu từ hôm nay. Đồng thời, hứa với Dàng và các vị thần linh sẽ không để xảy ra mâu thuẫn trong cuộc sống, đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn hoạn nạn, cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Đối với người Cơ Tu, lễ Kết nghĩa là dịp kết mối thân giao, giải quyết mâu thuẫn, tạo sự hài hòa trong cuộc sống; đồng thời mang ý nghĩa sâu sắc trong việc gắn kết cộng đồng, làng bản. Chính vì ý nghĩa đặc biệt đó mà lễ kết nghĩa tồn tại đến ngày nay. Tục lễ này tạo ra mối quan hệ tốt đẹp, đoàn kết giữa làng với làng, giữa xã với xã, huyện với huyện… Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Qua nói lý, hát lý nhằm giáo dục bà con hai bên phải đoàn kết, không tranh giành miếng đất, cánh rừng, không vi phạm những quy ước được hai bên đưa ra. Cùng làm, cùng dùng, cùng giữ gìn từng tấc đất, cánh rừng, từng bẫy thú… Đây là một phong tục tốt đẹp để giáo dục con cháu, thế hệ cha ông xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, con cháu phải biết giữ gìn truyền thống đó, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn…”./.
Viết bình luận