Trao đổi: “Chuyện người giữ rừng Pơ mu”
Thứ năm, 00:00, 07/11/2019
C’nặt t’ruíh “Xợơng p’rá xa nay coh Gươl” tuần nâu vêy xa nay prá xay bhlưa PV A viết Sĩ lâng Bí thư Huyện uỷ Tây Giang- Bh’riu Liếc ooy rau pa zay âng đhanuôr lâng chính quyền chr’hoong Tây Giang, tỉnh Quảng Nam coh bh’rợ zư lêy crâng hơ nghêê ơy bơơn Hội zư lêy pleng k’tíêc lâng môi trường Việt Nam xay moon nắc tơơm c’kir Việt Nam.

Những năm qua, trong khi rừng tự nhiên ở các địa phương đang bị tàn phá nặng nề thì tại huyện vùng cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, những khu rừng Pơ mu và hoa Đỗ quyên cổ thụ ngàn năm tuổi vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Riêng rừng Pơ mu nơi đây có 2011 cây, thì có đến 1.146 cây đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Trong Chuyên mục “Câu chuyện ở Gươl” hôm nay, chúng ta cùng nghe cuộc trao đổi giữa PV A Viết Sĩ với ông Bh’riu Liếc-Bí thư Huyện uỷ Tây Giang, tỉnh Quảng Nam về việc giữ rừng Pơ mu này nhé.

  PV: Xin chào ông! Là một trong những người đầu tiên phát hiện rừng Pơ mu, ông có thể kể lại cuộc hành trình đi tìm cây diễn ra như thế nào?

Ông Bh’riu Liếc: Huyện Tây Giang chia tách năm 2003, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên huyện xác định  là phải giữ rừng. Chúng tôi có câu “Còn rừng thì còn Tây Giang, mất rừng thì mất người dân”, với tinh thần đó chúng tôi đã quán triệt đến mọi người dân và ai cũng hưởng ứng. Muốn giữ rừng thì việc đầu tiên nhà cửa, chỗ ở phải ổn định, an cư thì mới lập nghiệp. Khi đã ổn định thì bắt đầu làm giàu, phải giữ rừng có đất sản xuất nông nghiệp, đất nhà nước đã cấp phải làm và giữ gìn. Đối với rừng Pơ mu, khi nghe thông tin rừng Pơ mu bị tàn phá, sáng ngày 2/9/2011 chúng tôi vào tận rừng sâu xem tình hình thế nào. Khi đó, khu rừng Pơ mu này chưa ai đi, cũng chẳng có đường nên chúng tôi rất sợ lạc vào rừng sâu, có mang bản đồ mà cũng không biết đi như thế nào. Khi đi đến nơi rồi thì chúng tôi lại lo không có nguồn nước, bởi khu rừng Pơ mu này cao 1.500 mét so với mực nước biển nên cực kỳ khó khăn. Sau bao năm đi lại, tìm nguồn nước thì đến năm 2015 mới hoàn thành mọi việc đầu tiên là có nước, có đường đi. Hiện nay, có 2.110 cây Pơ mu  trong đó có tới 1.460 cây được công nhận là cây Di sản. Đây là một điều thật sự hạnh phúc đối với người dân Tây Giang, người dân Quảng Nam và cả nước.

PV: Cảm giác của ông thế nào khi phát hiện khu rừng này?

Ông Bh’riu Liếc: Thật sự lúc đầu rất sợ khu rừng bị tàn phá, lâm tặc đưa tiền cho người dân và thuê người dân chặt phá rừng, lo sợ không còn cây nào nữa. Khi đến gần tới khu rừng thấy những dấu vết chặt phá của lâm tặc chúng tôi rất sốt ruột, suy nghĩ rất nhiều. Nhưng khi vào trong tận khu rừng thấy cả ngàn cây Pơ mu vẫn còn nguyên vẹn, cảm giác lúc đó thật sự vỡ oà trong niềm vui, hạnh phúc không gì tả được.Giống như được trở về nhà, được thấy con, thấy vợ, gặp bà con sau nhiều năm xa cách vậy. Chúng tôi mừng lắm.

PV: Vì sao mỗi cây Pơ mu lại có một cái tên khác nhau, thưa ông?

Ông Bh’riu Liếc: Lúc đầu chúng tôi ghi tên Pơ mu theo thứ tự từ số 1 đến 2.011. Trong các cây Pơ mu có cây nhỏ, cây to, cây có hình thù khác nhau... nên chúng tôi mới nghĩ ra việc đặt tên cho cây. Ví dụ như  Pơ mu Hổ, cây Pơ mu Voi, Pơ mu Rồng...., hoặc là cây Pơ mu Đôi tình nhân, cây này rất đẹp. Đặt cây Tình nhân vì có một cây thông đỏ cuộn vào cây Pơ mu như một cặp đôi đang ôm nhau thắm thiết. Có một khu rừng chúng tôi gọi là vườn trẻ em, tầm khoảng 1 hécta thôi mà toàn cây Pơ mu nhỏđang trong quá trình phát triển. Và mục đích chúng tôi đặt đầy đủ từng tên là để cho dễ nhớ, người dân Tây Giang và du khách đến đây thấy được, nhớ được và luôn tự hào về những cây đó.

PV: Những kỷ niệm nào đáng nhớ nhất đối với ông trong hành trình tìm kiếm rừng Pơ mu?

Ông Bh’riu Liếc: Trong qúa trình tìm kiếm rừng Pơ mu có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Nhưng có một kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi chúng tôi tìm kiếm cây Pơ mu thường cứ vào tầm 4h30 đến 5h30 là tìm thấy 1 cây to. Và việc này lặp đi lặp lại trong nhiều ngày như thế, vấn đề này nói về mặt khoa học cũng không giải thích được, nhưng đó là một sự thật rất đặc biệt. Và một kỷ niệm đáng nhớ nữa là khi chúng tôi vào trong rừng, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm thì có nhiều người nghi ngờ chúng tôi đi chơi, đi khai thác cây Pơ mu để bán. Thật sự rất là đau lòng, nhưng chúng tôi lấy động lực từ việc đó mà cố gắng làm công việc của mình.Đến khi thành công thì mọi người mới ghi nhận và thôi nghi ngờ vì biết chúng tôi đi tìm và cố gắng giữ gìn, bảo vệ khu rừng Pơ mu này.

PV: Việc tìm kiếm rừng Pơ mu đã khó mà giữ gìn để nó còn nguyên vẹn như ngày nay lại càng khó hơn. Vậy ông có thể chia sẻ kinh nghiệm giữ rừng của chính quyền và người dân Tây Giang trong thời gian qua?

Ông Bh’riu Liếc: Đây là một vấn đề mà cán bộ từ tỉnh, huyện rồi đến xã phải có chung một quan điểm, phải thống nhất trong mọi việc. Chúng tôi tuyên truyền, vận động người dân phải chung mục tiêu, chí hướng, tránh việc mỗi nơi, mỗi địa phương mỗi ý.. cuối cùng người dân không biết nghe theo ý nào. Mình phải tin, phải tôn trọng người dân, nói những điều đúng, hợp lý với người dân thì bà con mới nghe, mới giữ và bảo vệ rừng. Thực hiện chủ trương mới, huyện Tây Giang bàn giao hết cây, rừng, núi cho người dân. Người quản lý, bảo vệ ở đây là ai? Là già làng, trưởng thôn, bí thư chi bộ... cây nào, rừng nào bị tàn phá, xâm chiếm thì những người đó là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Khi gắn trách nhiệm rồi thì họ thực hiện rất nghiêm túc, hiệu quả, xem rừng như là của mình phải luôn bảo vệ. Còn cứ giao việc không đúng, hợp tình hợp ý thì rất dễ bị mất rừng. Cho nên chúng tôi rất tôn trọng, tin tưởng, lắng nghe dân nói và cho dân làm... đó là những kinh nghiệm của chúng tôi.

PV: Để khu rừng Pơ mu di sản được giữ gìn và ngày càng phát triển, ông có điều gì muốn gửi gắm đến mọi người?

Ông Bh’riu Liếc: Tôi muốn người dân trên khắp mọi miền đất nước và cả du khách nước ngoài hãy đến với Tây Giang để thăm, tìm hiểu khu rừng Pơ mu này. Mọi người cùng chung tay giữ gìn và bảo vệ, vì đây là tài sản quý hiếm không chỉ riêng của Tây Giang, của Quảng Nam mà còn là của đất nước và cả thế giới nữa. Cùng với những tuyến đường đã được mở, sau này, chúng tôi mở rộng thêm 3 đường bộ vào rừng nữa. Một đường về thôn A’ghríh, một đường về thôn Ariêu và một đường về thôn Voòng.... và ở đây cũng có rất nhiều thác cao khoảng 200 mét rất đẹp chúng tôi cần khai thác ở khu rừng này.

PV: Cảm ơn ông Bh’riu Liếc đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này. Chúc ông luôn mạnh khoẻ, cùng đồng bào Cơ Tu Tây Giang mang lại màu xanh cho rừng./.

 

Ông B'riu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, tỉnh Quảng Nam

 

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC