Gặp gỡ và trò chuyện với cô gái cơ Tu – chủ Nấm homestay
Thứ sáu, 00:00, 16/08/2019
Du lịch cộng đồng không còn là điều mới lạ đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để mô hình này có thể phát triển và “hái ra tiền” lại là vấn đề hoàn toàn khác. Thời gian gần đây, nhiều du khách thập phương và cộng đồng mạng biết đến Nấm homestay tại đồi Ra Ê, xã A Ting, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam ngày càng nhiều. Những căn nhà nhỏ xinh với ao cá, vườn đồi, gà vịt… cuộc sống vốn dĩ bình yên và mộc mạc khiến nhiều du khách thích thú tìm đến nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần. Từ đây, câu chuyện khởi nghiệp của cô gái Cơ Tu Clâu Lanh – chủ Nấm homestay được nhiều bạn trẻ yêu mến và nể phục. Mong muốn lớn nhất của cô gái Cơ Tu này là đem những nét văn hóa đặc trưng, đời sống bình dị thường nhật của đồng bào mình đến với thế giới. Mới đây, PV Kim Cương của chương trình PT tiếng Cơ Tu đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện với Clâu Lanh về cuộc sống, công việc và những dự định trong thời gian tới của cô.

PV: Xin chào Clâu Lanh ! Cảm ơn Lanh đã nhận lời mời tham gia buổi trò chuyện của chương trình PT tiếng Cơ Tu, Đài TNVN hôm nay.

Nhìn Lanh nhỏ nhắn, xinh xắn như thế này, nếu không quen biết Lanh lâu nay chắc không ai đoán được - đây là cô gái Cơ Tu đã 30 tuổi rồi. Nhưng chị vẫn thắc mắc là vì sao Lanh lại chọn cái tên Nấm homestay cho mình vậy ?

NV: Chào chị Kim Cương ! Chào bà con và các bạn thính giả đang nghe chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu, Đài TNVN hôm nay. Tôi rất vui mừng được giao lưu, trò chuyện và chia sẻ về cuộc sống cũng như mô hình đang làm hiện nay của bản thân với chương trình và bà con thính giả.

Cái tên Nấm homestay này cũng xuất phát từ việc mọi người hay gọi mình là Nấm, vì mình nhỏ con. Từ đó, khi triển khai làm mô hình này mình lấy tên Nấm đặt cho homestay của mình luôn.

PV: Vâng, Lanh có thể giới thiệu với thính giả đôi chút về bản thân và sở thích của mình hiện nay.

NV: Hiện nay, mong muốn lớn nhất của mình là làm sao để cuộc sống no đủ, có nhiều tiền để đi du lịch. Bản thân mình phải là cô gái Cơ Tu tự do, tự tin, năng động trong nhiều công việc khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc.

PV: Chị được biết, Lanh Tốt nghiệp Đại học Huế - chuyên ngành báo chí năm 2013, nhiều bạn bè ở lại thành phố tìm kiếm cơ hội theo đổi chuyên môn tại các tờ báo. Thế nhưng vì sao Lanh lại trở về địa phương ?

NV: Thì đầu tiên, bản thân mình là một sinh viên cử tuyển do địa phương cử đi học. Sau khi tốt nghiệp đại học, thì em có suy nghĩ là phải trở về địa phương, mặc dù lúc đó người ta cũng không ép buộc mình phải trở về địa phương công tác. Bởi mình mong muốn trở về địa phương để góp chút công sức xây dựng quê hương.

PV: Vậy, Lanh chia sẻ một chút về duyên cớ khiến Lanh quyết định làm mô hình Nấm homestay ?

NV: Mình là người thích đi đây, đi đó, khám khá thế giới rộng lớn bên ngoài. Đợt mình đi tham quan Bắc Giang thì thấy bà con nơi đây họ làm du lịch cộng đồng, như mô hình homestay rất là hay, rất là đẹp. Mình đến với họ, cùng ăn- cùng ở- cùng làm, trò chuyện, giao lưu văn hóa… Từ đó, mình bắt đầu suy nghĩ về mô hình này và có ý định về địa phương làm. Bởi mình thấy cuộc sống của họ cũng giống với mình nào là đồi núi, văn hóa dân tộc đặc sắc riêng. Bản thân cũng mong muốn giới thiệu văn hóa của mình đến với du khác thập phương biết đến.

PV: Khi quyết định làm mô hình Nấm homestay này, Lanh có tìm hiểu hay có người nào tư vấn cho mình không ?

NV: Trong quá trình làm không có ai tư vấn cả, tự bản thân mình nghĩ ra rồi thiết kế công việc, từ tìm vật liệu, bố trí các home rồi vẽ ra. Sau đó nhờ bố và người dân trong làng làm. Thường thì cứ sau giờ hành chính, mình lại trở về nhà coi mọi người làm có đúng với thiết kế không, rồi đúng với chất liệu chưa…

PV: Để làm mô hình homestay tốn khá nhiều vốn. Lanh đầu tư  homestay của mình hết bao nhiêu tiền ?

NV: Làm mô hình Nấm homestay này cũng tốn khá nhiều tiền, một phần mình chấp lương hàng tháng, vay mượn bạn bè, nhờ bố mẹ hỗ trợ thêm. Đặc biệt là sự hỗ trợ của bố mẹ vừa giúp công vừa giúp vốn.

PV: Rứa là nhất Lanh rồi. Thế Lanh đã đầu tư vào mô hình khoảng bao nhiêu tiền rồi ?

NV: Tính đến nay thì mình cũng đầu tư khoảng gần 400 triệu đồng.

PV: Ngoài sự giúp sức của gia đình, họ hàng, bà con thì chính quyền hỗ trợ chi không ?

NV: Đến thời điểm này thì chính quyền vẫn chưa có sự hỗ trợ nào. Nhưng khi mô hình của mình đi vào hoạt động, có khách đến tham quan, du lịch thì chính quyền cũng ghi nhận, động viên và sẽ tìm nguồn hỗ trợ để mô hình phát triển hơn nữa.

PV: Nấm homestay bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2018 đến nay, tính ra đã gần 1 năm, Lanh thấy hoạt động homestay có phải là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế không ?

NV: Cũng không giấu diếm gì, cũng có khách nước ngoài, khách trong nước đến. Thu được bao nhiêu thì mình dành dụm để trả nợ tiền vay mượn bạn bè lúc trước, nên không tích lũy được. Nhưng mình cũng tin tưởng sau vài năm, trả nợ xong bạn bè thì chắc cũng tích được chút vốn cho bản thân.

PV: Vậy, mỗi tháng bình quân Lanh đón bao nhiêu lượt khách ?

NV: Bình quân mỗi tháng mình đón từ 8 đến 10 đoàn khách, mỗi đoàn khoảng 15 đến 30 người.

PV: Vừa đảm nhận công việc văn phòng, vừa phải quản lý Nấm homestay, Lanh gặp nhiều khó khăn, vất vã lắm không ?

NV: Cũng không vất vã lắm, vì đây là mô hình hoạt động kiểu gia đình nhỏ. Bên cạnh đó, mình cũng được sự giúp đỡ, hỗ trợ của bố mẹ, bà con thôn xóm nên cũng yên tâm làm tốt công việc chính của mình. Với hơn nữa, mình cũng chỉ đón khách vào dịp cuối tuần thôi và nhận theo đơn đặt hàng trước chứ không đón khách cả tuần.

PV: Trong thời gian tới, Lanh có dự định gì trong phát triển mô hình Nấm homestay ?

NV: Mình cũng có dự định, tìm kiếm vốn hỗ trợ để hoàn thiện mô hình Nấm homestay này. Sau hoàn thiện thì mình sẽ đón khách 7 ngày trong tuần và muốn xây dựng thêm một homestay tại thị trấn P’rao. Bởi vì mô hình này thành công thì không chỉ bản thân mình được hưởng lợi mà bà con trong vùng cũng cùng nhau làm và hưởng lợi từ đây. Hiện nay, mình đang làm đề án xin vốn hỗ trợ từ Tỉnh Đoàn và Trung ương Đoàn vì nghe nói là có vốn hỗ trợ cho thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế.

PV: Với những thành công bước đầu, Lanh muốn gửi gắm điều gì đến các bạn trẻ hiện nay, nhất là các bạn trẻ đang ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp homestay như Lanh không ?

NV: Ban đầu làm việc gì mà ai chả gặp nhiều khó khăn ? Bản thân mình khi làm mô hình này cũng gặp rất nhiều khó khăn đấy. Nhưng bản thân mình đã rất nỗ lực, rất cố gắng để làm sao đạt được cái mục tiêu, mục đích mà mình đã ấp ủ. Mình cũng muốn chia sẻ với các bạn trẻ, làm bất cứ công việc gì đầu tiên là phải thật sự nỗ lực, thật sự cố gắng hết sức mình. Sau sự nỗ lực sẽ là thành công và cuộc sống của chúng ta mới thật sự có ý nghĩa, đủ đầy và hạnh phúc cũng từ đó mà ra.

PV: Vâng, xin cảm ơn về những chia sẻ của Lanh trong buổi trò chuyện với chương trình phát thanh hôm nay. Chúc Lanh cùng gia đình sức khỏe và mong muốn Nấm homestay ngày càng phát triển. Và qua đây, chương trình cũng mong muốn gửi đến các bạn trẻ thông điệp về sự tự tin, nhẫn nại và vượt khó trên hành trình khởi nghiệp của mình./.

 

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC